Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/8 đến ngày 10/8 năm 2018
Nỗ lực giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh; Phương thuốc chữa “căn bệnh” quá tải bệnh viện; TP. Hồ Chí Minh: Lo ngại sốt xuất huyết hoành hành; 100% học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT; Nhân dân Nỗ lực giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám bệnh đã rút ngắn khá nhiều so với trước đây. Nhưng ở bệnh viện tuyến trung ương, thời gian chờ vẫn còn dài, cho nên ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay những giải pháp cụ thể để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Triển khai Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giảm quá tải khu vực ngoại trú bằng việc cải tiến quy trình khám bệnh. Toàn ngành thống nhất quy trình khám bệnh tại tất cả các bệnh viện đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo quy trình cơ bản gồm 4 đến 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán), giảm khoảng 50% so với quy trình từ 10 đến 15 bước trước đây. Ðồng thời, cắt giảm một số thủ tục hành chính như: bệnh viện phải phô-tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh phải tự phô tô; sau khi làm xét nghiệm, người bệnh không phải chờ để tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); cắt giảm hai trong năm chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện tăng số bàn khám để giảm số lượng khám trên mỗi bàn khám và giúp bác sĩ có thể tăng thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1313/QÐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện, các cơ sở y tế cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; thực hiện cải tiến môi trường vệ sinh chung của bệnh viện theo hướng khang trang, thuận tiện, tiện nghi, sạch đẹp hơn... Nhờ đó, kết quả khảo sát sự hài lòng cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh. Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy: thời gian khám lâm sàng chung của cả ba tuyến bình quân là 66,5 phút (giảm 53,5 phút); tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, với 45,4 phút. Khám lâm sàng theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút (giảm so với quy định 40 phút), tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút... Bình quân giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút, qua đó tiết kiệm được tới hơn 27 triệu ngày công lao động mỗi năm. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải chờ rất lâu. Người bệnh đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 - 6 giờ sáng nhưng phải đến 8 - 9 giờ mới được khám. Những trường hợp phải làm thêm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Chính vì vậy, người đứng đầu ngành y tế đưa ra mục tiêu: Không thể để người bệnh chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để người bệnh không phải đợi quá lâu. Các bệnh viện phải quyết tâm, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 17 giờ và hẹn khám theo giờ. Thống kê của nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, có tới 80% số người bệnh tới khám vào buổi sáng, trong khi buổi chiều lại vắng vẻ. Vì thế, giải pháp đơn giản nhất là hẹn thời gian khám bệnh. Ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, khi họ đến khám chỉ cần chờ từ 5 đến 10 phút. Tuy nhiên, khi đã đặt lịch thì phải bố trí người khám cẩn thận, chu đáo, sau một lần sẽ thành thói quen, người bệnh đỡ phải chờ đợi. Với những người bệnh chỉ đến tái khám, không phải làm xét nghiệm thì nên chuyển sang buổi chiều. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, muốn giảm thời gian chờ khám bệnh, phải đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Người bệnh đặt lịch online; giới hạn số lượt khám bệnh từng ngày; thống kê sự tăng giảm số lượng người bệnh theo từng ngày để bố trí đội ngũ bác sĩ và đầu tư trang thiết bị vào những khu vực có nhu cầu. Ngoài ra, nên triển khai hệ thống thông báo tin nhắn SMS khi gần đến lượt khám của người bệnh. Giảm tối đa dùng giấy, tất cả thông tin đều được liên kết bằng hệ thống máy tính. Người bệnh khi khám sẽ được cấp mã số thông suốt trong suốt quá trình khám, chữa bệnh ở các bệnh viện. Để rút ngắn thời gian chờ đợi, các bệnh viện cần cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là những hạn chế trong quy trình nhận diện thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường dịch vụ đặt lịch khám qua điện thoại, có sự phối hợp tích cực của cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý người bệnh, hỗ trợ máy lấy số thứ tự cho một số bệnh viện. Giải pháp về lâu dài mà ngành y tế cũng đang tích cực triển khai là nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường… về khám định kỳ, nhận thuốc tại tuyến y tế cơ sở, không cần phải lên tuyến trên, vừa tránh tình trạng quá tải, vừa giúp người bệnh không phải chờ lâu và giảm chi phí đi lại. Lao động Phương thuốc chữa “căn bệnh” quá tải bệnh việnTrong khuôn khổ phiên họp lần thứ 10, ngày 7.8 tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Trong đó nổi bật lên vấn đề về những hạn chế khiến bệnh viện luôn quá tải. Phóng viên Lao Động đã tìm hiểu tại Đà Nẵng - nơi sự quá tải xuất phát từ việc bệnh nhân không tin bệnh viện tuyến dưới. Y tế cơ sở kém hiệu quả: Lỗi tại ai? Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, y tế cơ sở gồm tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám - chữa bệnh (KCB) tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã và thường vượt lên tuyến. Cụ thể, số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã vẫn còn hạn chế; chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến y tế cơ sở... Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp thêm quỹ BHYT, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã: “Vừa rồi, chúng tôi làm 26 trạm y tế mẫu, phấn đấu trạm y tế xã ít nhất phải được như Thái Lan, các trạm còn lại phải nâng cấp, sửa chữa, cần luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và ngược lại, không để bác sĩ tuyến xã suốt đời ở xã”- Bộ trưởng nói. Trong khi đó, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lại chỉ ra rằng, tự chủ tài chính bệnh viện đã thúc đẩy các bệnh viện tăng thu người bệnh, kéo dài thời gian nằm viện để tăng số tiền thanh toán với cơ quan BHXH. Ví dụ như ở một số bệnh viện, bệnh nhân phẫu thuật Phaco phải nằm viện từ 5-7 ngày, hay đẻ thường nằm viện tới 5-6 ngày. Hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng y tế cơ sở vẫn giữ lại điều trị tới 3 ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn. Cũng do tự chủ tài chính nên bệnh viện huyện, trạm y tế chỉ định quá mức quy định, kê thêm giường, sử dụng thuốc, vật tư chưa hợp lý. Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, quốc hội cần điều chỉnh chính sách thông tuyến KCB BHYT để tránh tình trạng người dân đi KCB không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, kéo theo việc giảm vai trò của trạm y tế xã trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Đối với các bệnh thông thường mà người bệnh điều trị ở tuyến trên, cần tăng mức đồng chi trả hoặc không thanh toán BHYT. “Quốc hội cần điều chỉnh chính sách thông tuyến KCB BHYT để tránh tình trạng người dân đi khám chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, kéo theo việc giảm vai trò của trạm y tế xã trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Đối với các bệnh thông thường mà người bệnh điều trị ở tuyến trên, cần tăng mức đồng chi trả hoặc không thanh toán BHYT”- bà Minh nói. Quá tải vì… giảm giá dịch vụ Thông tư 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 17.7.2018 về việc điều chỉnh giá (chủ yếu làm giảm) của 88 dịch vụ y tế. Những tưởng, thông tư này ra đời sẽ giúp người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế giá rẻ, song thực tế, thông tư này góp phần làm cho các bệnh viện trở nên quá tải. Lý do đầu tiên là việc giảm giá này là nhằm giảm phần chi trả của BHYT và áp dụng đối với những bệnh viện không tự chủ về tài chính. Một số chuyên gia y tế cho biết: Người bệnh sẽ phải tăng phần chi trả chênh lệch giữa giá của Bộ Y tế ban hành và giá của cơ sở y tế đã tự chủ tài chính. Còn các cơ sở chưa thể tự chủ về tài chính thì bắt buộc phải giảm giá các dịch vụ theo quy định. Việc giảm giá lần này làm cho họ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí, giảm lương... Từ đó, sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh. Trên tờ Thời báo kinh tế Sài gòn số ra đầu tháng 7.2018, bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích: “Theo Thông tư 15 này, đồng thời với việc Bộ Y tế thỏa hiệp giảm giá các dịch vụ KCB là việc BHXH thỏa hiệp chi trả cho việc 1 bác sĩ khám trên 65 bệnh nhân 1 ngày. Việc quy định mỗi bác sĩ khám 1 ngày 65 bệnh nhân theo tôi đã là quá cao. Nếu vẫn chi trả cho những ca khám từ số 66 trở đi, dù với mức giá bằng 50% mức thông thường, có nghĩa là vẫn nuôi dưỡng quá tải”. Ngoài sự quá tải đối với chính bác sĩ dẫn đến khó đảm chất lượng KCB. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm ngân sách hoạt động, các bệnh viện phải duy trì quá tải mới bảo đảm được việc đó. Càng cắt giảm giá dịch vụ, càng phải nuôi dưỡng quá tải. Cùng với việc nuôi dưỡng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, việc chuyển giao công nghệ về các bệnh viện tuyến dưới càng khó khăn. Từ đó, sự chênh lệch chuyên môn giữa các tuyến sẽ không thể san bằng được. Người bệnh sẽ lại bỏ qua tuyến dưới và đổ lên các tuyến trên. Ngân sách đầu tư cho tuyến dưới bỏ phí. Chất lượng KCB của tuyến trên không bảo đảm vì quá tải. Nghĩa là, bài toán quá tải bệnh viện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Trong khuôn khổ phiên họp ngày hôm qua, ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội - đưa ra thông tin: “Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện... Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới”. Các ý kiến phản biện của đại biểu tại phiên họp đã đề nghị Bộ Y tế nêu rõ trách nhiệm của mình và chính quyền các địa phương về những yếu kém của y tế cơ sở và việc xây dựng y tế theo hướng phát triển bệnh viện chứ chưa quan tâm đúng mức đến y tế dự phòng như vừa qua. Bộ Y tế cần cân bằng giữa việc phát triển y tế chuyên sâu với y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó mới tìm ra “phương thuốc” chữa căn bệnh quá tải bệnh viện TP. Hồ Chí Minh: Lo ngại sốt xuất huyết hoành hànhHiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bắt đầu vào mùa tại TPHCM. Bình quân mỗi tuần, các bệnh viện TPHCM tiếp nhận khoảng 300 - 450 ca SXH. Đáng lo ngại hơn là TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tuổi tại Q.12 bị tử vong vì SXH. Dự báo sắp tới tình hình dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và đỉnh điểm của dịch bệnh có thể rơi vào tháng 10. Đã có ca tử vong do SXH Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM thì tại TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bị tử vong so bệnh SXH. Bác sĩ Vũ Đức Diễn (TTYTDP Q.12) cho biết, đó là trường một bệnh nhi 7 tuổi tại phường Hiệp Thành, Q.12. Theo đó, bệnh nhi là bé gái, bị SXH, được gia đình cho đi bệnh viện theo dõi. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực điều trị, kê đơn thuốc theo phác đồ điều trị nhưng bé đã tử vong ở ngày thứ 6 của quá trình bệnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận có khoảng 6.000 ca nhập viện vì SXH, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh SXH trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao khiến người dân lo ngại, dự báo đỉnh điểm dịch SXH rơi vào khoảng tháng 10. Theo TTYTDP TPHCM, trung bình mỗi tuần hiện nay thành phố có khoảng 350 trường hợp nhập viện do mắc SXH, có tuần lên đến 450 trường hợp. Anh Trần Công Trình (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Thông tin có người tử vong do SXH khiến tôi lo ngại về khả năng mắc bệnh cao đối với 2 con nhỏ hiện nay. Do vậy, gia đình tôi đã chủ động tiến hành vệ sinh sạch sẽ bể cá, bình bông, lu chứa nước, dọn sạch nhà cửa, điểm dễ phát sinh lăng quăng phòng chống SXH và ngủ mùng cho an toàn”. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu dân cư, điểm chợ tự phát… trên địa bàn Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12… vẫn tồn tại thực trạng vệ sinh không đảm bảo, nhiều rác thải sinh hoạt, có vũng nước đọng lại tiềm ẩn nguy cơ muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, tồn tại một số hộ gia đình thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh như để chai lọ, vứt rác bừa bãi, ít vệ sinh nhà cửa…. Ráo riết phòng chống SXH thời điểm bệnh bùng phát Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, cần tích cực, chủ động phòng chống bệnh SXH trước mùa dịch. Tại TPHCM, đại diện TTYTDP quận 12, quận Hóc Môn, Gò Vấp… đã triển khai nhiều biện pháp như ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, kêu gọi người dân hưởng ứng phòng, chống SXH, tích cực thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. “Hiện nay đã kiểm soát và xóa được nhiều điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng trong cộng đồng. Tuy nhiên, TTYTDP thành phố chỉ kiểm soát được các điểm nguy cơ ở nơi công cộng, còn những điểm dễ phát sinh lăng quăng ở trong các hộ gia đình như bể cá, bình bông, ly nước để trên bàn thờ, lu chứa nước… thì cần sự chung tay, ý thức phòng ngừa của người dân” - đại diện TTYTDP cho biết. ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TPHCM) cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại khoa… Theo đó, SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn... ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn cũng khuyến cáo các phụ huynh cần theo dõi trẻ, khi có các dấu hiệu trở nặng: Chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, người lừ đừ thì lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời An ninh Thủ đô 100% học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT Ngày 8-8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã có công văn gửi BHXH các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên năm học 2018-2019. Theo đó, BHXH TP Hà Nội đề nghị BHXH các quận, huyện, thị xã của thành phố phải tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng nội dung hướng dẫn của BHXH Việt Nam về việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019. Báo cáo, tham mưu UBND cùng cấp có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đối với các cơ sở giáo dục. Riêng các cơ sở giáo dục có tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên chưa đạt 100%, BHXH các quận, huyện, thị xã phải báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và BHXH TP Hà Nội để tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, phổ biến, tuyên truyền chính sách BHYT, đồng thời đưa ra các giải pháp để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo quy định. Trước đó, Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đã có công văn đề nghị Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT để đạt được kết quả cao hơn những năm trước (năm học 2017-2018 mới đạt 89,6%), phấn đấu đạt được chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên có thẻ BHYT năm học 2018-2019. Tương tự, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã có công văn gửi các trường Cao đẳng, Trung cấp thuộc Thành phố đề nghị các trường phải đảm bảo 100% học sinh, sinh viên đang học tập tham gia BHYT theo quy định từ năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo. Đồng thời, coi đây là một trong những tiêu chí thi đua, cơ sở đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của các trường. Năm học 2018-2019 vừa qua, trên địa bàn Hà Nội chỉ có 2 quận đạt được tỷ lệ 100% học sinh tiểu học tham gia BHYT, ở bậc học THCS và THPT chỉ có 1 quận đạt được tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT. Cá biệt có một số huyện ở ngoại thành còn có tỷ lệ học sinh các cấp tham gia BHYT thấp, đạt dưới 80%. Với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, vẫn còn nhiều quận huyện của Hà Nội có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT (đã có thẻ BHYT) rất thấp, mới đạt 20, 22%, quận huyện có tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT cao nhất cũng mới chỉ đạt hơn 96%. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Trẻ em bị sởi biến chứng nguy hiểm nhập viện tăng mạnh Sáng nay, 8-8, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin cho biết, thời gian gần đây, số trẻ bị sởi biến chứng nguy hiểm vào viện điều trị gia tăng mạnh. Thương tâm hơn cả là trường hợp 2 anh em sinh đôi, mới 11 tháng tuổi (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) hiện vẫn đang phải nằm điều trị, với tiên lượng nặng. Theo lời kể từ gia đình, 2 bé sinh đôi này sinh non, khi mới 30 tuần tuổi, nhẹ cân, và hiện chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Cách đây hơn 1 tuần, gia đình đưa người anh là bé N.Đ. đến nhập viện trong tình trạng sốt cao, ban đỏ lan khắp thân người, không ăn uống được, khó thở, sốt cao 39 độ, ho, chảy nước mũi, nước mắt, đi ngoài phân nát… Kể từ khi xuất hiện các triệu chứng trên đến khi bé được đưa đi nhập viện là 4 ngày. Người anh nhập viện được 3 ngày thì đến lượt người em sinh đôi cũng phải nhập viện với các biểu hiện tương tự. Hiện sau một tuần điều trị, dù đã được sử dụng phác đồ điều trị viêm phổi nặng, sử dụng kháng sinh mạnh, truyền dịch, chống co giật… nhưng cặp anh em song sinh 11 tháng tuổi bị bệnh sởi vẫn trong tình trạng suy hô hấp, tiên lượng biến chứng viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi. Bác sĩ Huy cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 34 bệnh nhi bị sởi nhập viện, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi và 100% chưa được tiêm chủng vaccine phòng sởi
|