Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 17/09/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 3 5 7 7 9 7 4
Số người đang truy cập
2 2 2
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/7 đến ngày 15/7 năm 2018

Sức khỏe & Đời sống

BV Chợ Rẫy khống chế thành công chùm bệnh cúm A/H1N1

Gần 20 ngày sau khi phát hiện những bệnh nhân mắc cúm đầu tiên, đến sáng 29/6, toàn BV Chợ Rẫy chỉ còn một bệnh nhân cúm A/H1N1 đang điều trị, 3 trường hợp khác đang được theo dõi và không có bệnh nhân bị mắc mới.

Ngày 11/6, khoa Nội Thận, Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 4 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm. Ngay lập tức, những trường hợp này được cách ly và điều trị với thuốc kháng vi rút và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR (xét nghiệm xác định chủng loại cúm).

Ngay sau khi kết quả xác nhận 4 bệnh nhân này nhiễm cúm A/H1N1, BV Chợ Rẫy đã đồng loạt triển khai thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm năm 2018 do giám đốc trực tiếp lãnh đạo; Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện; Thực hiện các quy trình phối hợp các chuyên khoa/phòng khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm cúm. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong bệnh viện; Tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm; Tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, cách phòng ngừa nhiễm bệnh cho thân nhân bệnh nhân; Dự phòng, đảm bảo đầy đủ cơ sở trang thiết bị, thuốc men; Chích ngừa cúm cho nhân viên y tế…

Những ngày sau đó, trong số 17 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm tại khoa Nội Thận được cách ly và tầm soát thì có 10 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Một bệnh nhân đã tử vong (bệnh nhân này có bệnh nền suy thận mãn tính giai đoạn cuối). Ngoài các trường hợp đã nêu, BV Chợ Rẫy còn tiếp nhận và điều trị cho 13 bệnh nhân khác. Các bệnh nhân này nhập viện từ khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh do nghi ngờ nhiễm cúm và cũng được cách ly tại khoa Bệnh Nhiệt đới. Trong số này, có 5 bệnh nhân xác định nhiễm cúm A/H1N1.

Toàn bộ bệnh nhân nhiễm cúm đều được xác định chủng virus AH1N1pdm2009 và chưa phát hiện biến chứng. Các bệnh nhân tử vong đều có chung đặc điểm là những đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính (suy thận mạn, đái tháo đường…) hay cơ địa béo phì và không được tiêm ngừa trước đó.

Với lưu lượng lớn người ra vào bệnh viện (từ 15.000 – 20.000 người/ngày gồm bệnh nhân, thân nhân, học viên, đối tác…), việc phòng chống dịch bệnh là rất khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của ban lãnh đạo bệnh viện, nhiều giải pháp đã được triển khai song song; cùng sự hợp tác tốt của người bệnh và thân nhân bệnh nhân đã giúp Bệnh viện kiểm soát, khống chế được chùm bệnh tại khoa Nội Thận chỉ trong thời gian 9 ngày.

Như vậy, tính đến ngày 29/6, tại khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ còn điều trị cho một bệnh nhân bị cúm AH1N1 đang thở máy và 3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm đang được theo dõi.

Làm gì để “hút” người dân khám chữa bệnh tại y tế cơ sở?

Đây là nội dung chính được đề cập tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

Nhấn mạnh tại hội nghị, cả lãnh đạo ngành y tế và BHXH Việt Nam đều thẳng thắn cho rằng y tế cơ sở (YTCS) dù được coi là người “gác cổng” trong hệ thống y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) ngay tại địa phương, giúp giảm chi cho người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này...

Người dân chưa “mặn mà” KCB tại YTCS

Hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã, trong đó, tổng số trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT là 9.821 với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%. Từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017.

Nhấn mạnh đến vai trò của YTCS, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, YTCS là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong những năm qua, nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm thế giới cho thấy đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Với việc coi YTCS là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTCS. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 20 xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về YTCS mà chúng ta đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ hạn chế hiện nay của tuyến YTCS là người dân chưa tin tưởng vào YTCS vì chất lượng còn chưa cao, thiếu cán bộ y tế. Bên cạnh đó là tình trạng trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch; Chi trả BHYT cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít ỏi nên... người bệnh vượt lên tuyến trên.

Dẫn chứng thực tế số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản; gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này...

Cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí KCB cho y tế tuyến xã để tăng quyền lợi cho người dân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần chi nhiều hơn cho YTCS, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian khám để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất - trang thiết bị y tế. Mục đích “kéo” bệnh nhân về, tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên. “Cứ để bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển được. Có trạm có đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có”, Bộ trưởng nói.

Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về tuyến xã điều trị. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở, lãnh đạo ngành y tế đề nghị cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí KCB cho y tế tuyến xã, thay vào đó cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới... kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV, lao..., bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán...

Chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là yếu tố quyết định. Đồng thời đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, quản lý cho tuyến xã. Việc đầu tư trang thiết bị phải phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, trước mắt cho các thiết bị khám chữa thông thường.

Đưa ra những cam kết từ phía BHXH Việt Nam trong công tác nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến YTCS, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng KCB BHYT với các trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa, trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng KCB với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh; nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch; yêu cầu cơ sở KCB bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT...

Cảnh báo việc sử dụng thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh

Thông tin từ BHXH tỉnh Nghệ An cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, BHXH tỉnh này phát hiện 57 trường hợp sử dụng thẻ BHYT của người khác; 21 trường hợp sử dụng chứng minh thư giả và 1 trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến giả của BVĐK TP. Vinh (giả con dấu và chữ ký).

Thu hồi thẻ, tiền khám chữa bệnh BHYT của nhiều đối tượng

Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của nhiều trường hợp như: Nguyễn Công Hưng (SN 1981, xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành); Đặng Văn Nhật (SN 1984, xã Hưng Đông, TP. Vinh); Lê Thị Nhung (SN 1977, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu); Nguyễn Đình Hữu (SN 1971, xóm 11, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ); Võ Hữu Hòa (SN 1984, Công ty TNHH PREX Vinh); Nguyễn Thị Hồng Lam (SN 1968, phường Hưng Bình, TP. Vinh); Nguyễn Trọng Quyết (SN 1980, xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương)...

Đặc biệt, BHXH tỉnh phát hiện trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1969, xóm 5, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) sử dụng thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu trú cùng xã để thực hiện khám chữa bệnh tại BVĐK Nghệ An. Đối với trường hợp này, cơ quan BHXH phối hợp với bệnh viện tiến hành lập biên bản tạm thu hồi thẻ BHYT của ông Nguyễn Văn Liệu. Đồng thời, yêu cầu BHXH huyện Yên Thành kiến nghị với UBND xã Hợp Thành ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hùng. Không cấp lại thẻ BHYT cho ông Nguyễn Văn Liệu; thực hiện chức năng “Thu hồi thẻ BHYT” trên hệ thống phần mềm cho đến khi ông Nguyễn Văn Hùng xuất trình quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hóa đơn nộp phạt với cơ quan BHXH huyện Yên Thành; đồng thời thu hồi chi phí KCB phát sinh tại BVĐK Cửa Đông từ ngày 16 - 17/1/2018 với số tiền 3.005.240 đồng.

Đây là những trường hợp vi phạm do được phát hiện kịp thời nên không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại với mức độ thấp cho quỹ BHYT. Tuy nhiên, không thể không kể đến các trường hợp trục lợi quỹ BHYT nhưng chưa bị phát hiện, nếu vẫn diễn ra thường xuyên, có thể gây thất thoát quỹ BHYT là rất lớn.

Mượn thẻ BHYT đi khám bệnh có phạm tội không?

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều người vì vô tình do không hiểu biết hoặc cố ý mượn thẻ BHYT của người khác để khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều bác sĩ cấu kết với bệnh nhân hoặc tự ý lấy mã số thẻ BHYT của người dân lập hồ sơ, bệnh án để thanh toán tiền BHYT. Các hành động này đều gây phương hại đến quỹ BHYT, ảnh hưởng quyền lợi của người khác.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia BHYT có nghĩa vụ: “Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ BHYT”.

Cùng với đó, Điều 65 Nghị định 76/2013/NĐ-CP có quy định: “2. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong KCB theo 1 trong các mức: Từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; Từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả số tiền đã được quỹ BHYTchi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này; Buộc người sử dụng thẻ BHYT hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ BHYT đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Đặc biệt, từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ tội gian lận BHYT có thể bị phạt tù.

“Như vậy, hành vi cho mượn hoặc mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh là trái quy định của pháp luật”, vị chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cho biết.

Công an Nhân dân

Đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng

Trước tình hình nắng nóng đang diễn biến phức tạp, ngày 3-7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện phải bảo đảm công tác KCB trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB chỉ đạo các bệnh viện bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt mát thông thoáng cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hòa nếu có điều kiện; cung cấp nước uống miễn phí; bố trí đủ bàn khám….

Các bệnh viện cũng tổ chức tiếp đón nhanh chóng, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường phân luồng, cách ly, nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện; bảo đảm đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện cấp cứu các trường hợp do nắng nóng bất thường gây ra như tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa… Các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác....

Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống nhiều nước,

đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh;

Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Cũng trong dịp này,  Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế. 

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị. Bổ sung quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh.

Có phương án giảm tải khu vực khám bệnh, nơi thu viện phí… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; hạn chế tình trạng nằm ghép, với các khoa hồi sức, nhi, sản, phòng cấp cứu phải có đủ quạt thông gió hoặc điều hòa nhiệt độ.

Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về sơ cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng, say nóng, các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng, nóng…

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng, cách ly điều trị những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.

Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não mô cầu, tiêu chảy cấp… khiến cho số người mắc bệnh có thể gia tăng.

Chính vì vậy, từng đơn vị cần có kế hoạch, phương án tiếp nhận, xử trí, điều trị cho những trường hợp mắc bệnh dịch truyền nhiễm.

Các đơn vị kể cả khối dự phòng và điều trị phải sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh mùa hè, chủ động trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân về các nội dung phòng chống nắng, nóng cũng như hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, chủ động bảo vệ sức khỏe.

Hà Nội mới

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới đã hợp lý?

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT, quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số điểm của thông tư này cần được điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi người dân cũng như tăng khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

Thông tư số 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, có 6 loại giá khám bệnh được điều chỉnh giảm trung bình 17% so với mức giá có bao gồm chi phí tiền lương tại Thông tư 37. Điều chỉnh 42 loại giá ngày giường bệnh, trong đó có 7 loại tăng (cao nhất 19,5%; thấp nhất 2,8%); 2 loại giường giữ nguyên mức giá; 33 loại giường giảm giá (cao nhất là 13% và thấp nhất là 0,6%). Điều chỉnh giá 40 loại giá dịch vụ kỹ thuật, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner, PET-CT; nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, phục hồi chức năng... Trong đó có 9 dịch vụ kỹ thuật bổ sung mới, 2 dịch vụ tăng giá, 29 dịch vụ điều chỉnh giảm trung bình là 25%. Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số quy định, xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế; áp dụng giá và điều kiện, mức thanh toán của một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù.

Thế nhưng, theo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) Việt Nam, Thông tư số 15 vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, định mức kinh tế kỹ thuật chưa được khảo sát đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh, không dựa trên quy trình chuyên môn kỹ thuật, nhiều giá dịch vụ được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ y tế của hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện, chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ y tế lớn hơn nhiều lần so với thực tế sử dụng. Ngoài ra, đơn giá các vật tư có trong định mức kinh tế kỹ thuật lấy giá khảo sát từ các bệnh viện tuyến trung ương hoặc của một số cơ sở khám chữa bệnh, nhưng có giá chênh lệch lớn hoặc không có nguồn tham khảo... để tính giá trung bình, làm căn cứ xây dựng giá ngày giường trong toàn quốc.

Chẳng hạn, Thông tư số 15 quy định “Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ khám chữa bệnh cụ thể”. Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quy định này là không phù hợp, vì giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức. Nếu thực hiện định mức không đúng, thì mức giá dịch vụ thanh toán cũng sẽ không đúng theo quy định; đồng thời không bảo đảm nguyên tắc tài chính trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh - BHYT, không gắn được trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh, không bảo đảm công bằng và chưa tạo động lực thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng kê thêm giường bệnh nội trú diễn ra ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế không bảo đảm được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế vẫn kê thêm quá nhiều giường bệnh để đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, làm gia tăng chi phí giường bệnh (năm 2017 chi gần 18.000 tỷ đồng). Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chi phí tiền giường chiếm từ 40% đến 50% tổng chi phí điều trị. Sự mất cân đối trong thanh toán chi phí ngày giường đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Theo đề xuất của BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng này, cần phải xác định mức giá theo định mức nhân lực thực tế. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm nhân lực khu lâm sàng theo định mức nhân lực do cấp có thẩm quyền quy định, thì không thể thanh toán 100% mức giá như quy định.

Nắng nóng gay gắt, số bệnh nhân nhập viện gia tăng

Nắng nóng diện rộng khiến lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Trong những ngày qua, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận gần 3.000 trẻ đến khám, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Hầu hết số trẻ đến khám đều mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, tiêu hóa, sốt vi rút, sởi, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não…

Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống, đồng thời tổ chức đón tiếp bệnh nhi từ 5h và khám bệnh từ 7h sáng.

Tương tự, Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trẻ đến khám. Trong khi, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lượng bệnh nhi tăng từ 5 đến 7% so với trước. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là trẻ ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, người dân, nhất là trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương (như co giật, sốt li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…), cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Nắng nóng cũng là một trong những nguyên nhân khiến số ca đột quỵ gia tăng. Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ. Bác sĩ Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đột quỵ dễ xảy ra vào những ngày nắng nóng như hiện nay. Nguyên nhân là cơ thể mất nước sẽ làm tăng độ kết dính trong máu, dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây đột quỵ. Vì vậy, khi thấy 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng (thân nhiệt tăng cao, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi và đau đầu dữ dội) thì cần đến cơ sở y tế gần nhất.

“Người gác cổng” bảo vệ quyền lợi bệnh nhân

Từ chỗ chỉ là tuyến dưới, tuyến y tế cơ sở đã trở thành trung tâm và giữ vai trò “người gác cổng”, nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, để người dân tin tưởng, lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến này, cả ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội còn phải cố gắng rất nhiều...

Nhiều áp lực

Nhìn lại việc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện có gần 82 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế, với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chiếm gần 87% dân số. Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Hiện tại, cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã, trong đó số thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 9.821 trạm, với số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu là 21,5 triệu.

 Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở còn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, do chất lượng kỹ thuật chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, danh mục thuốc ít…, dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt lên các tuyến trên để khám chữa bệnh, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác. Theo Bộ Y tế, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, song chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu phần nào còn do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được quyền lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, thay vì đến trạm y tế xã…

Ưu tiên với phòng khám chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân là việc bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở. Để tăng cường công tác này, nhất là khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế này. Đồng thời, chú trọng đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã; ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu cũng như chất lượng khám chữa bệnh của người dân; tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã được đầu tư, cải tạo theo mô hình chuẩn; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và phần mềm quản lý trạm y tế xã được xây dựng, bảo đảm quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa. Trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng khám chữa bệnh với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế, bảo đảm khách quan, minh bạch, áp dụng các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi.

Các cơ sở khám chữa bệnh được yêu cầu không để người bệnh phải tự túc thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế cơ quan bảo hiểm y tế chủ động kiểm tra, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm kiểm soát chi phí, tham gia có hiệu quả vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật, nhằm đưa giá thuốc về đúng giá trị. Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội đang quyết liệt triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Sài Gòn giải phóng

Giảm giá dịch vụ y tế, có giảm chất lượng?

Trước thời điểm điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo Thông tư 15/2018-BYT của Bộ Y tế (ngày 15-7) tại tất cả các bệnh viện (BV) cùng hạng, chiều 12-7, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người dân hưởng lợi”

Tại đây, đại diện Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TP cùng Bệnh viện Ung bướu TP đã giải đáp hơn 100 câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc xung quanh đợt điều chỉnh giá lần này. Trong đó, các vấn đề chất lượng dịch vụ, giá cả; nguồn thu nhập đội ngũ ngành y được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm.

Người dân được hưởng nhiều hơn

Theo Thông tư 15, hầu hết các dịch vụ trong đợt điều chỉnh giá lần này được giảm giá, tập trung chủ yếu những dịch vụ thông thường có tần suất sử dụng nhiều như khám bệnh, chụp CT, siêu âm, nội soi, giá giường nằm... Tuy nhiên, bạn đọc Lam Giang (huyện Bình Chánh, TPHCM) thắc mắc: Dù giá giảm nhưng số lượt khám/bàn khám/ngày lại tăng từ 50 lên 65 lượt. Như vậy, bác sĩ (BS) có đủ thời gian để khám kỹ cho bệnh nhân? Bạn đọc Nguyễn Oanh (31 tuổi) cũng đặt câu hỏi khi áp dụng Thông tư 15, việc quy định thời gian khám của BS như thế nào để người bệnh không bị thiệt thòi? Trả lời vấn đề này, BS CK2 Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng khi khám chữa bệnh, mọi BS đều cố gắng thực hiện với chất lượng tốt nhất. Số lượng khám trong một ngày làm việc của BS tùy thuộc vào kinh nghiệm, tay nghề và sự phức tạp của bệnh lý. Đối với BS có kinh nghiệm, khi khám những bệnh lý đơn giản như bướu tuyến giáp, bướu tuyến vú thì lượt khám có thể từ 80 -  100 lượt/ngày. Tuy nhiên, khi gặp bệnh phức tạp thì có thể chỉ khám từ 20 - 30 lượt/ngày. Do vậy, nói rằng BS sẽ khám qua loa khi giảm giá dịch vụ là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, theo BS Diệp Bảo Tuấn, việc quy định định mức khám chữa bệnh theo Thông tư 15 sẽ giúp các y, BS có nhiều thời gian hơn khi khám cho một bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến thời gian chờ khám của người bệnh tăng lên. Trong tình huống này, BV Ung bướu chủ động tăng số bàn khám từ 30 lên 34 và tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.

Trong khi đó, bạn đọc Yến Nhi (quận 3, TPHCM) dẫn quy định tại Thông tư 15 rằng đối với các cơ sở y tế nếu như 1 ngày vượt quá 65 lần khám/bàn khám thì từ lần khám 66 sẽ chỉ được BHYT chi 50%. Vậy nếu những người dân khám ở những lượt 66 trở đi có bị mất quyền lợi? Trả lời vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết trong Thông tư 15 có quy định định mức 65 lần khám/bàn khám để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, tránh qua loa, đại khái. Tuy nhiên, nếu các cơ sở khám chữa bệnh vượt quá định mức trên, phải tổ chức thêm bàn khám để đảm bảo khám chữa bệnh theo yêu cầu của người dân.

Đảm bảo quyền lợi  cho y, bác sĩ

Trước sức ép về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và nguồn thu của BS, bạn đọc Hồ Hưng (huyện Bình Chánh) hỏi trước đây, ngành y tế vẫn than thở thu nhập của BS thấp, lương không đủ sống, nay lại giảm giá dịch vụ y tế có phải là nghịch lý hay không? Trả lời vấn đề này, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TPHCM), cho rằng khi nguồn thu của BV bị giảm, để giữ thu nhập cho đội ngũ thì BV phải tăng cường quản lý và sử dụng chi phí khám chữa bệnh hợp lý. Bên cạnh đó, các BV cần mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao (giúp giảm số lượng bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, nâng cao năng lực các BV chuyên khoa đầu ngành) hoặc các dịch vụ theo nhu cầu của người bệnh để thu hút thêm bệnh nhân, tăng nguồn thu cho BV. 

Giảm giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng quyền lợi, đặc biệt là thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế, dẫn đến việc các BS giỏi bỏ đi nơi khác lương cao hơn? Theo BS Diệp Bảo Tuấn, giảm giá dịch vụ y tế tất yếu ảnh hưởng đến nguồn thu của BV. Tuy nhiên, với BV Ung bướu, đã có phương án điều tiết các khoản thu - chi khác để bảo đảm không ảnh hưởng đến thu nhập của BS và nhân viên BV. Ngoài ra, lãnh đạo BV rất lưu tâm phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các BS có môi trường làm việc tốt, được tham gia học tập trong nước và ngoài nước. Vì vậy, trong những năm qua, chỉ có vài BS bỏ việc tại đây vì nhiều lý do.

Theo các chuyên gia, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết…

Nhân dân

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo hiểm y tế toàn dân, được Bộ Y tế lựa chọn là nội dung quan trọng cho Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) năm 2018 với chủ đề “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) tuyến y tế cơ sở”.

Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế có Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19-12-2017 triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020 và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19-12-2017 hướng dẫn triển khai mô hình điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT, thực hiện ít nhất 80% trong danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% số trung tâm y tế huyện thực hiện ít nhất 80% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% số dân được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đến năm 2025: tất cả số trạm y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện ít nhất 90% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; tất cả trung tâm y tế huyện thực hiện ít nhất 90% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; tất cả các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; toàn bộ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Đánh giá về thực trạng y tế cơ sở hiện nay, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tại tuyến ban đầu. Năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, kiến thức và chuyên môn không được cập nhật. Chưa bảo đảm tính sẵn có và tính tiếp cận các thuốc thiết yếu để phục vụ KCB tại tuyến xã, trang thiết bị y tế cơ bản chưa đầy đủ... Chính vì vậy, Bộ Y tế đang tập trung nhiều nguồn lực, chỉ đạo về tăng cường y tế cơ sở, trong đó nâng cao chất lượng KCB, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được ngành y tế tiến hành như kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho một số tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý bệnh mãn tính. Hiện một số tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Tại các địa phương này, đối với các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, người có BHYT được khám bệnh, cấp thuốc định kỳ tại trạm y tế gần nhà rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bộ Y tế cũng lựa chọn và tổ chức các đoàn khảo sát tại 26 trạm y tế xã, phường của tám tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh nhằm xây dựng mô hình trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Với mục tiêu của việc hoàn thiện mô hình chuẩn trạm y tế là, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB cho từng người dân trên địa bàn; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn và tuyến trên.

Đồng thời, ngành y tế triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT, góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHYT. Thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hiện tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt khoảng 97,6% (12.307 cơ sở KCB gửi dữ liệu trong số 12.614 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT)...

BHYT là nguồn tài chính quan trọng

Ðể đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ về đổi mới y tế cơ sở, Bộ Y tế xác định BHYT là cơ chế tài chính y tế quan trọng cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện BHYT toàn dân, y tế cơ sở phát triển, người có thẻ BHYT được tiếp cận với dịch vụ KCB ngay tại địa bàn sinh sống thay vì phải đi lên tuyến trên. Tiếp cận dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở không chỉ giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí cho người dân và chi phí xã hội, mà còn là cơ hội để được KCB kịp thời, tăng hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng nặng của bệnh. Y tế cơ sở phát triển, nhất là y tế tuyến xã là cơ hội chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, nhất là người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, thậm chí cả bệnh lao, HIV.

Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịnh vụ của mạng lưới y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật KCB và 241 thuốc mà trạm y tế tuyến xã phải cung cấp được (áp dụng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Trong đó có một nội dung quan trọng là, đề nghị bỏ quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú, việc bỏ quy định giao quỹ sẽ nâng mức chi trả chi phí KCB tại trạm y tế tuyến xã, kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao…, qua đó nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng người bệnh lên tuyến trên điều trị gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên… Đồng thời, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng để triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin thống nhất trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán BHYT.

Hết năm 2017 có 79,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số; ước tính đến ngày 31-5-2018 có 81,3 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao trước bốn năm (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là hơn 80%), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 (năm 2017 Thủ tướng giao 82,2%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

 

Ngày 30/07/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích