Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 24/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 0 9 3 7 8
Số người đang truy cập
1 2 9
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 01/6 đến ngày 10/6 năm 2018

Phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam: Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay; Áp dụng kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế; Tăng cường phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút A(H1N1); Một phụ nữ tại TP.HCM tử vong vì nhiễm cúm A H1N1 ; Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội; Ổ dịch cúm lớn chưa từng có ở Bệnh viện Từ Dũ: Nhiều bệnh nhân đã được xuất viện

Lao động

Phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam: Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay

Chiều 4.6, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), cập nhật tình hình dịch bệnh Ebola đang tái bùng phát mạnh mẽ ở Tây Phi và các biện pháp phòng, chống. Theo báo cáo của PHEOC, tại CHND Công Gô, dịch Ebola bắt đầu ghi nhận từ ngày 5.4, trường hợp xác định ngày 8.5.2018 và công bố dịch. Hiện đã có tổng số 58 ca, 27 người tử vong. Ca xác định 35, 14 ca nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là cán bộ y tế. Hiện các quốc gia khác chưa ghi nhận ca bệnh. 

Cục Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Công Gô. Bộ Y tế có văn gửi Chủ tịch UBND của một số tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola.

Cuộc họp nhận định nguy cơ dịch Ebola lây truyền vào nước ta ở mức thấp do dịch bệnh Ebola năm 2018 tại Công Gô được phát hiện sớm, quy mô ổ dịch nhỏ, khu vực xảy ra dịch bệnh ở khu vực hẻo lánh cách xa khu vực đông dân cư, giao thông đi lại khó khăn, ít giao thương và không có khách du lịch. 

Hiện không có đường bay thẳng từ Công Gô tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như tới Việt Nam. Số lượng hành khách từ Công Gô xuất, nhập cảnh Việt Nam rất ít. Từ đầu năm 2018 đến nay chỉ có dưới 20 hành khách xuất, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất.

Việt Nam đã có kế hoạch, hệ thống phòng chống dịch bệnh sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh Ebola từ công tác giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ đối với Việt Nam để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời Lãnh đạo Bộ.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: "Mặc dù nguy cơ xâm nhập ở mức thấp nhưng cũng không loại trừ thời gian tới dịch diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan quốc tế trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Duy trì họp văn phòng EOC và đánh giá nguy cơ để cung cấp thông tin cập nhật, đề xuất các hoạt động, kế hoạch phòng chống kịp thời. Thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh dựa vào sự kiện, cộng đồng, bệnh viện. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu đối với hành khách đi/đến từ khu vực có dịch tại các cửa khẩu quốc tế lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Giám sát bằng thân nhiệt, chưa cần áp dụng tờ khai y tế".  

Chỉ đạo, rà soát công tác thu dung, điều trị, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; công tác chẩn đoán, xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur; rà soát, cập nhật kế hoạch phòng chống, các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do vi rút Ebola để bổ sung, cập nhật kịp thời phù hợp với tình hình dịch

Nhân dân

Áp dụng kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh

Chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua ngày càng được nâng cao. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của những người thầy thuốc, kết hợp việc áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ mới.

Mới đây, phương pháp ERAS (quản lý đau sau phẫu thuật) của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đặc biệt quan tâm vì giúp giảm 30% thời gian chăm sóc người bệnh, giảm tới 50% biến chứng sau phẫu thuật. Vai trò của phương pháp ERAS trong phẫu thuật đại trực tràng được thấy rõ là làm giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện, không làm tăng tỷ lệ tái nhập viện; trong phẫu thuật cắt gan, đó là làm giảm tỷ lệ biến chứng chung, rút ngắn thời gian đánh hơi sau mổ; đối với phẫu thuật bụng là rút ngắn thời gian nằm viện 2,5 ngày, giảm chi phí điều trị...

Khoa Sinh hóa huyết học (Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh) đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động hóa Aptio (Siemens) kết nối module sinh hóa với module miễn dịch, tương lai có thể kết nối với hệ thống xử lý tiền xét nghiệm, hệ thống lưu mẫu sau xét nghiệm cũng như kết nối với module nước tiểu, đông máu và huyết học. Theo bác sĩ Võ Anh Thoại, Trưởng khoa Sinh hóa huyết học, hằng ngày số lượng xét nghiệm cần thực hiện là 12 nghìn lượt và hệ thống tự động hóa Aptio đã đáp ứng tốt. Trong số năm BV trực thuộc Sở Y tế đạt chứng nhận ISO 15189, thì chỉ duy nhất có Nhân dân Gia Ðịnh là BV đa khoa nhận được chứng chỉ này (còn lại là các BV chuyên khoa).

Bệnh viện Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống người bệnh N.T.M.T (69 tuổi) bị "mụt nước" ở thận bên phải. Mặc dù được chẩn đoán bệnh đã lâu (là lành tính), nhưng trong lần đến khám tại BV Ðại học Y dược, bác sĩ quyết định cho bà chụp cắt lớp vùng bụng và kết quả phát hiện khối nang 5 cm ở thận bên phải không "lành tính", có nhiều đặc điểm của khối u ác tính. Người bệnh đã được xử lý kịp thời khi khối ung thư thận chưa phát triển đến mức phải cắt bỏ toàn bộ thận phải. Ðáng chú ý, BV Ðại học Y dược là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phẫu thuật nội soi ba chiều trong phẫu thuật tiết niệu và đã có gần 300 trường hợp được điều trị thành công. Ðiểm vượt trội của phương pháp này là với ống kính ba chiều, trong các phẫu thuật phức tạp, phẫu thuật viên có thể quan sát rõ các chi tiết, kiểm soát tình huống tốt hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Các đơn vị tuyến quận, huyện cũng khá tích cực trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới để khám và điều trị cho người bệnh. BV Ða khoa khu vực Thủ Ðức vừa phẫu thuật thành công một trường hợp u máu trong xương hàm hiếm gặp. Người bệnh là N.T.H (24 tuổi) sau một lần nhổ răng có biến chứng chảy máu được phát hiện nguyên nhân là một khối u máu nằm trong xương hàm. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, dù tiên lượng cuộc mổ sẽ phức tạp và người bệnh có nguy cơ tử vong do khối u chảy máu trong khi mổ. Sau gần bốn giờ vừa phẫu thuật vừa hồi sức, kíp phẫu thuật đã cắt bỏ khối u thành công. Sau mổ tình trạng sức khỏe của người bệnh dần hồi phục, không còn chảy máu và đã ra viện.

Tại BV Quốc tế City, các bác sĩ đã điều trị thành công cho một người bệnh có bệnh cảnh hiếm gặp với chứng u nguyên bào mạch máu não (Hemangioblastoma) bằng phương pháp chụp mạch máu não chẩn đoán DSA với kỹ thuật chụp mạch ba chiều. Ðó là trường hợp bà N.T.K.T (58 tuổi) với bốn năm phải mang một khối u ở phía sau đầu, đã được chuyên gia can thiệp nội mạch quốc tế đến từ Xin-ga-po phối hợp cùng cùng các bác sĩ của BV Quốc tế City can thiệp nội mạch thành công. Người bệnh trước khi nhập viện có các tình trạng như: thường xuyên không tỉnh táo, sinh hoạt chậm chạp, không tự di chuyển hoặc chăm sóc cơ thể được và không giao tiếp bình thường được. Người bệnh được xác định bị giãn não thất bên và não thất III do dị dạng mạch máu trong não thất. Các bác sĩ đã phối hợp trong quá trình chụp ảnh mạch máu chẩn đoán đã cùng lúc tiến hành phẫu thuật đặt VP shunt (dẫn nước não tủy từ não thất xuống phúc mạc ở ruột)…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế

Từ năm 2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam bắt đầu triển khai việc cấp mã số BHXH định danh duy nhất cho mỗi cá nhân và quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một trong những hệ thống CSDL được ngành BHXH xây dựng làm tiền đề xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH, mà còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Nhiều lợi ích

Chia sẻ về kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong BHYT, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết: Để thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Các quy trình được xây dựng trên CSDL tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Bảo đảm chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định…

Theo đó, từ ngày 1-8-2017, thẻ BHYT không còn ghi thời hạn sử dụng như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ thời gian nào. Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số BHXH ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng; thuận lợi của việc sử dụng thẻ BHYT, được đồng bộ với hệ thống dữ liệu hộ gia đình mà BHXH Việt Nam đã xây dựng. Hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Sang năm tiếp theo nếu tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT. Thẻ đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng, mà không in, đổi thẻ mới.

Đồng thời, Cổng thông tin BHXH Việt Nam cũng cung cấp cho người dân tiện ích tra cứu trực tuyến các thông tin về: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; quá trình tham gia; giá trị sử dụng thẻ; đơn vị tham gia BHXH; các điểm thu, đại lý thu trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn, hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được nhân viên tổng đài tra cứu, giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT, người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng ký tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp. Hệ thống dữ liệu này sẽ được BHXH Việt Nam tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia của mỗi cá nhân, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phương, BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.

Từ tháng 6-2016, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Đến nay, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT trên phạm vi cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình KCB BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc cơ sở KCB gửi dữ liệu điện tử ở thời điểm cuối năm 2017, số cơ sở gửi dữ liệu/số cơ sở ký hợp đồng KCB là 9.686/12.703 cơ sở, chiếm tỷ lệ 76%; đến ngày 28-5-2018 đã là 12.210/12.528 cơ sở, chiếm tỷ lệ 97,46%.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KCB, thống nhất trong giám định, thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến KCB sẽ được kiểm tra trực tiếp với CSDL thẻ do cơ quan BHXH cấp, quản lý, tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn.

Nỗ lực triển khai

Tuy nhiên, quá trình triển khai cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, do: Người dân thay đổi địa bàn cư trú khi đi làm hoặc lập gia đình, chuyển sang hộ mới cho nên hộ gia đình kê khai với dữ liệu thẻ không khớp; việc rà soát, hoàn thiện CSDL hộ gia đình tham gia BHYT còn chậm, chưa chính xác, phải rà soát nhiều lần… Về quản lý KCB BHYT, việc phối hợp cơ sở KCB đôi khi còn chưa nhịp nhàng dẫn đến thắc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT tham gia KCB.

Để triển khai tốt hơn việc cấp thẻ BHYT, cấp sổ BHXH theo mã số BHXH, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung rà soát đồng bộ mã số BHXH, bảo đảm mã số BHXH duy nhất cho mỗi người, góp phần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia cũng như hiện đại hóa hoạt động của ngành. Duy trì tổ công tác, số điện thoại, đầu mối để giải đáp vấn đề liên quan đến cấp và quản lý thẻ BHYT. Tăng cường phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất khi cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT của cơ quan BHXH để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB. Cơ sở KCB BHYT tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng CNTT hỗ trợ tốt trong việc đón tiếp, giải quyết thủ tục cho người có thẻ BHYT khi đi KCB. Tăng cường giám sát, cảnh báo gắn trách nhiệm đối với BHXH tỉnh, thành phố khắc phục tình trạng thực hiện chậm trễ, sai quy trình cấp đổi thẻ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB, hạn chế việc dữ liệu đã hoàn chỉnh nhưng phải chờ gia hạn, cấp mới, đổi thẻ.

 Hà Nội mới, Tuổi trẻ

Tăng cường phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút A(H1N1)

Trước thông tin phát hiện 16 người được xác định dương tính với cúm A(H1N1) tại khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), ngày 2-6, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H1N1) gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Vi rút cúm A(H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.

Loại vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho vi rút phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt vi rút.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang vi rút cúm A(H1N1) có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện...

Theo đó, bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A(H1N1) có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương; nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Khi tiếp xúc với người nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét; không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của bác sỹ...

Tuổi trẻ

Một phụ nữ tại TP.HCM tử vong vì nhiễm cúm A H1N1

 Tối 8-6, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết một phụ nữ 26 tuổi, nội trợ, ngụ ở Q.Thủ Đức đã tử vong sau 5 ngày điều trị cúm A H1N1 tại nhà.

Người phụ nữ này có thể trạng béo phì. Kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A H1N1.

Ngày 5-6, một bệnh nhân nam 49 tuổi, là tài xế, ngụ tại Bình Thuận, có tiền sử tiểu đường type 2, nhập Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. 

Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính cúm A H1N1. Hiện tại bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM tiến hành điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.

Kết quả bước đầu ghi nhận đây là 2 trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng cao (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện. 

Đối với ca bệnh tại TP.HCM, qua 8 ngày giám sát, đến nay không phát hiện ca bệnh cúm tại nơi cư ngụ và trong các bệnh viện đã chăm sóc điều trị bệnh nhân này. 

Thông tin ca bệnh ở Bình Thuận đã được báo cáo cho Viện Pasteur TP.HCM để tổ chức giám sát theo quy định.

Trung tâm Y tế dự phòng TP và Viện Pasteur cũng đã thống nhất với các bệnh viện các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện; đồng thời truyền thông phòng chống cúm tại nơi bệnh nhân cư ngụ.

Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, béo phì, có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng văcxin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. 

Nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.

An ninh thủ đô

Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội

Dù số ca mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm nay, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù sốt xuất huyết đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, song gần đây lại bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, tuần qua, ghi nhận thêm 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm  đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 126 trường hợp mắc và không có tử vong.

Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân diệt loăng quăng/bọ gậy, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt không tự ý điều trị tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng, đồng thời tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, liên cầu lợn

Ổ dịch cúm lớn chưa từng có ở Bệnh viện Từ Dũ: Nhiều bệnh nhân đã được xuất viện

Tính đến hôm nay, 4-6, hầu hết trong số 16 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại ổ dịch cúm xuất hiện ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã được xuất viện, không ghi nhận thêm các ca mắc mới… Sáng nay, 4-6, Sở Y tế TP HCM đã kiểm tra lại việc xử lý các ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ và công tác khử khuẩn, phòng dịch. Theo báo cáo tại buổi làm việc, Bệnh viện đã khẩn trương khử khuẩn toàn bộ khu vực khoa Nội soi – nơi bất ngờ xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 khiến 16 người mắc - để ngay đầu giờ chiều nay, 4-6, khoa này có thể mở cửa hoạt động trở lại bình thường, hạn chế ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang điều trị khác.

Tính đến sáng 4-6, tại Khoa Nội soi của viện chỉ còn 5 bệnh nhân chưa xuất viện được do yêu cầu hậu phẫu, trong đó có 1 người mắc cúm và 4 người không bệnh nhưng đã từng đi qua khu vực lầu 5 khu M trong ngày 1-6 nên cũng được xếp vào nhóm nguy cơ, được cách ly tại lầu 5 trong thời gian còn lưu viện.

Hiện nay, không có thêm bệnh nhân mới nào bị sốt trong ổ dịch này. Qua đánh giá của Sở Y tế TP HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khi khảo sát tại bệnh viện Từ Dũ, tình hình ổ dịch cúm A/H1N1 tại đây đã cơ bản được kiểm soát.

Cũng liên quan đến dịch cúm A/H1N1, ngày 4-6, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đưa thông tin cảnh báo cho biết, cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A H1N1 gây nên, có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đáng chú ý, virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.  Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1. Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc…

Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc

Cảnh báo trẻ mắc viêm não Nhật Bản do không được tiêm vaccine

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị hơn 30 ca viêm não-màng não, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Điều đáng lo ngại là 2 ca mắc viêm não Nhật Bản này đều không được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine theo quy định. Các bác sĩ cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). Bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau ba ngày, thậm chí một ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong. Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường có những di chứng thần kinh về sau. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản là  tiêm vaccine phòng bệnh. 

Vaccine này đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia, do đó phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Mũi thứ nhất khi trẻ 1 tuổi. Mũi thứ hai sau mũi  thứ nhất từ 1 đến 2 tuần và mũi thứ ba tiêm nhắc lại sau một năm tiêm mũi thứ hai.

Ba mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5-7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó, khuyến cáo phụ huynh sau khi tiêm mũi thứ ba, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3-4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Thêm một bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Đại diện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh nhân Ma Đình Du, 34 tuổi, trú tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên đã tử vong sáng 3-6 do bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Bệnh nhân Ma Đình Du nhập viện ngày 27-5 với biểu hiện nôn ói, đau bụng, khó thở. Trước đó, ngày 26-5, bệnh nhân Du có ăn thịt dê. Con dê này mắc bệnh và chết trước khi chế biến một ngày.

Như vậy, chỉ trong vòng gần một tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã liên tiếp xảy ra 2 vụ nhiễm khuẩn liên cầu lợn khiến 2 người tử vong. Trước đó, bệnh nhân La Văn Hào, 49 tuổi, ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ đã tử vong vào sáng 1-6 sau hơn một ngày điều trị tích cực do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Thanh niên

Chưa phát hiện thêm ca mắc mới cúm A/H1N1 tại BV Từ Dũ

Chiều 5.6, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, làm việc với Sở Y tế TP và Bệnh viện (BV) Từ Dũ liên quan đến chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại BV này từ ngày 1 - 4.6…

Chiều 5.6, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, làm việc với Sở Y tế TP và Bệnh viện (BV) Từ Dũ liên quan đến chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại BV này từ ngày 1 - 4.6.

Theo PGS-TS Lân, tính đến 4.6, có 33 ca lâm sàng cúm A/H1N1 tại Khoa Nội soi (lầu 5, khu M) BV Từ Dũ, bao gồm 10 nhân viên y tế. Đến nay, sau 48 giờ, trong môi trường và người ở khu vực này đã không còn vi rút cúm A/H1N1.

Ông Lân đã đánh giá cao sự chủ động, kịp thời phòng ngừa, cách ly và điều trị bệnh nhân của BV Từ Dũ, BV Bệnh nhiệt đới, Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng TP. Hiện BV Từ Dũ đã kiểm soát triệt để vi rút cúm A/H1N1 và chưa phát hiện ca mắc mới

Ông Lân cũng đề nghị BV Từ Dũ giám sát nhân viên y tế, nếu có biểu hiện mắc cúm thì cho cách ly ở nhà 10 ngày, đồng thời tư vấn các biện pháp phòng ngừa cúm cho thai phụ.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã trao quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đối với PGS-TS Phan Trọng Lân; thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Tiền phong

Nhiễm giun chỉ, bệnh nhân đi tiểu ra “sữa”

 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang điều trị cho bệnh nhân 70 tuổi bị đi tiểu ra nước trắng như sữa. Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, suốt thời gian dài bệnh nhân này đi khám để điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi bệnh. Sau đó, bệnh nhân bị đi tiểu buốt, tiểu ra máu, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng đi tiểu ra nước có màu trắng như sữa. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua thăm khám lâm sàng. Kết quả xét nghiệm cho thấy nước tiểu của bệnh nhân không bị nhiễm khuẩn nhưng chỉ số mỡ và dưỡng chấp (protein) trong nước tiểu rất cao. Nội soi bàng quang phát hiện thấy nhịp co bóp của bàng quang phun ra nước trắng. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ký sinh trùng giun chỉ khu trú bên trong. Phối hợp với bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh cho kết quả bệnh nhân bị nhiễm giun chỉ và dòng nước trắng mà bệnh nhân đi tiểu ra, chính là dưỡng chấp của giun chỉ.

Theo các bác sĩ giun chỉ khu trú ở hệ thống tiết niệu rất hiếm. Bác sĩ Liên cho hay, khi giun chỉ khu trú trong đường tiết niệu sẽ làm thông thương ống mạch bạch huyết vào bể thận và từ đó gây ra hiện tượng đái ra dưỡng chấp của giun chỉ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị suy kiệt sức khỏe do giun chỉ hấp thu hết dưỡng chất gây tổn hại sức khỏe cũng như chất lượng sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp nút mạch bạch huyết, đồng thời uống thuốc diệt ký sinh trùng giun. Trước đây, nếu mắc bệnh này bệnh nhân sẽ phải mổ phanh với vết mổ dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, bệnh nhân này sử dụng phương pháp nút mạch bạch huyết với mức độ xâm lấn chỉ là 0,5cm. Ngay sau khi phẫu thuật bệnh nhân đã có thể đi lại được, trong lần đi tiểu đầu tiên, nước tiểu không còn màu trắng như sữa

Việt Nam cảnh giác với dịch bệnh Ebola

Ngày 6/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 606/KCB-NV gửi các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành đề nghị tăng cường cảnh giác phát hiện sớm và phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola

Công văn do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê ký ban hành cho biết, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/5/2018, nước Cộng hòa dân chủ Công Gô đã ghi nhận về ca bệnh do vi rút Ebola như sau: 35 ca bệnh xác định, 14 ca bệnh có thể và 9 ca nghi ngờ (58 ca). Trong 58 ca bệnh có 3 ca là nhân viên y tế và đã có 27/58 ca tử vong (46,5%). Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhằm phòng chống bệnh do vi rút Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam có hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: chú ý khai thác tiền sử dịch tễ những người bệnh đến từ Cộng hòa dân chủ Công Gô và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với những người đi về từ các quốc gia trên có các triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận, có thể xuất huyết nội và ngoại để khám, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh.

Tập huấn cho các cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola được ban hành theo Quyết định số 4600/QĐ-BYT ngày 5/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế để nắm được các triệu chứng, khai thác tiền sử dịch tễ phát hiện sớm ca bệnh.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Công an Nhân dân

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh, từ đầu 2018 đến nay, mặc dù sốt xuất huyết đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, song gần đây lại bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Còn ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến ngày 6-6, cả nước đã phát hiện 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Tuần qua, riêng Hà Nội đã có thêm 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã có 126 trường hợp mắc và không có tử vong.

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6) trong tháng 6/2018. Hiện đã có 19 tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.

Quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả

Đó là nội dung được BHXH Việt Nam khẳng định tại Hội nghị giao ban công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018, tổ chức ngày 5 và 6-6 tại Hà Nội. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu, nhấn mạnh, chính sách BHYT đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến đời sống xã hội và ngày càng được người dân quan tâm.Quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách luôn được Chính phủ quan tâm, nhất là lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chủ trì họp với các địa phương có bội chi quỹ lớn để chỉ đạo các giải pháp kiểm soát chi phí; chỉ đạo xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 105 và Thông tư 37; tổ chức đối thoại với Hiệp hội bệnh viện (BV) tư nhân...

Đặc biệt, năm 2017, Nghị quyết số 20/2017/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương đã được ban hành, với nhiều nội dung liên quan đến định hướng thực hiện chính sách BHYT, như: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế (DVYT)”;

“Tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số đến năm 2025”; “Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý BV, giám định BHYT, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm”;

“Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm là chủ yếu. KCB do BHYT và người dân chi trả. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do BHYT, người dân và NSNN cùng chi trả”…

Tổng Giám đốc BHXH cũng khẳng định quyết tâm của BHXH Việt Nam đảm bảo quỹ BHYT sử dụng hiệu quả, thực sự dành cho chăm sóc sức khỏe người dân, không bị lãng phí vào những chỉ định DVYT không cần thiết.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nêu rõ, điểm mới của việc giao dự toán chi năm nay là xác định rõ ràng số chi tối đa của từng cơ sở KCB BHYT dựa trên phân tích nhu cầu chi năm 2017 của chính cơ sở đó.

Căn cứ của việc giao dự toán này là Quyết định số 17/QĐ-TTg, theo đó giao dự toán chi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân. Trong Quyết định này, Thủ tướng đã giao trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện đến cả Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

"Quyết định số 17/QĐ-TTg là căn cứ có tính quy phạm để tham mưu cho UBND trong tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện dự toán" -  Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chỉ rõ.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh phải có tinh thần chủ động trong quản lý, giám sát sử dụng quỹ KCB BHYT;  tích cực tham mưu, báo cáo với UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Xử lý kiên quyết, đúng mực các vi phạm.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các tỉnh chưa thông báo số dự toán đến từng cơ sở KCB cần khẩn trương hoàn thiện ngay trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tổ chức đánh giá tình hình dự toán 6 tháng đầu năm và xác định số dự toán còn lại, xây dựng các biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm…

Đặc biệt, BHXH cũng đề cập tới những chi phí KCB BHYT bất hợp lý gia tăng, những chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú, xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp bệnh, kết quả đấu thầu và sử dụng thuốc tại một số nơi cũng bất hợp lý về chi phí- hiệu quả… và có định hướng công tác giám định BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh giải quyết những tồn tại nêu trên.

Trong năm 2018, Ban chứ năng của BHXH sẽ tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về đấu thầu thuốc, phối hợp với Bộ Y tế thống nhất tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc và cơ cấu sử dụng biệt dược gốc với thuốc Generic Nhóm 1 theo chỉ đạo của Chính phủ...  Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh sẽ phải rà soát, đánh giá việc thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu kỳ trước, để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sử dụng. Tăng cường hoạt động của tổ đấu thầu.

Giám sát quá trình kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, sử dụng thuốc đúng chỉ định trong hồ sơ đăng ký; thuốc có cảnh báo an toàn, hiệu quả hạn chế, hạn chế chỉ định theo thông báo của Cục Quản lý Dược...

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh (KCB BHYT) năm 2018 theo Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giải pháp điều hành dự toán chi KCB BHYT năm 2018. Các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách hiệu quả, đúng quy định…

Lao động

Sẽ điều chỉnh 88 mức giá khám, chữa bệnh BHYT

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp xin ý kiến sửa đổi Thông tư liên tịch số 37, năm 2015 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám, chữa bệnh BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì cuộc họp.

Thông tư liên tịch 37 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám, chữa bệnh BHYT là 1 bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Việc thực hiện theo Thông tư 37 góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đặc biệt làm giảm đáng kể ngân sách cấp cho các bệnh viện. Tuy nhiên, thông tư được ban hành vào năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp lại vẫn tính theo Thông tư 04 xây dựng từ 2011 nên nhiều chi phí đầu vào khám, chữa bệnh đã lạc hậu.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thống nhất cao với đánh giá về hiệu quả mà Thông tư 37 mang lại, tuy nhiên, do lý do khách quan, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, việc điều chỉnh bổ sung là tất yếu. Việc điều chỉnh Thông tư 37 về nguyên tắc phải đảm bảo mức giá dịch vụ phù hợp thực tế; phải thật sự minh bạch, khách quan từ 2 phía BHXH và cơ sở y tế; phải khắc phục cho được những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 37.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất điều chỉnh 88 mức giá. Trong đó, 6 giá khám bệnh theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã, 42 giá ngày, giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như siêu âm, xquang, nội soi.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị tổ soạn thảo rà soát thật kỹ các loại giá khi điều chỉnh, đảm bảo tính chuẩn mực từ thực tế và chuẩn mực của ngành y tế để ban hành mức giá định mức với hệ số k cho từng tuyến, hạng bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh hàng năm là cần thiết, vì giải quyết bất cập trong thực tế cũng như việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám, chữa bệnh. Việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh BHYT sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tháng 5.2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Giai đoạn 2 xây dựng định mức phải có hệ số. Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, hướng tới sự đồng thuận, tiếp tục hoàn thành thông tư thay thế Thông tư 37.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, cần tăng mức chi cho y tế cơ sở, trong đó có Đề án làm mẫu 26 trạm y tế thực hiện Nghị quyết 20/BCT về tăng cường y tế cơ sở. Lĩnh vực y học cổ truyền cũng cần được ưu tiên và quan tâm hơn.

Sài Gòn giải phóng

Nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn cao

Cục Y tế dự phòng cảnh báo, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển mạnh.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính tới tháng 6-2018, cả nước ghi nhận trên 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 4 trường hợp tử vong (tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa).

So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Dù số mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng cao điểm Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15-6) cao điểm trong tháng 6-2018. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Ngày 12/06/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích