Điểm tin y tế từ các báo ngày 21/5 đến ngày 31/5 năm 2018
Sức khỏe & Đời sốngTự chủ tài chính phải song song đảm bảo an toàn cho người bệnhVới chủ đề “Tự chủ tài chính, an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện”, Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2018 đã luận bàn đến những vấn đề "nóng" của ngành y. Ngày 25/5, tại TP Thanh Hóa, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2018 với chủ đề “Tự chủ tài chính, an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện” với sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế nước ngoài và hàng trăm nhà quản lý bệnh viện khu vực phía Bắc. Phát biểu tại hội nghị, GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế ghi nhận hoạt động của Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc đã có những tác động tích cực đến hệ thống của các bệnh viện. Sự gắn kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trường đại học, cao đẳng y tế trong chuyên môn, trong đào tạo nguồn nhân lực đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành y tế, nhất là các kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý các bệnh viện, các thông tin về chuyên môn, thông tin về quản lý kinh tế bệnh viện luôn được cập nhật và thường xuyên chia sẻ. Thông qua hội nghị này, Thứ trưởng mong muốn có thêm nhiều kinh nghiệm quý từ thực tế quản lý, điều hành các hoạt động tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương được trao đổi, chia sẻ để đưa ra các giải pháp hữu ích nhất, nhằm giúp cho các giám đốc bệnh viện có cách nhìn mới, tư duy mới và vận dụng phù hợp, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành tại bệnh viện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời cũng giúp cho việc quản lý và ban hành các chính sách về y tế của các cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển. Trong phát biểu tại đêm Gala chào mừng hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, qua đi công tác thực tế tại 63 tỉnh, thành phố, tại các trạm y tế, bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện rồi bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố… đã có nhiều thay đổi về hình thức và chất lượng. “Qua hỏi thăm người dân đang khám chờ khám chữa bệnh, người nhà bệnh nhân tại các cơ sở y tế này cho thấy, đa phần đã bày tỏ sự hài lòng hơn khi được khám chữa bệnh trong môi trường xanh-sạch-đẹp và thoáng mát hơn, được nhận nụ cười của cán bộ y tế nhiều hơn”- Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại về chất lượng y tế vẫn chưa đồng bộ giữa các tuyến, vấn đề an ninh bệnh viện, an toàn người bệnh vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, tai biến y khoa... cho ngành Y tế phải quyết tâm nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các bệnh viện phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để xây dựng bệnh viện phát triển bền vững trở thành những Trung tâm Y tế có cơ sở hạ tầng được mở rộng, chỉnh trang, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuyên môn chuyên sâu, có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới. Các bệnh viện cần ưu tiên cho các trọng tâm, lĩnh vực sau: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ công chức để nâng cao chất lượng dịch vụ; Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, quản lý tài chính phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý bệnh viện trong tình hình mới; Tăng cường công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ, chất lượng cao, chuyên sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng khi thực hiện tự chủ tài chính; Đẩy mạnh thực hiện an ninh, an toàn bệnh viện trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện “Mục tiêu mà các bài trình bày của các chuyên gia, nhà quản lý đều hướng tới nâng cao chất lượng của bệnh viện, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ phấn đấu mang đến sự hài lòng, an toàn và chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”- PGS.TS Nguyễn Quốc Anh nói. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, về tài chính và tự chủ tài chính dù viện phí đã được điều chỉnh tăng, nhưng là vấn đề cần giải quyết đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính sẽ có những áp lực về nguồn thu, nhưng không chấp nhận lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế “Lạm dụng dịch vụ y tế là vấn đề nhạy cảm, chúng ta khó chịu khi bị nhắc nhở nhưng thực tế có tồn tại ít nhiều, do đó tự chủ tài chính không chỉ là lo tăng nguồn thu mà còn phải khắc phục tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế còn tồn tại ít nhiều”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói. Tại hội nghị, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, tự chủ tài chính các bệnh viện được quyết định về nhân lực, cân đối thu chi, do đó đòi hỏi các bệnh viện hài hòa giữa quyền lợi các bên, tăng nguồn thu nhưng phải tương xứng và chất lượng khám, điều trị bệnh. Tự chủ tài chính vẫn phải đảm bảo tối đa an toàn người bệnh. Mà an toàn người bệnh không chỉ là mổ xẻ hay trong quá trình sử dụng dịch vụ y tế mà ngay cả nhà vệ sinh cũng có thể là nơi không an toàn. Là hoạt động thường niên không thể thiếu tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao tặng sách chuyên ngành cho các bệnh viện tham dự hội nghị và trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của câu lạc bộ Các bệnh viện vất vả chống nóng Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, đông nghịt bệnh nhân đến khám trong cái nóng hầm hập, từ hành lang, gốc cây, ghế đá la liệt người đứng, ngồi, nằm. Gần 1 tuần qua, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc luôn trên 36 độ C, nhiều nơi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C. Nắng nóng khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng có ở bệnh viện, mọi người mới thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nhà và bệnh nhân khi họ phải tìm đủ mọi cách vật lộn với nắng nóng của ngày hè. Nắng nóng liên tục các ngày qua đã khiến số bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội tăng vọt, đặc biệt là người già và trẻ em. Tại BV Bạch Mai, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng từ 30 - 50%. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10 - 15% so với ngày bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 3.200 - 3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh lý sốt virut, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…Tình trạng quá tải trong những ngày nắng nóng vừa qua đã khiến cho môi trường trong các bệnh viện càng trở nên chật chội, ngột ngạt. Trong khuôn viên một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức…, tình cảnh người bệnh và người nhà nằm vật vạ, mệt mỏi, ngủ gà… tại các phòng chờ, hành lang, ghế đá, gốc cây… là những hình ảnh hay bắt gặp. Một người bệnh quê Phú Thọ đang khám tại Bạch Mai chia sẻ: Vào những ngày nắng nóng, có những khi cả gia đình tôi cùng ốm. Hôm nay vào trong bệnh viện thấy mọi người nằm la liệt thật kinh hoàng. Đến chỗ gửi xe trong viện cũng hết. Một người bệnh khác quê Nam Định cũng cho biết: Tôi đến đây khám từ sáng, không dám cho người nhà đi cùng. Nắng như vậy đến thì ốm chứ trông nom sao nổi. Nghe mọi người nói là cuối tuần, lượng người còn đông hơn nữa. Để ứng phó với nắng nóng, nhiều bệnh viện đã chủ động tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống phục vụ cho bệnh nhân và người nhà tại các khu chờ khám bệnh… nhưng do quá tải nên tình trạng cũng không cải thiện được là bao. Càng về trưa, nhiệt độ càng cao, trẻ em khóc quấy, người lớn mệt mỏi, ai nấy đều bơ phờ, mồ hôi nhễ nhại... nhưng cũng chẳng chống nổi trong cái nóng hầm hập những ngày vừa qua. Để giảm thiểu tác hại do thời tiết nắng, nóng tới sức khỏe người dân, Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 2005/SYT-NVY để chỉ đạo các cơ sở y tế trong thành phố tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống nắng nóng cho bệnh nhân. Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị như: Tăng cường quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt... Có phương án giảm quá tải khu vực khám bệnh, khu thu viện phí..., hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép. Đảm bảo đủ quạt thông gió, điều hòa tại các phòng cấp cứu, hồi sức, khoa Sản, Nhi… Tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não mô cầu. Quyết liệt giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh việnSáng 18/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị "Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện" với hơn 500 đại biểu tham dự. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong số các giải pháp có việc ban hành Quyết định cải tiến quy trình khám, chữa bệnh và cải tạo khoa khám bệnh - bộ mặt của bệnh viện. Nhờ đó, trong khảo sát hài lòng được Bộ Y tế công bố mới đây cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vị khám, chữa bệnh; trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh. Người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc trong khi kém hài lòng nhất là nhà vệ sinh bệnh viện. Lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58). Để tiếp tục nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế tiếp tục có những giải pháp nhằm giảm thời gian chờ khám, tăng thời gian chẩn đoán, điều trị và tư vấn cho người bệnh. Tại hội nghị này, các đại biểu được lắng nghe báo cái đánh giá về 5 năm thực hiện quy trình cải tiến khám, chữa bệnh; Thực trạng nhà vệ sinh bệnh viện và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh và nhà vệ sinh bệnh viện. Lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là cách tiếp cận phù hợp với xu thế của thời đại và chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính ở Việt Nam. Bộ Y tế là một trong những bộ có tiên phong xây dựng và thể chế hoá hệ thống đánh giá chất lượng bệnh viện nói chung, thu nhận phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh nói riêng trong những năm gần đây để không ngừng phục vụ người bệnh tốt hơn. Phát biếu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, mặc dù đã có nhiều cải tiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân... Hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến trung ương thời gian vẫn rất lâu. Bệnh nhân đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5-6h thì phải 8-9h mới được khám. Trường hợp đơn giản nhất chỉ chờ kết quả xét nghiệm sinh hóa, nhưng nhiều người phải làm thêm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Số lượng bệnh nhân quá đông, dù bệnh viện mở ra nhiều bàn khám vẫn không đủ. “Bệnh nhân đi khám sáng đều nhịn ăn, nay đợi kết quả xét nghiệm, chờ siêu âm… phải chờ 11-12h cũng đói lả, mệt mỏi. Có bệnh nhân phải chống gậy, chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc. Bệnh viện phải có giải pháp quyết liệt ”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) 80% người đến khám vào sáng, quá đông. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện thời gian tới phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. “Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để bệnh nhân không phải đợi quá lâu. Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5 h chiều và hẹn khám theo giờ”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường... về khám định kỳ, nhận thuốc tại trạm y tế. Liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều khi tôi đi kiểm tra các bệnh viện, vào các nhà vệ sinh của nhân viên, tôi cũng không thấy có xà phòng rửa tay. “Chỗ rửa tay của nhân viên còn thế thì nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh/ người nhà bệnh nhân có xà phòng rửa tay. Do đó, từ nay đi kiểm tra bệnh viện nếu đi kiểm tra bệnh viện mà Trưởng khoa và giám đốc Bệnh viện để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay... thì khi chấm điểm kết luận là lãnh đạo Bệnh viện “ở bẩn””- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngược lại có nhiều Bệnh viện, kể cả tuyến tỉnh và huyện làm rất tốt công tác vệ sinh bệnh viện. Nhà vệ sinh có treo tranh, sạch sẽ, có người dọn rửa liên tục... Bộ trưởng cũng đề nghị sắp tới khi chấm điểm đánh bệnh viện cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn, thời gian chờ đợi quá lâu. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho biết sắp tới sẽ coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng (coi như điểm liệt). Nếu nhà vệ sinh ở mức 1,2 thì chất lượng xếp loại kém. Đồng thời chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, nước, xà phòng… Hiện quy trình khám bệnh cơ quản gồm 4- 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giảm hơn so với trước đây 10 – 15 bước. Đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như bệnh viện phải phô tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện. Báo cáo của Cục trưởng Lương Ngọc Khuê trình bày tại hội nghị cho biết thêm kết quả thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến , khám lâm sàng trung bình 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với quy định. Tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, 45,4 phút. Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, giảm so với quy định 40 phút, tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút Gia đình & Xã hội Triển khai chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018 Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, nhờ các chương trình mục tiêu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các đại biểu tập trung nắm vững nội dung Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số để triển khai; thảo luận khó khăn, vướng mắc, cơ chế tài chính khi triển khai thực hiện; xem xét sự phù hợp của các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra để Bộ Y tế tổng hợp, đánh giá, điều chỉnh phù hợp… Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chương trình cũng đặt mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng… Hà Nội mới Dành tối thiểu 30% ngân sách chi cho y tế để bảo đảm công tác y tế dự phòng Ngày 21-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 được triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết: Giai đoạn 2016-2020, kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số của trung ương chủ yếu bố trí cho các hoạt động ưu tiên gồm: Vắc xin, vật tư tiêm chủng, thuốc, hóa chất, phương tiện tránh thai, chi cho công tác an toàn thực phẩm… Các hoạt động chuyên môn khác (khám sàng lọc, tư vấn xây dựng mô hình điểm, quản lý đối tượng, biên soạn tài liệu, diễn tập, triển khai chiến dịch…) giảm tối đa kinh phí thực hiện do khả năng ngân sách hạn chế và chuyển một số nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm. Ông Nguyễn Nam Liên đề nghị: Năm 2018, các địa phương lưu ý để xây dựng dự toán chi từ ngân sách địa phương bảo đảm hoạt động của Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu không thuộc đối tượng được xét chuyển nguồn sang năm sau. Vì vậy, năm nay (năm 2018), các dự án phải triển khai hết các nhiệm vụ được giao (kể cả ngân sách năm 2017 chuyển sang). Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi theo quy định định mức phân bổ theo hướng: Dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng và khoảng 30-40% cho trạm y tế xã… Sài Gòn giải phóng Siết quản lý thuốc bằng phần mềm Bộ Y tế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm bằng phần mềm thống nhất. Với giải pháp này, ngành y tế và người dân có thể truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn. Mua bán thuốc quá dễ dãi Dãy nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), kế Trung tâm Kinh doanh dược phẩm Hapulico, luôn tấp nập khách bất kể ngày đêm. Ghé vào một nhà thuốc có biển hiệu Q.A., một phụ nữ hỏi mua ít thuốc kháng sinh loại tốt cho con đang bị sốt và ho do thời tiết nắng nóng. Không hỏi đơn thuốc, loại thuốc nào cần mua, nhân viên nhà thuốc lục lọi các ô thuốc theo danh mục đã định sẵn, lấy được 4 - 5 loại thuốc để bán; còn khách hàng cầm vội bao thuốc, hỏi qua loa cách dùng rồi ra về. Đứng chờ ở đây chừng 30 phút, có hơn một nửa số khách hàng đến mua thuốc nhưng chẳng có toa thuốc hay chỉ định nào của bác sĩ. Họ cứ nói triệu chứng bệnh, nhân viên cửa hàng chọn thuốc rồi bán như đã định sẵn. Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu mắc các bệnh rất thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản... nhưng lại biến chứng nguy hiểm chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng bừa bãi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng trông con BV, chị Hà (ở Vĩnh Phúc) lo lắng: “Ở nhà cháu chỉ húng hắng ho, cứ nghĩ cháu bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Đến ngày thứ 3 cháu chẳng đỡ, thậm chí còn sốt rất cao và khó thở nên đưa cháu vào cấp cứu. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết cháu nhà tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do uống thuốc không đúng chủng loại”. TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những trường hợp như con chị Hà khá phổ biến. Nhiều gia đình khi thấy trẻ mới chỉ hắt hơi, sổ mũi... đã ngay lập tức ra cửa hàng mua thuốc cho trẻ uống mà không cần chỉ dẫn theo đơn của bác sĩ, hoặc lấy lại đơn thuốc cũ hay tìm kiếm hướng dẫn trên mạng. Đây là việc làm rất nguy hại vì nếu dùng không đúng thuốc, đúng liều lượng rất dễ khiến bệnh thông thường biến chứng ra những bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Có thể truy xuất nguồn gốc thuốc Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trên toàn quốc hiện có 41.394 cơ sở bán lẻ dược phẩm, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý. Hiện tất cả BV công lập, BV tư nhân đã thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông với nhà thuốc BV, tuy nhiên chưa thể kiểm soát việc kê đơn của các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân. Để siết hoạt động kinh doanh thuốc của các đối tượng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”. Một trong những nội dung quan trọng trong đề án là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc. Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết để thực hiện việc nối mạng liên thông các nhà thuốc, cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật, chuẩn hóa hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau. Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn vào, vừa kiểm soát được giá thuốc. Phần mềm này cũng sẽ quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của người bán lẫn người mua thuốc. Đặc biệt giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua, theo kiểu gợi ý đổi loại thuốc, tên thuốc vì cửa hàng mình không có loại kháng sinh đã kê đơn như hiện nay. Về phía người sử dụng, khi mua thuốc cũng có thể truy cập để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào. Liên quan tới công tác giám sát, kiểm tra, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng... Các nhà thuốc nào không chấp hành việc nối mạng là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thành tập huấn triển khai thí điểm phần mềm tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc triển khai thí điểm phải hoàn thành trong tháng 6-2018 và bắt đầu triển khai trên toàn quốc vào đầu tháng 7-2018. Phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 hoàn thành đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi cả nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thông tư về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, khắc phục tình trạng mua bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh, quy định các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn và có lộ trình thực hiện về kê đơn đối với các loại thuốc khác Dự trữ vaccine ngừa não mô cầu Cục Y tế dự phòng cho biết, một số tỉnh, thành miền Bắc đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Đây là dịch bệnh nguy hiểm dễ lây, vì ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người nên nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, có 2 vaccine phòng bệnh não mô cầu được cấp số đăng ký và lưu hành tại Việt Nam, đều nhập khẩu từ nước ngoài, là Polysaccharide Meningococcal A+C (sản xuất tại Pháp; số đăng ký QLVX-992-17) và VA-Mengoc-BC (sản xuất tại Cuba; số đăng ký QLVX-H02-985-16). Tuy nhiên, Văn phòng đại diện Sanofi Pasteur thông báo, nhà sản xuất vaccine phòng bệnh não mô cầu 2 tuýp A, C (Polysaccharide Meningococcal A+C) đã dừng sản xuất và cung ứng vaccine này trên toàn cầu. Các nước trên thế giới hiện bắt đầu chuyển sang sử dụng vaccine phòng các bệnh do não mô cầu 4 tuýp huyết thanh A,C,Y và W-135, nhưng vaccine này chỉ còn lại với số lượng không nhiều tại thị trường Việt Nam. Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, qua báo cáo từ các cơ sở nhập khẩu đã có 125.000 liều vaccine VA-Mengoc-BC vừa được nhập vào Việt Nam. 49.000 liều trong số này đã có kết quả kiểm định của Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu, sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu. Dự kiến, cuối tháng 5 sẽ có 100.000 liều vaccine ngừa viêm não mô cầu tiếp theo được nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy, số lượng vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu sẽ về Việt Nam trong cả năm 2018 dự kiến là 800.000 liều, gần tương đương số lượng vaccine nhập khẩu trong năm 2017 Phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện: Bắt đầu từ vệ sinh tay Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện (BV), trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết... Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Để phòng tránh, việc vệ sinh tay được xem là “liều vaccine tự chế” hiệu quả nhất. 6,5 triệu người chết mỗi năm Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh đã tử vong. Nhiễm khuẩn BV, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết, được xem như một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh. Cũng theo WHO, cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới. Nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân (trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh), hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Theo các chuyên gia y tế, vấn nạn nhiễm khuẩn BV ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Có tình trạng người bệnh khi đến BV mức độ bệnh nhẹ, song do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế không tốt đã dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí có thể tử vong. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đến công tác khám chữa bệnh với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại song lại thiếu quan tâm, coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, trong khi đây là khâu quan trọng, quyết định việc điều trị thành công của người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay, kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người. Một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút, thậm chí trong nhiều giờ. Đó là các loại vi rút gây các bệnh cảm nhiễm như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn da, bệnh thương hàn… Tuy nhiên, việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế; rất ít nhân viên y tế biết rõ quy trình rửa tay. Thay đổi nhận thức bác sĩ và bệnh nhân Theo WHO, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 19% - 45%. Tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu “Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trong chăm sóc y tế - trong tầm tay bạn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, khẳng định nhiễm khuẩn BV, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhiễm khuẩn huyết, là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, chi phí điều trị, thời gian nằm viện và sự đề kháng kháng sinh. “Tất cả nhiễm khuẩn huyết liên quan chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn BV. Bàn tay là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, do đó tăng cường vệ sinh tay được đánh giá là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng thông tin. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng mong muốn cả nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân rất cần lưu ý vệ sinh tay đúng cách, đúng lúc khi chăm sóc người nhà của mình và người bệnh ngoại trú. “Với nhân viên y tế, họ được yêu cầu rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân. Tương tự, người chăm sóc bệnh nhân cũng cần rửa tay trong các tình huống trên. Đối với người bệnh, cần che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn giấy, nhằm tránh vi khuẩn phát tán xa. Không che miệng bằng bàn tay bởi bàn tay là nơi tiếp xúc nhiều với xung quanh, tăng nguy cơ phát tán bệnh. Rửa tay thường xuyên để tránh truyền bệnh cho người khác cũng như tránh lây nhiễm thêm bệnh từ bên ngoài khi cơ thể đang yếu”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh. Nhà vệ sinh BV phải sạch sẽ Nhà vệ sinh trong BV quá bẩn không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh. Khảo sát do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện ở 29 BV tại các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến; chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát. Trước thực tế trên, tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay bộ đã phân loại tiêu chí nhà vệ sinh BV từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với mức từ chất lượng rất tệ đến chất lượng sạch sẽ. “Thời gian tới, khi đi kiểm tra chấm điểm đánh giá BV, cần coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng. BV nào vẫn còn tiêu chí nhà vệ sinh ở mức 1 - 2 thì không bao giờ được xếp loại khá”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Thanh niên Điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT từ ngày 1.7 như thế nào?Từ ngày 1.7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 49 của Quốc hội), do đó sẽ thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế được điều chỉnh. Những đối tượng sẽ tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 1.7 gồm: người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hưởng lương theo chế độ nhà nước quy định, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết luật BHXH 2014 quy định, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Riêng với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng theo mức lương cơ sở từng thời kỳ. Tỷ lệ đóng BHXH của NLĐ bằng 8% mức tiền lương tháng. Cách tính như sau: đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc là 1,39 triệu đồng/tháng (bằng lương cơ sở mới). Công thức tính: 1,39 triệu x 8% = 111.200 đồng/tháng. Đối với các đối tượng hưởng tiền lương do nhà nước quy định số tiền đóng được tính theo công thức: (lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1,39 triệuđồng/tháng) x 8%. Trong trường hợp, nếu NLĐ trong doanh nghiệp, người hưởng lương theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định có tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 27,8 triệu đồng (tức hơn 20 lần mức lương cơ sở mới) thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức là tối đa 1,39 triệu đồng x 20 x 8% = 2,224 triệu đồng/tháng. Đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc. Nhưng nếu chưa từng tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia nhưng đã hưởng BHXH 1 lần thì mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức đóng trong trường hợp này là (1,39 triệu đồng x 2) x 22% = 594.000 đồng/tháng. BHXH VN cho biết từ ngày 1.7 tới, mức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng như: người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, hộ gia đình… sẽ điều chỉnh từ 58.500 đồng/tháng lên 62.550 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm y tế cũng có thay đổi, trong đó: số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) sẽ điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng; chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở cũng sẽ điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng. Ngoài ra, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng An ninh Thủ đô Không chủ quan trước khả năng dịch Ebola xâm nhập Việt Nam Từ đầu tháng 4-2018, dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại nước Cộng hòa dân chủ Congo và đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, hiện tại, nguy cơ dịch Ebola lây lan vào nước ta là thấp, tuy nhiên không chủ quan và không loại trừ việc ghi nhận trường hợp bệnh Ebola về từ vùng có dịch tại Việt Nam. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến tình hình dịch tại Congo, đánh giá nguy cơ tình hình dịch xâm nhập vào Việt Nam. Để ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola về từ vùng có dịch và sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời. Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả. Theo thông báo của tổ chức WHO, từ ngày 18 đến 25-5 đã ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Tích lũy từ 4-4 đến 25-5 có 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 47%). Có 28 trường hợp xác định, 30 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế.
|