Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 8 3 3 7
Số người đang truy cập
5 6 4
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 11/5 đến ngày 20/5 năm 2018

70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày; Năm 2018 sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân; Lạm dụng corticoid - Con dao hai lưỡi!; Tử vong vì tự ý điều trị bệnh thủy đậu; Sẽ giảm phí 40 dịch vụ cho người bệnh ; Ngộ độc thực phẩm giảm 26 vụ, nhưng số người chết tăng tới 12 người

An ninh Thủ đô

70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày

GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nghiên cứu mới nhất cho thấy có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Sáng nay, 13-5, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức công bố Quyết định về việc thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá gan mật.

Phát biểu tại đây, GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá gan mật cho biết, hiện có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Cùng đó, có khoảng trên 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Trong 10 loại ung thư phổ biến nhất thì có đến 4 loại ung thư liên quan đến tiêu hóa đó là gan, đại tràng, thực quản và tụy với tỷ lệ tử vong lớn nhất.

Những bệnh liên quan tới rối loạn bài tiết axit dịch vị hoặc rối loạn tiêu hoá nhiễm khuẩn cũng gặp nhiều nhất. Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân đến khám tiêu hóa chiếm 35%-40% tổng số bệnh nhân đến khám hàng ngày.

Tuy vậy, tại nước ta hiện nay, số cơ sở điều trị chuyên khoa các bệnh về tiêu hóa gan, mật còn rất thiếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu các số liệu để xây dựng một chiến lược cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ toàn diện trong lĩnh vực này.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hoá gan mật ra đời nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao), cũng như đưa ra những nghiên cứu, đánh giá khoa học để đề xuất các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và ứng dụng được những kỹ thuật mới trong việc điều trị và phòng bệnh về tiêu hóa, gan, mật ở nước ta.

GS.TS Đào Văn Long cho biết, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật ra đời là tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về các vấn đề tiêu hóa và gan mật.

Ngoài chức năng nghiên cứu và đào tạo, Viện này cũng sẽ chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh tiêu hoá tại Việt Nam.

Hà nội mới, Sức khỏe & Đời sống

Năm 2018 sẽ cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử.

Về đề nghị của Văn phòng Chính phủ đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT và quản lý khám, chữa bệnh BHYT, Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, ngành BHXH sẽ triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân để quản lý thông tin về khám, chữa bệnh. Theo đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chíp là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.

Với thẻ BHYT điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không.

Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Việc này sẽ góp phần giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế.

Hà Nội mới

Lạm dụng corticoid - Con dao hai lưỡi!

Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như “thần dược” để điều trị nhiều loại bệnh. Thế nhưng, nhiều bệnh viện đã phải cấp cứu cho không ít trường hợp là nạn nhân của việc lạm dụng corticoid với vô vàn biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh sử dụng corticoid nên cẩn trọng vì nó được ví như "con dao hai lưỡi".

Hậu quả khôn lường...

Là độc dược xếp nhóm B nhưng hiện nay trên thị trường, các loại dược phẩm, mỹ phẩm chứa corticoid được bày bán tràn lan. Dù đã có không ít lời cảnh báo về những mặt trái khi lạm dụng loại thuốc này, thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua thuốc có chứa corticoid về tự điều trị dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để giảm đau, sưng trong một lần bị ngã trẹo cổ chân, bà B.T.K.D. (55 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tự ý mua thuốc giảm đau, có chứa corticoid về nhà điều trị. Không những bệnh không khỏi mà mỗi lần bước đi, bà D. đều cảm thấy rất khó khăn, không thể đặt được cả bàn chân xuống. Bà D. đã đi khám tại một số nơi và được chụp X-quang khớp cổ chân, nhưng không phát hiện ra nguyên nhân gây đau.

Do vậy, suốt hơn 20 năm qua, bà đã phải sống chung với vết thương ở cổ chân cùng những viên thuốc giảm đau, thuốc corticoid mỗi ngày. Tính đến nay, số lượng thuốc bệnh nhân D. đã uống để giảm những cơn đau ước tính vài chục kilogram. Mới đây, khi đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ cho biết, việc sử dụng thuốc corticoid trong thời gian dài đã làm cho mặt bà D. bị tích nước, tình trạng loãng xương xuất hiện, lưng và hai khớp gối bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng theo.

Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, các bác sĩ tiếp nhận không ít bệnh nhân sử dụng kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi có chứa corticoid. Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, lúc đầu mới sử dụng bôi, làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh nhưng đó chỉ là tác dụng nhất thời. Nếu lạm dụng dùng lâu dài sẽ gây ra tác dụng phụ như: Giãn mạch, nám, mụn hay tăng sắc tố da… Đây là những triệu chứng điển hình do corticoid gây ra.

Không có chỉ vậy, tình trạng lạm dụng corticoid còn diễn ra phổ biến ở không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước. Bệnh viện Nội tiết trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.D. (5 tuổi, ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt sưng nề, mọc lông và rậm lông vùng mặt, mép.

Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, bé D. ho sốt và được bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Gia đình đã đưa bé tới phòng khám tư tại địa phương để tiếp tục chữa trị. Tại đây, bé được tiêm corticoid 2 lần/ngày, kéo dài 4 ngày liên tục để trị ho. Sau khi tiêm, bé D. khỏi bệnh rất nhanh. Nhưng khoảng một tháng sau, bé D. bắt đầu có dấu hiệu tích nước vùng mặt, trông bụ bẫm, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, xuất hiện ria mép. Bé D. được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid…

Cần cấm bán corticoid tự do

Theo bác sĩ Đỗ Gia Nam, Phó trưởng Khoa Nội tiết người lớn (Bệnh viện Nội tiết trung ương), các thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như: Cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng rải rác…

Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội… Đặc biệt, khi việc lạm dụng corticoid ở trẻ em sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần. Nhiều nước trên thế giới đã đưa corticoid vào danh mục thuốc kê đơn nhằm kiểm soát tác dụng phụ. Tuy nhiên, ở nước ta, thuốc chứa corticoid được bán tự do, tràn lan, không cần đơn và chỉ định của bác sĩ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng corticoid ở người dân. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng vào công dụng giảm đau tức thì của thuốc, giá thành rẻ, việc mua bán quá dễ, bệnh nhân dễ dàng lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay.

Để tránh bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do lạm dụng corticoid, bác sĩ Đỗ Gia Nam khuyến cáo, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng corticoid dưới mọi hình thức. Mặt khác, khi sử dụng các loại thuốc có thành phần corticoid thấy các dấu hiệu bất thường trong cơ thể cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín và theo đúng chuyên khoa, không nên dễ dàng nghe theo những lời mách bảo thiếu căn cứ.

Tốt nhất, người dân cần tránh việc tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nói chung và thuốc corticoid nói riêng. Khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Với bất kể loại thuốc nào, khi được bác sĩ kê đơn, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, tránh việc sử dụng không đúng liều hoặc bỏ giữa chừng...

Tiền phong

Tử vong vì tự ý điều trị bệnh thủy đậu

Nam thanh niên 28 tuổi suy đa phủ tạng, nguy kịch, hai ca khác đã tử vong vì đều tự ý mua thuốc điều trị thủy đậu có thành phần corticoid.

BS Vũ Minh Điền- Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nam bệnh nhân vào viện ngày 11/5 trong tình trạng có các ban phỏng nước dạng thủy đậu toàn thân, nốt phỏng to, sốc nhiễm độc khuẩn, người mệt... Bệnh nhân đã vào khoa ký sinh trùng điều trị nửa ngày, nhưng do tình trạng nặng nên bệnh nhân đã được chuyển ngay sang điều trị hồi sức, dù vậy hiện tình trạng của bệnh nhân rất nặng, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, tiên lượng rất xấu, khả năng cứu được thấp.

Theo các bác sĩ năm nay thuỷ đậu đặc biệt có rất nhiều ca nặng, nhiều ca không diễn biến bình thường. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu thấy sốt, xuất hiện bỏng nước trên da nên đi khám, không nên tự ý đi mua thuốc điều trị, đặc biệt các thuốc có thành phần corticoid để sử dụng khi bệnh đang diễn biến cấp tính.

Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết, nam thanh niên Nguyễn T.M 28 tuổi, có tiền sử khỏe mạnh, cách đây 1 tháng bị đau họng, sốt nhẹ, đi khám chẩn đoán viêm phế quản phổi. Bệnh nhân đã điều trị 1 đợt về nhà có đỡ, 5 ngày nay xuất hiện sốt lại, đau họng, đau người, xuất hiện mụn nước, tự đi mua thuốc điều trị trong đó có thuốc kháng sinh, kháng viêm.

Sau đó tình trạng của bệnh nhân sốt cao tăng dần. Cơ thể bệnh nhân xuất hiện các đám bầm máu tự nhiên dưới da. Bệnh nhân sau đó đã đến bệnh viện địa phương thăm khám và được chẩn đoán thủy đâu biến chứng nặng và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Riêng đối với trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ chỉ rõ, trong các thuốc mà bệnh nhân sử dụng có thuốc Medrol 16 mg- một loại thuốc coritcoid, chống viêm giảm phù nề rất mạnh nhưng tác dụng phụ ức chế miễn dịch khiến virus bùng phát mạnh mẽ hơn có những bệnh nhân sau dùng corticoid thì diễn biến rất nặng nên thường không được khuyến cáo dùng khi bị thuỷ đậu

Trước bệnh nhân này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân thủy đậu, điều đáng nói là dù được điều trị tích cực nhưng hai bệnh nhân này đều tử vong. Các bác sĩ cho biết, các trường hợp bị thủy đậu tử vong đáng tiếc này đều liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị thủy đậu nhưng có thành phần corticoid.

Tuổi trẻ

Sẽ giảm phí 40 dịch vụ cho người bệnh

Theo dự thảo của Bộ Y tế, biểu giá mới điều chỉnh (chủ yếu theo hướng giảm, nhiều nhất 20%) hơn 40 dịch vụ y tế như: chụp CT, X-quang, nội soi, xét nghiệm nước tiểu, đường máu...

4 tháng đầu năm 2018, riêng chi phí giường bệnh Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 928 tỉ đồng. Tiền giường cùng với hơn 40 dịch vụ khác như khám chữa bệnh, chụp chiếu... đang bị đánh giá có mức phí cao và phải đưa về mức giá đúng.

Dự kiến Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ký ban hành thông tư hướng dẫn mức giá mới vào tháng 5 này và thực hiện trên toàn quốc từ ngày 1-7.

“Giá dịch vụ giường bệnh tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nằm chật chội so với mỗi người một giường phải có giá khác và những nơi hồi sức chăm sóc đặc biệt lại phải có giá khác. Riêng đối với những bệnh nhân khó khăn, bệnh viện luôn có chính sách riêng để hỗ trợ họ giảm bớt chi phí điều trị, giường bệnh” Bác sĩ Phạm Xuân Dũng (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

Giảm phí từ 2-20%

Theo dự thảo vừa được Bộ Y tế đề xuất, biểu giá mới điều chỉnh (chủ yếu theo hướng giảm) hơn 40 dịch vụ y tế, trong đó có những dịch vụ tần suất sử dụng cao như tiền khám bệnh dự định giảm 5.000 - 12.000 đồng/lượt tùy tuyến.

Tiền giường bệnh thì ngoại trừ giường điều trị tích cực và hồi sức cấp cứu có thể tăng, còn lại đều giảm. 

Các dịch vụ như chụp CT, cộng hưởng từ không có thuốc cản quang, chụp X-quang, nội soi tai mũi họng, siêu âm can thiệp, điện não đồ, nhiều loại xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường máu... cũng được đề xuất giảm giá. 

Mức giảm từ 2-20% tùy loại dịch vụ.

Ông Lê Văn Phúc (phụ trách ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN) cho biết ngoài mức giảm đề xuất kể trên của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN cũng có một biểu giá đề nghị Bộ Y tế - Bộ Tài chính xem xét. 

"Chúng tôi và ngành y tế sẽ sớm có cuộc làm việc để thống nhất mức giảm, đưa dịch vụ về mức giá đúng. Chúng tôi chưa tính toán nếu giảm giá thì tổng chi phí giảm được sẽ là bao nhiêu, nhưng đây đều là các dịch vụ có tần suất sử dụng lớn, cả người bệnh và quỹ bảo hiểm đều được lợi. 

Ví dụ như một dịch vụ 1,7 triệu đồng nay đề nghị giảm xuống 1,4 triệu đồng, trước giả sử người bệnh phải cùng chi trả 20% là 340.000 đồng, nay chỉ phải chi 280.000 đồng thôi, quỹ cũng giảm phần chi" - ông Phúc nói.

Theo ông Lê Văn Phúc, cùng với quyết định về giảm phí (dự kiến áp dụng từ 1-7), Bảo hiểm xã hội VN sẽ đề nghị thực hiện thanh toán chi phí theo hướng "chất lượng nào, giá ấy" chứ không cào bằng.

"Nếu cào bằng thì một bệnh viện chật chội, nhân lực y tế không đủ như định mức 1,34 nhân viên/giường bệnh mà chỉ đạt 0,7-0,8 thôi, người nhà vẫn phải vào trông nom thì chỉ được chi trả theo tỉ lệ nhất định. Nếu không thì bệnh viện không chịu thay đổi" - ông Phúc nhận xét.

Ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - cho hay có nhiều chi phí chưa được tính vào giá, bệnh viện tuyến huyện chưa tính tiền điều hòa vào tiền giường, nhưng các khảo sát cứ lấy bệnh viện huyện làm căn cứ nói chưa có điều hòa, chất lượng không đúng như định mức xây dựng giá là không đúng. 

Tuy nhiên theo ông Phúc, ngay tuyến tỉnh cũng có nhiều bệnh viện chưa có điều hòa. 

"Trong tiền giường hiện nay đã có tiền điều hòa, tiền điện, không có hay không dùng đều là không đúng cam kết về chất lượng" - ông Phúc nói

Gánh nặng chi phí giường bệnh

Bệnh tật bám riết là nỗi khổ khiến không ít gia đình bỗng chốc khánh kiệt. Thế nhưng vào viện, họ không chỉ phải lo chuyện tiền thuốc men điều trị là xong, gánh nặng chi phí giường bệnh còn đáng lo không kém.

Mới đây, chị M.T.H. (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị dọa sẩy thai 12-13 tuần phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi thăm khám, chị H. được chỉ định nhập viện điều trị nội trú trong vòng 21 ngày. 

Theo đơn giá bảo hiểm y tế, giá tiền phòng ở bệnh viện tuyến huyện chị H. phải đóng là 152.500 đồng/ngày. Ngày xuất viện, chị H., giật mình bởi tổng chi phí điều trị hơn 4 triệu đồng nhưng chi phí giường bệnh chiếm hơn 3 triệu đồng.

"Người ta nói vào viện lo tiền điều trị chứ tôi thấy lo phí giường nằm. Điều trị nội trú ít ngày còn đỡ, bệnh nặng kéo dài ngày này qua tháng khác người bệnh khó lòng kham nổi" - chị H. chia sẻ. 

Theo chị H., giá dịch vụ giường bệnh cao nhưng thực tế tại nhiều bệnh viện chất lượng phục vụ không tương xứng. 

Có nơi quá chật chội buộc người bệnh phải nằm ghép, rồi các tiện nghi như quạt không đủ, nhà vệ sinh không đảm bảo sạch sẽ nên người bệnh vừa mất tiền lại rước mệt mỏi vào thân.

Khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy bệnh viện này có đến 22 loại giá dịch vụ giường bệnh tính theo ngày. 

Trong đó, giá cao nhất là giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm phí sử dụng máy thở) là 335.900 đồng, thấp nhất là giường bệnh ngoại khoa loại 4 sau các phẫu thuật loại 3 giá 45.750 đồng nhưng phải nằm ghép nửa ngày. 

Trong bảng giá dịch vụ này, có nhiều giá giường nằm chỉ trong nửa ngày, thậm chí nằm ghép có giá trên 100.000 đồng/ngày.

Tại khoa ngoại 3, chúng tôi quan sát bên phòng bệnh rộng chừng 50m2 thấy kê 10 giường bệnh, giữa hai dãy giường là một lối đi rộng khoảng 1m có kê dãy ghế cho thân nhân bệnh nhân ngồi. 

Các "tiện nghi" trong phòng, theo quan sát gồm một chiếc quạt trần và bồn rửa mặt. Một bệnh nhân quê ở Tiền Giang vừa làm thủ tục xuất viện cho biết chi phí giường bệnh của người thân sau khi trừ bảo hiểm là khoảng 150.000 đồng/ngày.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP - cho biết bảng giá niêm yết của bệnh viện đều áp dụng theo khung giá của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành. 

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho biết về giá tất cả các dịch vụ và chi phí giường bệnh nói riêng phải xây dựng cơ cấu từng danh mục kỹ thuật theo thông tư của Bộ Y tế và báo cáo Sở Y tế TP trong quá trình ban hành, thực hiện. 

"Chỉ có những trường hợp triển khai dịch vụ theo yêu cầu bệnh nhân có thắc mắc do nhân viên y tế giải thích không ổn"- bác sĩ Vui nói.

Sài Gòn giải phóng

Ngộ độc thực phẩm giảm 26 vụ, nhưng số người chết tăng tới 12 người

Chính phủ vừa có Báo cáo số: 165/BC-CP gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017. Báo cáo nêu rõ, tình hình  ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, trong đó đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu; Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát.

Cụ thể, trong năm 2017, toàn quốc ghi nhận 148 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.087 người mắc, 3.908 người nhập viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số vụ giảm 26 vụ (14,9%), số mắc giảm 467 người (10,3%), số đi viện giảm 70 người (1,8%), tuy nhiên số tử vong tăng 12 người.

Nguyên nhân tử vong tăng chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu (11 người), độc tố tự nhiên (10 người, do cóc, cá nóc, so biển), 3 trường hợp còn lại chưa xác định được nguyên nhân.         

Tuy nhiên, đánh giá chung tình hình, Chính phủ cho biết, thông qua việc tổ chức giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, xây dựng lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém, từ dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cho đến kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn, kết quả cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực.

Đáng lưu ý, không phát hiện mẫu nào vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ là 0,63% (21/3341 mẫu, giảm mạnh so với năm 2016 là 1,76%); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0,6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%)…

Mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn áp dụng thí điểm tại hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.

Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội, số tiền xử phạt tăng 240,4%, TPHCM số tiền xử phạt tăng 212,5%), số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong thời gian thí điểm, tại TPHCM giảm 2 vụ).

Số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội trước khi thí điểm có 37 cơ sở xếp loại C, sau khi thí điểm có 34 cơ sở được nâng hạng từ C lên A, B; tại TPHCM, trước thí điểm có 1 cơ sở xếp loại C, sau khi thí điểm không còn cơ sở nào xếp loại C).

Trên sơ sở các kết quả đạt được từ việc thí điểm thanh tra chuyên ngành, Chính phủ đang xem xét đề nghị của Bộ Y tế về tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 100% số quận/huyện, xã/phường tại 2 thành phố này, đồng thời mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai).

 

Ngày 28/05/2018
Ban biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích