Điểm tin y tế từ các báo ngày 21/4 đến ngày 30/4 năm 2018
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Bảo đảm nguyên tắc thị trường, giảm dần bao cấp nhà nước; Thực hiện tốt công tác giám sát dịch; Thuốc giả, tác hại thật!; Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch"; Tăng giá dịch vụ y tế: Còn nhiều vướng mắc; Phát hiện sớm bệnh hiếm để không thành bệnh hiếm; Sức khỏe & Đời sống
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Bảo đảm nguyên tắc thị trường, giảm dần bao cấp nhà nước Về lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế 2018 - 2020, Chính phủ giao Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, xây dựng lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường, giảm dần sự bao cấp của nhà nước, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách. Thông báo kết luận nêu rõ, quản lý công tác khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, giá thuốc, vật tư y tế là các vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đại bộ phận nhân dân, của người kinh doanh, cơ sở khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến khả năng chi trả, đồng chi trả của người dân; không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là hội nhập quốc tế. Thời gian vừa qua ngành y tế đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tiên phong đi đầu về giá dịch vụ và đạt được nhiều kết quả. Chính phủ cơ bản tán thành quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế; mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng so với yêu cầu phục vụ nhân dân vẫn còn khoảng cách; hệ thống pháp luật về y tế còn chưa đồng bộ; việc xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những vấn đề chưa đủ rõ, còn “vùng xám”. Hoàn thiện các quy định về bảo hiểm y tế Về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ với nguyên tắc bảo đảm hài hòa quyền lợi của tất cả các bên (người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội); việc đưa ra chính sách phải căn cứ vào khả năng của các bên liên quan và thực lực của nền kinh tế; không vì quyền lợi riêng của các bộ, ngành. Việc điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm y tế cần cân nhắc khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, sớm trình Chính phủ. Phó Thủ tướng đồng ý sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định mức giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc. Việc sửa đổi, bổ sung cần chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ Y tế chịu trách nhiệm thống nhất với các cơ quan về các nội dung cần sớm được sửa đổi để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các bên tham gia bảo hiểm y tế. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện để ban hành theo thẩm quyền trước ngày 15/5/2018. Giai đoạn 2, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2018 về lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2 (bao gồm kế hoạch khảo sát tổng thể trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước) để xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng phân loại để giảm bớt số lượng giá dịch vụ y tế hiện nay (trên 18 nghìn dịch vụ), sắp xếp lại theo nguyên tắc thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho các cơ sở y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; làm căn cứ để ban hành định mức, xây dựng giá của các dịch vụ này. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường Đối với lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế 2018 - 2020, Phó Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, xây dựng lộ trình, kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm nguyên tắc thị trường, giảm dần sự bao cấp của nhà nước, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách. Về đàm phán giá thuốc, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các căn cứ pháp lý theo thẩm quyền được giao tại Luật đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý chặt chẽ trước khi tiến hành đàm phán giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của các quy định pháp luật (giữa Thông tư, Nghị định so với Luật), làm rõ các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi (nếu có) trên tinh thần Luật quy định chi tiết, mạch lạc, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, mang lại lợi ích cao nhất (hài hòa lợi ích) cho cả nhà nước, cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở kết quả đấu thầu thuốc năm 2017 của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018 tiếp tục thực hiện đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế và tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Về đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đặt chất lượng lên hàng đầu với giá hợp lý, sức khỏe bệnh nhân là quan trọng nhất. Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh công tác đấu thầu của các địa phương. Trên cơ sở các loại thiết bị, vật tư y tế theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án đấu thầu tập trung thiết bị y tế (trước mắt thực hiện trong phạm vi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế), báo cáo Chính phủ vào kỳ họp tháng 5/2018. Hà Nội mới Thực hiện tốt công tác giám sát dịch Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái), không có tử vong, các ca mắc phân bố rải rác tại 20/30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 12 trường hợp mắc ho gà, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi... Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội nằm trong tầm kiểm soát. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác giám sát dịch; triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng... Riêng với bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin đúng thời gian quy định. Ông Hoàng Đức Hạnh cũng khẳng định, Hà Nội còn đủ Quinvaxem đến tháng 7 năm nay. Trẻ em đang tiêm Quinvaxem có thể tiêm vắc xin thay thế trong những đợt tiếp theo, không phải tiêm lại từ đầu Thuốc giả, tác hại thật! Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành nhiều quyết định đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy thuốc giả, thuốc không bảo đảm chất lượng trên toàn quốc. Mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, tính mạng người bệnh lại vô cùng to lớn. “Rước bệnh” vì dùng thuốc giả Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, trong năm 2016 có 2%/tổng số mẫu thuốc lấy về kiểm nghiệm là kém chất lượng; 0,01% mẫu lấy là thuốc giả. Năm 2017, số lượng thuốc giả được phát hiện là 5 mẫu, trong đó có 4 mẫu thuốc tân dược và 1 mẫu thuốc đông dược. Trong 4 tháng đầu năm 2018, có 2 loại thuốc kháng sinh giả là Zinnat và Lincomycin bị cơ quan chức năng phát hiện. Ngoài ra, từ ngày 1-12-2017 đến 21-3-2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã xử phạt hành chính 21 doanh nghiệp dược với số tiền gần 1,3 tỷ đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng... Những số liệu trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thuốc kém chất lượng trên thị trường hiện nay. Đáng lo ngại hơn, với công nghệ ngày càng hiện đại, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Trong đó có rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: Thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, thần kinh, hỗ trợ sinh lý… Bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Chẳng hạn, một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết không những không xuống mà lại tăng cao gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng từ 15 đến 30 phút hoặc một vài ngày. Bệnh nhân uống phải thuốc giả không những không khỏi bệnh mà còn “rước" thêm bệnh. Ngộ độc nhẹ có thể qua khỏi, còn ngộ độc nặng có thể dẫn tới suy thận, suy gan, nhiễm trùng máu và tử vong. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã từng tiếp một bệnh nhân bị ngộ độc với các triệu chứng đau bụng kéo dài, sốt... không rõ nguyên nhân. Chỉ đến khi các bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng mới phát hiện trong dạ dày của bệnh nhân có rất nhiều các vỏ thuốc hình con nhộng. Nguyên nhân do bệnh nhân này đã uống phải thuốc giả nên những vỏ thuốc không được hòa tan như thuốc thật và thứ bột trong các viên thuốc giả đã ứ đọng trong dạ dày gây ngộ độc toàn thân… Kiểm soát như thế nào? Nguy hiểm là vậy nhưng việc phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc kém chất lượng lại không thể thực hiện bằng mắt thường. Phát hiện thuốc kém chất lượng chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc. PGS.TS Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và cấp phép lưu hành ngày càng tăng thì hệ thống kiểm nghiệm hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, có nhiều mặt hàng là những hoạt chất mới, dạng bào chế mới và các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được bào chế sản xuất bằng công nghệ cao… mà hệ thống kiểm nghiệm hiện nay chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm. Còn tại nơi khám chữa bệnh cũng như tại các cửa hàng bán thuốc, thông tin thu hồi, đình chỉ thuốc kém chất lượng lại không được công khai. Thậm chí, nhiều loại thuốc, trước khi có lệnh thu hồi đã được bán trên thị trường và được rất nhiều người sử dụng. Do đó, để kiểm soát chặt thị trường thuốc tân dược không phải là chuyện dễ. Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc kết nối hệ thống internet cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như: Nhà thuốc, quầy thuốc. Hiện chương trình này đang tiến hành thử nghiệm và sẽ triển khai đến năm 2020. Việc áp dụng kết nối mạng để quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc sẽ giúp giám sát được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả và công khai đến người dân. Mặt khác, Bộ Y tế tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc cả ở khâu tiền kiểm và hậu kiểm nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, phải từng bước nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc ở cấp quốc gia… Khác với những mặt hàng thông thường, người mua thuốc thường không đủ kiến thức để kiểm tra hàng thật hay giả. Và khi có bệnh, họ chỉ biết tìm mua thuốc để trị bệnh. Chính vì vậy rất cần phải thiết lập một thị trường thuốc lành mạnh, bảo đảm chất lượng để người dân thực sự yên tâm. Công an nhân dân Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch" Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên của “mùa dịch” năm nay bị viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu đến từ Hưng Yên. Ngay lập tức, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân 30 tuổi này. Theo lời người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân bị đau họng, ho khan và 2 ngày sau thì sốt cao 39 độ C, đau đầu và buồn nôn rồi ngày càng sốt cao và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và đến trưa ngày 18-4 thì bắt đầu rối loạn ý thức nên đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, có nhiều chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã”. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Đây là một trong những thể bệnh nặng của nhiễm khuẩn do não mô cầu. Hiện bệnh nhân được nằm tại phòng cách ly để điều trị theo phác đồ viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển hơn, hiện đã tỉnh táo, tuy còn sốt, nhưng sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt. Cũng theo TS. Dũng, bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%. Vì thế, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng; đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân vv… Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Trường hợp buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày. Mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời. “Người tiếp xúc gần với bệnh nhân - là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… - cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.” - TS. Dũng khuyến cáo. Lao động Tăng giá dịch vụ y tế: Còn nhiều vướng mắc Theo báo cáo tại cuộc họp xin ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đến nay cả nước đã thực hiện mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Vấn đề đặt ra là người bệnh có được hưởng lợi từ việc tăng giá dịch vụ y tế hay không? Người dân không tham gia BHYT sẽ “vất vả” Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, TP nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Cụ thể thực hiện mức giá có tiền lương tại Thông tư 37 phải chia làm 5 đợt, thời điểm thực hiện mức giá có tiền lương của Thông tư 02 chia làm 6 đợt. Theo Bộ Y tế này, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã có hiệu quả. “Đối với người bệnh, có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn do Bộ Y tế quy định, chất lượng sẽ tăng, người bệnh sẽ được hưởng. Người có thẻ BHYT là có lợi nhất và ít bị ảnh hưởng vì quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên, giảm phiền hà vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư do trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do BHYT không thanh toán. Thứ nữa, các bệnh viện tuyến dưới sẽ thực hiện nhiều dịch vụ mà trước đây giá thấp, không đủ chi phí nên không thực hiện được, góp phần làm tăng trình độ chuyên môn, chất lượng KCB tuyến dưới, giảm quá tải tuyến trên, người bệnh được hưởng các dịch vụ ngay tại nơi cư trú và được thanh toán”- ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết. Tuy nhiên, đối với số người chưa có thẻ BHYT, chi phí cho khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi ra là rất lớn. Một chuyên gia y tế cho rằng: Với việc tăng giá dịch vụ y tế, người dân không tham gia BHYT sẽ phải rất vất vả để cáng đáng các khoản chi cho y tế. Theo ông Liên, đối với cơ sở y tế, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của các dịch vụ y tế, thúc đẩy xã hội hóa, bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư. Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt hơn thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Còn đối với Nhà nước, từng bước thực hiện được việc chuyển cấp ngân sách cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng không bao cấp qua giá”. Ông Liên cho biết: Thông tư 37, Thông tư 02 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ; góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; làm giảm số người hưởng lương từ NSNN, chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 22.613 người của 20 bệnh viện, tiền lương phải chi khoảng 1.881,1 tỉ đồng/năm; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện, TPHCM giảm khoảng 1.200 tỉ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỉ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỉ đồng, Bình Định khoảng 110 tỉ đồng... Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội. Từng bước giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập. Nhiều khó khăn vướng mắc Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn vướng mắc cũng nảy sinh trong quá trình thực hiện thông tư này. Do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và BHXH VN, Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn gồm các công văn 824, công văn 1044, công văn 7117, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện. “Hiểu chưa đúng về định mức tính giá, không phải là định mức tối đa để thực hiện các hoạt động chuyên môn; chỉ có 1 giá áp dụng cho các hạng bệnh viện, từ T.Ư đến địa phương nên phù hợp với đơn này thì chưa phù hợp với đơn vị kia... Giám định chưa đáp ứng yêu cầu; hay giá ban hành từ 2011, 2017 nhưng nhiều chi phí vẫn tính theo giá, cơ chế từ 2011, 2012 khi xây dựng Thông tư 04, chưa đủ chi phí nhưng có định mức lại cao hơn so với thực tế, BHXH chỉ có ý kiến về các định mức cao... Định mức nhân lực theo thực tế chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa tính chi phí quản lý, chưa tính khấu hao nên khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư; vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư”- đại diện Vụ Kế hoạch tài chính thừa nhận. Từ 1.7.2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá KCB, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000đ), và chi phí quản lý. Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000đ là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Về tác động đến Quỹ BHYT: Sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm theo Bộ Y tế, dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỉ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân cơ bản gây bội chi quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB... Tiền phong Phát hiện sớm bệnh hiếm để không thành bệnh hiếm Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo trong cộng đồng. Ước tính cứ khoảng 15 người thì có 1 người mắc bệnh hiếm. Số người mắc căn bệnh hiếm ở Việt Nam khoảng 6 triệu. Theo các chuyên gia y tế, bệnh Wilson, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh là các bệnh hiếm phức tạp, đòi hỏi sự truyền thông, giáo dục để tăng cường nhận biết của người dân cũng như các phương pháp tiếp cận để giúp cải thiện hiệu quả điều trị cho người bệnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trẻ bị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh ngày càng được phát hiện nhiều do công tác chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn trước. Bệnh viện Nhi T.Ư đã điều trị và cứu sống cho nhiều bệnh nhi mắc căn bệnh này. Bệnh lạ với chính bác sĩ PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, Wilson là bệnh hiếm gặp do gan không thải được kim loại đồng dư thừa ra ngoài cơ thể. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở nam, tỷ lệ mắc bệnh là 1/100.000 trong khi ở nữ là 4/100.000. Bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường do đột biến gen, hay phát bệnh từ sau 5 tuổi trở đi. Có những bệnh nhân phát bệnh chậm khi đã 50 tuổi. TS Lê Thanh Hải cho hay, bệnh Wilson còn khá lạ lẫm không chỉ đối với người dân mà còn đối với cả các y, bác sĩ. Nhiều bệnh nhân được gia đình đưa tới các bệnh viện khám không tìm ra bệnh hoặc chẩn đoán mắc bệnh gan, dạ dày… Nếu, người bệnh không được điều trị đúng thuốc và đúng phác đồ, bệnh càng trầm trọng. TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây tổn thương đa cơ quan với các biểu hiện lâm sàng ở hệ thần kinh, gan, xương khớp, tim, thận - tiết niệu, mắt... Giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có triệu chứng như: Nói khó, nói ngọng, chảy nước dãi, với trẻ thì thường học sút kém, mất tập trung, suy giảm nhận thức, khó tính. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân vàng da vàng mắt, khó nói, mệt mỏi, các khớp xương cứng, cử động như robot và thậm chí nôn ra máu, chảy máu cam. Nặng hơn nữa, sẽ dẫn tới suy gan, nếu không ghép gan, tỷ lệ tử vong lên tới 95%. Tất cả các bệnh nhân Wilson đều cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ suốt đời với mục tiêu hạn chế tối đa tổn thương do bệnh ở các cơ quan, phát hiện sớm và phòng ngừa biến chứng của bệnh cũng như tư vấn di truyền. Song một số bệnh nhân sau khi điều trị ổn định lại không tuân thủ phác đồ điều trị khiến bệnh tình tái phát trầm trọng hơn. Phát hiện sớm bệnh để cứu mạng trẻ PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, suy giảm miễn dịch bẩm sinh là bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng sản xuất đủ các loại tế bào miễn dịch, dẫn đến thiếu hụt kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc nấm. Vì vậy, trẻ thường hay bị ốm, mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt có thể dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong sớm. Hệ miễn dịch ở trẻ em trong giai đoạn phát triển còn chưa hoàn thiện và có thể sai sót ở một số khâu nào đó dẫn đến phát sinh ra các bệnh dị ứng (phản ứng quá mức), thiếu hụt miễn dịch (không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh), viêm tự miễn (phản ứng với chính mô của cơ thể). Tùy theo bản chất của loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau. Mặc dù đây là bệnh di truyền, mạn tính nhưng trên thế giới nếu trẻ được phát hiện bệnh trước 3-6 tháng tuổi và điều trị kịp thời thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 80-90%. PGS.TS Lê Thị Minh Hương cho biết, để điều trị một số thể suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hiện nay chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Hồng Kông, Pháp… trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy, cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%. Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hiểu biết về căn bệnh này của các gia đình còn hạn chế, việc chẩn đoán sớm gặp rất nhiều khó khăn.
|