Điểm tin y tế từ các báo ngày 10/4 đến ngày 20/4 năm 2018
CẤP ĐỔI THẺ BHYT: Tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT; Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới; Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Trang bị năng lực quản lý cho lãnh đạo đơn vị y tế; Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tiêm vắc – xin phòng chống bệnh sởi; 3,1 triệu USD điều tra toàn diện về bệnh Rickettsia, sốt mò, sốt Q trên toàn quốc; Khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh BHYT; Văcxin ComBE Five: an toàn hơn? Lao động
CẤP ĐỔI THẺ BHYT: Tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT Từ ngày 1.11.2017, cơ quan BHXH các địa phương thực hiện in và đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH cho toàn bộ người tham gia đã có mã số BHXH (gồm cả đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT và đối tượng chỉ tham gia BHYT). Theo BHXH Việt Nam, việc đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH không chỉ giúp ích cho công tác quản lý của cơ quan BHXH mà quan trọng hơn là mang lại những lợi ích thiết thực cho đơn vị và người tham gia BHYT.Trên 77,5 triệu người đã được đổi thẻ Để giải đáp những băn khoăn của người tham gia BHYT về việc đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH, ông Võ Khánh Bình - Trưởng ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam - cho biết, thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào các mảng hoạt động nghiệp vụ của ngành, trong đó có việc đổi mới công tác cấp thẻ BHYT nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân. BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; đổi thẻ BHYT mẫu mới theo mã định danh (mã số BHXH) cho người tham gia trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện việc tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên Cổng dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Lợi ích khi thực hiện việc đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH không chỉ giúp ích cho công tác quản lý của cơ quan BHXH mà quan trọng hơn là mang lại những lợi ích thiết thực cho đơn vị và người tham gia BHYT. Với việc bỏ thời điểm hết hạn sử dụng trên thẻ BHYT sẽ giúp giảm thủ tục thu hồi thẻ BHYT cũ còn giá trị nộp cho cơ quan BHXH khi đơn vị, người tham gia ngừng đóng BHYT. Đồng thời, khi được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, người tham gia chỉ cần khai báo mã số BHXH của mình khi tiếp tục đăng ký tham gia BHYT tại bất cứ đâu hoặc có thể tự kiểm tra thông tin về thẻ BHYT (như giá trị sử dụng thẻ, quá trình tham gia, mức hưởng…) trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (theo địa chỉ: http://www.baohiemxahoi.gov.vn), danh sách cấp thẻ BHYT (lưu tại đơn vị) hoặc liên hệ với tổng đài 1900.969668 để được giải đáp nếu còn vướng mắc. Theo đó, việc cấp thẻ BHYT theo mẫu mới hiện nay là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho việc chuyển sang cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới. Việc đổi thẻ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên đối tượng có thẻ BHYT hết giá trị sử dụng trước ngày 31.12.2017; đồng thời, đối với người tham gia chưa có mã số BHXH, cơ quan BHXH phải in và chuyển danh sách người tham gia BHXH, BHYT chưa có mã số BHXH và tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo đơn vị quản lý đối tượng và nhóm đối tượng để bổ sung các thông tin còn thiếu. Đến nay, toàn quốc đã cơ bản in, đổi xong thẻ BHYT mới theo mã số BHXH cho trên 77,5 triệu người, đạt tỉ lệ 98,7% trên tổng số người tham gia có mã số BHXH. Các đối tượng còn lại (khoảng 1 triệu người), tập trung tại TPHCM và Hà Nội, thuộc các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, thẻ BHYT (cũ) vẫn còn giá trị sử dụng. Theo báo cáo của 2 cơ quan BHXH TPHCM và BHXH TP.Hà Nội, dự kiến vào kỳ lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5.2018, người tham gia BHYT sẽ được nhận được thẻ BHYT mới. Tạo điều kiện tối đa cho người dân Ông Võ Khánh Bình cho biết, việc cấp đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của ngành BHXH trong tiến trình đổi mới, hiện đại hoá các quy trình quản lý nghiệp vụ của ngành, hướng tới mục tiêu hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người tham gia BHXH, BHYT, vì vậy BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp trong công tác cấp đổi thẻ BHYT. Cụ thể, với trường hợp thẻ BHYT ghi chưa đúng họ tên, ngày sinh, giới tính như Tờ khai của người tham gia, cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh và đổi thẻ BHYT, người tham gia không phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh. Trường hợp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ cấp theo mã số BHXH (thẻ BHYT mới) không ghi đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia BHYT cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó mà không phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh. Trường hợp thẻ BHYT cấp theo mã số BHXH có thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục ghi chưa đúng, người tham gia cung cấp thêm thông tin về tên, địa chỉ của các đơn vị nơi đã có quá trình tham gia trước đó hoặc thẻ cũ (nếu còn lưu giữ) cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ. Cơ quan BHXH có trách nhiệm chủ động kiểm tra lại danh sách, dữ liệu quản lý thu và kết hợp thêm với thông tin người tham gia có thể cung cấp để điều chỉnh dữ liệu và in thẻ BHYT mới cho người tham gia ngay trong ngày. Trường hợp đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia, sẽ được hưởng theo đối tượng có quyền lợi BHYT cao nhất và chỉ được cấp một thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng có thứ tự đầu tiên quy định tại Điều 12 Luật BHYT. Vì vậy, người tham gia cần chủ động thông tin và cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền lợi BHYT cao hơn cho cơ quan BHXH. Đối với các cơ sở KCB BHYT, khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên Cổng Thông tin giám định BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng thì liên hệ với phòng/bộ phận giám định BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng KCB BHYT để xác minh. Không được phép yêu cầu người bệnh quay về đổi thẻ BHYT. Nhân dân, trang TP.HCM Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới Từ ngày 1-5, tại TP Hồ Chí Minh, thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) theo mẫu mới sử dụng cho một số đối tượng như cán bộ hưu trí, trẻ em dưới sáu tuổi, người hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, người tham gia BHYT hộ gia đình...thay cho mẫu cũ, chính thức được sử dụng để khám, chữa bệnh. Hiện, cơ quan BHXH thành phố cùng các đơn vị liên quan đang tích cực hoàn tất công tác đổi thẻ để phát đến tay các đối tượng. Theo cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh, đợt này tại thành phố có gần 1,6 triệu người phải đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH là cán bộ hưu trí, trẻ em dưới sáu tuổi, người tham gia BHYT hộ gia đình, người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người phục vụ người có công với cách mạng. Việc đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý về BHYT, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành BHXH. Bà Lê Hồng Tân, ngụ phường 13, quận Phú Nhuận cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, phường đã thông báo đến cán bộ hưu trí sẽ nhận thẻ BHYT mới trong tháng 4 và thẻ BHYT mới đã được phát về tận hộ gia đình. Chị Nguyễn Thanh Vân, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho hay: Cuối năm 2017, cán bộ phụ trách lao động của phường đến nhà lấy thông tin các thành viên trong gia đình để điền vào sổ BHXH gia đình. Trên cơ sở dữ liệu này, con thứ hai của chị hiện dưới sáu tuổi đã có thẻ BHYT mới thay cho thẻ BHYT cũ được cấp lúc mới sinh. Theo cơ quan BHXH thành phố, trước đó, từ tháng 2-2018, việc đổi thẻ BHYT đã được BHXH thành phố và BHXH 24 quận, huyện của thành phố gửi thông báo đến các đơn vị: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) 24 quận, huyện; UBND xã, phường, thị trấn; bưu điện thành phố để có sự phối hợp thực hiện. Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Thu, cho biết: Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, bao gồm cả người nhận tiền mặt và nhận qua ATM, các điểm bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng sẽ phát thẻ BHYT mẫu mới cùng kỳ chi trả vào tháng 4-2018. Còn đối với người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến, thân nhân của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người phục vụ người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và trẻ em dưới sáu tuổi thì cơ quan quản lý đối tượng đó, cụ thể là các phòng LĐ-TB và XH quận, huyện; UBND xã phường, thị trấn sẽ phát thẻ BHYT mẫu mới đến tay các đối tượng trước ngày thẻ có giá trị. Cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, thẻ BHYT mẫu mới sẽ có mã số trùng với mã số của thẻ BHXH, có giá trị sử dụng từ ngày 1-5-2018 và trên thẻ không ghi "giá trị sử dụng đến" như trước đây. Việc này nhằm quản lý đối tượng tốt hơn, bởi mã số thẻ sẽ đóng vai trò định danh mỗi người giúp kiểm soát được vấn đề cấp trùng thẻ, khắc phục được tình trạng thay đổi như in, cấp lại hằng năm gây tốn kém chi phí. “Quyền lợi của người dân vẫn không thay đổi, khi đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, cơ sở y tế, người có thẻ chỉ cần nhớ mã số hoặc chụp vào điện thoại thông minh thì trên dữ liệu đã có đầy đủ thông tin lịch sử khám, chữa bệnh trước đó”, bà Nguyễn Thị Thu khẳng định. Bên cạnh đó, một đặc điểm khi sử dụng thẻ BHYT theo mẫu mới được cơ quan BHXH thành phố thông tin: Sau đợt nhận thẻ đầu tiên, những đối tượng này không cần lên lấy thẻ mà chỉ cần biết được thời gian sắp hết hạn và chuyển tiền vào tài khoản cơ quan BHXH hoặc ra đóng tiền ở đại lý, phần mềm sẽ cập nhật luôn giá trị. Người dân cũng không không cần đến để lấy thẻ nữa. Thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng từ ngày 1-5 và thẻ BHYT mẫu cũ có giá trị sử dụng đến ngày 30-4-2018. Tuy nhiên, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn tiếp nhận người bệnh đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT theo mẫu cũ đến hết ngày 30-6-2018. Trong trường hợp vì lý do khách quan, người dân chưa nhận được thẻ BHYT mới hoặc đã nhận được thẻ mới nhưng vẫn dùng thẻ cũ đi khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH thành phố đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để giải quyết, tiếp nhận khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Nhân dân Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân Theo số liệu thống kê của WHO, ít nhất một nửa số dân thế giới hiện nay không nhận được đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu; khoảng 100 triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày thậm chí thấp hơn do phải thanh toán các chi phí y tế; hơn 800 triệu người, chiếm gần 12% số dân thế giới, dành ít nhất 10% thu nhập gia đình cho các chi phí y tế. Trong khi đó, chi phí toàn cầu cho ngành y tế đang có xu hướng gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, tốc độ tăng chi phí cho sức khỏe hằng năm là 4%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ có 2,8%. Năm 2015, thế giới chi 7,3 nghìn tỷ USD cho mục đích này, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tài chính công là nguồn chi chủ yếu để đạt được mức bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tại các quốc gia có thu nhập cao, nguồn tài chính công trong chi phí y tế hiện nay đã tăng từ 66 đến 70%, trong khi ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng từ 48 đến 51%. Như một phần của Mục tiêu phát triển bền vững đặt ra khi thông qua năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã đồng thuận nỗ lực đạt được UHC vào năm 2030. Theo WHO, phổ biến chương trình UHC nghĩa là tất cả các cá nhân và cộng đồng đều nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không gặp khó khăn về tài chính, trong đó bao gồm đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, có chất lượng, từ nâng cao sức khỏe cho đến chăm sóc dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Ngoài ra, người dân còn được hưởng tất cả những dịch vụ khác của hệ thống y tế như hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, các hệ thống thông tin, các công nghệ y tế, mạng lưới liên lạc và thiết bị y tế, các cơ chế bảo đảm chất lượng, quản lý và đúng luật pháp. UHC còn hướng tới mục tiêu xa hơn là sự công bằng, hòa nhập và gắn kết xã hội. Tổng Giám đốc WHO Tiến sĩ A.Ghê-bri-ê-xút khẳng định: "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một sự lựa chọn chính trị, cần có tầm nhìn và tư duy dài hạn. Trách nhiệm của mỗi quốc gia và chính phủ quốc gia là theo đuổi nó". Hiện nay, một số quốc gia đã có những thành quả bước đầu hướng tới UHC, nhưng nhiều nước vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe của người dân và chi phí dịch vụ y tế gia tăng. Để thực hiện được mục tiêu của UHC, các quốc gia phải cơ cấu tài chính vững chắc. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp đồng bộ thông qua cải thiện và phát triển dịch vụ y tế, nhân lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, quản lý hệ thống mua sắm và cung cấp thuốc, công nghệ y tế và hệ thống thông tin y tế. Theo WHO, mỗi quốc gia nên tập trung vào các lĩnh vực và phát triển các phương pháp riêng hướng tới UHC bởi tình hình kinh tế, chính trị và xã hội mỗi nước khác nhau. Để hỗ trợ các nước thành viên, WHO cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát triển một khuôn khổ để theo dõi tiến độ của UHC, mở rộng phạm vi bao phủ y tế toàn dân và bảo vệ tài chính. Một trong những nguyên tắc cơ bản và cũng là thông điệp truyền đi năm nay của WHO trong Ngày Sức khỏe thế giới là mỗi con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng chính trị, hoặc điều kiện kinh tế - xã hội đều có quyền cơ bản được hưởng tiêu chuẩn tốt nhất về sức khỏe. Tất cả các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện sức khỏe người dân và khắc phục đói nghèo, bằng cách tăng phạm vi bao phủ của các dịch vụ y tế, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế lâu dài. Đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnhMặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta cũng bộc lộ nhiều bất cập, được đánh giá “chênh vênh như hình tháp ngược”. Điều đó, đòi hỏi hệ thống này cần được đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, chất lượng. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có 1.451 bệnh viện công lập, trong đó có 39 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện tuyến huyện và 72 bệnh viện ngành cùng khoảng 11.100 trạm y tế tuyến xã. Ở khu vực ngoài công lập có 219 bệnh viện và 31.594 phòng khám. Các cơ sở khám, chữa bệnh hiện được phân cấp, phân hạng, tuyến theo các quy định: phân chia theo đơn vị quản lý hành chính là tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã; phân cấp theo năng lực chuyên môn và phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế. Thời gian qua, các bệnh viện không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Đã có 37 bệnh viện trong tổng số 39 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong 24 đến 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tỷ lệ người bệnh nằm ghép so với năm 2012 giảm từ 58% xuống còn 16,7% ở tuyến trung ương; từ 47% xuống còn 11,4% ở tuyến tỉnh. Đến nay, mạng lưới bệnh viện vệ tinh có ở tất cả 63 tỉnh, thành phố với 117 bệnh viện (năm 2017) giúp giảm tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương; giảm mạnh nhất là các chuyên khoa: tim mạch, ngoại (giảm 98,5%), ung thư (giảm 97%), sản khoa (giảm 99%), nhi khoa (giảm 73%)... Quy trình khám bệnh không ngừng được cải tiến; thực hiện đánh giá bệnh viện theo bộ tiêu chí chất lượng để tiến tới chăm sóc toàn diện. Đánh giá chất lượng bệnh viện được thực hiện theo Bộ 83 tiêu chí, trong đó tính chung toàn quốc các bệnh viện đạt 3,15 điểm, tuyến trung ương đạt 3,42 điểm, một số bệnh viện trung ương đạt 4 điểm là mức tốt. Kết quả khảo sát hài lòng của người bệnh trực tuyến sau một năm với hơn một triệu phiếu khảo sát cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%. Kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại 3.000 người bệnh sau ra viện có kết quả tỷ lệ hài lòng đạt 79,6%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc phân hạng, phân tuyến bệnh viện còn bất cập và chưa thống nhất, đòi hỏi cần có sự thay đổi để đạt mục tiêu bao phủ toàn dân, mọi người đều có thể tiếp cận với chi phí phù hợp… Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Tuyến đề nghị quy định lại phân hạng, phân tuyến tích hợp trên cùng một văn bản theo đó quy định bổ sung đối với loại hình cơ sở khám, chữa bệnh là trung tâm y tế đa chức năng đồng thời bổ sung hạng của trung tâm y tế đa chức năng đó trong từng tuyến, bảo đảm tính đồng bộ, bình đẳng giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, phù hợp với quy định của Luật Khám, chữa bệnh, quy định về giá dịch vụ, quy định về phân loại phẫu thuật, thủ thuật và các quy định về chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời có quy định thống nhất mô hình hệ thống mạng lưới y tế trên toàn quốc. Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cần phát huy những ưu điểm của hệ thống đang vận hành từ trước đến nay, đồng thời tiến tới xu hướng quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tinh gọn, hiệu quả, chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã khẳng định: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng phương án đổi mới hệ thống khám, chữa bệnh với những nhiệm vụ rất cụ thể. Có hai phương án để phân chia các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm ba tuyến. Phương án 1, tuyến một là các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; tuyến hai là các cơ sở điều trị đa khoa (chia làm hai mức: đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao); tuyến ba là các cơ sở điều trị chuyên khoa, chuyên sâu (chia làm ba mức: chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu). Phương án 2, tuyến một là các cơ sở khám bệnh, điều trị ngoại trú và chăm sóc sức khỏe ban đầu; tuyến hai: tuyến điều trị đa khoa cơ bản; tuyến ba được chia làm ba mức: đa khoa nâng cao, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu. Việc phân tuyến khám, chữa bệnh là cơ sở để giao kỹ thuật chuyên môn; xác định quy định về chuyển tuyến theo thứ tự từ tuyến một đến tuyến ba. Trong mỗi tuyến, dựa vào năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ xếp các bệnh viện trong mỗi tuyến thành hai, ba mức khác nhau. Mức chất lượng sẽ là căn cứ để tính giá viện phí của bệnh viện. Trang bị năng lực quản lý cho lãnh đạo đơn vị y tế Tại Hà Nội, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ quản lý ngành y tế nhằm đánh giá, ghi nhận những kết quả, phản hồi ý kiến của học viên khóa 1 đã đạt được và điều chỉnh để xây dựng chương trình đào tạo hoàn thiện và đạt chất lượng cao nhất. Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện; viện trưởng, phó viện trưởng các đơn vị y tế dự phòng; giám đốc, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh… Sức khỏe & Đời sống Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tiêm vắc – xin phòng chống bệnh sởi Bộ Y tế đã có công văn số 2080/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống bệnh sởi. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay số trường hợp mắc bệnh sởi ghi nhận rải rác chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Yên Bái,...), tập trung chủ yếu tại các khu vực di biến động dân cư cao, ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, đã có các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… 3,1 triệu USD điều tra toàn diện về bệnh Rickettsia, sốt mò, sốt Q trên toàn quốc Sáng 19/4, tại Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới TW đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghiên cứu điều tra bệnh Rickettsia, sốt mò, sốt Q tại bệnh viện và cộng đồng trên toàn quốc” trong 4 năm (từ 2018 đến 2021). Dự án với sự tài trợ của Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) thông qua Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải quân Hoa Kỳ (NMRC) trị giá trên 3,1 triệu đô la Mỹ… Công an Nhân dân Khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh BHYT Ngày 12-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi đối thoại giữa Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong buổi đối thoại này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, việc khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là chủ trương chung của BHXH Việt Nam từ nhiều năm nay, nhằm mục đích mở rộng thị trường khám chữa bệnh lựa chọn cho người dân và tạo ra một đối trọng với khối y tế công lập để không tạo nên sự độc quyền. Nội dung này cũng đã giải đáp ý kiến của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT do cơ quan BHXH soạn không thống nhất với Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo cơ quan chức năng, năm 2015 mới chỉ có hơn 200 cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT, đến năm 2016 là gần 400 và năm 2017, 2018 là trên 600 cơ sở. Hầu hết các cơ sở y tế tư nhân thực hiện rất tốt, nghiêm túc, đúng với mục tiêu đặt ra là tạo nên một sự lựa chọn thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, còn có một số ít chưa thực hiện một cách đúng đắn những quy định pháp luật. Ông Phạm Lương Sơn khẳng định cơ quan BHXH đã tuân thủ mẫu hợp đồng khám chữa bệnh của Thông tư 41. Mặt khác, trong Thông tư cũng có điều khoản là hai bên phải thương thảo với nhau để bổ sung những điều khoản hợp đồng phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đặc thù của các cơ sở khám chữa bệnh. Cũng tại buổi đối thoại này, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã đưa ra 10 kiến nghị liên quan đến nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều khoản, nội dung thỏa thuận không đúng và không đủ theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân khi có tranh chấp xảy ra; việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT lần đầu năm 2018; một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT tư nhân bị BHXH tạm ngừng hợp đồng tùy tiện, không tuân thủ các quy định của Luật BHYT... Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng kiến nghị về việc nhiều tỉnh thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh và tạm ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tư nhân chưa kịp thời; việc không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong các ngày nghỉ, ngày lễ, thứ 7 và Chủ nhật mặc dù cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện thông báo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, trần khám, điều trị theo bệnh nhân, theo ngày, theo số lượng cán bộ, nhân viên y tế, giường bệnh trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó là kiến nghị liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật khám chữa bệnh của tuyến trên; chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân; hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo. Một nội dung được đưa ra trong buổi đối thoại chính là vụ việc xảy ra tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) trong thời gian qua gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Kết luận nội dung đối thoại giữa Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và đại diện Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên Phòng khám đa khoa Tâm Đức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị sửa đổi điều khoản hợp đồng theo hướng hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng và các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT. Mỗi bên có quyền đơn phương tạm dừng hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT, thay vì quy định chỉ có BHXH mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Phạm Lương Sơn khẳng định rằng, ngày 13-4, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương điều chỉnh vấn đề này. Về kiến nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên thống nhất cho rằng các nước đều cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ và các quy định pháp luật cũng đã nêu rõ cấp chứng chỉ cho đối tượng nào. Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền lợi người bệnh nên cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề, vấn đề đặt ra là thủ tục để có được chứng chỉ này, nếu nhiêu khê, phức tạp, cần phải chấn chỉnh. Trước ý kiến của Hiệp hội về Hiệp hội về chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ vẫn khuyến khích tư nhân đầu tư vào y tế, đặc biệt là ở phân khúc cao, nói chính sách nhà nước không quan tâm là không đúng. Tuy nhiên, tùy vào từng địa bàn mà có chính sách phù hợp, địa phương được quyền quyết định việc này... Tuổi trẻ Văcxin ComBE Five: an toàn hơn? Từ tháng 6-2018, văcxin 5 trong 1 mới ComBE Five - do Công ty Biological, Ấn Độ sản xuất - được sử dụng tại Việt Nam thay thế văcxin Quinvaxem đã ngưng sản xuất, Bộ Y tế thông báo trong ngày 16-4. Đã có 300 triệu liều văcxin ComBE Five được sử dụng ở 43 nước trên thế giới. Việt Nam là nước thứ 44 và sẽ sử dụng khoảng 5 triệu liều/năm. Rất nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại cuộc họp báo ngày 16-4 về chuyển đổi văcxin, trong đó có ComBE Five. Quan tâm lớn nhất là: tính an toàn của văcxin ComBE Five. Độ an toàn ra sao? Theo ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ComBe Five được phát triển từ những năm 1980. Bước tiến của văcxin này là năm 2010, khi Biological phát triển và đăng ký thành công ComBE Five 5 thành phần dung dịch toàn phần tại Ấn Độ. Ông Dương cho hay năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiền thẩm định văcxin dạng dung dịch, nhà sản xuất này cũng đã trúng thầu cung cấp ComBE Five cho chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng thông thường tại trên 40 quốc gia. Tuy nhiên báo giới rất e ngại về tính an toàn, nhất là khi văcxin mới ComBE Five có thành phần tương tự văcxin Quinvaxem, tức là có thành phần ho gà toàn tế bào, có đường dùng, cách đóng gói, chỉ định tiêm giống Quinvaxem. Theo ông Dương, ở thời điểm Ấn Độ sử dụng được 40 triệu liều ComBE Five, báo cáo ghi nhận có 11 ca phản ứng nặng sau tiêm. Trong số này có 5/11 sốt cao, co giật, khó thở... nhưng được cấp cứu kịp thời, không để lại di chứng, 6/11 bé tử vong, nhưng qua khảo sát cho thấy có 1 bé viêm phổi, 1 nhiễm trùng huyết, 1 gặp hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh... Tức là chưa có bằng chứng liên quan giữa văcxin và các trường hợp tử vong. Tại VN, văcxin này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở bốn huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn... "Không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm" - ông Dương nói. Làm gì để bảo đảm an toàn? Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2017 có 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 19 tỉnh thành. Tính theo số loại văcxin sử dụng cho thấy có 5 ca phản ứng sau dùng văcxin BCG phòng bệnh lao, 6 ca sau dùng văcxin viêm gan B, 2 ca sau dùng văcxin viêm gan B và BCG, 1 ca sau dùng văcxin Quinvaxem, 8 ca sau dùng Quinvaxem và OPV phòng bại liệt, 1 trường hợp vừa dùng Quinvaxem, OPV và BCG, 3 ca sau dùng văcxin ngừa uốn ván, 1 ca sau dùng văcxin viêm não Nhật Bản. Mặc dù qua đánh giá nguyên nhân, có tới 14 trường hợp chưa rõ, 9 cháu liên quan đến phản ứng của văcxin (phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ) và 4 cháu là do bệnh trùng hợp, nhưng số liệu này cho thấy số trường hợp phản ứng nặng liên quan đến văcxin Quinvaxem, tức là loại văcxin tương tự ComBE Five, là cao nhất. Điều đó cho thấy khi chuyển đổi văcxin, rất cần những biện pháp để bảo đảm an toàn. Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, khám sàng lọc trước tiêm thật kỹ lưỡng để có chỉ định hoàn tiêm, ngừng tiêm các cháu đang có ốm, sốt, có bệnh sẵn có... là biện pháp bảo đảm an toàn quan trọng nhất. Theo ông Điển, "trước khi đưa con đi tiêm chủng, bà mẹ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng và theo dõi sức khỏe của trẻ, thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, việc dùng thuốc và các phản ứng sau tiêm ở những lần trước". Còn cán bộ y tế khai thác kỹ tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm, khám sàng lọc kỹ lưỡng, hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ... Với những trẻ có bệnh lý, ông Điển hướng dẫn gia đình nên đưa trẻ đến các phòng tiêm của bệnh viện chuyên khoa để có bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc và chỉ định tiêm hay hoãn tiêm chủng cho trẻ. Có nguy cơ dịch bệnh nếu không tiêm Có một vòng luẩn quẩn của tiêm chủng được ông Trần Minh Điển nêu tại họp báo: khi có tai biến sau tiêm thì các gia đình e ngại, không đưa con đi tiêm chủng, nhưng khi tỉ lệ tiêm giảm xuống thì dịch lại bùng lên. Ở Nhật Bản cuối thập niên 1990 từng có 2 trẻ tử vong sau tiêm văcxin có thành phần ho gà, tỉ lệ tiêm ngừa giảm xuống và năm sau đó dịch xuất hiện ở nhiều tỉnh thành. "Từ đầu năm đến nay có gần 40 trẻ mắc ho gà, khoảng 50 trẻ mắc sởi vào viện, nhiều cháu mắc ho gà gặp tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nguy hiểm tới tính mạng" - ông Điển cho hay. Thống kê của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết số trường hợp mắc ho gà năm 2017 tăng so với 2016, cao nhất là tại Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Đắk Lắk, Hải Dương, TP.HCM và đã có 2 trẻ tử vong. Qua phân tích các ca mắc, xấp xỉ 40% các cháu chưa được tiêm chủng, trên 13% chưa được tiêm đủ mũi, nhưng cũng có 8% các cháu là đã tiêm đủ 3 mũi vẫn mắc bệnh. Là văcxin có số lượng sử dụng lớn nhất trong các văcxin tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, với khoảng 5 triệu mũi Quinvaxem và tới đây là ComBE Five được sử dụng mỗi năm, tương ứng với số văcxin này là nỗi lo lắng của 1,7 triệu gia đình có con được tiêm văcxin này. Tháng 5 này ComBE Five sẽ được dùng tiếp ở 4 tỉnh trước khi mở rộng ra toàn quốc vào tháng 6. Và tính an toàn đang được quan tâm hàng đầu. Ngành y tế nói chất lượng, các bà mẹ vẫn lo Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), văcxin ComBE Five có độ an toàn, hiệu quả cao như Quinvaxem nên các bà mẹ đưa con đi chích ngừa hãy yên tâm. Điều mà các nhà quản lý và người làm chuyên môn lo nhất là người dân băn khoăn vì sao mới phải đổi văcxin Quinvaxem, từ đó lo lắng về loại văcxin mới thay thế, không đưa con đi tiêm văcxin sẽ làm dịch bệnh quay lại. GS.TS Nguyễn Thị Kê, nguyên viện trưởng Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết văcxin ComBE Five được đưa về VN và được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Kết quả nghiệm thu cho thấy văcxin đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng tạo đáp ứng miễn dịch. Ngoài ra, loại văcxin này cũng được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt trong sản xuất) của WHO. Trước thông tin trong tháng 6 Bộ Y tế sẽ dùng văcxin mới ComBE Five thay cho Quinvaxem, một số bà mẹ mới sinh con được 1-2 tháng tuổi tỏ ra phân vân khi cho con tiếp cận văcxin mới. Chị N.T.A. (33 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp, tp.hcm) cho biết sẽ tìm hiểu thêm rồi mới quyết định có tiêm ngừa cho con. Còn chị Đ.N.T. (28 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận) cho biết trước đây đọc những ca tai biến về văcxin Quinvaxem cũng hơi lo, nay có văcxin mới thay thế nhưng chị cũng chưa thật sự yên tâm. Chị nói sẽ theo dõi thêm để quyết định tiêm loại văcxin này hay văcxin dịch vụ tương đương cho con Sài Gòn giải phóng Siết chặt kiểm tra để ngừa thuốc giả Chiều 16-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, Công an và các bộ, ngành liên quan về vấn đề thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đang gây bất an thời gian qua. Sau phản ánh sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được làm từ bột tre và báo cáo của Công an TP Hải Phòng, Tổng cục Cảnh sát đã cử lực lượng chức năng phối hợp với công an TP Hải Phòng tổ chức điều tra, kết luận làm rõ và bước đầu xác định cơ sở sản xuất này sản xuất thực phẩm chức năng không có giấy phép.Không loại trừ việc sản phẩm này đã được vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước. Bộ Y tế cũng đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. Trên nhãn sản phẩm này có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này và cho biết đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tổng Cục Cảnh sát cũng cho biết, sau khi có kết quả điều tra, cơ quan này sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh thành, các sở y tế, các đơn vị chức năng xử lý nghiêm minh vụ việc này và các vụ việc tương tự theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan tới sức khỏe con người đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong đó chú trọng đặc biệt tới các sản phẩm liên quan tới việc điều trị, hỗ trợ điều trị các căn bệnh nan y như ung thư. “Bất kỳ vụ việc nào liên quan tới những căn bệnh như ung thư, người dân đều rất bức xúc, do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý hết sức nghiêm minh”, Phó Thủ tướng nói. Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương, nỗ lực triển khai đề án quản lý tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc bằng kết nối mạng, yêu cầu truy xuất đến tận cùng các sản phẩm. Hiện tại đề án này đã được triển khai thí điểm tại Phú Thọ, Hưng Yên và một số địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai đồng loạt trong năm 2018 bởi đây là giải pháp lâu dài, căn bản để giúp người dân nhận biết thuốc, thực phẩm chức năng tin được, đâu là thật, đâu là giả. Đối với việc trao các giải thưởng, chứng nhận của các tổ chức cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan tới dược phẩm mà không lấy ý kiến chuyên môn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này, tránh việc người dân lầm tưởng là sản phẩm thật, sản phẩm tốt Thay vaccin Quinvaxem cùng 2 loại vaccine khác trong tiêm chủng mở rộng Chiều 16-4, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tổ chức hội thảo truyền thông về việc đưa một số loại vaccine mới vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018. Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại vaccine mới được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 là vaccine phòng bệnh Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất, vaccine Bại liệt tiêm (IPV) do Sanofi, Pháp sản xuất và vaccine “5 trong 1” ComBe Five do Ấn Độ sản xuất. Tất cả 3 loại vaccine này đều đã đạt thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Trước khi được đưa vào sử dụng trên diện rộng, các loại vaccine mới này đều đã được thử nghiệm tại nhiều địa phương với độ an toàn cao, hiệu quả phòng bệnh đảm bảo yêu cầu đề ra. Đề cập tới vaccine “5 trong 1” ComBe Five do Ấn Độ sản xuất, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, loại vaccine ComBe Five sẽ được dùng để thay thế cho vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vì hiện nay nhà sản xuất Berna Biotech, Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem. Vaccine “5 trong 1” ComBe Five có thành phần và tác dụng tương tự như Quinvaxem phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vaccine ComBe Five đã đạt các tiêu chuẩn về kiểm định của WHO và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5-2017. Đáng chú ý, trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vaccine này đã được sử dụng tại hơn 43 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều được tiêm bảo đảm an toàn và đây cũng là vaccine được UNICEF cung ứng cho nhiều quốc gia trên thế giới. PGS.TS Trần Như Dương cũng cho biết thêm, tính an toàn của vaccine ComBe Five tương tự như các vaccine “5 trong1” cùng thành phần. Qua thử nghiệm loại vaccine này tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vaccine, bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau quầng đỏ với tỷ lệ 5-15%, sốt với tỷ lệ 34-39% và không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng. Dự kiến việc chuyển đổi sử dụng vaccine ComBe Five thay thế Quinvaxem sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tháng 6 và 7-2018. Trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai trước tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp sau đó mới triển khai tại 11.000 điểm tiểm chủng trong toàn quốc. Lịch tiêm chủng vaccine ComBe Five cũng giống với vaccine Quinvaxem. Đối với vaccine vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được dùng thay thế cho vaccine Sởi- Rubella do Ấn Độ sản xuất. Bắt đầu từ tháng 4-2018, vaccine MRVAC đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đến nay đã có 19 tỉnh thành trong toàn quốc tổ chức tiêm vaccine MRVAC cho trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi, với kết quả không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm. Đối với vaccine bại liệt tiêm (IPV), Bộ Y tế cho biết, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vaccine bại liệt OPV (vaccine bại liệt 2 tuýp) thì cần sử dụng thêm 1 liều vaccine bại liệt tiêm IPV cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vaccine bại liệt IPV do hãng Sanofi, Pháp sản xuất và được cấp phép lưu hành ở nước ta. Đây là loại vaccine được Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi UNICEF. Nhân dịp này, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm An ninh Thủ đô Hà Nội: Viêm não vào mùa, 1 ngày 2 ca nhập viện, hơn 40 người phải theo dõiChỉ trong ngày 13-4 vừa qua, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận tới 2 bệnh nhân nhập viện do viêm não mô cầu. Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đã phải khẩn trương xử lý và cách ly hàng chục người…Ngày 18-4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện hiện đang điều trị cho một thiếu nữ 15 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) bị viêm màng não do mô cầu. Bệnh nhân này nhập viện ngày 13-4 với triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ, xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng của bệnh viêm màng não do não mô cầu. Tình trạng bệnh tiến triển nặng rất nhanh, dẫn tới hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy, đến nay sau 4 ngày điều trị bệnh nhân đã tiến triển hơn, tuy nhiên vẫn cần điều trị một thời gian dài nữa. Cũng trong ngày 13-4, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn tiếp nhận một trường hợp khác nghi do viêm não mô cầu. Đây là một bé gái 14 tháng tuổi (ở Kim Chung, Đông Anh), được người nhà đưa đến viện trong tình trạng sốt cao liên tục, có các cơn co giật, tím tái, lơ mơ. Sau 4 ngày điều trị, hiện nay, trẻ tỉnh táo, sốt nhẹ, được nằm phòng cách ly… Về xử lý ổ dịch tại cộng đồng, ông Đào Hữu Thân - TTYTDP Hà Nội cho biết, với trường hợp thiếu nữ 15 tuổi đã có kết quả dương tính với não mô cầu, hiện TTYTDP thành phố đã lập danh sách, cách ly tại cộng đồng và sử dụng kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khỏe 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B tại nơi ở, nơi học của bệnh nhân. Tương tự, với trường hợp bệnh nhi 14 tháng tuổi, TTYTDP Hà Nội cũng đã tiến hành các bước xử lý như với một ổ dịch viêm não mô cầu: xử lý môi trường, phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B tại gia đình bệnh nhân. 26 người lớn và 2 trẻ nhỏ tiếp xúc gần với bệnh nhi cũng được lập danh sách, theo dõi, cách ly tại cộng đồng, uống kháng sinh dự phòng.
|