Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 0 6 4 2
Số người đang truy cập
2 2 2
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 23/9 và 24/9 năm 2017

Pháp luật TPHCM

Báo động trẻ em kháng thuốc kháng sinh

Ngày 21-9, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.

PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho hay trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000-4.000 trẻ đến khám, điều trị nội trú cho 1.700 bệnh nhân. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại BV Nhi Trung ương có cấy phân, có đến 30% trẻ em có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện.

PGS Điển cũng chỉ rõ tình trạng kháng kháng sinh cao do liên quan đến vấn đề môi trường, đồ ăn có tồn tại dư lượng kháng sinh thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt thực hành tốt (GPP).

Nhân dân

Mạnh tay xử lý kinh doanh thuốc giả

Dù đã có cơ chế chính sách và ban bệ đầy đủ để quản lý dược, nhưng đến nay thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng, với chủng loại phong phú từ thông thường cho đến biệt dược vẫn được tuồn ra thị trường, thậm chí len lỏi vào cả hệ thống bệnh viện. Sở dĩ người dùng phải gánh chịu những hệ lụy đau lòng từ nạn thuốc giả là do công tác quản lý còn yếu kém trong cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.

Lỗ hổng quản lý

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 30 nghìn loại thuốc đang lưu hành, mỗi mặt hàng có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau, nên không dễ để quản lý, kiểm soát tất cả các sản phẩm. Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết, qua các đợt kiểm tra cho thấy, tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hóa đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, phía Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, tính trung bình mỗi năm toàn hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 30 nghìn mẫu thuốc để kiểm tra, bên cạnh có một số mẫu lấy ngẫu nhiên trên thị trường. Tính chung cả hai nhóm mẫu này, năm 2016, tỷ lệ thuốc giả phát hiện được là 0,01% số mẫu, thuốc không đạt chất lượng là 2% số mẫu, thuộc hầu hết các nhóm thuốc từ đắt tiền đến thuốc thông thường mà không ai tưởng tượng ra có thể là hàng giả.

Chuyên gia y tế Phan Đình Hiệp cho biết, hàng loạt loại thuốc được nhập về, lưu hành tại thị trường, người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, lúc đó Bộ Y tế mới phát hiện thuốc không đạt chất lượng, có văn bản thu hồi, chưa kể việc thu hồi còn mang tính chất hình thức. Vụ bê bối thuốc điều trị ung thư H-Capita của VN Pharma mới đây đã minh chứng rõ ràng về sự yếu kém trong công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng.

Siết tiền kiểm, tăng hậu kiểm

Bài trừ nạn thuốc giả, theo ý kiến của nhiều dược sĩ, bác sĩ mà chúng tôi đã tiếp xúc, sẽ cần đến không riêng gì ngành y tế, công an, quản lý thị trường, mà còn cần phải có sự chung tay góp sức của những đại lý ở những chợ bán sỉ thuốc tây, cửa hàng dược phẩm và ngay cả những nhà thuốc trong các bệnh viện, bởi lẽ nếu không có những nơi này tiêu thụ thì những kẻ kinh doanh thuốc giả, không đạt chất lượng sẽ không còn đất sống. Dược sĩ Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Trung ương 71 đề xuất: “Việc kiểm tra, giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay từ khâu bào chế sản xuất, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng sẽ góp phần hạn chế thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng chỉ hiệu quả khi đầu vào đạt mức độ kiểm soát chuẩn mực (tức tiền kiểm). Tuy nhiên, đầu vào thị trường thuốc nước ta quả là chưa ổn khi cơ quan quản lý chưa khảo sát và đánh giá thực tế hầu hết cơ sở sản xuất cung cấp thuốc vào thị trường. Do vậy cơ quan quản lý cần có những hình thức khảo sát tại các cơ sở sản xuất thuốc vào thị trường nước ta, cũng như các DN sản xuất trong nước. Ngoài ra, nhìn nhận từ con số hai năm qua có hàng loạt thuốc bị rút số đăng ký vì lý do không đúng với thực tế của thuốc, theo nhiều ý kiến, hội đồng xét cấp đăng ký lưu hành thuốc vào Việt Nam cần tăng thêm chuyên gia giám định hồ

sơ, giấy tờ, chữ ký bên cạnh các chuyên gia về pháp chế, dược lâm sàng như hiện hành. Việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ việc kiểm nghiệm thuốc cũng cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn với nhiều máy móc hiện đại, phù hợp, phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn. Bởi như ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc T.Ư cho biết, thuốc giả hiện nay được làm giả rất tinh vi, làm giả cả tem chống hàng giả với mã số y như thật.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, công bố tiêu chuẩn chất lượng dược phẩm, thông tin công khai về việc cấp phép của DN dược phẩm, theo ông Đàm Thanh Thế, thì Bộ Y tế không được lơ là, bỏ qua công tác hậu kiểm, bởi điều đó tối

quan trọng để tránh việc người tiêu dùng phải dùng sản phẩm kém chất lượng một thời gian dài rồi cơ quan quản lý Nhà nước mới phát hiện. Mặt khác, mỗi khi phát hiện những chủng loại thuốc giả, ngành y tế nên phổ biến đến những cơ sở kinh doanh thuốc tây cách thức phân biệt, thí dụ như mẫu mã, bao bì, hình thức thuốc, số đăng ký… để những nơi này hoặc từ chối không mua, hoặc nếu đã lỡ mua rồi thì báo ngay cho cơ quan chức năng, và tuyệt đối không bán cho người bệnh.

Nhìn rộng hơn vấn đề này, chuyên gia y tế Phan Đình Hiệp đề xuất, chúng ta cần áp dụng cách làm của một số nước có nền dược phẩm phát triển, chẳng hạn như các nước châu Âu. Theo đó, mỗi gói hàng dược phẩm tại châu Âu đến năm 2019 sẽ có một thuật toán xác định danh tính gồm các dữ liệu mã sản phẩm, số lô hàng, ngày hết hạn, mã số nhận diện riêng và mã số trợ giá quốc gia (nếu có). Song song đó, dược phẩm cũng phải đi kèm với cơ chế phân biệt hàng thật/hàng giả. Bản quy chế này phải chỉ rõ cách nhận diện liệu gói dược phẩm có bị can thiệp bất hợp pháp trước khi đưa ra bán lẻ hay không? Trong quá trình vận hành, nếu cần thiết, các quốc gia châu Âu có thể trao đổi thông tin qua kho dữ liệu chung. Hệ thống dữ liệu cũng có hiệu lực trong trường hợp thuốc bị thu hồi.

Để từng bước kiểm soát nạn thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên thành lập những nhóm chuyên viên đặc biệt bao gồm cả bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia dược… để chống thuốc giả như một số nước đã làm (Hoa Kỳ chẳng hạn). Chúng ta cần sớm hình thành một hệ thống khép kín chống thuốc giả, gồm nhiều bước và tổ chức, bắt đầu từ phòng khám của bác sĩ cho đến khi thuốc đến tay bệnh nhân. Cùng với đó cần có các biện pháp mạnh tay hơn như tăng hình phạt về tài chính, tăng khung hình phạt tù với tội sản xuất, kinh doanh, lưu hành thuốc giả, kém chất lượng. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng không còn cảnh người bệnh phải chữa bệnh bằng thuốc giả, thuốc không đạt chuẩn chất lượng và phải đổ tiền oan vào những thứ thuốc không có hiệu quả trong điều trị bệnh.

Tăng cường quản lý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (DP-MP-TPCN).

Theo đó, xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tình hình sản xuất, kinh doanh DP-MP-TPCN giả và vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại DP-MP-TPCN để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý các sản phẩm này; kiên quyết xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Sài Gòn giải phóng

 Chất coumarin trong thuốc lá nhập lậu gây hại nghiêm trọng sức khỏe con người

Coumarin là chất thuộc nhóm hóa chất nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam nhưng lại được tìm thấy trong thuốc lá nhập lậu J. và H.

Chiều 22-9 tại TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo “Tác hại nghiêm trọng của chất coumarin trong thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe thai phụ và thai nhi”.

Hội thảo có sự tham gia của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá Việt Nam, các bác sĩ chuyên khoa sản tại các bệnh viện ở TPHCM và chị em phụ nữ quan tâm đến sức khoẻ sinh sản.

Tại đây, các chuyên gia cho biết, thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ những thành phần độc hại, không được kiểm soát về nguồn gốc và hàm lượng chất coumarin có trong thuốc lá nhập lậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi.

Coumarin là một thành phần phổ biến trong thuốc diệt chuột, là một loại hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng. Nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm sử dụng chất này trong thực phẩm và thuốc lá vì nguy cơ gây các chứng bệnh nguy hiểm đến gan, hệ thần kinh và tim mạch. Đây cũng là chất cấm dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở 2 loại thuốc lá  nhập lậu phổ biến tại Việt Nam là J. và H. đều có chứa chất này.

Kết quả phân tích về hàm lượng thực tế chất coumarin trong thuốc lá nhập lậu được Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá Việt Nam thực hiện trên hai loại thuốc lá nhập lậu nêu trên cho thấy, chất coumarin độc hại này đều có trong sợi của thuốc lá nhập lậu J. (76,3 ppm) và H. (98.7 ppm).

Các chuyên gia y tế cho biết, các tài liệu khoa học cũng chỉ ra rằng coumarin là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai, dị tật thai nhi nếu trong giai đoạn thai kỳ người mẹ tiếp xúc với các hóa chất thuộc nhóm này. Chính vì thế, các chuyên gia y tế khuyến nghị các bà mẹ mang thai cần nhận thức việc bảo vệ cơ thể tránh khỏi những chất độc hóa học bên ngoài môi trường sống . Đặc biệt là chất coumarin trong thuốc lá nhập lậu, có khả năng trực tiếp tác động sâu đến em bé đang còn trong giai đoạn hình thành trong bụng mẹ.

Liên quan thuốc lá lậu, theo báo cáo Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát (gồm: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan, Lào, Úc, Philippines, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Pakistan, Hồng Công, Malaysia, Brunei). Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tình trạng buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, thuốc lá lậu có xu hướng tăng trở lại và diễn biến phức tạp. Số lượng thuốc lá buôn lậu ước tăng 10% so với 2015, chiếm 20% thị phần, gây thất thu thuế ước tính khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.

Tiền phong

Bộ Y tế nói gì về công văn trái chỉ đạo của Thủ tướng?

Trước thông tin Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu ra tại cuộc làm việc với Bộ Y tế rằng Vụ trưởng Vụ pháp chế của bộ này ký văn bản trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ pháp chế khẳng định với Tiền Phong ông ký văn bản gửi doanh nghiệp là đúng thẩm quyền.

Trao đổi với Tiền Phong về sự việc trên, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, để có công văn mà Bộ Y tế ký gửi doanh nghiệp, chúng ta nên xem xét lại cả một quá trình. Đầu tiên là do thiếu hụt i-ốt trong ăn uống nên các bệnh bướu cổ, đần độn... quay trở lại. Để phòng ngừa các bệnh do thiếu i-ốt gây ra, một biện pháp mang tính công cộng và hiệu quả là tăng cường sử dụng muối i-ốt. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 09 vào ngày 28/1/2016 và có hiệu lực từ 15/3/2017. Trong đó, có quy định tại điểm a khoản 1,  Điều 6 của Nghị định là muối ăn dùng trong chế biến thực thực, muối ăn thông thường là phải được tăng cường I-ốt. Ngoài ra, tại điều 6 còn quy định: “thực phẩm bắt buộc phải tăng cường vi chất i-ốt”.

Như vậy, các thực phẩm bắt buộc tăng cường như muối dùng để ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến thực phẩm. Theo ông Quang khi đưa ra các vấn đề này, Chính phủ đã xem xét trên các bằng chứng khoa học và thực tiễn về việc I-ốt có mất đi trong chế biến không, có làm biến đổi màu sắc hay không, có làm rào cản trong hoạt động thương mại không... Dựa vào các điều đó, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, Unicef cùng các chuyên gia đã cung cấp các bằng chứng trong nước và thế giới một cách khách quan cho thấy không có ảnh hưởng nào. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định trên.

Ngày 15/3/2017 Nghị định có hiệu lực, vì vậy khi các doanh nghiệp khi sử dụng thực phẩm đều phải bổ sung muối i- ốt. Đây là Nghị định của Chính phủ do Chính phủ ban hành vì lợi ích sức khoẻ của người dân, không có xuất hiện bất cứ yếu tố gì liên quan đến lợi ích nhóm hay cản trở doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính.

Vì vậy, theo tôi trong một năm đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị để đến khi Nghị định có hiệu lực thì các sản phẩm của họ phải được bổ sung i-ốt rồi. Nhưng thực tế đến tháng 5/2017 doanh nghiệp vẫn chưa làm. Nhiều doanh nghiệp nêu lý do là nếu sử dụng i-ốt thì làm mất đi trong quá trình chế biến, tăng giá thành tăng, làm biến đổi màu sắc... sau đó, Chính phủ chủ trì họp với doanh nghiệp.

“Đây là một Nghị định của Chính phủ ban hành- là một văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện. Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì phải phản ánh với Bộ Y tế để Bộ và các cơ quan chức năng tổng hợp nhằm có sự ủng hộ chung. Chứ Bộ Y tế không thể ra một văn bản nào để cho doanh nghiệp thực hiện và không thực hiện việc này cả”- ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.

Sau khi có hiệu lực, doanh nghiệp mới “kêu”

Điều đáng nói, theo ông Quang là Nghị định kéo dài hơn 1 năm có hiệu lực để các doanh nghiệp thực hiện. Nhưng tháng 3/2017 là có hiệu lực thì đến tháng 5/2017 doanh nghiệp mới “kêu”. Ngay sau đó Bộ Y tế ra công văn là không chứa quy phạm pháp luật, chỉ nhắc các doanh nghiệp là phải thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 09.

Văn bản của Bộ Y tế gửi đến doanh nghiệp nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện nếu sản phẩm thực phẩm mà bị biến đổi màu, mùi vị làm ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng như doanh nghiệp báo cáo” thì gửi mẫu sản phẩm và thông tin. Theo ông Quang, ví dụ nếu có, lúc đó Bộ Y tế sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và trình Chính phủ bổ sung. Nhưng thực tế, doanh nghiệp không thực hiện gì cả, có thể coi là họ vi phạm pháp luật. “Tôi xin khẳng định lại đây là công văn nhắc nhở theo thẩm quyền”- ông Quang nói đồng thời cho biết Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo trung thực, khách quan và minh bạch quá trình ban hành văn bản này để gửi Thủ tướng Chính phủ.

“Công văn này không phát sinh một thủ tục hành chính nào mà Bộ Y tế gửi cho doanh nghiệp thực hiện mà thôi. Không có gì trái với Nghị định 09 cả. Như vậy, việc này phù hợp với Vụ pháp chế. Tôi ký là thừa lệnh thôi”- ông Nguyễn Huy Quang.

Chỉ có khoảng 20% trẻ mắc bệnh sống đến 1 tuổi

TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch trẻ em, cho biết thời điểm xuất hiện và độ nặng của triệu chứng bệnh phụ thuộc vào số lượng tĩnh mạch bị ảnh hưởng và có hay không có sự tắc nghẽn các tĩnh mạch này. Trường hợp 1 tĩnh mạch bị tổn thương, bệnh nhi thường không có triệu chứng. Nếu 2 tĩnh mạch cùng bên bị tổn thương, bệnh nhi có thể có các biểu hiện nhẹ ở thời kỳ thơ ấu như khó thở khi gắng sức và mệt mỏi nhẹ. Nhưng khi trưởng thành, quá nhiều máu trở về phổi có thể gây tăng áp lực động mạch phổi.

Tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn là bệnh lý nghiêm trọng, cần được phẫu thuật chỉnh sửa ngay sau khi chẩn đoán. Trong khi phần lớn bệnh nhi không có biểu hiện bất thường khi chào đời, khoảng 50% sẽ xuất hiện các triệu chứng trong tháng đầu đời, và hầu như tất cả trẻ sẽ có biểu hiện khi trên 1 tuổi. Các triệu chứng bệnh bao gồm: suy tim ứ huyết (thở nhanh, ra mồ hôi, uể oải, cáu gắt, ăn kém, tăng trưởng kém), và xanh tím nhẹ ở môi và đầu ngón tay.Tắc nghẽn trên đường trở về của tĩnh mạch phổi có thể dẫn đến những rắc rối nặng về hô hấp: suy hô hấp, phù phổi.

Nếu không điều trị, chỉ có khoảng 20% sống đến 1 tuổi, và 50% trong số này sống được trên 3 tuổi. Tử vong sớm hay xảy ra ở những trẻ có hẹp đường tĩnh mạch phổi dẫn máu về tim hoặc lỗ thông liên nhĩ nhỏ, và thường xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng đầu sau sinh, với các triệu chứng như khó thở, tím và các biểu hiện giảm cung lượng tim, có thể gặp tình trạng sốc tim. Nếu bệnh nhi qua được giai đoạn này thì thường có biểu hiện tim to, tăng tuần hoàn phổi, tím, suy tim phải, và cũng chỉ có một nửa trong số đó sống được đến 1 tuổi.

Ở những bệnh nhân sống qua 1 tuổi thường có lỗ thông liên nhĩ lớn, với triệu chứng giống như những bệnh tim có shunt trái – phải (như bệnh thông liên nhĩ đơn thuần), và tiến triển tương đối chậm cho đến khoảng 10 đến 20 tuổi sẽ xuất hiện các triệu chứng của tăng áp lực động mạch phổi nặng, tăng sức cản phổi và tím nặng dần lên.

Theo TS. Lê Hồng Quang, cháu H rất may mắn đã được các bác sĩ phát hiện bệnh sớm và chỉ định phẫu thuật kịp thời. Tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn có tắc nghẽn là bệnh lý tim bẩm sinh trầm trọng, nếu không được điều trị, phần lớn trẻ sẽ không sống hết được 3 tháng đầu đời.

Hiện nay giải pháp điều trị chủ yếu đối với tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn là phẫu thuật tim hở (sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể) để sửa chữa toàn bộ – chuyển các tĩnh mạch phổi trở về nhĩ trái và đóng lỗ thông liên nhĩ, có hoặc không có hạ nhiệt độ sâu và ngừng tuần hoàn. Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc một phần vào việc có tắc nghẽn hay không. Nếu có tắc nghẽn, phẫu thuật phải được thực hiện ngay sau khi có chẩn đoán. Nếu không có tắc nghẽn, phẫu thuật nên được tiến hành trong 6 tháng đầu đời. Tiên lượng lâu dài cho trẻ sau phẫu thuật thường là tốt. Tuy vậy, có một số ít trẻ sẽ phải phẫu thuật lại do hẹp các tĩnh mạch phổi.

Theo thống kê của Trung tâm tim mạch trẻ em, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 10.000 – 12.000 trẻ mới sinh mắc chứng tim bẩm sinh cần được chẩn đoán và can thiệp sớm. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, việc chẩn đoán sớm các bệnh tim bẩm sinh ngay từ thời kì bào thai bằng phương pháp siêu âm có một vai trò vô cùng quan trọng. Chẳng hạn bệnh tĩnh mạch phổi trở về bất thường có thể được chẩn đoán bằng siêu âm tim thai từ tuần thứ 18. Tại Việt Nam, siêu âm tim mạch bào thai mới phát triển và phổ biến trong một vài năm gần đây.

Tuy đã có nhiều trường hợp bệnh tim bẩm sinh phức tạp được phát hiện sớm và phẫu thuật thành công, mang lại kết quả đáng khích lệ, nhưng về tổng thể, tỉ lệ tử vong do tim bẩm sinh vẫn còn cao do sự nhận thức của người dân còn hạn chế dẫn đến tình trạng nhiều trẻ không được chẩn đoán phát hiện bệnh, chẩn đoán muộn, hoặc can thiệp và phẫu thuật không kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về tim mạch, các gia đình cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời:

- Trẻ sinh ra có hiện tượng tím, hay quấy khóc, thở nhanh.

– Khả năng bú mẹ của trẻ kém, cữ bú của trẻ thường ngắt quãng và không được liên tục như các trẻ khỏe khác.

- Trẻ có dấu hiệu tím tái, chậm tăng cân, tình trạng viêm phổi tái diễn liên tục.

Thanh niên

Giả chứng chỉ hành nghề y để đi xin giấy phép khám, chữa bệnh

Ngày 22.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở vừa phát hiện một trường hợp làm giả chứng chỉ hành nghề y, sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép đủ điều kiện khám, chữa bệnh.

Ông Trịnh Hữu Dần (76 tuổi, ngụ Thanh Hóa) đến Sở Y tế TP.HCM nộp hồ sơ xin thẩm định đủ điều kiện hành nghề y tư nhân. Kèm theo hồ sơ là CCHNY và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM cấp. Ngành nghề kinh doanh: Phòng khám bệnh, chữa bệnh, bốc thuốc, kê toa chuyên khoa y học cổ truyền, y học dân tộc, tại địa chỉ: 3/157D ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

Tuy nhiên, khi kiểm tra chứng chỉ hành nghề y của ông Dần, bộ phận chuyên môn Sở Y tế TP phát hiện đây là chứng chỉ có dấu hiệu làm giả từ hình thức, nội dung đến cả chữ ký của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh. Trong chứng chỉ hành nghề y giả, ông Dần ghi mình là bác sĩ chuyên khoa cấp 1 ngành y học dân tộc, y học cổ truyền.

Ngày 10.8, Phòng Y tế huyện Hóc Môn đã tiến hành kiểm tra cơ sở của ông Dần. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở… xông hơi, xoa bóp; không có phòng khám bệnh, không có bốc thuốc hay thuốc cấp cứu gì nên Phòng yêu cầu ngưng hoạt động.

Ngày 8.9, Đội 2 Đoàn kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện Hóc Môn tiếp tục kiểm tra địa chỉ trên. Kết quả cho thấy cơ sở có 8 phòng xông hơi, xoa bóp, trong đó có 3 phòng đang có khách. Cơ sở không cung cấp được giấy phép khám bệnh, chữa bệnh như đã đăng ký kinh doanh.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã mời ông Dần đến làm việc, tuy nhiên ông Dần không đến. Sở Y tế TP.HCM cho biết đang đề xuất UBND TP.HCM xử phạt cơ sở này và tiến hành hậu kiểm xem cơ sở có tuân thủ pháp luật hay không.

Báo cáo sự cố y khoa để tránh sai sót

Sự cố ý khoa là đề tài sôi nổi được các bác sĩ thảo luận tại Diễn đàn quản lý chất lượng và an toàn người bệnh do Trung tâm quốc gia về y tế và sức khỏe toàn cầu Nhật Bản phối hợp với Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức ngày 20.9.

Tìm nguyên nhân gốc của sự cố

Theo các đại biểu, báo cáo sự cố y khoa tại các bệnh viện trong những năm đầu triển khai rất ít người thực hiện, do nhân viên chưa hiểu rõ về sự cố, sự cố y khoa. Các nhân viên y tế thường bao che cho nhau, sợ liên hệ đến bản thân, thu nhập… nên không báo sự cố y khoa.

Bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết báo cáo sự cố bắt buộc và tự nguyện được bệnh viện thực hiện từ tháng 7.2014. Tuy nhiên, trong hai năm đầu rất ít báo cáo tự nguyện được nhân viên thực hiện vì những lý do trên. Để nhân viên y tế có trách nhiệm, báo cáo sự cố y khoa, BS Hằng đưa ra giải pháp là toàn bộ cán bộ nhân viên phải đoàn kết, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề báo cáo và giải quyết sự cố. BS Hằng cho rằng cần phân tích nguyên nhân gốc của các sự cố, sử dụng nguyên tắc không chỉ trích, phê bình các đối tượng liên quan đến sự cố, chú trọng tìm ra lỗi hệ thống và đề xuất giải pháp khắc phục.

Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, sai sót, sự cố là điều kiện khó tránh khỏi trong môi trường bệnh viện. Để cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, giảm thiểu các sự cố xảy ra thì việc báo cáo sự cố là cần thiết, sẽ giảm được việc giải quyết hậu quả. “Khi sự cố y khoa xảy ra, nhiều y, bác sĩ không báo cáo vì sợ trách nhiệm, mất thành tích. Đó là quan niệm sai lầm. Sự cố xảy ra, khi được báo cáo để cùng phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố, đưa ra biện pháp giải quyết, hướng khắc phục… để từ đó tránh đi những sai lầm”, một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bà Rịa chia sẻ.

Quản lý chất lượng để hạn chế sự cố

BS.CKI Trần Thị Quỳnh Anh, Phòng nghiệp vụ Y - Dược, Sở Y tế Thái Bình, cho biết quản lý chất lượng, an toàn người bệnh là hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, quyền lợi của người bệnh và uy tín của ngành. Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và các bệnh viện. Đồng quan điểm trên, BS Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết trong hành trình xây dựng và phát triển bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bệnh viện đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của bệnh viện, triển khai các kỹ thuật mới... để chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng lên.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong những năm qua, công tác khám, chữa bệnh ở nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện.

Nhiều bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh đã triển khai áp dụng những kỹ thuật y học hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khám, chữa bệnh vẫn còn những hạn chế và thách thức.

Tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ nhân viên làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Các sai sót trong y khoa vẫn thường xuyên xảy ra, vấn đề mất an ninh bệnh viện, an toàn trong y tế đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành như sự cố 8 người bệnh tử vong trong chạy thận nhân tạo. Theo Cục quản lý khám chữa bệnh, nếu quản lý chất lượng tốt sẽ hạn chế được tối đa các sự cố không mong muốn.

‘Cò’ khám chữa bệnh lộng hành

Mặc dù Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng “cò” khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM vẫn lộng hành, nhất là ở Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic.

Từ 4 giờ sáng, “cò” ở khu vực xung quanh Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (đường Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM, người dân hay gọi là Trung tâm chẩn đoán Hòa Hảo - gọi tắt là Trung tâm) đã hoạt động tấp nập, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh đưa ra các phòng khám lân cận. Cảnh tượng bát nháo, chụp giựt trong khám chữa bệnh này vẫn tồn tại, trước sự gần như bất lực của cơ quan chức năng.

Trong nhiều ngày ghi nhận, PV Thanh Niên không khỏi ngạc nhiên trước việc quy tụ đông đúc, hoạt động chuyên nghiệp của “cò” ở khu vực này. Từ 4 - 6 giờ sáng hằng ngày là thời điểm họ hoạt động mạnh nhất. Ngay giao lộ Nguyễn Duy Dương, Hòa Hảo, Ngô Gia Tự có một nhóm khoảng 20 - 30 người. Họ chia nhau chặn xe, chặn người bệnh. Hễ thấy xe hơi, xe máy rà rà thả người là nhanh chóng tiếp cận dụ dỗ... đưa đi khám nhanh. “Cò” ở đây dùng chiêu trò “tái khám thì qua kia (Trung tâm - PV), còn khám bệnh mới thì qua đây (Phòng khám P.A) nên bệnh nhân bị “lùa” vào phòng khám (PK) này mà cứ tưởng các PK “cò” đưa tới là của Trung tâm. Cứ như vậy, hàng chục bệnh nhân “dính bẫy”.

Phía trước mặt chính Trung tâm có nhóm thứ 2 kéo bệnh qua nhà thuốc N.H hỏi han, hướng dẫn (nơi trước đây “cò” thường dẫn bệnh qua hiện đã bị rút giấy phép do bán thuốc quá giá), rồi sau đó hoặc đưa bệnh nhân trở lại Trung tâm bảo là đi khám nhanh để nhận tiền, hoặc đưa qua phòng siêu âm, xét nghiệm trong đường dây của “cò” ở đường Hòa Hảo.

Sáng 22.8, chúng tôi túc trực ngay trước cổng Trung tâm, ghi nhận có khoảng 10 người hoạt động “bắt” bệnh nhân đưa ra PK bên ngoài. Mặc dù có 2 người đàn ông mặc trang phục bảo vệ dân phố đứng điều tiết giao thông, giữ an ninh trật tự nhưng “cò” xem như không có ai.

Khoảng 9 giờ cùng ngày, thấy một chiếc ô tô mang biển số Đồng Nai đá xi nhan tấp vào lề, một người liền chạy lại hướng dẫn ô tô đậu vào lề rất chuyên nghiệp, sau đó đập cửa, dụ bệnh nhân: “Giờ vô Trung tâm phải bốc số thứ tự đợi có mà tới chiều. Qua bên PK gần đây cũng là bác sĩ (BS) của Trung tâm khám. Tụi tôi giữ xe cho luôn, nhanh gọn rồi về cho khỏe...”. Còn phía trong Trung tâm, 2 - 3 người dụ người bệnh đi khám nhanh, xem như chốn không người!

Khoảng 10 giờ ngày 12.9, bà Tâm (45 tuổi, quê H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mặt buồn thiu đi loanh quanh trước PK P.A. Khi chúng tôi hỏi thì bà trả lời: “Trong túi tôi còn có mấy chục ngàn đủ mua cái thẻ cào, nạp vào để gọi nhà xe tới đón” và bà kể, đón xe lên Trung tâm khám bệnh, đến nơi khi trời chưa sáng, buồn ngủ quá nên bà bị người ta dắt vào PK bên ngoài. “Họ kêu đi tái khám thì vào Trung tâm. Còn đi khám mới thì qua PK này, họ dắt vào mà tôi đâu có biết, cũng không để ý cái bảng hiệu! Dành dụm, tích góp khá lâu mới được 4 triệu đồng nhưng vào PK này đã hết sạch, không còn tiền mua thuốc”.

Bệnh nhân khác là người đàn ông tầm 50 tuổi, quê Hậu Giang, kể: “Sáng bị mấy người kia (cò - PV) dẫn vào chứ ai mà biết đây là PK tư bên ngoài, không phải của Trung tâm. Họ khám tổng quát lấy 2,7 triệu đồng, mua thuốc 1,8 triệu đồng. Lần đầu tiên lên Sài Gòn khám bệnh mà bị cảnh này, tôi tiếc tiền quá!”. Chúng tôi hỏi 7 người bệnh khác vào PK P.A và đều nhận được câu trả lời: “Quá mắc tiền”.

“Những người dân áo quần xộc xệch nghèo khổ từ dưới quê lên TP khám bệnh mà bị cảnh này thì tội lắm. Có trường hợp khám xong hết sạch tiền, không còn tiền đi xe về. Tôi biết nhưng đâu dám ngăn cản, đâu dám nói cho người đi khám biết được, tụi “cò” nó đánh chết!”, một người sống gần PK nói.

Ngang nhiên chia “giang sơn” hoạt động

Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, rất bức xúc, cho biết hằng tháng Trung tâm đều dành một khoản chi phí để hỗ trợ các lực lượng giữ an ninh trật tự, nhưng tình trạng “cò” vẫn lộng hành, bát nháo, ngang nhiên “bắt” bệnh nhân trước Trung tâm!

BS Hải khuyến cáo: “Đã có nhiều người tiền mất tật mang khi bị “cò” đưa ra PK bên ngoài” và cho biết, quanh Trung tâm có 2 nhóm. Một nhóm ở trước Trung tâm, do đối tượng tên C. cầm đầu. Thậm chí có lần C. còn đánh cả nhân viên Trung tâm.

Nhóm này đưa bệnh nhân qua phía nhà thuốc N.H nói trên. Thực chất, C. cũng chỉ là người được thuê, kẻ điều khiển là một người khác. Nhóm khác ở phía đường Nguyễn Duy Dương do một đối tượng cầm đầu đưa bệnh nhân vào PK P.A. Có lần 2 băng nhóm chém nhau trước cửa Trung tâm, sau đó “giang sơn” hoạt động được chia phần như nói trên. Ngoài ra, một số “cò” còn vào tận Trung tâm bắt bệnh dẫn ra ngoài. Cứ một ca bệnh móc ra ngoài thì được 200.000 đồng; còn dẫn đi “nguyên độ từ A - Z (khám, chụp chiếu...) thì 500.000 đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây, các PK gần Trung tâm còn móc nối với lái xe (xe chuyên đưa các bệnh nhân từ các tỉnh lên TP). Khi xe cho bệnh nhân xuống chỗ nào thì tức khắc có “cò” đến đưa về các PK đã định sẵn. Nhưng có những tài xế không thả bệnh theo yêu cầu của họ thì bị đập cửa kính.

BS Phan Thanh Hải cho rằng các cơ quan chức năng cứ "đá" trách nhiệm qua lại với nhau, nên tình trạng “cò” khám chữa bệnh vẫn ngang nhiên lộng hành!

An ninh Thủ đô

Nguy hại khi lạm dụng thuốc dị ứng trị ho cho trẻ

 Ho là phản ứng để tống vi trùng, dị vật, đờm nhớt... ra khỏi đường hô hấp. Bằng mọi cách để giảm ho, cắt ho chính là đang làm hại trẻ và một lưu ý đặc biệt là không nên tự ý dùng thuốc chống dị ứng.

 Có thể khi trẻ bị ho, sổ mũi do thời tiết, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến nguyên nhân dị ứng, do vậy thuốc kháng dị ứng (còn gọi là thuốc kháng histamin - antihistamine) thường được sử dụng. Nếu viêm mũi theo cơ chế dị ứng thì các thuốc kháng histamine sẽ có tác dụng giảm ngứa mũi, giảm tiết dịch mũi. Nhưng trên thực tế, đa số trường hợp ho, sổ mũi ở trẻ em là do bệnh cảm thông thường. Mà trong bệnh này mũi bị viêm không phải theo cơ chế dị ứng, nếu có thì rất ít và chỉ khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm để chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Đa số viêm mũi trong bệnh cảm lạnh - thứ gây viêm là các interlekin (IL) chứ không phải histamine nên các thuốc kháng dị ứng hầu như không có tác dụng.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại cho rằng khi họ cho con dùng thuốc với liều cao thì thấy hiện tượng ho, sổ mũi vẫn giảm. Vì sao lại có hiện tượng này? Đó chính là do ngoài tác dụng kháng histamine, thuốc còn có tác dụng kháng cholinernic (anticholinergic). Tác dụng này làm giảm tiết các chất nhầy đường hô hấp, khiến cho đứa trẻ bị khô mũi, khô miệng, các chất tiết ra rồi thì cô đặc lại và ứ đọng bên trong đường hô hấp khó tống ra ngoài. Bề ngoài thì có vẻ bệnh của bé đã giảm vì các triệu chứng ho, sổ mũi đã giảm, nhưng có thể trẻ đang gặp những rắc rối do chính tác dụng anticholinergic như: khô mũi, miệng, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh...

 Thực tế việc sử dụng thuốc giảm ho, sổ mũi hầu như không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ. Dù rằng con của bạn có chảy mũi, ho sùng sục nhưng vẫn vui vẻ, chơi bời, không quấy khóc... thì cha mẹ không nên sốt ruột. Phụ huynh cũng không nên sốt ruột khi trẻ ho gây kém ngủ một chút, nôn ói một chút; không nên suy nghĩ rằng để ho lâu sẽ lan xuống phổi... Việc dùng thuốc ho hay không dùng thuốc cũng chỉ trong vòng 1 tuần là triệu chứng ho sẽ giảm và hết. Chỉ nên dùng thuốc khi tình trạng ho, sổ mũi khiến trẻ quấy khóc, sốt, biếng ăn... và đã được bác sĩ chuyên khoa nhi khám và chỉ định dùng thuốc.

Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ: Không dùng bất cứ sản phẩm thuốc không kê toa (OTC) nào cho trẻ em dưới 6 tuổi bị cảm lạnh, trong khi mật o­ng có thể giảm ho và dường như vô hại đối với trẻ trên 1 tuổi

Cần thêm thời gian để người bệnh bớt "sợ" khi vào bệnh viện

Mới đây, câu chuyện một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương ngồi gác chân lên ghế khi đối đáp với người nhà bệnh nhân đã gây xôn xao trong dư luận.

Dù ở góc độ nào đó chúng ta nên chia sẻ hơn với bác sĩ, song nó cũng cho thấy tác phong, thái độ và sự tôn trọng của nhân viên y tế với người bệnh vẫn còn nhiều tồn tại.

Hàng chục nghìn cuộc gọi tới đường dây nóng

Nhắc lại vụ việc vừa tạo “sóng” dư luận kể trên, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế phân tích, khi làm việc trong các bệnh viện đông bệnh nhân, y bác sĩ luôn phải chịu sức ép rất lớn nên dù đã có nhiều thay đổi song đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

“Đôi lúc, nhân viên y tế có thể có những cử chỉ, biểu hiện thiếu kiểm soát. Trước sức ép công việc, sự bức xúc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi hỏi các nhân viên y tế cần thấu hiểu và chia sẻ với tâm trạng của người bệnh, đồng thời cố gắng kiểm soát các hành vi và lời nói, tránh gây ra những xung đột không đáng có” - ông Nguyễn Đình Anh nói.

 “Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.

Trong thực tế, những năm gần đây, trung bình mỗi năm đường dây nóng ngành y tế tiếp nhận được hàng chục nghìn cuộc gọi phản ánh về các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất của bệnh viện, quy trình chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hay các thắc mắc liên quan đến viện phí, chuyển tuyến điều trị...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa cho biết, rõ ràng vẫn còn nhiều sự bức xúc, chưa hài lòng của người bệnh. “Các phản ánh này đều được tiếp nhận và xử lý theo các cấp độ. Sau khi xác minh nội dung người dân phản ánh cho thấy có những vấn đề người dân chưa thực sự hiểu và thông cảm với nhân viên y tế. Còn với những nhân viên y tế thực sự có vi phạm đều được xử lý nghiêm” - ông Khoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay, một số bệnh viện đã nâng vấn đề giao tiếp ứng xử thành mức độ công nghệ trong giao tiếp, đưa người bệnh dần trở thành một “khách hàng” đúng nghĩa. Tuy vậy, sự thay đổi này cần phải có thời gian.

Chấm điểm bệnh viện

Từ thực tiễn làm công tác quản lý bệnh viện và trực tiếp khám chữa bệnh, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, quá tải bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu làm nảy sinh những bức xúc của người bệnh, nhất là ở các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa.

“Thực tế các bệnh viện tuyến Trung ương những năm gần đây đã đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng vẫn còn tình trạng dồn ứ, quá tải” - ông Đồng Văn Hệ phân tích. Do đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, ông rất thấu hiểu với những áp lực mà các y bác sĩ phải chịu đựng và mong muốn dư luận có cái nhìn công bằng hơn với nghề y.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như: đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số bệnh viện; xây dựng chương trình hành động quốc gia về nâng cao chất lượng quản lý khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng từ cấp Bộ đến các cơ sở… Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng làm căn cứ cho việc đo lường về cải tiến chất lượng cũng như đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ…

Ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ “chấm điểm” bệnh viện thông qua những tiêu chí, chỉ số cụ thể kể trên. Bên cạnh đó, người bệnh cũng hoàn toàn có thể tham gia “chấm điểm” bệnh viện bằng nhiều kênh khác nhau như: thông qua hộp thư góp ý của bệnh viện, thông qua đường dây nóng, trả lời bảng khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh, góp ý trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận ý kiến người dân của bệnh viện… để cùng giám sát và đóng góp nâng cao chất lượng bệnh viện.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho rằng, việc khám chữa bệnh đòi hỏi sự phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. “Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.

Sức khỏe & Đời sống

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ thí điểm giám sát camera tại nhà thuốc

 Để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do 4 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết,…Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh,…và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Trước thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, nhân ngày sức khỏe thế giới 07/4/2011, để ứng phó với vấn đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy khẩu hiệu: “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.

Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi trên và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau 4 năm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và 2 năm triển khai Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: Triển khai hoạt động truyền thông và mít tinh về kháng sinh và kháng thuốc vào tháng 11 hằng năm. Xây dựng các Văn bản pháp quy (Thông tư hướng dẫn hoạt động xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện) tài liệu chuyên môn (hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn thực hành kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng), thiết lập mạng lưới giám sát kháng thuốc,… Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về kỹ thuật vi sinh, quản lý sử dụng kháng sinh…

Bộ NN-PTNT đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bước đầu triển khai được một số hoạt động.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh.

Đặc biệt, thuốc kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và 18% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn thuốc kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm tỷ lệ 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn).

Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29%), cephalexin (12%) và azithromycin (7,3%).

Sử dụng thuốc diệt muỗi không nguồn gốc - Nguy hiểm

Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch sốt xuất huyết, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc dạng xịt và bôi chưa được kiểm duyệt của cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, có nhiều gia đình tự ý mua thuốc hoặc thuê các đơn vị về tự phun diệt muỗi. Việc này, theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng hóa chất không đảm bảo cũng giống như việc điều trị mà không kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng, thậm chí gây ngộ độc hóa chất...

Lợi bất cập hại

Trao đổi với BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sản phẩm thuốc diệt muỗi từ hương muỗi, bình xịt, kem thoa… Đa phần các sản phẩm này có tác dụng chính là xua muỗi. Tuy nhiên, đáng quan tâm là bên cạnh các sản phẩm chính hiệu, có nguồn gốc và được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cấp phép thì trên thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm nhái, không rõ nguồn gốc cũng được quảng cáo, bày bán tràn lan. Khi sử dụng các sản phẩm rởm này, nhiều khi hiệu quả xua, diệt muỗi không thấy đâu có khi lại còn “lợi bất cập hại” vì các thuốc diệt muỗi thường được làm từ hóa chất, khi sử dụng lâu dài, không đúng liều lượng có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người, nhẹ thì dị ứng, hoa mày chóng mặt, nhiễm độc, nặng thì rối loạn chuyển hóa...

Cũng theo ông Tuấn, để đảm bảo an toàn, người dân nên mua những loạt bình xịt hoặc kem bôi được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tìm hiểu lựa chọn đúng các sản phẩm uy tín, được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác và hướng dẫn bằng tiếng Việt để dùng. Không nên mua các sản phẩm xách tay vì chưa được kiểm định, rất khó biết chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn khuyến cáo.

Thực tế cũng có những gia đình do thiếu hiểu biết đã sử dụng hóa chất diệt côn trùng của ngành nông nghiệp để diệt côn trùng trong gia đình. Đây là sai lầm vì họ đâu biết rằng hóa chất dùng cho nông nghiệp và hóa chất gia dụng là 2 loại khác nhau nên việc sử dụng không cho hiệu quả đúng có khi lại còn ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người trong nhà...

Để phòng tránh nguy cơ muỗi truyền bệnh, trước hết, về cá nhân, bạn cần mặc quần áo dài, đi ngủ phải mắc màn. Sử dụng các sản phẩm thuốc diệt muỗi, kem thoa chống muỗi có nguồn gốc, đã qua kiểm định, được cấp phép và lưu ý đến liều lượng, cách sử dụng ghi trên bao bì. Nhà cửa luôn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, loại trừ các dụng cụ chứa nước khiến muỗi có thể đẻ trứng. Về cộng đồng, người dân cần hợp tác với y tế, xã phường khi triển khai các hoạt động như: tổ chức diệt bọ gậy trong cụm dân cư, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành...

Không tự ý phun hóa chất diệt muỗi

Lo sợ tình trạng sốt xuất huyết, hiện nay, xuất hiện tình trạng nhiều gia đình đã tự ý mua hóa chất về phun diệt muỗi. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, việc phun hóa chất cần phải có cán bộ kỹ thuật pha đúng liều lượng, nồng độ thuốc. Ngoài ra, phải sử dụng máy phun chuyên dụng, vòi phun sương đúng chuẩn, đúng kỹ thuật thì mới phát huy được hiệu quả như mong muốn. Lịch phun hóa chất phải được nhắc lại 3 lần trong tháng. Chính vì vậy, người dân không vì quá lo lắng mà tự ý mua thuốc về phun. Nếu người dân không có kiến thức, kỹ thuật nếu mua hóa chất về tự pha, tự phun thì hiệu quả đâu chưa thấy mà chỉ thấy tốn kém, thậm chí có thể dẫn tới ngộ độc hóa chất. Thay vì tự phun hóa chất, người dân nên làm sạch môi trường sống, diệt bọ gậy… Thực hiện ngủ mắc màn, phòng muỗi đốt. Khi phát hiện có người bị sốt xuất huyết hoặc ổ dịch, cần báo cáo ngay cho cán bộ y tế quản lý ở phường xã để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh, ông Hạnh khuyến cáo.

Liên quan đến việc này, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Người dân có thể sử dụng các bình xịt muỗi đã được cấp phép lưu hành trên thị trường để sử dụng phun diệt ở phạm vi hẹp trong gia đình. Tuy vậy, việc cá nhân gia đình tự phun thuốc diệt muỗi trong nhà chỉ diệt muỗi tức thì. Nếu không loại trừ được các ổ lăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình và khu vực xung quanh thì muỗi sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại. Thuốc phun diệt muỗi hiện nay của Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc hại đối với sức khỏe con người.

Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. 3 loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, khả năng kháng muỗi rất tốt. Người dân có thể yên tâm về độ an toàn của thuốc phun diệt muỗi được Bộ Y tế sử dụng hiện nay. Chính vì vậy, các gia đình khi muốn phun thuốc diệt muỗi thì nên liên lạc đến các Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm y tế địa phương hoặc liên lạc đến đường dây nóng của Sở Y tế để có được hướng dẫn cụ thể nhất, ông Phu cho biết.

Cứu sống bé trai 2 tháng tuổi dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp

Các bác sĩ BV Nhi Trung ương vừa cứu sống một bé trai 2 tháng tuổi bị bệnh lý tim phức tạp, nếu không phẫu thuật sớm cháu bé sẽ không qua khỏi.

Thông tin từ BV Nhi Trung ương cho biết, bé Phan H.H (2 tháng tuổi, Thái Bình) sinh ra đã có biểu hiện tím tái khi quấy khóc song gia đình không để ý. Ngày 2/9 thấy con liên tục khó thở, thở nhanh, bú kém, bé H mới được cha mẹ đưa đến bệnh viện tỉnh.

Sau khi thăm khám, xác định cháu bé có bệnh lý về tim bẩm sinh rất nặng, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã chuyển cháu lên BV Nhi Trung ương. 11 giờ cùng ngày, nhận được thông tin có bệnh nhân cần hội chẩn cấp cứu, toàn bộ ekip bao gồm bác sĩ siêu âm, bác sĩ ngoại tim mạch, can thiệp tim mạch cùng các kỹ thuật viên thuộc Trung tâm tim mạch trẻ em đã lập tức có mặt.

Bé H. được các bác sĩ nhanh chóng tiến hành khám tim mạch và siêu âm tim. Cháu bé được chẩn đoán tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn. Xác định đây là trường hợp bệnh lý tim phức tạp nếu không phẫu thuật sớm cháu bé sẽ không qua khỏi, các sĩ đã hội chẩn và đi đến thống nhất phẫu thuật cấp cứu cho cháu chỉ một ngày sau đó.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ đồng hồ đã cho kết quả tốt đẹp. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được rút nội khí quản. Trẻ tự thở, bú tốt, các chỉ số về mạch trong giới hạn cho phép.

Bệnh lý hiếm gặp

Giải thích về cơ chế bệnh lý ở trường hợp này, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Phó giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em cho biết, tĩnh mạch phổi trở về bất thường (TMPTVBT) là dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện khi các tĩnh mạch phổi hình thành một cách bất thường trong thời kỳ bào thai. Nguyên nhân của bệnh lý này còn chưa rõ ràng. Ở tim bình thường, 4 tĩnh mạch phổi làm nhiệm vụ đưa máu giàu oxy từ hai bên phổi trở về tâm nhĩ trái. Máu này sau đó sẽ được đẩy đi nuôi cơ thể.

Ở bệnh nhi có TMPTVBT, một hoặc nhiều tĩnh mạch phổi không trở về tâm nhĩ trái như thường lệ mà lại trở về tâm nhĩ phải. Nếu tất cả các tĩnh mạch phổi bị ảnh hưởng, bệnh sẽ có tên tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn. Trong một số trường hợp, tĩnh mạch phổi được kết nối với tĩnh mạch cảnh trên (như trong hình dưới), mang máu trộn trở lại tim. Dạng này có tên gọi là thể trên tim.

Tất cả máu giàu oxy (màu đỏ) bị trộn với máu nghèo oxy (màu xanh) trong tâm nhĩ phải.

 Khi trẻ có bất thường tĩnh mạch phổi, máu đỏ thay vì đi theo nửa trái của tim để được bơm đi nuôi cơ thể lại quay về tĩnh mạch hệ thống, tức là đi thẳng về nơi nó xuất phát. Kết quả là có quá nhiều máu đi về phổi, và nếu tất cả các tĩnh mạch phổi đều trở về bất thường thì hậu quả là sẽ không có máu đỏ đi nuôi cơ thể.

Trong trường hợp này, con đường duy nhất để máu đỏ tới được nửa trái của tim là đi qua lỗ bầu dục hoặc lỗ thông liên nhĩ nằm trên vách ngăn tâm nhĩ. Sự tồn tại và độ rộng của lỗ bầu dục hoặc lỗ thông liên nhĩ thứ phát – để dẫn máu từ nhĩ phải sang nhĩ trái, là yếu tố sống còn cho tính mạng của bệnh nhi sau khi sinh.

Đến lúc phải siết chặt kê đơn và bán thuốc kê đơn

Đây là câu hỏi cho người bệnh, bác sĩ, dược sĩ và các nhà quản lý trước thực trạng sử dụng kháng sinh còn tràn lan như hiện nay.

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng là “con dao hai lưỡi”, có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả không chỉ kéo dài thời gian điều trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thậm chí tử vong và còn làm tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về chuyên môn (chỉ định điều trị, hướng dẫn liều dùng, cách dùng, khoảng thời gian dùng thuốc sao cho hiệu quả điều trị cao nhất và đảm bảo an toàn cho người bệnh...), lẫn kinh tế (làm cơ sở để tính chi phí điều trị, BHYT) và pháp lý (căn cứ để giải quyết các khía cạnh pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề dược, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến thuốc độc, thuốc gây nghiện và tai biến y khoa...). Một đơn thuốc hợp lý là yêu cầu bắt buộc đối với bác sĩ và bán thuốc kê đơn là yêu cầu bắt buộc đối với các dược sĩ. Đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo mẫu quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng... sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cung ứng, sử dụng, tiết kiệm thời gian, giảm tai biến sử dụng thuốc, an toàn và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Hiện nay, kháng thuốc kháng sinh đang trở lên trầm trọng trên toàn thế giới, đáng báo động do hầu hết vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, một số vi khuẩn kháng với tất cả kháng sinh. Hậu quả, hàng năm có hàng trăm triệu người chết do kháng thuốc, các nước phải chi phí hàng trăm tỷ đô-la do kháng thuốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc như việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích tăng trưởng sản xuất làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc. Nhưng cần chú ý một số nguyên nhân khi sử dụng kháng sinh trên người như:  bác sĩ kê đơn không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn kháng sinh không đúng với bệnh, kê quá liều hoặc dưới liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ em lần đầu dùng kháng sinh,...; Dược sĩ bán thuốc khi không có đơn của bác sĩ, thậm chí còn tùy tiện chỉ định kháng sinh cho người bệnh; Người bệnh, người dân tự ý dùng kháng sinh khi không có hướng dẫn hoặc không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc... Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên toàn thế giới cho thấy, 22,3% số bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn 3 ngày thay vì 5 ngày.

Bên cạnh đó, mặc dù ngành y tế đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn được phổ biến và quán triệt, thậm chí hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc còn là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn trên địa bàn trong khi nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Tựu trung lại, do nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người dân kể cả đội ngũ cán bộ y dược còn chưa đúng, chưa đầy đủ và còn yếu tố lợi ích chi phối; Công tác quản lý kiểm tra giám sát còn hạn chế bất cập... dẫn đến việc quản lý, sử dụng kháng sinh không đạt được mục tiêu và mong muốn đặt ra, làm trầm trọng hơn tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Xuất phát từ tình hình thực tế như nêu trên, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” (Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7/9/2017) với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm qua đó góp phần giảm lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý và tình trạng kháng kháng sinh.

Khi đã có đầy đủ các quy định và Đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn và bán thuốc theo đơn được triển khai nghiêm túc và mạnh mẽ, thì việc sử dụng thuốc sẽ đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả, vấn đề kháng thuốc kháng sinh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Quản lý bệnh không lây nhiễm tại cơ sở: Giảm tải cho tuyến trên

Ngày 22/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác quản lý bệnh không lây nhiễm (KLN) tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Thứ trưởng nhấn mạnh, bệnh KLN được ví như "cơn thủy triều đỏ" bởi gánh nặng bệnh tật gây ra quá lớn, do đó, việc nhân rộng mô hình quản lý bệnh KLN tại y tế cơ sở là điều cần thiết nhằm giảm tải cho tuyến trên, người dân được hưởng lợi ngay tại địa phương.

Người dân phấn khởi vì không phải đi xa, chờ lâu

Trong buổi sáng 22/9, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã trực tiếp thăm hỏi bà con, khảo sát thực tiễn mô hình điểm quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh KLN (chủ yếu là bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ)) tại 2 Trạm Y tế (TYT) xã An Dương và Nhã Nam của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Có mặt tại TYT xã An Dương sáng ngày 22/9, chúng tôi chứng kiến rất đông bà con đến khám và điều trị bệnh, đa số là các cụ già mắc các bệnh THA, ĐTĐ. Bà Nguyễn Thị Thi năm nay đã 79 tuổi cho biết, bà bị bệnh THA đã gần 10 năm nay. Trước đây bà phải đi lên BVĐK huyện Tân Yên khám nhưng vì đường sá xa xôi, ngày bình thường không sao, nhưng hễ trời mưa gió hoặc con cái bận việc không đưa đi được, bà lại chẳng thế đến khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Thế nhưng gần 1 năm nay, khi bệnh tình dần ổn định bà Thi được các bác sĩ giới thiệu về TYT xã An Dương nơi bà sinh sống để điều trị và lấy thuốc hàng tháng.

"Theo sổ hẹn của bác sĩ, tháng nào tôi cũng ra tái khám và được cấp thuốc. Các bác sĩ ở đây khám và tư vấn rất tận tình, thậm chí nắm rõ được thói quen, sở thích của chúng tôi rồi khuyên nên ăn gì, nên kiêng gì để sức khỏe không bị ảnh hưởng. Thích nhất là gần nhà, tôi tự đi bộ được không phiền hà đến con cháu..."- bà Thi nói.

BSCK1 Trần Mạnh Chi, Trạm trưởng TYT xã An Dương cho biết, hiện TYT xã đang quản lý 254 bệnh nhân THA và 9 bệnh nhân ĐTĐ. Ban đầu khi triển khai quản lý, điều trị ngoại trú bệnh THA và ĐTĐ, người dân chưa mấy mặn mà nhưng hiện nay số lượng tăng lên không ngừng, người dân rất tin tưởng tìm đến khám chữa nhiều bệnh, trung bình mỗi ngày 40-45 bệnh nhân đến khám và nhận thuốc.

Tại TYT xã Nhã Nam cách đó không xa, cụ ông Nguyễn Văn Tập, 78 tuổi tuy không phải người trong xã Nhã Nam nhưng cũng đến khám, điều trị và theo dõi sức khỏe tại TYT Nhã Nam được gần 1 năm. Ông Tập cho hay, vì TYT xã Tân Trung - cách đó hơn 3km chưa có bác sĩ nên ông được giới thiệu sang đây để theo dõi và quản lý bệnh THA mà ông mắc phải 4 năm nay. So với trước kia, ông được khám gần nhà, đoạn đường giảm đi một nửa so với BVĐK huyện mà lại không phải đợi chờ lâu.

Theo BS. Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng TYT xã Nhã Nam, vốn là địa bàn miền núi nhưng từ năm 2015 TYT đã tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh THA thì đã có rất đông người đến khám và điều trị. Cho đến hết 6 tháng đầu năm 2017, TYT xã đã tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh THT cho trên 430 bệnh nhân và khám cho trên 600 lượt bệnh nhân/tháng. Hầu hết bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt và rất hài lòng khi được điều trị tại TYT xã.

Sẽ nhân rộng mô hình quản lý bệnh KLN tại y tế cơ sở

Ông o­ng Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc với diện tích 3.800km2, dân số 1,6 triệu người. Hệ thống mạng lưới y tế công lập bao gồm 8 BVĐK và chuyên khoa tuyến tỉnh, 8 BVĐK tuyến huyện, 1 BVĐK khu vực, 3 Trung tâm hệ Dự phòng tuyến tỉnh, 10 Trung tâm y tế tuyến huyện, 2 Chi cục (Dân số KHHGĐ và ATVSTP), 1 trường Trung cấp y tế, 10 Trung tâm Dân số KHHGĐ tuyến huyện và 230 trạm y tế xã phường thị trấn. 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Tỉ lệ giường bệnh công lập/vạn dân là 22,8. Tỉ lệ bác sĩ/vạn dân là 8,2. Đến hết tháng 6/2017 toàn tỉnh đã có 209/230 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt tỉ lệ 90,86%.

Theo ông Viên, việc triển khai quản lý bệnh KLN đến các cơ sở y tế tuyến huyện giúp người dân được hưởng lợi chủ yếu và giảm tải cho tuyến trên giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, không phải tốn kém chi phí đi lại, người dân vẫn tiếp tục làm việc lao động, không cần người nhà đưa đi; dễ dàng tiếp cận dịch vụ và theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên do là bệnh mạn tính, điều trị kéo dài suốt đời nên việc rút ngắn khoảng cách, không phải đi lại và được theo dõi, chăm sóc kịp thời là yêu cầu bức thiết của người dân. Hàng năm, Sở Y tế tiến hành đào tạo và chuyển giao cho 35 TYT xã phường thị trấn quản lý, điều trị ngoại trú THA và từ năm 2017, mỗi năm triển khai thêm 15 TYT xã quản lý bệnh ĐTĐ.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang chiều 22/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vấn đề bệnh KLN và quản lý bệnh KLN trong cộng đồng là một trong những vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là các bệnh THA, ĐTĐ, ung thư, tim mạch.... Tổ chức Y tế thế giới đánh giá các bệnh KLN giống như “cơn thủy triều đỏ” của loài người bởi gánh nặng bệnh tật gây ra quá lớn. Theo thống kê có đến 66% gánh nặng bệnh tật là do bệnh KLN gây ra; 73,8% các trường hợp tử vong là do liên quan đến các bệnh KLN (ước tính khoảng 360.000-380.000 ca). Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhân rộng mô hình quản lý bệnh KLN tại y tế cơ sở vì đây là mô hình rất hiệu quả và phù hợp với tình hình.

Qua khảo sát tại 2 TYT xã, GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của tuyến y tế cơ sở nhằm quản lý tốt người mắc các bệnh KLN ngay tại địa phương. Thứ trưởng cho rằng đây là hướng đi đúng đắn giúp ích rất nhiều cho người dân, bà con phấn khởi, hài lòng, điều trị tốt không phải đi lên tuyến trên; trong khi bác sĩ nắm bắt được tâm lý, thói quen của người bệnh từ đó có tư vấn điều trị thích hợp.

"1 bệnh nhân điều trị tại tuyến cơ sở giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, theo tính toán của các chuyên gia chỉ bằng 1/7 so với điều trị ở tuyến trên"- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần cải tiến mô hình, cách làm trong khám, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân THA, ĐTĐ – đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến cơ sở. Sau khi triển khai quản lý tốt THA và ĐTĐ thì có kế hoạch triển khai tại y tế cơ sở với một số bệnh KLN khác như COPD, bệnh tâm thần... Thứ trưởng Long nhấn mạnh, mục đích cuối cùng là làm sao khống chế, kiếm soát giảm tác động bệnh KLN cho nên quản ý điều trị chăm sóc bệnh nhân này tại tuyến cơ sở là rất quan trọng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung dành nguồn tài chính cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đấu thầu thuốc quốc gia: Lựa chọn thuốc có chất lượng và giảm giá thành

Trong lần thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia đầu tiên, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đưa ra danh mục 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic của 5 hoạt chất điều trị ung thư.

Dựa trên danh mục này, căn cứ theo nhu cầu sử dụng năm trước, cơ cấu bệnh tật..., các bệnh viện dự trù số thuốc đơn vị cần dùng. Trung tâm tổng hợp số lượng thuốc đấu thầu từ nhu cầu các bệnh viện. Xung quanh nội dung được dư luận quan tâm này, báo SK&ĐS đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia:

Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Thực tế, các Sở Y tế được phép tổ chức đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố vẫn có một số trường hợp chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương do nhiều yếu tố như thời gian tổ chức khác nhau, quy mô gói thầu khác nhau… Để khắc phục bất cập này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc mua tập trung và tổ chức mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia.

Việc thực hiện đấu thầu thuốc quốc gia đòi hỏi nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (70% chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng). Thuốc đạt điểm kỹ thuật 80/100 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (kỹ thuật và giá) sẽ được đánh giá lựa chọn trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỉ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các cơ sở y tế đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị đến 31/12/2017 theo kết quả đấu thầu của Sở Y tế tỉnh hoặc các cơ sở y tế từ trước. Kể từ ngày 1/1/2018, các đơn vị sẽ áp dụng kết quả từ đấu thầu tập trung quốc gia. Trường hợp mua bổ sung, được phép mua bổ sung không vượt quá 120% lượng dự trù, ngoài ra có cơ chế điều tiết số lượng thuốc từ cấp sở đến quốc gia.

Danh mục thuốc đấu thầu tập trung lần này được ban hành dựa trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc với các tiêu chí như: có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế, thuốc nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường...

Vì quy mô gói thầu lớn nên sẽ giảm được giá thuốc trúng thầu; giảm đầu mối tổ chức, số lượng người tham gia, thời gian… Gói thầu cũng được chia làm 4 gói theo các vùng kinh tế - xã hội để các nhà thầu xác định năng lực cung ứng phù hợp. Đây là cách đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị. Sau khi trúng thầu, Trung tâm có thể ký hợp đồng đặt hàng trước mua thêm 120-130% so với gói thầu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết có thể cung cấp hơn 30% so với gói thầu để tránh tình trạng thiếu thuốc.

Trên thực tế, thời gian qua, việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%. Trên cơ sở đấu thầu 5 hoạt chất này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục. Với các thuốc khác ngoài danh mục này, hiện nay, các địa phương, các cơ sở y tế vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Mục tiêu của đấu thầu là chọn 22 thuốc có chất lượng và giảm giá cho người dân. Thông qua đó, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Báo điện tử Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC

Kiểm tra trình độ và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần

Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra trình độ chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần, thay vì việc cấp chứng chỉ duy nhất một lần như hiện nay.Thời gian tới, việc đào tạo liên tục cho các bác sĩ sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở y tế. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra trình độ chuyên môn và sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần, thay vì việc cấp chứng chỉ duy nhất một lần như hiện nay.Trong khi đó, nhiều bệnh viện còn chưa thực sự quan tâm tới việc cập nhật và đào tạo cho bác sĩ của cơ sở mình.

Báo cáo tại Hội thảo đánh giá việc đào tạo liên tục và xây dựng lộ trình triển khai kiểm định chất lượng cho thấy có tới 30% bệnh viện không có kế hoạch đào tạo liên tục. Trong khi đó, việc đào tạo liên tục hay cập nhật kiến thức là sự sống còn của ngành y tế.Đại diện các bệnh viện cho biết khó khăn nhất hiện nay là việc chuẩn hóa giáo trình đào tạo, cơ sở để thực hành trong quá trình đào tạo liên tục và giáo viên giảng dạy.

Hiện có hơn 500 đơn vị được cấp mã ngành đào tạo liên tục với các cấp độ khác nhau, bao gồm bệnh viện lớn và các trường Đại học.Theo Luật khám chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Để thực hiện điều luật này, Bộ Y tế quy định người hành nghề khám chữa bệnh cần học tối thiểu 48 tiết trong 2 năm, tương đương ít nhất 20 ngày học liên tục mỗi năm.

Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát hiệu thuốc bán kháng sinh

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Kéo theo đó, chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng.

Trước thực tế này, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc.Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

“Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của WHO về phòng, chống kháng thuốc và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Vừa qua tại Hội nghị các nước G20, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã góp phần tích cực cho chương trình nghị sự của Hội nghị, trong đó có phòng, chống kháng thuốc” - bà Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Đồng thời Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế...

Tại hội nghị, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới."Tuy nhiên nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng", đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.Theo Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4 % (thành thị) và 18,7% (nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

Tăng mức đóng BHYT có giảm được trục lợi?

Tăng mức đóng BHYT liệu có tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và có giảm được mức độ trục lợi ngày càng tinh vi?

 Bộ Y tế dự kiến năm 2019 mức đóng bảo hiểm y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Luật BHXH 2014 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 1/1/2018 vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%)  trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.Nếu tăng mức đóng BHYT thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng tương ứng.

Theo BHXH Việt Nam, việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu…, mức hưởng sẽ cao hơn.Từ 1/7/2017, khi mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng thì mệnh giá thẻ BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng lên 702.000 đồng/thẻ/năm.

Thực tế mức thu bảo hiểm y tế đã tăng nhưng tình trạng trục quỹ cũng gia tăng tương ứng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, chi khám chữa bệnh BHYT đã vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam. Tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%; thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị. Với tình trạng này, dự kiến năm 2017, Quỹ BHYT sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng, trong đó, ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng bội chi Quỹ BHYT ở nhiều địa phương. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh dù không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh, kê thêm giường, thống kê dịch vụ kỹ thuật không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nhằm “rút ruột” quỹ BHYT … Người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày/tuần/tháng để trục lợi quỹ BHYT. Cùng với các thủ đoạn trục lợi trên, không ít bệnh viện cũng lợi dụng Quỹ BHYT bằng cách kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân.

Ngoài ra, do chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến dưới còn hạn chế nên nhiều người không tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ. Họ thường vượt tuyến, chấp nhận chịu thiệt thòi.Thực tế hiện nay, công tác đấu thầu cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Tình trạng thuốc giả tràn lan khiến những người đi khám, chữa bệnh luôn bất an, mất lòng tin vào quỹ, vào những phúc lợi mà lẽ ra mình có quyền được hưởng. Nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn đang sử dụng đội ngũ y bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh BHYT, hoặc bác sỹ khám chữa bệnh không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề…

Người dân chỉ mong, tăng mức thu BHYT thì đi kèm với đó là tăng chất lượng khám chữa bệnh, tăng kiểm soát đối với việc sử dụng quỹ BHYT để hạn chế tình trạng trục lợi như thời gian qua. Bởi trục lợi BHYT gia tăng đồng nghĩa cơ hội, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân sẽ giảm./.

Người Lao động

Dùng bừa kháng sinh

Thói quen tự chữa trị và "bắt chước" đơn thuốc đã kéo theo nhiều hệ lụy, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, khiến cơ thể mất dần thứ "vũ khí" có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Một bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia không giấu nổi bức xúc về câu chuyện mà chính bác sĩ này gặp phải khi bị nhân viên bán thuốc tùy tiện đổi kháng sinh do hiệu thuốc không có loại kháng sinh như đơn bác sĩ kê. Theo bác sĩ này, khi thấy người mua phản ứng, nhân viên này lập tức bao biện: "Thuốc này cũng giống thuốc kia, chỉ khác cái tên". Không những thế, chỉ trong khoảng 15 phút có mặt tại hiệu thuốc nói trên, bác sĩ này đã chứng kiến cảnh nhiều người đến đọc triệu chứng chủ yếu là: sổ mũi, ho, nhức đầu, đau họng, tiêu chảy... thì đều được nhân viên "bốc" thuốc. Và trong các "đơn" truyền miệng đó có cả kháng sinh.

Hơn 30 năm trong nghề, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết từng đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì vi khuẩn gây bệnh nhưng kháng sinh vô tác dụng. "Từng trong vai người bệnh, tôi hỏi mua 2 viên kháng sinh (loại thuốc mà bắt buộc phải kê đơn), lập tức người bán thuốc cắt ra bán luôn. Khi tôi hỏi mua cả ngàn viên kháng sinh thì người bán hàng cũng nhanh nhảu bảo "chờ tí nữa có người mang thuốc đến".

Kể xong câu chuyện, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cũng rùng mình vì đây thật sự là điều cực kỳ nguy hiểm mà người bán lẫn người mua không nhìn thấy hậu quả. Chính sự thờ ơ của người bán đã vô tình đẩy người bệnh tới một thế hệ kháng các loại kháng sinh. Trong cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn, vi khuẩn luôn thắng. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng chua chát: "Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là mua kháng sinh dễ như thế. Dễ hơn mua mớ rau". Ông nói thêm: "Là thầy thuốc, bác sĩ không khỏi đau lòng vì 90% bệnh nhân khi tìm tới bác sĩ đã được sử dụng thuốc từ trước. Họ nghĩ rằng uống tạm và nếu không đỡ mới tìm đến bác sĩ".

Thông báo "có tới 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện", PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho rằng đây là bài toán khó cho bác sĩ và cả bệnh nhân để ca bệnh được điều trị thành công.

Tại một hội nghị mới đây về sử dụng thuốc kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận thực tế "ai cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn; dù là loại thuốc buộc phải kê đơn nhưng mua chúng còn dễ hơn cả rau". Để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Tuy nhiên, với tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh đang rất cao xuất phát từ việc tự ý sử dụng kháng sinh của người dân (ở nông thôn 91% và thành thị 88%), giới chuyên môn quan ngại việc lạm dụng thuốc kháng sinh có lẽ vẫn còn là câu chuyện dài lê thê kéo theo nhiều bi kịch.

TP HCM và triển vọng du lịch y tế

Thời gian tới, ngành y tế TP HCM sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch y tế như: khám sức khỏe tổng quát, tầm soát bệnh lý chuyên sâu, nha khoa thẩm mỹ, y học cổ truyền...

Trong khi nhiều người Việt Nam ra nước ngoài để khám và điều trị bệnh thì số lượt người từ các nước trong khu vực, kể cả từ Úc, Mỹ, Đức..., sang Việt Nam chữa bệnh cũng ngày càng tăng.

Nhất cử lưỡng tiện

Có một điểm mới là du khách nước ngoài sang nước ta thường kết hợp với khám chữa bệnh. Dễ thấy nhất là thời gian gần đây, số người Việt ở nước ngoài, du khách từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản... về Việt Nam thăm gia đình, kết hợp du lịch và khám chữa bệnh tăng cao. Trường hợp mới nhất vừa về nước tìm đến Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM chữa trị là anh V. Trần Nguyễn (28 tuổi, quốc tịch Mỹ), mắc bệnh hiếm gặp viêm tuyến mồ hôi mưng mủ kéo dài. Nhiều năm qua, anh đã chịu đựng căn bệnh với hàng chục ổ viêm da, để lại nhiều sẹo lớn nhỏ trên cơ thể, đặc biệt ở những vùng kín như nách, bẹn, mông...

Với kỹ thuật xoay vạt mạch xuyên, BS Nguyễn Cao Viễn, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115, đã ghép da thành công cho anh. Anh V. cho hay chuyến về thăm nhà lần này kéo dài thời gian hơn với mục đích tìm đúng nơi chữa trị và anh đã may mắn thoát khỏi căn bệnh khốn khổ đeo bám nhiều năm.

Chuyến đi "một công hai chuyện" như anh V. chỉ là trường hợp điển hình trong số hàng ngàn du khách đến Việt Nam mỗi năm. Ngoài một số kỹ thuật chuyên sâu tại bệnh viện, nha khoa cũng là lĩnh vực ăn khách. Theo thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, nếu năm 2014, lượng ngoại kiều đến bệnh viện khám về răng miệng khoảng 300 người thì đến nay đã tăng gấp 3 lần và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn trong vài năm tới. Nói về tín hiệu vui này, BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt

TP HCM, cho rằng đó là do chi phí điều trị nha khoa của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước nhưng trình độ tay nghề bác sĩ, trang thiết bị, công nghệ thẩm mỹ đã phát triển ngang tầm. Ở nước ta, muốn làm một chiếc răng sứ chỉ tốn từ 60-300 USD, trong khi nước ngoài đắt gấp 5 lần.

Rẻ mà chất lượng

Theo các chuyên gia, nhờ chi phí điều trị rẻ nhưng chất lượng cao nên đến Việt Nam là ưu tiên chọn lựa của nhiều người bệnh nước ngoài. Thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho thấy trong năm 2016, nơi đây đã tiếp nhận khoảng 22.000 người nước ngoài đến khám và chữa bệnh. Họ đến từ các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia..., một số khác đến từ các nước châu Âu. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số người nước ngoài đến khám hằng năm cũng trên 1.200 người; trong đó đa số đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Nga...

Ngày nay, cuộc sống hiện đại đang gây ra những căn bệnh mà y học phương Tây không thể điều trị khỏi. Do vậy, ngày càng có nhiều người tìm về thiên nhiên với những bài thuốc hữu dụng từ cây cỏ. Được biết như một vùng đất có thế mạnh về kỹ thuật châm cứu, Việt Nam trở thành địa chỉ tìm đến của ngày càng nhiều người nước ngoài để được trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và phương pháp đông - tây y kết hợp. Theo BSCKII Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP HCM, hiện có nhiều đoàn khách ở các nước châu Âu, Mỹ... do các công ty du lịch nước ngoài đưa đến viện để học dưỡng sinh, châm cứu, các bài thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền Việt Nam.

Tập trung khai thác tiềm năng

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, trong năm 2017, TP HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế. Mỗi năm có đến 30%-40% trên tổng lượng khách là người ngoài TP và nước ngoài đến khám chữa bệnh. Thực tế cho thấy du lịch y tế là mô hình đầy tiềm năng, nếu được đầu tư phát triển tốt sẽ mang lại lợi ích lớn.

Với hướng phát triển du lịch y tế trong năm 2017, ngành y tế TP đang triển khai nhiều hoạt động. Trước mắt là khôi phục, nâng cấp trung tâm cấp cứu đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Với vị trí ở trung tâm TP, nơi có rất nhiều du khách đến tham quan và mua sắm, trung tâm cấp cứu tại đây sẽ phát huy tối đa lợi thế trong những tình huống cấp cứu. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tăng điểm đến và các loại hình du lịch thì công tác bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách cũng được TP đặt lên hàng đầu.

Sở Y tế và Sở Du lịch mới đây cũng đã ký kết triển khai chương trình phối hợp phát triển các "sản phẩm du lịch y tế". Các lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ, y học cổ truyền, khám tổng quát và tầm soát bệnh, điều trị các bệnh chuyên sâu như thụ tinh trong ống nghiệm, vô sinh, ung thư… là những loại hình du lịch y tế được đánh giá là thế mạnh. Trước mắt, sẽ thực hiện thí điểm cung cấp các sản phẩm mang tính chất phục vụ số đông, thời gian ngắn, ít nguy cơ như: khám sức khỏe tổng quát, khám tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư), nha khoa thẩm mỹ và y học cổ truyền.

"Để phát huy tiềm năng y tế du lịch, TP HCM còn nhiều vấn đề cần giải quyết như xây dựng các tour du lịch chữa bệnh, quảng bá, đánh giá và chọn lọc bệnh viện tham gia hệ thống du lịch y tế, chuẩn bị đội ngũ phiên dịch…

Đầu tư cho chuyên môn là quan trọng nhất

Nếu bệnh viện tuyến dưới được đầu tư tốt, bệnh viện tuyến trên sẽ bớt quá tải. Bác sĩ chuyên môn giỏi, máy móc thiết bị tốt cũng giúp việc điều trị được nhanh, hiệu quả cao, bác sĩ nhẹ nhàng trong công việc mà người dân cũng hài lòng hơn.

Sáng 22-9, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực truyến với chủ đề "Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân" với hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM, kết nối người dân với các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM).

Thu hút người bệnh về tuyến quận, huyện

Nhiều bạn đọc ở các thành phố lớn bày tỏ sự băn khoăn: họ luôn đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến thành phố, kể cả các "bệnh vặt", chen chúc khổ sở vì quá tải. Để rồi, nhiều khi chạy ngang các bệnh viện quận/huyện, thấy chúng vừa gần nhà, vừa rộng rãi, đôi khi cũng muốn chuyển hẳn nơi đăng ký khám chữa bệnh về, nhưng lại lo lắng không biết các bệnh viện ấy có đủ trình độ chuyên môn cho những lúc "dầu sôi lửa bỏng"?

Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vấn đề tăng cường y tế cơ sở không chỉ là quan tâm của xã hội, mà của cả ngành y tế. Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện đã được đầu tư rất nhiều để phát triển thành những bệnh viện đa khoa, thậm chí phát triển cả các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên khoa sâu, nhất là tại các đơn vị cửa ngõ. Tuy nhiên, thói quen của người dân khó thay đổi ngay lập tức. Điều này khiến tuyến trên quá tải, còn nguồn lực của tuyến dưới thì chưa được tận dụng triệt để. Và vì quá tải, nhiều người lại cảm thấy không hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện đã được tập trung đầu tư. Nếu như trước đây, người dân biết đến các bệnh viện này như cơ sở y tế hạng 3, có đầy đủ chuyên khoa nhưng chủ yếu giải quyết những vấn đề thường thức, các phẫu thuật không quá khó khăn; thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Ví dụ, Bệnh viện Quận Thủ Đức ở TP HCM từ lâu đã được "thăng hạng" thành bệnh viện hạng 1, có đến 800 giường kế hoạch, tương đương với các bệnh viện tuyến thành phố. Bệnh viện quận 2 là bệnh viện đa khoa hạng 2 với 450 giường nội trú, phát triển nhiều chuyên khoa sâu như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa, tim mạch, hô hấp, thận nhân tạo… và là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Còn vấn đề làm sao để thu hút người dân, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, điều được chú trọng đầu tiên vẫn là lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn lực con người. Song song đó là việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ chuyên môn và quản lý bệnh viện. Chuyên môn giỏi, bệnh viện sạch sẽ, khang trang, các quy trình đơn giản, hợp lý, bệnh nhân sẽ tin cậy và lựa chọn.

"Những lo lắng của bạn cũng hoàn toàn giống tâm lý của nhiều độc giả khác, chưa tin tưởng vào khả năng năng lực của bệnh viện tuyến dưới. Điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên trong thời gian vừa qua các bệnh viện tuyến duới đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ, năng lực chuyên môn. Việc khám chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến dưới là cần thiết, vì nếu tất cả đều dồn lên tuyến trên sẽ làm quá tải bệnh viện, điều đó sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ. Trong trường hợp người bệnh đến khám tại tuyến quận/huyện mà ở đó họ không đủ khả năng giải quyết thì sẽ chuyển lên tuyến trên, độc giả có thể yên tâm" - Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế trả lời một bạn đọc lo lắng về chất lượng của tuyến dưới.

Phải biết "xử lý khủng hoảng"

Việc không hài lòng giữa người bệnh và nhân viên y tế đôi khi vẫn xảy ra, thậm chí có các trường hợp dẫn đến việc người bệnh và người nhà xô xát, hành hung nhân viên y tế và điều này  rõ ràng ảnh hưởng đến cả những người bệnh khác.

Một bạn đọc thậm chí còn nêu ra ý tưởng "cấm bay" tương tự ngành hàng không đối với những bệnh nhân có "tiền sử" quá khích. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng: "Dịch vụ y tế khác với dịch vụ hàng không bởi tính nhân văn của nó. Ngành y tế không được từ chối khám chữa bệnh bất kể đó là ai, dù họ có hành vi bạo hành và xúc phạm thầy thuốc. Tuy vậy, với những khách hàng này cũng cần quản lý đặc biệt nhằm bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế". Theo ông, khi đã dẫn đến sự hành hung, xô xát thì cần có sự can thiệp của các cơ quan pháp luật chuyên trách chứ không phải chuyện quan hệ giữa bệnh nhân – thầy thuốc nữa.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quận Thủ Đức, để làm cho người dân thật sự hài lòng, ngoài công tác chuyên môn, còn rất cần chú trọng đến các mặt khác, như nâng cao thái độ phục của cán bộ y tế; đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên để họ an tâm công tác; cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin; cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh: dịch vụ tắm-gội-giặt-ủi, dịch vụ chăm sóc tại nhà, có đội ngũ xe sẵn sàng đưa đón bệnh nhân khi có nhu cầu, thành lập siêu thị mini phục vụ 24/24; có đội ngũ chăm sóc khách hàng chủ động tiếp thu, xử lý kịp thời thắc mắc cũng như thăm hỏi người bệnh và thân nhân trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Làm tốt những điều này cũng là cách để ngăn ngừa những sự việc "ngoài tầm kiểm soát".

"Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân" như thế nào?

"Theo tôi, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chúng ta vừa phải nâng cao chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế, vừa đầu tư nâng cao chất lượng trang thiết bị và giữ cho môi trường BV xanh - sạch - đẹp. Chất lượng chuyên môn được nâng lên, đặc biệt ở các tuyến dưới, sẽ giúp cho việc điều trị có hiệu quả, cụ thể là bệnh nhân khỏi bệnh, số ngày nằm viện giảm, chi phí điều trị giảm... Đầu tư trang thiết bị giúp thầy thuốc có đầy đủ phương tiện để chẩn đoán và điều trị tốt. Môi trường xanh - sạch - đẹp trong bệnh viện giúp không gian bệnh viện sạch sẽ, phòng tránh lây chéo bệnh viện". (Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Bộ Y tế)

Báo điện tử Bộ Thông tin và truyền thông

Báo động tình trạng 30% bệnh nhân nhi có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới 30% trẻ vào điều trị tại bệnh viện này có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

30 % bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc

Ngày 21/9, Bộ Y tế cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Theo đó, càng ở bệnh viện tuyến dưới tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Bệnh viện bộ, ngành và bệnh viện thuộc các trường Đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất.

Tại các bệnh viện tuyến trên, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… đều thừa nhận bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có từ 3000 – 4000 bệnh nhi đến khám và trong đó có khoảng 1700 cháu bé được điều trị nội trú nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện khó tránh khỏi.

Trong khi đó, PGS Điển cho biết thêm khi sàng lọc cấy phân thì có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.

Hiện nay, PGS Điển cho rằng việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, cần sự hội chẩn từ cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn để có phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các em bé. Để việc phòng chống kháng kháng sinh, PGS Điển cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp.

 Còn PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của 1 số loại vi khuẩn. Báo động tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng.

Theo ông Kính, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. Tại nước ta, mới chỉ có một số đơn vị bệnh viện tỉnh, hoặc 1 số viện ở tuyến trung ương có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý.

Các bệnh viện tuyến dưới mà chưa có đầu tư thiết bị thì rõ ràng việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ và chính vì vậy nhiều loại kháng sinh sử dụng chưa hợp lý, chưa kể là trong cộng đồng với tâm lý ngại đến bệnh viện khám bệnh, cứ nghi ngờ sốt là nhiễm khuẩn là ra hiệu thuốc tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh…

PGS Kính cho biết có những lúc ông thử vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc và không cần đưa đơn bất cứ thuốc kháng sinh nào người bán hàng cũng bán kể cả kháng sinh thế hệ mới.

Thí điểm dùng camera giám sát nhà thuốc

Phân tích về hậu quả do tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, hậu quả nhãn tiền là hiệu quả điều trị giảm, người bệnh phải kéo dài thời gian nằm viện, phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, thậm chí tử vong. Với các bác sĩ, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc cũng rất khó khăn.

“Ở bệnh viện chúng tôi, khi có các ca kháng thuốc kháng sinh nặng, chúng tôi phải họp bàn phối hợp giữa các bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất; đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị, xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của bệnh nhân thì mới có thể đạt được hiệu quả” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, có những bệnh mà trước đây chỉ cần một liều kháng sinh nhẹ đã đủ điều trị khỏi thì nay dù bác sĩ đã tăng liều cao nhất mà vẫn bất lực. “Nhìn người bệnh đau đớn mà không có thuốc chữa do các loại thuốc kháng sinh đều đã bị vi khuẩn kháng hết, đó là nỗi đau xót của các bác sĩ” - PGS. TS Lương Ngọc Khuê bình luận.

 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng.

Đáng chú ý, hiện nay, phần lớn kháng sinh được bán ở các hiệu thuốc nước ta không có đơn của bác sĩ, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về bắt buộc mua thuốc kháng sinh phải có kê đơn nhưng việc xử phạt không khả thi.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tới đây, Bộ sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). “Cần thí điểm việc ứng dụng camera, công nghệ thông tin để giám sát việc bán kháng sinh theo đơn của các nhà thuốc tại một số nơi, đặc biệt là tại thành phố lớn” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Lao động thủ đô

Làm thế nào giảm thiểu kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ?

Bên lề Hội nghị Sơ kết giai đoạn I thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tổ chức sáng 21/9 , PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương về  nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ và các cách phòng, tránh.

PV: Xin ông cho biết về vai trò của thuốc kháng sinh, cũng như thực trạng kháng thuốc kháng sinh ở Bệnh viện Nhi Trung ương?

TS. Trần Minh Điển: Kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Loại thuốc này giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như: Lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…

Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 3.000 đến 4.000 em bé đến khám, bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 1.700 em. Trong đó, hầu hết là những bệnh nhi rất nặng, với hơn 100 ca phải thở máy, hơn 200 ca thở bình oxy, khoảng 80 bé phải đặt tĩnh mạch trung tâm. Ngoài ra, hầu hết các cháu bé đến viện Nhi Trung ương đều sử dụng 1 trong những dụng cụ, thiết bị y tế. Do đặc tính bệnh nhân nặng như vậy, lại được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước, nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao. Đáng lưu ý, trong một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhi nhập viện, chúng tôi cấy phân và phát hiện có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc. Đây là tình trạng đáng báo động về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em.

Vậy nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc kháng sinh là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dấn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Song đối với trẻ em, nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh càng cao và nguy hiểm hơn. Đơn cử như thói quen lâu nay nhiều phụ huynh tự ra các cửa hàng mua thuốc cho con mà không theo đơn của bác sĩ, trong khi thuốc kháng sinh điều trị lại không đúng bệnh, đúng liều lượng… Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến các bé bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Theo ông, việc điều trị cho bệnh nhi bị kháng thuốc kháng sinh có khó khăn không?

Tình trạng kháng kháng sinh là vấn đề rất khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi phải có sự phối hợp với nhau để đưa ra những phác đồ sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất cho các bé. Ví dụ như sự kết hợp kháng sinh và theo dõi trong quá trình trị bệnh, xác định nồng độ kháng sinh ở trong máu của các em bé thì mới vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh.

Xin ông cho biết một số giải pháp để giúp các bệnh nhi nói riêng và các bệnh nhân có thể phòng ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiệu quả?

Để giảm bớt tình trạng có vi khuẩn kháng thuốc và sự lan truyền vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở trong bệnh viện thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn và chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề rất quan trọng. Phải phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp nhân viên y tế cũng như người nhà người bệnh, phải tuân thủ chiến lược phòng ngừa trong tiếp xúc. Điều quan trọng nữa là vấn đề kiểm soát kháng sinh.

Muốn làm được điều này phải nâng cao nhận thức của mỗi một bác sĩ trong vấn đề sử dụng kháng sinh hợp lý. Cụ thể, việc kê đơn ngoại trú cũng như kê đơn nội trú và chiến lược sử dụng kháng sinh phải luôn phù hợp với những đặc điểm của vi khuẩn, vi sinh trong bệnh viện đó, khoa phòng đó. Đặc biệt, bệnh nhi 6 tháng một lần nên đi khám để có bảng thông báo về vi khuẩn, vi sinh để đưa ra chiến lược, xây dựng phác đồ hướng dẫn sử dụng kháng sinh phù hợp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khó khăn thách thức trong quá trình hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đó là chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc người dân sử dụng kháng sinh giá rẻ, không kiểm soát được chất lượng làm giảm hiệu quả điều trị, ngày điều trị kéo dài cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Bên cạnh đó, quy định xử phạt nhà thuốc về mua và bán kháng sinh không đơn còn nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh kiến nghị cần xây dựng lộ trình đến năm 2020 không còn tình trạng bán kháng sinh không đơn.

Quân đội Nhân dân

Trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ y học trong điều trị ung thư

Sáng 22-9, tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ 21 với chủ đề về phòng, chống ung thư.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thiếu tướng, Tiến sĩ Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y; Thiếu tướng, PGS, TS, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cùng đông đảo các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia y tế ngành ung thư trong và ngoài nước.

Hội nghị chia thành các phiên thảo luận về: Những vấn đề chung về ung thư, Ung thư các cơ quan (phổi, tiêu hóa, tiết niệu), Xạ trị trong ung thư, Ung thư phụ khoa. Theo các chuyên gia y tế, ung thư đang dần trở thành căn bệnh ác tính đáng lo ngại đối với toàn xã hội. Theo thống kê mới nhất trong năm 2016 ở Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010, và dự kiến vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi  năm, Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người chết mỗi ngày. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, cứ 100.000 nam giới có 172 người bị ung thư và ở nữ giới là 139/100.000 người. WHO đã xếp Việt Nam đang ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia y tế đã trình bày tham luận, trao đổi về kinh nghiệm, những tiến bộ y học trong phòng, chống, điều trị ung thư như: Một số tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư bằng bức xạ ion hóa; tiến bộ và xu hướng phát triển nội khoa trong điều trị ung thư; sử dụng phương tiện thăm khám lâm sàng lưu động trong phát hiện sớm ung thư; can thiệp nội soi trong ung thư đường mật; giá trị của những kỹ thuật xạ trị tiên tiến trong ung thư di căn; kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch xạ trị với hạt vi cầu gắn với YTTRIUM-90; điều trị cá thể hóa trong ung thư biểu mô buồng trứng…. Đặc biệt, hội nghị còn được nghe kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành về ung thư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hiệp hội bác sĩ y khoa châu Á...

 

Ngày 29/09/2017
Ban biên tập Website
(sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích