Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 4 8 3 6
Số người đang truy cập
5 7 3
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 16/7 và 17/7 năm 2017

Sài Gòn giải phóng

Dịch bệnh “đua nhau” bùng phát

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên người có số ca mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong số các dịch bệnh, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số người mắc rất lớn - hơn 45.000 trường hợp và 14 ca tử vong. Qua giám sát dịch tễ, số người mắc SXH tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên - chiếm hơn 80% số ca mắc cả nước.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Hà Nội đang có số ca mắc tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400%, với trên 4.000 người mắc SXH và 1 ca tử vong. PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, dịch SXH năm nay đến sớm hơn mọi năm, nhất là ở Hà Nội. Thông thường, dịch SXH diễn ra vào khoảng tháng 7 - 8, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm với số ca mắc nhiều từ tháng 5 và tháng 6.

Cùng với dịch SXH, trong nửa năm qua, cả nước cũng ghi nhận gần 400 người mắc bệnh do viêm não virus, trong đó có 10 ca tử vong. Đối với viêm não Nhật Bản, ghi nhận 62 ca mắc với 1 trường hợp tử vong. 69 người mắc liên cầu heo, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, bệnh dại cũng cướp đi mạng sống của 35 người và tất cả các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn. 

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, sự gia tăng và diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh hiện nay là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi, vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù một số dịch bệnh gia tăng trong mùa hè, nhưng chưa phát hiện các virus gây dịch bệnh biến đổi gien hay thay đổi độc lực, mà chỉ là thay đổi tính chất môi trường khiến nguồn bệnh phát triển.

Áp dụng kỹ thuật nội soi mới trong phẫu thuật thoát vị bẹn

Theo Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, mới đây, lần đầu tiên Trung tâm Phẫu thuật nội soi của BV áp dụng kỹ thuật nội soi mới trong phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho 5 bệnh nhi.

Các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật nội soi cùng chuyên gia Nhật thực hiện phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn cho một bệnh nhi

Các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật nội soi cùng chuyên gia Nhật thực hiện phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn cho một bệnh nhi

Với kỹ thuật này, bệnh nhi được ra viện ngay ngày hôm sau và hầu như không nhìn thấy vết sẹo phẫu thuật (đường rạch chỉ 2mm). TS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại BV Nhi trung ương, cho biết thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, các cơ quan trong ổ bụng sẽ có nguy cơ thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này.

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý thoát vị bẹn. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở từ 0,8% đến 3,8%, tỷ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6% đến 30%.

Với mong muốn nâng cao chất lượng phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho trẻ, các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật nội soi đã học hỏi và áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới của Nhật Bản. Đây là một phương pháp hiện đại, đang được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế trên thế giới vì những ưu điểm, như: Giúp phẫu thuật viên đơn giản khi thực hiện với thời gian mổ nội soi trung bình mỗi bên thoát vị bẹn từ 10 - 15 phút, có mức độ an toàn cao dưới quan sát phóng đại của camera nội soi; giúp quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện (với phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm như hiện nay, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng, khám và siêu âm không phát hiện ra nên khi phẫu thuật mổ mở sẽ dễ bỏ sót tổn thương bên đối diện); tỷ lệ tái phát chỉ khoảng 0,1% - 0,2 %, thấp hơn đáng kể so với mổ mở.

Hiểm họa rình rập tuổi thơ

Số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam đang không ngừng gia tăng, nhất là trong dịp hè, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. 

Đáng báo động, trong các nguyên nhân gây tử vong thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu, khi trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 10 trẻ nhỏ bị “hà bá” cướp đi mạng sống. Và con số đau lòng này đang có chiều hướng gia tăng...

Ngày nào cũng có trẻ mất mạng

Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra gần đây đã khiến cộng đồng thực sự hoang mang, bất an về sự an toàn của môi trường sống dành cho trẻ nhỏ. Mới đây nhất vào sáng 13-7, một nhóm 6 em nhỏ rủ nhau ra bãi biển thuộc thôn Cửa Thôn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để tắm biển. Nhưng chưa đầy 15 phút sau, do bị sóng biển cuốn ra xa, 2 trẻ đã tử vong.

Còn trước đó ít ngày, ngay tại ao làng Sở Hạ (ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội), 3 trẻ em (13 - 14 tuổi) xuống ao bơi đã bị đuối nước, 2 thanh niên cùng thôn phát hiện nhảy xuống cứu cũng bị “hà bá” kéo đi luôn. Rõ ràng, tai nạn đuối nước đang vào giai đoạn cao điểm khi từ đầu mùa hè tới nay, gần như ngày nào trong cả nước cũng xảy ra vài vụ trẻ em thiệt mạng vì chết đuối. Phần lớn vụ đuối nước xảy ra là do trẻ em tự ý đi tắm sông, hồ, kênh, rạch mà không có phương tiện bảo hộ an toàn, hoặc không có người lớn giám sát. 

Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trẻ nhỏ bị ngạt nước, đuối nước rất thương tâm chỉ vì sự chủ quan và bất cẩn của người lớn. TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho biết liên tiếp trong thời gian gần đây, BV đã tiếp nhận cấp cứu điều trị cho nhiều trẻ bị hôn mê, suy hô hấp do ngạt nước. Chỉ riêng ngày 9-7, có tới 3 trẻ nhỏ phải vào BV cấp cứu vì ngã xuống nước.

Trong số các bệnh nhi này, đau lòng nhất là trường hợp bé gái Nguyễn D.T. (18 tháng tuổi, ở Phú Thọ) bị ngã xuống ao trước cửa nhà. Mặc dù chỉ sau khoảng 3 phút đã được người nhà phát hiện và vớt lên, nhưng cháu bé đã trong tình trạng bất tỉnh, tím tái. Ngay sau đó, cháu bé được cấp tốc sơ cứu tại trạm xá rồi chuyển ngay đến BV Nhi trung ương, nhưng vẫn không qua khỏi vì tình trạng thiếu ôxy dẫn đến phù não cấp. Cũng theo TS-BS Tạ Anh Tuấn, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng vẫn bị biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài.

Đừng chủ quan

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, cho biết tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, ở nước ta, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong - chiếm 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. 

Trong khi đó, thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và gấp 6 lần các nước phát triển. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tại các địa phương trong cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ đuối nước xảy ra, cướp đi sinh mạng của trên 50 trẻ em. Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết tình trạng trẻ em ở nước ta bị đuối nước đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến số vụ đuối nước xảy ra ở mức báo động, trong đó có những nguyên nhân khách quan như môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn cho trẻ, còn nguyên nhân chủ quan là nhiều em ham chơi, trốn cha mẹ, người lớn tự ý đi bơi lội ở những khu vực ao, hồ, sông, suối nguy hiểm. Tệ hơn, không ít vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở những nơi mà người lớn biết rõ là có nguy hiểm nhưng đã coi thường, chủ quan, không hề có biển cảnh báo hay cắt cử người trông coi để ngăn chặn trẻ em tới vui chơi.

Trước tình trạng gia tăng trẻ bị đuối nước, nhất là vào mùa hè, mùa mưa lũ, Bộ Y tế chỉ rõ, người dân và cộng đồng cần giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước. Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng, biển, sông, hố nước của các công trình, hố trồng cao su hoặc dụng cụ chứa nước.

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ; làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà - nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước; đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy); giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. 

Trong các vụ trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên (từ sơ sinh đến 19 tuổi) tử vong mỗi năm, tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Về nhóm tuổi tử vong do đuối nước, trẻ sơ sinh - 4 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 36%, nhóm 5 - 9 tuổi chiếm 25% và nhóm 10 - 14 tuổi chiếm 26%. 

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng 300%

Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước đã có 35 ca tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não virus trong sáu tháng đầu năm 2017.

Số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, tại Hà Nội số ca mắc tăng gần 300%, theo VOV.

Với dịch viêm não virus, đã có 10 ca tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc phải. Trong khi đó, “tất cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn” - ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

Báo Hải Quan

Sốt xuất huyết lan rộng, người dân vẫn thờ ơ phòng dịch

Dù dịch sốt xuất huyết đang lan rộng với hơn 45.000 ca mắc và 14 ca tử vong song theo thừa nhận của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện ý thức phòng dịch của người dân vẫn chưa cao.

Thưa ông, theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại một số địa phương tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội số ca mắc tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Thông thường dịch sốt xất huyết sẽ tới vào khoảng tháng 7, tháng 8 nhưng thực tế năm nay sốt xuất huyết ở Hà Nội xuất hiện và gia tăng từ tháng 5, tháng 6, thời gian kéo dài khiến số ca mắc cũng tăng theo.

Bên cạnh đó nguyên nhân dịch bệnh này gia tăng ở Hà Nội là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều ngay từ đầu năm, không có đợt rét “nàng bân”… khiến muỗi véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.

Dịch tăng nhanh còn có nguyên nhân từ sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.

Sốt xuất huyết đã khiến 14 người tử vong, các cơ quan truyền thông cũng thường xuyên cảnh báo mức độ nguy hiểm của dịch song tại sao hiện ý thức phòng dịch của người dân vẫn chưa cao, theo ông nguyên nhân là vì sao?

Qua thực tế kiểm tra công tác phòng dịch tại một số cơ sở chúng tôi nhận thấy tại một số hộ gia đình, người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch, do chưa nhận thấy tầm quan trọng của công tác phòng dịch như vệ sinh nhà cửa, phun thuốc diệt muỗi nên có biểu hiện không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt muỗi.

Nhiều gia đình chỉ cho phun tầng 1, mà không cho phun tầng 2, 3, thậm chí nhiều nhà còn đóng cửa, không hợp tác trong khi Hà Nội đang có nhiều ổ dịch về bệnh này. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh. 

Bên cạnh đó, nhiều khu vực, địa điểm hoặc các dụng cụ bên ngoài các gia đình có chứa phế thải không được vệ sinh hàng tuần. Đây cũng là điều kiện để muỗi phát triển. Nếu chính quyền và người dân đều không hưởng ứng thì rất khó thực hiện.

Chưa kể kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Hầu hết những hộ bất hợp tác thường nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; thậm chí họ nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành và coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

Để phòng dịch, cán bộ y tế có tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình song có ý kiến người dân phản ánh là thuốc phun diệt muỗi hiện tại không hiệu quả vì phun xong 2- 3 ngày lại xuất hiện muỗi trong nhà. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Muỗi có nhiều loại, việc phun hóa chất cũng có các loại khác nhau. Nếu diệt muỗi sốt rét thì cần phun thuốc trên tường, tức là phun tồn lưu 6 tháng 1 lần, tuy nhiên chỉ muỗi gây sốt rét mới chết còn muỗi gây sốt xuất huyết có thể còn vì muỗi gây sốt xuất huyết không đậu trên tường. Đối với muỗi gây sốt xuất huyết thì phải phun hóa chất dưới dạng sương mù, trong không gian rộng để diệt toàn bộ muỗi mang mầm bệnh. Hóa chất phun diệt muỗi gây sốt xuất huyết chỉ tồn tại 1-2 ngày, vì vậy không diệt được muỗi gây sốt rét.

Việc người dân phản ánh có phun thuốc diệt muỗi 2- 3 ngày sau đó lại xuất hiện nhiều muỗi, đó có thể là muỗi ở các cống rãnh bay lên, muỗi này rất to và thường đốt vào ban đêm nhưng không gây bệnh. Còn có một loại muỗi gây viêm não, đó là muỗi từ chuồng trâu, chuồng bò bay vào. Muỗi này cũng thường đốt vào ban đêm nhưng gây bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản.

Theo ý kiến của nhiều hộ dân sở dĩ họ chưa hợp tác với việc cán bộ y tế phun hóa chất là do lo ngại hóa chất phun diệt các loại muỗi có độc hại khi con người hít phải, ông có bình luận gì về điều này?

Tất cả các hóa chất dùng cho phòng bệnh đều đã được thử nghiệm trên thực tiễn và đảm bảo hóa chất phun diệt muỗi không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, để diệt muỗi triệt để, phải phun thuốc hết các tầng nhà và phải phun tất cả các hộ gia đình thì mới đạt hiệu quả.

Sốt xuất huyết năm nào cũng đe dọa cuộc sống và tình mạng nhân dân và điều nguy hiểm của dịch là chưa có vắc xin phòng bệnh, vậy theo lộ trình đến bao giờ Việt Nam có thể sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết chưa, thưa ông?

Vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết đang được tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm tại châu Mỹ tuy nhiên do tính miễn dịch của vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa cao vì vậy sự ứng dụng trên thế giới còn dè dặt. Ở Việt Nam, việc ứng dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết là cần thiết nhưng cần xem xét trong việc ứng dụng sao cho hiệu quả và an toàn.

Còn việc sử dụng tác nhân sinh học giải quyết sốt xuất huyết trong đó sử dụng muỗi hiện nay ở Việt Nam đang thực hiện ở đảo Trí Nguyên. Việt Nam là một trong những nước tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vấn đề nghiên cứu. Việc nhân rộng cần phải có nhiều yếu tố như được cộng đồng chấp nhận, sự tồn tại sinh sống của muỗi này thế nào và ảnh hưởng của muỗi tới môi trường sinh thái.

Xin cảm ơn ông!

Pháp luật TP HCM

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng 300%

Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước đã có 35 ca tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não virus trong sáu tháng đầu năm 2017.

Số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam, miền Trung, tại Hà Nội số ca mắc tăng gần 300%, theo VOV.

Với dịch viêm não virus, đã có 10 ca tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc phải. Trong khi đó, “tất cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn” - ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

Báo Công lý

Cảnh báo tai biến khi dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen với người sốt xuất huyết

Thuốc aspirin và ibuprofen có thể gây nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết (SXH), làm cho tình trạng xuất huyết thêm trầm trọng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ của năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.

"Chúng tôi cũng lưu ý rằng từ nay đến cuối năm nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra phức tạp. Hiện nay mới bước vào thời điểm dịch SXH đã bắt đầu và đang gia tăng", ông Phu nhấn mạnh.

Cảnh báo tai biến khi dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen với người sốt xuất huyết

Theo ông Phu, người dân bị sốt, nghi ngờ SXH thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm... Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc. Khi bị SXH người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao đột ngột, nhiệt độ có thể là 39 - 40 độ C.

Sốt cao thường đi kèm các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau cơ... Khi bệnh nhân bị SXH, để giảm đau, hạ sốt bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng paracetamol. Tuy nhiên, do SXH là bệnh do virus gây ra nên thân nhiệt của bệnh nhân luôn ở mức cao. Khi uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt chỉ hạ được trong thời gian ngắn rồi tăng trở lại. Trong trường hợp này, bệnh nhân không được tự ý tăng liều hoặc đổi thuốc hạ sốt khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế khuyến cáo rõ ràng, người dân khi bỗng dưng sốt cao chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do SXH. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.

Bệnh SXH thường gây ra chảy máu bên trong cơ thể. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng tương tự, ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu, tác dụng này sẽ làm tình trạng chảy máu của bệnh nhân nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có thể làm người bệnh lâm vào hội chứng sốc do SXH. Khi đó, bệnh nhân cần được nhập viện và điều trị ngay.

Đặc biệt, ông Phu cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà hay tự đề nghị các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, vì việc bù nước trên bệnh nhân SXH cần được chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt theo từng giai đoạn bệnh. Bởi truyền dịch có thể gây sốc, choáng; thậm chí nếu không chỉ định đúng, truyền dịch có thể gây phù phổi khiến bệnh nhân có thể tử vong.

Bên cạnh đó, người dân không nên chủ quan vì SXH, nó có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tốn kém tiền điều trị. Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.

Thanh niên

Bước ngoặt trong điều trị ung thư

Nước Mỹ đang tiến gần kỷ nguyên mới của y học, sau khi giới chuyên gia nhất trí ủng hộ một cách chữa ung thư máu có thể là liệu pháp gien đầu tiên được áp dụng ở nước này.
Toàn bộ thành viên thuộc Ủy ban Cố vấn điều trị ung thư của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu ủng hộ hoàn toàn liệu pháp do Đại học Pennsylvania và Tập đoàn Novartis Corp phối hợp phát minh. Sau khi cân nhắc, họ kết luận rằng phương pháp sử dụng các tế bào miễn dịch của chính người bệnh để chống ung thư có thể mang lại lợi ích thiết thực cho các bệnh nhân nhỏ tuổi, vượt xa mức độ ảnh hưởng của các tác dụng phụ nguy hiểm. Sự nhất trí cao độ của nhóm chuyên gia đồng nghĩa với viễn cảnh liệu pháp này có thể được FDA thông qua vào cuối tháng 9, mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu, theo tờ The Washington Post.

Thói quen ăn uống có thể khiến nguy cơ ung thư tăng cao, nhưng cũng có thể khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt. Dưới đây là những thực phẩm được cho là 'kẻ thù' của tế bào ung thư.

Được gọi là CAR-T, đây là liệu pháp chỉ điều trị một lần, dành cho các bệnh nhân ở độ tuổi từ 3 - 25 mắc chứng ung thư bạch cầu lympho ác tính (ALL), không phản ứng trước những phương pháp điều trị thông thường hoặc đã di căn. Nó bao gồm giai đoạn chiết xuất tế bào miễn dịch từ máu người bệnh, lập trình lại nhằm tạo ra một binh đoàn tế bào có thể nhận diện và phá hủy tế bào ung thư, trước khi chuyển ngược về cơ thể bệnh nhân. Cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức sau cuộc thảo luận dài và những lời khẩn khoản từ phụ huynh của hai người bệnh nhỏ tuổi đã được cứu sống nhờ vào cách tiếp cận mới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có hơn 600 trường hợp rơi vào tình trạng như trên. Tính đến thời điểm này, các bác sĩ chỉ nắm được một số cách điều trị giới hạn, và toàn bộ đều có hại hơn CAR-T trong khi cơ hội sống sót quá thấp.

Trong một cuộc kiểm tra quan trọng, CAR-T mang lại kết quả hơn xa liệu pháp hóa trị và thậm chí cả những dạng thuốc ung thư mới. Cụ thể, đối với 52 hồ sơ được phân tích, 83% số này chứng kiến ung thư biến mất. Đa số các bệnh nhân đều trải qua những tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng gần như mọi người đều hồi phục. Phương pháp CAR-T bắt đầu với việc lọc tế bào miễn dịch chủ chốt là tế bào T từ máu người bệnh và chuyển đến phòng thí nghiệm. Trong điều kiện vô trùng, các chuyên gia chèn một gien vào tế bào T, kích thích chúng sản sinh một thụ quan truy tìm chất chỉ thị cụ thể thường xuất hiện trong một số dạng ung thư máu. Sau thời gian nuôi dưỡng hàng triệu tế bào T mới, các chuyên gia bắt đầu tiêm chúng cho bệnh nhân. Những “chiến binh” này bắt đầu truy lùng và tìm diệt các tế bào ung thư dưới dạng tế bào thực thụ, nên được giới bác sĩ gọi là “thuốc sống”.
Quá trình điều trị kéo dài khoảng 16 tuần, có thể quá dài đối với một số bệnh nhân đang trên bờ vực sống chết, nên các cố vấn của FDA đề nghị thu ngắn thời gian. Phía nhà cung cấp cho hay có thể hoàn tất trong vòng 3 tuần, nhưng với chi phí lên đến hàng trăm ngàn USD.

Tử vong vì uống cồn y tế thay rượu

Trung tâm chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) ngày 14.7 cho biết một bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol nặng, kèm theo xuất huyết não do uống cồn y tế thay rượu.
Cụ thể, bệnh nhân Đ.N.H (45 tuổi, ở phố Đại La, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc hôm 20.6 do ngộ độc methanol. Ông H. được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) là 321,76 mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép). Theo người nhà, bệnh nhân nghiện rượu và đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống. Loại cồn y tế bệnh nhân sử dụng có ghi nhãn cồn 90 độ, ethanol, chai 500 ml.

Tuy nhiên, xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân đã dùng, cho kết quả nồng độ methanol là 88%, không tìm thấy ethanol như nhãn ghi.

Người tiêm ngừa bệnh dại do bị chó mèo cắn tăng đột biến

Thống kê của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho thấy, trong tháng 5 BV có 2.533 lượt tiêm (1.219 người), đến tháng 6 tăng lên 2.814 lượt (1.324 người) và chỉ trong nửa đầu tháng 7 đã có đến 1.655 lượt tiêm (986 người).

Bị chó nhà cào, mắc bệnh dại nguy kịch

Bệnh nhân bị một con chó con do nhà nuôi cào xước chân, chủ quan, không chích ngừa. Một tháng sau, bệnh nhân lên cơn dại và trong tình trạng nguy kịch.

Còn ông Lê Quang Minh (61 tuổi, ngụ Quận 11, TP.HCM) vừa tiêm xong chờ lấy sổ, kể: Tối 11.7 tôi đi mua thuốc lá thì bị chó chủ nhà chạy ra cắn. Tôi được chủ nuôi chó đưa đến BV Bệnh nhiệt đới tiêm ngừa và hôm nay (14.7) là mũi tiêm thứ 2. Ông Minh lật gót chân cho chúng tôi xem, 2 dấu răng chó ngoặm to đậm, hằn sâu 2 bên gót chân.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết việc tiêm vắc xin ngừa bệnh dại do bị chó, mèo cào - cắn tại BV hiện đang trong tình trạng quá tải, trong một tháng trở lại đây tăng đột biến. BV đã phải kê thêm bàn để tiêm ngừa.

Thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới cho thấy, trong tháng 5 BV có 2.533 lượt tiêm (1.219 người), đến tháng 6 tăng lên 2.814 lượt (1.324 người) và chỉ trong nửa đầu tháng 7 đã có đến 1.655 lượt (986 người). Bác sĩ Mai Xuân Thông, Trưởng Khoa khám BV Bệnh nhiệt đới, cho hay việc tiêm ngừa ở BV tăng một phần là do một số bệnh nhân tiêm ngừa trước đó ở một số trung tâm khác gần đây hết vắc xin nên bệnh nhân tìm đến BV để tiêm.

Các chuyên gia khuyến cáo, người bị chó mèo cào, cắn nên tiêm đủ 5 mũi vào ngày sau khi bị cắn là 0 - 3 - 7 - 14 và 28 để phòng ngừa bệnh dại, vì hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị. Tại BV Bệnh nhiệt đới, từ đầu năm đến nay đã có 3 trường hợp người bị bệnh dại nhập viện, 1 tử vong, 2 nặng xin về. Tại TP.HCM từ đầu năm đến nay cũng đã có 1 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. 

Lao động

Bài trừ vaccine là có tội với cả cộng đồng

“Tiêm vaccine cho con hay không là quyền của mỗi ông bố, bà mẹ. Pháp luật không bắt buộc. Thế nhưng, bài trừ vaccine có chủ đích, tạo ra một làn sóng bài trừ vaccine thì không chỉ có lỗi với con họ, mà còn có tội với cả cộng đồng, với dân tộc. Hậu quả phải trả giá có khi là sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ. Chúng ta đã nhìn thấy bài học này qua dịch sởi năm 2014” - BS CKII Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM bày tỏ quan điểm của mình về trào lưu bài trừ vaccine đang rầm rộ trên mạng xã hội hiện nay.

Gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanpage anti-vaccine với các nội dung phản bác tác dụng của vaccine, thậm chí là nêu lên những tác hại, mặt trái của vaccine và ủng hộ các “mẹ bỉm sữa” không tiêm vaccine cho con. Khi phong trào bài trừ tiêm vaccine xuất hiện, có khá nhiều bố mẹ tích cực trong phong trào này, đưa ra nhiều bằng chứng từ các nguồn khác nhau. Đa phần là những bài báo, tài liệu trên các trang mạng từ nước ngoài. Dù chưa được kiểm chứng, song, những thông tin như tiêm vaccine bị biến chứng hay vẫn mắc bệnh, chứa chất độc, làm trẻ bị tự kỉ… khiến các không bố mẹ lo lắng.

Điển hình như nickname Diệu Liên đăng trên fanpage “Vacxin – nên hay không”: “Bé Cà nhà mình đến nay đã 2 tuổi và không tiêm bất kì vaccine nào và trộm vía rất khỏe mạnh. Anh Cà thì tiêm không thiếu mũi nào mà bệnh triền miên. Sau 2 tuổi mình ngưng tiêm, anh Cà thì khỏe mạnh đến giờ và cả hai bé không đụng đến bất kỳ một viên thuốc tây nào...Các mẹ nên tìm hiểu kỹ tác hại của vaccine và tự quyết sinh mạng của con mình”.

Cũng bình luận trên fanpage này, nickname Nguyễn Trần Quyết cho rằng “Vẫn có cách khác để thoát ra khỏi vaccine. Cách đó nằm trong tâm trí và sự hiểu biết của con người. Tóm lại là con mình không dùng sữa thú, không sữa công thức, không tiêm, không thịt động vật và chỉ ngồi thiền để nhận năng lượng từ vũ trụ”.

Không biết độ chính xác của nguồn tin, thông tin mình đã đọc từ đâu, nickname Thiên An Nguyễn cũng viết trên fanpage này rằng: “1 khảo sát chưa từng có trên hàng trăm trẻ em "homeschooled" (học ở nhà) tại Mỹ đã cho thấy: so với trẻ không tiêm vaccine thì trẻ tiêm vaccine có tỉ lệ mắc bệnh mãn tính cao hơn 2.4 lần; có tỉ lệ mắc eczema hơn 2.9 lần; có tỉ lệ mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh cao hơn 3.7 lần; có tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ cao hơn 4.2 lần...”.

Xung quanh những ý kiến phản đối, bài trừ vaccine, trên fanpage “Vacxin – nên hay không” cũng nhận được nhiều bài viết, ý kiến bình luận của nhiều cha mẹ, chuyên gia y tế bảo vệ vaccine, bày tỏ quan điểm không đồng tình với hội anti-vaccine. Tuy nhiên, những ý kiến này cũng bị hội anti-vaccine “ném đá” gay gắt. Thậm chí, có phụ huynh dịch hẳn một cuốn sách từ nước ngoài “tiêm chủng, đằng sau sự huyền bí” để đưa lên mạng nhằm tuyên truyền “giải phóng vaccine”.

Vì sao có trào lưu anti-vaccine?

BS CKII Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lên tiếng khi trào lưu anti-vaccine đang rầm rộ. BS Khanh cho rằng, trào lưu bài trừ vaccine không phải chuyện lạ, vốn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, vấn đề anti-vaccine nhanh chóng được nhà nước điều chỉnh. Thậm chí, có nước đặt ra luật, con không chích ngừa không được đi học. Ở Mỹ, trẻ muốn nhập học cần đưa sổ chích ngừa ra, nếu chưa chích mũi nào bắt buộc phải chích để tránh gây bệnh cho cộng đồng.

Gần đây, trào lưu này tiếp tục rộ lên và phát triển nhanh ở Việt Nam vì có thể lôi kéo những người đang lăn tăn về tai biến và tác dụng phụ của vaccine. Theo BS Khanh, nguyên nhân chính là do trong một số người nổi tiếng có con cái, người thân bị khiếm khuyết bẩm sinh nhưng nghĩ là do vaccine, “đổ thừa” cho vaccine. Bên cạnh đó, một số loại vaccine do nhóm lợi ích mà được tuyên truyền tiêm một cách quá đáng dù chưa cần thiết. Họ vin vào việc có nhóm lợi ích trong vaccine để bài trừ vaccine.

“Hiện tượng anti-vaccine chỉ tồn tại và nổi lên khi hết dịch bệnh. Nếu dịch đang trong thời kỳ rầm rộ thì các nhóm anti-vaccine không bao giờ hoạt động được” - BS Khanh dẫn chứng điển hình như bài học dịch bệnh sởi năm 2014 khiến hàng trăm trẻ tử vong. Những ai theo dõi ngành y tế chắc sẽ không thể nào quên được sự kiện này. Cả nước có hơn 35.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6.000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Dịch sởi bùng phát sau 3 năm không có dịch đã làm cho nhân viên y tế Việt Nam bất ngờ và gặp phải nhiều chỉ trích từ công chúng.

Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vaccine sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó. Nguyên nhân xuất phát từ vài ca trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine. Mặc dù các vụ tử vong này đều xác định không có liên quan đến chất lượng vaccine và chính phủ cũng đã công bố những thông tin này. Tuy nhiên, việc thuyết phục được các bà mẹ, lấy lại lòng tin của họ đối với chất lượng của chương trình tiêm chủng quốc gia là một thách thức không nhỏ. Sau dịch sởi năm 2014, vaccine sởi mới được tín nhiệm trở lại, phụ huynh lại bồng bế con đi tiêm. Những năm sau dịch sởi được khống chế rõ rệt.

Bố mẹ anti-vaccine, con tàn phế vì viêm não Nhật Bản

BS Khanh khẳng định tất cả các nước trên thế giới đều có chương trình tiêm chủng mở rộng, đưa những loại vaccine thiết yếu nhất vào lịch tiêm ngừa. Người dân được tiêm miễn phí. Tuy nhiên, miễn phí ở đây là do nhà nước bỏ tiền ra lo cho dân để phòng dịch thay vì viễn cảnh phải bỏ cả núi tiền ra để đối phó với dịch bệnh trong tương lai. Với mỗi loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhà nước đã tốn khoảng 1.000 tỷ đồng để duy trì cho người dân chích miễn phí”.

“Không thể phủ nhận một số loại vaccine gây ra những phản ứng phụ không mong muốn, tuy nhiên, những phản ứng này mang tính cá thể, cơ địa. Có nghĩa là tỷ lệ vô cùng nhỏ. Với những loại vaccine đã lưu hành nhiều năm qua thì càng được theo dõi rất kỹ từng cá thể phản ứng. Hội đồng y đức và các nhà khoa học cũng rất áp lực trong vấn đề này. Nhưng nhiều người lại vin vào số vô cùng nhỏ này để bài trừ vaccine, phủ nhận toàn bộ những tác dụng của vaccine mang lại trong nhiều năm” - BS Khanh bày tỏ.

Mặt khác, một số mẹ bỉm sữa nói rằng con họ không tiêm vaccine nhưng vẫn khỏe mạnh, BS Khanh khẳng định, đó là do may mắn. Bởi em bé đó được sống, được bao bọc trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm ngừa cao. Tuy nhiên, sự may mắn sẽ hết nếu em bé đó đi qua một vùng có độ phủ vaccine thấp, khả năng mắc bệnh rất cao. Vaccine mang tính cộng đồng, dân tộc là vì vậy. Ví như ở nước ta vận động người dân tiêm ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ. Sự vận động phải kéo dài ít nhất 20 năm mới có thể đạt độ bao phủ tiêm ngừa trong cộng đồng, với mục đích đẩy lùi bệnh nguy hiểm này. Ở nước phát triển, việc tiêm ngừa vaccine viêm gan B được trú trọng từ lâu nên tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 5-6% dân số, trong khi đó ở Việt Nam là 15-16%.

“Tôi làm bác sĩ nhiễm gần 30 năm và vẫn thường nghe các câu hỏi khá “nhột” của bác sĩ nước ngoài như: “Việt Nam còn ho gà hả, còn bạch hầu hả?” “Viêm não ở mấy đứa nhỏ này do cái gì?”…Ở nước ngoài, đó là những bệnh đã thanh toán được từ lâu nhờ đưa vaccine phòng các bệnh này vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Câu trả lời cho những câu hỏi này để đánh giá sức khỏe của một dân tộc. Bởi vaccine mang tính cộng đồng, tiêm vaccine cho con hay không là quyền của mỗi ông bố, bà mẹ. Pháp luật không bắt buộc. Thế nhưng, bài xích vaccine có chủ đích, tạo ra một làn sóng bài trừ vaccine thì không chỉ có lỗi với con họ mà còn có tội với cả cộng đồng, với dân tộc. Hậu quả phải trả giá có khi là sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ”. BS Khanh thẳng thắn chia sẻ.

Theo bác sĩ Khanh, tại khoa Nhiễm - Thần kinh, hơn 80% trẻ mắc bệnh là do chưa chích ngừa, không chích ngừa hoặc phụ huynh không biết có vaccine ngừa bệnh. Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho con.

Dân trí

Chống vắc xin là tự sát

7Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thế kỷ XX được mệnh danh là thế kỷ chống nhiễm trùng với hai điều nổi bật là phát minh ra kháng sinh và phát triển các loại vắc xin phòng bệnh. Từ đây, đưa ra một nguyên lý y học bất di dịch: “Trị nhiễm trùng dùng kháng sinh, phòng nhiễm trùng dùng vắc xin”.

Gần đây, xuất hiện các trang mạng cổ xúy cho trào lưu “chống” vắc-xin (anti vắc xin), phản khoa học, rất nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cho cả cộng đồng….

Khi một vi sinh vật lạ, kháng nguyên, xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được "báo động" và "lưu giữ" những thông tin về kháng nguyên này. Thông tin sau đó sẽ kích hoạt các tế bào bạch cầu lympho B của hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại đúng các vi sinh vật lạ đã tương ứng đã xâm nhập. Lượng kháng thể được sinh tổng hợp càng nhiều khi vật lạ xâm nhập vào cơ thể lặp lại nhiều lần.

Vắc xin (thuốc chủng) thường là xác chết, protein hay những biến thể suy yếu, giảm độc lực của các vi sinh vật gây bệnh đóng vai các kháng nguyên. Khi các vắc xin được đưa vào cơ thể dưới dạng thức tiêm chủng, chúng sẽ kích thích hệ miễn dịch giống hệt các vi sinh vật thật sự xâm nhập và các kháng thể được tạo thành. Có thể nôm na rằng, tiêm chủng vắc xin là cách “tập trận” cho cơ thể nhận biết mầm bệnh để chống lại thông qua việc sản xuất các kháng thể đặc hiệu tương ứng.

Chủng ngừa vắc xin là chủ động phòng bệnh hiệu quả

Với tính phòng vệ chủ động và đặc hiệu (chọn lọc) cao, chủng ngừa vắc xin là cách phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cực kỳ chính xác và hiệu quả.

Hiện nay, dù có những tiến bộ vũ bão trong y khoa, nhưng trong y học vẫn có rất nhiều bệnh nhiễm trùng chưa hoặc không thể điều trị, gây nhiều di chứng, thậm chí có bệnh còn gây tử vong có thể phòng ngừa hiệu quả qua việc tiêm phòng vắc xin.

Danh sách các bệnh “nan y” nhưng phòng được nhờ vắc xin khá dài như: bệnh dại, bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, bệnh rubella, bệnh uốn ván, bệnh bạch hầu…

Chương trình tiêm chủng mở rộng (expanded program of immunization EPI) là một khâu quan trọng được cả WHO, UNICEF và ngành y tế của các nước trên toàn cầu đặt hàng đầu. Ngay ở Mỹ, người ta vẫn duy trì được tỉ lệ tiêm chủng cao và để tránh lây bệnh ra cộng đồng, luật pháp các tiểu bang không cho phép trẻ chưa tiêm chủng học ở các trường học. Ở Việt Nam, chính nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, chúng ta gần như thanh toán được bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván…

Vắc xin: món quà y học “vô giá”

Tên gọi vắc xin có lai lịch từ phát minh thuốc chủng bệnh đậu mùa (smallpot) của Edward Jenner (1749-1822), Anh, 1796: Sau hơn 20 năm quan sát và nghiên cứu, bác sĩ Jenner là người đầu tiên tìm ra thuốc chủng ngừa đậu mùa, căn bệnh quá khủng khiếp về mức độ lây lan và các biến chứng da như rỗ mặt, sẹo da, thời đó. Và vì bệnh đậu bò và “thuốc” chủng ngừa đậu mùa đều có liên quan đến con bò cái, vacca theo tiếng La tinh, nên từ vắc xin (vaccin, thuốc chủng) ra đời từ đây. Nhờ vắc xin này, thế giới hiện nay đã “xóa sổ” bệnh đậu mùa và WHO treo giải thưởng cho ai phát hiện ca đậu mùa mới.

Ngày 06 tháng 7 năm 1885, vắc xin ngừa bệnh dại được Pasteur cứu sống cậu bé Joseph Meister, người bị chó dại cắn trước đó. Thành công này còn vang dội hơn vắc xin đậu mủa vì rằng cho đến hiện nay bệnh dại còn là bệnh “không chữa được” (untreatable), nếu để bệnh phát lộ bệnh nhân chỉ còn đường chết !

Năm 1952, Jonas Salk phát triển vắc xin ngừa bệnh bại liệt dạng tiêm bằng virus bị suy yếu, giảm độc lực được sử dụng trên toàn thế giới. Đến năm 1957, Albert Sabin lại phát triển loại vắc-xin bại liệt dạng uống đầu tiên. Bại liệt là căn bệnh rất ác hiểm, đứa trẻ mắc bệnh hoặc chết hoặc tàn phế suốt đời.

Danh sách các món vắc xin “quà tặng” còn quá dài. Chỉ xét riêng 12 vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em EPI, cũng dễ dàng thấy lợi ích và bất lợi của việc cho trẻ em tiêm chủng vắc xin theo lịch.

Phản ứng không mong muốn: Nỗi vướng mắc còn lại

Vắc xin là một kháng thể, vật ngoại lai, lạ đối với cơ thể. Do đó khi chủng ngừa vắc xin có thể gặp những phản ứng không mong muốn (undesirable effect), trước đây thường được gọi không chuẩn là tác dụng phụ. Đây là điều khó có thể tránh khỏi hoàn toàn kể cả với các labo, hang dược phẩm tân tiến, hiện đại. Cũng may, những phản ứng này thường nhẹ và thoáng qua.

Các phản ứng không mong muốn thường gặp là:

* Đau nơi tiêm

Thường gặp nhất. Có thể bị đau một vài giờ, đến một ngày. Trong vài trường hợp, có thể sưng một cục bằng hạt đậu, và nổi mẩn ngứa vài ngày. Thống kê có khoảng 5-10% trẻ em gặp và thường tự khỏi.

* Sốt

Cũng là một phản ứng hay gặp, nhất là những mũi tiêm phòng bệnh sởi, bạch hầu, ho gà. Hầu hết những trường hợp sốt do tiêm phòng đều tự khỏi sau 1-2 ngày.

* Phản ứng ngoài da

Khoảng 2-10% trẻ em sau khi tiêm phòng sởi, rubela có thể bị phát ban tương tự như sởi nhưng nhẹ hơn. Một vài trẻ có thể nổi mề đay, ngứa toàn thân rồi tự khỏi.

* Co giật

Có khoảng 0,6% trẻ em bị co giật khi tiêm vắc xin, đặc biệt ho gà. Phần lớn trẻ co giật này có tiền sử co giật khi sốt cao hay bị động kinh. Nếu không xử trí đúng mức, một số trường hợp có thể dẫn đến hôn mê, di chứng thần kinh.

May thay, tỷ lệ này lại rất hiếm.

Trẻ uống vắc xin bại liệt tỷ lệ phản ứng không mong muốn khoàng gần 1/1.000.000 liều.

* Rên la, quấy khóc

Khoảng 3% trẻ nhũ nhi rên la, quấy khóc liên tục nhiều giờ liền sau khi tiêm phòng. Trong các trường hợp này có thể dùng thuốc an thần để trẻ ngủ yên rồi tự ổn định.

* Loét da và viêm hạch

Sau khi tiêm vắc xin lao BCG, khoảng 6- 12% trẻ có nhọt dạng thủy bào và viêm hạch ở nách cùng bên vai được tiêm. Viêm hạch thường xuất hiện sau khi chích ngừa khoảng 3-5 tuần, chảy dịch và kéo dài khoảng một tháng rồi tự khỏi. Vài trường hợp đặc biệt mới cần điều trị kháng sinh.

* Sốc quá mẫn và phản vệ

Đây là phản ứng không mong muốn nặng nhất, có thể gây tử vong nếu cơ sở y tế không cảnh giác, xử trí kịp thời. Sốc phản vệ do vắc xin thường xảy ra nhanh, rất nguy hiểm, nhưng điều trị đúng thì qua khỏi như các loại phản vệ do dị ứng thuốc (penicillin, vitamin C, chuyề đạm…). Cũng may, tỷ lệ sốc phản vệ rất thấp khoảng 20/1.000.000 (20 phần triệu) mà thôi.

Đôi điều bàn luận

Hiện nay, có một số phụ huynh không tiêm văcxin cho con em vì nghe các thông tin “phóng đại”, lệch lạc về những tai biến sau tiêm chủng. Dù đây là điều lo lắng có cơ sở, nhưng cũng nên được phân tích, lý giải rõ ràng.

Thử vào bảng so sánh tác hại do bệnh và tác dụng phụ do vắc xin của WHO sẽ thấy: (1) Bạch hầu: có 1/7 bệnh nhân tử vong do độc tố vi khuẩn làm liệt dây thần kinh và suy tim, trong khi vắc xin chỉ gây sưng, đỏ hoặc đau khi tiêm và đôi khi trẻ sốt, (2) Viêm gan siêu vi B: có đến 1/ 4 bệnh nhân viêm gan B bị xơ gan hoặc ung thư gan; nhưng khoảng 1/ 20 người tiêm chủng bị sưng, đỏ hoặc đau tại chỗ, 2/100 người sẽ bị sốt. Sốc quá mẫn chỉ xảy ra ở khoảng 1/1.000.000, (3) Cúm khoảng 1/5 dân số bị cúm mỗi năm và khoảng 3000 người chết ở người trên 50 tuổi ở Úc mỗi năm; Khi tiêm chủng: khoảng 1/10 có cục sưng, đỏ hoặc đau khi tiêm, 1/ 10 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 3 năm bị sốt, 1/1.000.000 bị hội chứng Guillain-Barré và sốc phản vệ rất hiếm….

Ở nước ta, vào cuối thế kỷ XX, bại liệt, ho gà và viêm não Nhật Bản gần như đã vắng bóng, nhưng do lơ là tiêm chủng bệnh phát trở lại. Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5, toàn quốc có 119 trẻ mắc ho gà, trong đó có 2 trẻ trong đó đã tử vong.

Thử đặt câu hỏi với những người cổ xúy cho trào lưu anti vắc xin rằng: Nếu quý vị bị chó dại cắn, bị vết thương hở ở da….quý vị có tiêm phòng dại, uốn ván không? và câu trả lời chắc chắn là Có.

Tóm lại

Vắc xin phòng bệnh đúng là món quà y học “vô giá”, một cách phòng bệnh khoa học vô cùng hiệu quả cho mọi nhà, mọi người.

Anti-vắc xin là trào lưu “nhảm nhí”, vừa phản khoa học vừa nguy hiểm chết người! và Chống vắc xin là tự sát!

Nhân dân

Đừng để trẻ em mắc bệnh vì hiểu không đúng về vắc-xin

Nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn đã chứng minh lợi ích của tiêm chủng, được coi là một can thiệp y tế có chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả lại cao nhất. Các bậc cha, mẹ hãy tin tưởng về tính an toàn, chất lượng của vắc-xin, nên đưa con em mình đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm để tạo miễn dịch, chủ động phòng bệnh.

Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được các tổ chức quốc tế xếp ở thứ tư trong mười thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Tiêm chủng góp phần giảm hai đến ba triệu trẻ em chết hằng năm; thanh toán đậu mùa năm 1979; giảm số ca mắc bại liệt từ 350 nghìn ca bệnh ở 125 nước (năm 1988) xuống còn 37 ca (năm 2016), và đang tiến tới thanh toán bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2018; dự kiến giảm hơn 80% số trường hợp chết do sởi so với năm 2000; giảm đáng kể số trẻ chết vì các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm tuýp A, viêm màng não do não mô cầu tuýp A, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib… Tổ chức Y tế thế giới ước tính, nếu tất cả vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ hơn 90%, thì hằng năm có thể dự phòng cho hai đến ba triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh truyền nhiễm. 

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, lợi ích của tiêm chủng đã vượt qua lợi ích dự phòng bệnh tật. Vắc-xin đã góp phần phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương. Chương trình tiêm chủng vắc-xin toàn diện là nền tảng của y tế công cộng và làm giảm nghèo đói trong xã hội. Tiêm chủng vắc-xin có thể mang lại lợi ích như tăng năng suất lao động, tăng giá trị xã hội của cộng đồng, gia đình hay một cá nhân khỏe mạnh. Việc triển khai tiêm vắc-xin cũng đem lại những tác động tích cực về mặt xã hội, như: tăng cường sự công bằng và bình đẳng; nâng cao quyền của người phụ nữ; góp phần tăng cường an toàn trong đi lại…

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai Chương trình TCMR đã giúp khoảng 6,7 triệu trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt), và giảm được 42.900 trường hợp tử vong do các bệnh nêu trên. 

Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, các vắc-xin đang được sử dụng là rất an toàn, hiệu quả cao. Vắc-xin trước khi được cấp phép sử dụng phải trải qua nhiều công đoạn kiểm duyệt nghiêm ngặt về khoa học. Trước hết, tiến hành nghiên cứu trong phòng xét nghiệm và trên động vật thí nghiệm (giai đoạn tiền lâm sàng); sau đó vắc-xin được thử trên người tình nguyện khỏe mạnh qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, với số người tham gia nghiên cứu tăng dần 50 lên 200 và 500. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt đề cương nghiên cứu và kết quả của mỗi giai đoạn. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng sẽ được Hội đồng khoa học thông qua, được Hội đồng cấp phép sử dụng vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế phê duyệt. Vắc-xin trước khi xuất xưởng và trong quá trình lưu hành trên thị trường phải được cơ quan thẩm định quốc gia về vắc-xin và sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng. Toàn bộ các quy trình trên đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận bảo đảm chất lượng. 

Kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắc-xin xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, không liên quan chất lượng vắc-xin, mà chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng như nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não, viêm phổi, suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, chết đột tử, sặc sữa... Các mẫu vắc-xin cũng được kiểm tra và khẳng định chất lượng, độ an toàn đạt yêu cầu. 

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc không đưa trẻ đi tiêm chủng, sẽ dẫn đến dễ mắc bệnh truyền nhiễm, hậu quả là trẻ bị tàn phế, thậm chí tử vong. Nếu dừng tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ làm dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh, tiêm vắc-xin không gây ung thư, mà còn dự phòng được một số bệnh ung thư; cũng không có bằng chứng khoa học về việc tiêm nhiều loại vắc-xin làm gia tăng bệnh tự kỷ ở trẻ. Các vắc-xin phối hợp nhiều kháng nguyên (vắc-xin 5 trong 1 hay 6 trong 1) đã được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả.

Các bà mẹ hãy tin tưởng về tính an toàn và chất lượng vắc-xin hiện dùng trong chương trình TCMR, chủ động đưa con em minh đi tiêm đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỷ lệ tiêm chủng cao, để bảo đảm miễn dịch, chủ động dự phòng hiệu quả, chứ không phải có dịch mới đi tiêm vắc-xin, hay đợi chờ tiêm vắc-xin dịch vụ... Tiêm chủng là quyền lợi của trẻ em, là trách nhiệm của cha mẹ và cộng đồng, đứng trước thực trạng nhiều nguồn thông tin hiện nay, các bậc cha mẹ hãy là những người thông thái, lựa chọn những nguồn thông tin chính thống đáng tin cậy về khoa học, để bảo vệ sức khỏe bạn và con em bạn.

Báo Giao thông

Dân báo sốt, y tế phường chờ “giấy xét nghiệm” mới diệt muỗi?

Người mắc sốt xuất huyết phải có giấy xác nhận của bệnh viện, y tế dự phòng mới xuống diệt muỗi?

Có xác nhận “dương tính với SXH” mới xử lý ổ dịch?

Tính từ đầu năm tới nay, số ca SXH trên cả nước đã lên tới gần 49.000 ca, trong đó có 14 trường hợp đã tử vong.

Nằm viện vì SXH đã gần 1 tuần, chị Nguyễn Hồng N. (Trần Phú, Ba Đình, HN) cho biết, khu chị ở có đến 3 trường hợp cũng mắc SXH. Tuy nhiên, khi báo tin cho Trạm Y tế phường thì được cho biết phải có giấy của viện khẳng định mắc SXH mới sớm tiến hành thông báo ổ dịch và phun thuốc diệt muỗi. Bất ngờ khi nghe thông tin này, chị N. cho biết, người dân đã chủ động thông báo với mong muốn không để hình thành ổ dịch ở khu dân cư lại gặp “thủ tục hành chính” như vậy.

Tương tự, tại tổ 41, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nhiều cá nhân cũng mắc SXH. Vị tổ trưởng tổ dân phố đã có thông báo với trạm y tế phường. Tuy nhiên, cán bộ y tế cũng đòi hỏi phải có xác nhận “dương tính với SXH” mới xử lý ổ dịch.

"Trong phòng chống dịch SXH hiện nay, quan trọng là phát hiện dịch sớm, có biện pháp bao vây bằng việc thông báo cho người khác phòng bệnh, phun hóa chất diệt ổ dịch. Vì vậy, nếu nói rằng phải có giấy xét nghiệm dương tính SXH hay thủ tục này nọ, theo tôi cần phải làm rõ vấn đề, không thể như vậy."

Cách làm nói trên của cán bộ y tế xã, phường có đúng trong khi dịch SXH đang hoành hành khắp Hà Nội? Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Cách làm như vậy là sai. Với những trường hợp chỉ nghi ngờ SXH cũng đã phải ngăn chặn. Ngay trường hợp tử vong tại Hà Nội cũng là do chủ quan không nghi ngờ mắc SXH, nên khi nhập viện đã trong tình trạng quá nặng không xử lý được. Trong phòng chống dịch SXH hiện nay, quan trọng là phát hiện dịch sớm, có biện pháp bao vây bằng việc thông báo cho người khác phòng bệnh, phun hóa chất diệt ổ dịch. Vì vậy, nếu nói rằng phải có giấy xét nghiệm dương tính SXH hay thủ tục này nọ, theo tôi cần phải làm rõ vấn đề, không thể như vậy”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: “Theo quy định của luật, những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần phải thông báo với cơ sở y tế hoặc chính quyền và khi báo không cần bất kỳ thủ tục nào cả. Nguyên tắc là sau khi nhận thông tin, trạm y tế phường có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo Trung tâm Y tế dự phòng quận điều tra, xác minh địa bàn có SXH, bọ gậy không, sau đó mới có phương án xử lý”. Ông Cảm cũng cho hay, trong trường hợp cá nhân nếu thông báo lên phường chưa được, cần tiếp tục lên quận hoặc trực tiếp gọi đường dây nóng Phòng chống dịch của Hà Nội (094 9396115 và 096 9082115), chắc chắn sẽ được tiếp nhận thông tin và được xử lý.
Liên quan đến phòng chống dịch SXH, nhiều ý kiến cho rằng, “sau khi phun thuốc vẫn tiếp tục xuất hiện muỗi, liệu chất lượng hóa chất phun diệt muỗi SXH có ổn (?)”. Trả lời câu hỏi này, ông Phu khẳng định: “Tất cả hóa chất diệt muỗi đều được thử nghiệm, thực địa cả ba miền. Đồng thời, luôn có bộ phận theo dõi thử tính kháng và hiệu quả hiện vẫn được khẳng định hoàn toàn ổn”. Còn việc sau phun vẫn xuất hiện muỗi, ông Phu lý giải, muỗi truyền SXH có đặc tính đậu khắp nơi do vậy phải phun dạng khí dung, tạo cả không gian sương mù diệt toàn bộ đàn muỗi đang mang mầm bệnh. Tuy nhiên, do cách phun không tồn lưu, nên chỉ tác dụng 2 ngày và cần phải tiếp tục phun lần hai. Bên cạnh đó, muỗi SXH còn có thể di chuyển trong bán kinh 50m nên nếu cả khu vực không phun đồng loạt thì cũng rất khó có thể diệt hết muỗi.

Ông Phu nhấn mạnh, việc phun thuốc diệt muỗi SXH cũng chỉ là một cách, nhưng cốt lõi là từ mỗi cá nhân cần chủ động loại bỏ các vật dụng tích nước có khả năng làm ổ bọ gậy, tạo sinh trưởng cho muỗi SXH.

Ông Phu cũng khuyến cáo: “Hiện, đã xảy ra trường hợp giả danh Viện Dịch tễ, Viện Sốt rét đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền với chất lượng kém. Do vậy, người dân cần lưu ý, việc phun thuốc muỗi của các đội y tế dự phòng hoàn toàn không mất phí”.

Nhiều dịch bệnh khác gia tăng

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm (tổ chức ngày 13/7), ông Trần Đắc Phu đánh giá dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước. Ở nước ngoài như Trung Quốc, khu vực Trung Đông và trên nhiều quốc gia, dịch bệnh như H7N9, MER Co-V, hay SXH vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017 của Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não virus, có 367 ca mắc, 10 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2016, tăng cả số ca mắc và tử vong. Nhiều bệnh dịch khác cũng có dấu hiệu tăng, điển hình như ho gà, số mắc mới tăng 186% với 193 ca; bệnh than tăng 9 ca mắc; dịch bệnh do virus Zika có 27 ca; bạch hầu 7 ca…

Riêng với liên cầu lợn, theo ông Nguyễn Bá Đăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc tăng vọt với 69 ca và 4 ca tử vong. Bệnh dịch diễn ra rải rác ở 23 tỉnh, thành phố, riêng Huế có 10 ca nhưng không tập trung thành ổ dịch. Ông Đăng cũng cho rằng, mặc dù số ca tử vong không tăng nhưng cần cảnh báo về việc ngày càng có nhiều bệnh lây truyền từ động vật. Đặc biệt là các bệnh từ lợn như: Liên cầu lợn, ổ chứa virus viêm não Nhật Bản, bệnh ký sinh trùng như sán lợn…

Ông Trần Đắc Phu cho biết: “Không đảm bảo ATTP, khô hạn thiếu nước sạch; điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều, giao thương đi lại… là nguyên nhân khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè”.

Để phòng bệnh dịch mùa hè theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, mỗi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ nhỏ. “Với những người có biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà”, ông Đắc cho biết.

An ninh thủ đô

Tẩy chay tiêm vaccine, hậu quả nguy hiểm khó lường!

Gs.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia khẳng định, việc đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được luật quy định….

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều nội dung phản bác tác dụng của vaccine, nêu những tác hại, mặt trái của vaccine và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc không tiêm vaccine cho trẻ. Đã có hàng nghìn người bị lôi kéo theo trào lưu “anti vaccine” (chống tiêm vaccine) này.

Hiện nay, có một nhóm mở trên mạng xã hội Facebook tên là “Vaccine nên hay không?” thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Trên diễn đàn này xuất hiện nhiều tranh luận về việc có nên cho trẻ tiêm   vaccine hay không, với hàng trăm người tham gia bình luận, trong đó, một số ý kiến bày tỏ sự hoang mang khi đọc những thông tin liên quan đến một số trường hợp khác thường, những tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccine. 

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, “trào lưu” bài trừ vaccine không phải chuyện lạ, đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, vấn đề  tẩy chay vaccine nhanh chóng được Nhà nước điều chỉnh. Gần đây, “trào lưu” này tiếp tục rộ lên và phát triển nhanh ở Việt Nam, lôi kéo những người thiếu hiểu biết hoặc những trường hợp đang còn băn khoăn về tai biến và tác dụng phụ của vaccine… tham gia.

“Những người lập ra trang mạng tẩy chay tiêm vaccine và có hành động khuyến cáo người dân không đi tiêm vaccine là hết sức nguy hiểm”. 

PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, bên cạnh những thành tựu rất lớn nhờ có vaccine, trên thế giới vẫn luôn tồn tại một số người có quan điểm trái chiều về vaccine. Đây là những tư tưởng sai lầm, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. 

Thực tế đã có nhiều bài học đối với các quốc gia vì bất cứ lý do gì đã ngừng tiêm chủng hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với một loại vaccine nào đó, làm tăng số người mắc bệnh, tử vong. GS Đặng Đức Anh dẫn chứng, một số quốc gia đã rơi vào tình trạng này như Anh, Nga, Thụy Điển, Nigeria…

Chẳng hạn, đầu những năm 2000, tại Nigeria, một số nhóm người nghi ngại về vaccine OPV và tuyên truyền để người dân không uống vaccine phòng bệnh. Chính quyền bang Kano đã cho dừng triển khai vaccine OPV, hậu quả là dịch bại liệt quay trở lại. Năm 2006, quốc gia này chiếm khoảng 50% số ca mắc bại liệt trên toàn cầu.

Ngay tại Việt Nam, bài học về dịch sởi năm 2014 vừa qua vẫn còn nóng hổi. Đây là vụ dịch xảy ra sau khoảng nửa năm tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi xuống thấp vì tâm lý lo ngại khi xuất hiện một số trường hợp tai biến tử vong do tiêm chủng. Hậu quả đã có khoảng gần 150 trẻ chết do sởi, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh…

Yêu cầu bắt buộc được luật định

GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ, trong suốt 30 năm triển khai công tác TCMR ở Việt Nam, với hơn 100 triệu liều vaccine đã sử dụng cho thấy việc tiêm vaccine là an toàn, một vài phản ứng nghiêm trọng chỉ là trường hợp hy hữu. Nhờ có vaccine, nhiều căn bệnh đã được thanh toán, loại trừ, hàng trăm triệu người không mắc bệnh.

Có thể khẳng định, tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất. Nếu trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ... 

Trả lời câu hỏi “Những người kêu gọi tẩy chay vaccine có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?”, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, Điều 29, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định: Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình TCMR. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

“Như vậy, việc tiêm chủng các vaccine cơ bản trong Chương trình TCMR là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai, để bảo đảm những thế hệ trẻ em khỏe mạnh. Đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được luật quy định. Việc tuyên truyền sai sự thật về lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng” - GS.TS Đặng Đức Anh nói.

Hà Nội mới

Tích cực, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Tại buổi giao ban báo chí chiều nay 6-6, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh khẳng định, dịch sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát, sở và các bên liên quan vẫn tích cực, nỗ lực trong công tác phòng, chống và chữa bệnh.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến cuối tháng 5-2017, cả nước ghi nhận 34.317 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Riêng tại Hà Nội tính đến ngày 4-6, toàn thành phố ghi nhận 1.281 trường hợp mắc bệnh (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016), phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), trong đó 90% số bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện còn 126 trường hợp đang điều trị, chỉ có 1 bệnh nhân tử vong thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Các trường hợp mắc bệnh rải rác trong tháng nhưng có xu hướng gia tăng từ tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây khi thời tiết chuyển nắng nóng và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển và lây lan.

Trước diễn biến của tình hình bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành và chủ động ban hành nhiều kế hoạch về công tác phòng, chống dịch; đề nghị UBND, Trung tâm Y tế dự phòng, các đơn vị liên quan tại các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, dịch bệnh mùa hè và phòng, chống sốt xuất huyết; thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị; làm việc với UBND các quận, huyện có tỷ lệ mắc bệnh cao như Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… để bàn giải pháp phòng, chống bệnh.

Tính đến ngày 4-6, Sở Y tế đã tổ chức điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cũ và mới, những địa điểm nghi có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém; triển khai điều tra ổ bọ gậy là nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đợt 1 tại 10 quận, huyện trọng điểm; chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết theo 3 đợt (tháng 4-6/2017, tháng 7-9/2017 và tháng 10 đến hết năm); tổ chức xử lý 200 ổ dịch nhỏ quy mô tổ dân phố, thôn xóm, 13 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực có nhiều bệnh nhân như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai; phát 530.200 tờ rơi phòng, chống sốt xuất huyết tới các hộ gia đình, tổ chức tập huấn cho hơn 1.200 cán bộ về công tác điều tra, giám sát, xử lý dịch và cấp cứu điều trị bệnh nhân…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết,trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là việc sớm phát hiện các ca mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng xử lý ổ dịch; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống dịch như: Thu gom phế thải, phế liệu, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành…; chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân; xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị người bệnh; tập huấn bổ sung kiến thức về cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt các chương trình tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh…

Cũng tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà nhận định, TP Hà Nội từ nhiều năm nay đã rất nỗ lực và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, ngành Y tế cần đồng hành cùng báo chí truyền thông. Báo chí truyền thông phải đưa thông tin đầy đủ, khách quan về mọi nội dung để người dân có thể hiểu và nắm được tình hình dịch bệnh, qua đó có phương án phòng ngừa phù hợp trên phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Phát hiện số lượng lớn trang thiết bị y tế, thuốc không rõ nguồn gốc

Ngày 14-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng đã thanh tra trụ sở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế Trường Canh (số 193C1 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện trong kho của công ty có số lượng lớn thiết bị, vật tư y tế, thuốc... ghi tem nhãn chữ Trung Quốc, không có số đăng ký do Bộ Y tế cấp. Do phía công ty chưa xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng trên, đoàn đã niêm phong toàn bộ số hàng và giao Công an phường Lê Đại Hành giám sát.

Ngoài ra, đoàn Thanh tra đã kiểm tra phòng khám chuyên khoa ngoại Nam Khang của công ty. Tại phòng khám ngoại thừa 1 buồng tiểu phẫu, phòng xét nghiệm thừa một số máy xét nghiệm. Thanh tra Sở Y tế đã mời giám đốc công ty, bác sĩ phụ trách phòng khám đến làm việc vào ngày 17-7 để xác minh, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm.

Ngày 19/07/2017
Ban Biên tập Website
(Sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích