Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 6 9 6 2
Số người đang truy cập
3 8 9
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Phun thuốc muỗi, hóa chất để xua đuổi muỗi, phòng chống lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.
Điểm tin y tế từ các báo ngày 12/7 và 13/7 năm 2017

Không tiêm chủng, dịch bệnh sẽ bùng phát; Hà Nội: Hơn 400 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế; Số ca bệnh sốt xuất huyết ở miền Bắc tăng 404%; 10 trẻ tử vong mỗi ngày do đuối nước;  Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác về bảo hiểm y tế; Xuất hiện trào lưu “Anti vaccine”: Bỏ tiêm vaccine, dịch bệnh sẽ bùng phát; Tỷ lệ sinh 2,09 con ở Việt Nam duy trì suốt 10 năm qua

Gia đình & Xã hội , Tuổi trẻ

Không tiêm chủng, dịch bệnh sẽ bùng phát

Ngày 11/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội về trào lưu chống tiêm vaccine (anti vaccine)…

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Cục Y tế dự phòng cũng nêu rõ, người dân phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn…

Hà nội mới , Gia đình & Xã hội

Hà Nội: Hơn 400 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế

Ngày 12-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hai quận Hoàng Mai và Đống Đa. Đây là những “điểm nóng” về sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 4.500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2016). Hiện còn hơn 400 bệnh nhân vẫn điều trị tại các cơ sở y tế. Tại quận Đống Đa đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tại quận Hoàng Mai đã có gần 900 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Qua kiểm tra tại một số phường trên địa bàn hai quận cho thấy, có nơi đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi đạt 90%; 10% còn lại do một số hộ dân đi vắng.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện vào cuộc tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, cần quan tâm đến cộng tác viên cơ sở, vì đây là lực lượng đang đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân diệt bọ gậy.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cần có sự tham gia từ mỗi cá nhân, từng gia đình đến cộng đồng; duy trì thường xuyên, triệt để việc tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Nếu cá nhân hoặc tập thể vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, để phát sinh nhiều ổ bọ gậy, làm gia tăng dịch bệnh trên địa bàn thành phố cần xử phạt nghiêm.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch

Nông thôn ngày nay

Số ca bệnh sốt xuất huyết ở miền Bắc tăng 404%

Ngày 11/7, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn cho hay, từ đầu năm đến nay, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở Khu vực miền Trung và Tây Nguyên so với cùng kỳ năm 2016

Tiền phong

10 trẻ tử vong mỗi ngày do đuối nước

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho hay, trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em. Trong đó khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày…Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ 26%.

Công an nhân dân, Sức khỏe & Đời sống

 Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác về bảo hiểm y tế

Ngày 11-7, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) đã ký kết Biên bản thảo luận Dự án Hợp tác kỹ thuật “Xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả tại Việt Nam”.

Dự án được triển khai trong 2 năm, dự kiến bắt đầu từ tháng 1-2017. Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia Nhật Bản và cán bộ đối tác Việt Nam sẽ cùng xác định phương thức chi trả tối ưu, xây dựng và hoàn thiện gói quyền lợi trên cơ sở phân tích tình hình hiện tại, cải thiện hệ thống thông tin giám định thanh toán bảo hiểm y tế, và mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Phương thức chi trả tối ưu góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo công bằng trong chi trả giữa các tuyến khám chữa bệnh và tăng cường hiệu quả quản lý cũng như sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế

Lao động, Sài Gòn giải phóng

Xuất hiện trào lưu “Anti vaccine”: Bỏ tiêm vaccine, dịch bệnh sẽ bùng phát

Y tế thế giới đã coi vaccine là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ XX. Tại Việt Nam, trào lưu “anti vaccine” (“không vaccine” hay “để con được ốm”) đang thịnh hành trên mạng xã hội, khiến cho các bậc cha mẹ “ lung lay” và nghi vấn về việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ. Từ những thông tin thất thiệt, không ít người đã bài trừ vaccine mà không lường trước được mối nguy hiểm kinh hoàng do bệnh tật hoành hành

Sài Gòn giải phóng, Sức khỏe & Đời sống

Tỷ lệ sinh 2,09 con ở Việt Nam duy trì suốt 10 năm qua

Ngày 11-7, lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới và 40 năm hợp tác giữa Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, chủ đề của Ngày Dân số năm nay là “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” nhằm đẩy mạnh việc tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn và tự nguyện và đây chính là quyền con người cơ bản

Sức khỏe & Đời sống

Trào lưu anti vắc xin: Bộ Y tế nói gì?

Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin “nói xấu” vai trò của vắc xin và kêu gọi các bậc phụ huynh không nên cho con em mình tiêm vắc xin…vì những biến chứng xảy ra. Trước những thông tin thất thiệt này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định y tế thế giới coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20

 Nhiều bệnh truyền nhiễm được thanh toán

Theo Cục Y tế dự phòng, nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Tiêm chủng cũng gây tác động lớn đối với sức khỏe toàn cầu với các thành tựu như: 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh Uốn ván sơ sinh, số ca mắc Bại liệt giảm từ trên 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do Sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc Ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.

Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Tiêm chủng giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho y tế

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.

Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho vắc xin MMR thì tiết kiệm được 21 USD.

Không duy trì tỷ lệ tiêm chủng dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể: nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mử rộng và uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành một sự kiện y tế công cộng của Việt Nam.

Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng chắc chắn là dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, nâng cao chất lượng tiêm chủng và bảo đảm an toàn tiêm chủng, tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc: không có một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vác xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với văc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin. 

Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.

 Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó. Bởi rất có thể tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào mỗi quyết định của chính bạn!

Sài Gòn giải phóng

“Anti vaccine” - hiểm họa khôn lường!

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ, thực tế đã chứng minh vaccine là một trong những thành tựu y học quan trọng nhất của thế kỷ 20 giúp con người khống chế và đẩy lùi được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, hoặc làm giảm đáng kể số người mắc bệnh và tử vong. 

Ngày 11-7, phản ứng trước một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin kêu gọi “tẩy chay” vaccine, không cho trẻ tiêm vaccine, hay hiện tượng “Anti vaccine”... vì nguy cơ tai biến, cũng như những biến chứng đối với sức khỏe, Bộ Y tế và nhiều chuyên gia dịch tễ khẳng định đây là những thông tin thất thiệt, không cơ sở khoa học và có nguy cơ gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân và cộng đồng. 

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ, thực tế đã chứng minh vaccine là một trong những thành tựu y học quan trọng nhất của thế kỷ 20 giúp con người khống chế và đẩy lùi được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, hoặc làm giảm đáng kể số người mắc bệnh và tử vong. 

Đối với Việt Nam sau hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.  

Không chỉ đem lại hiệu quả rất lớn về mặt sức khỏe, việc tiêm chủng vaccine cũng góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho tiêm chủng vaccine thì tiết kiệm được 21 USD.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, mặc dù việc tiêm chủng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn được không ít dịch bệnh nguy hiểm nhưng thực tế phải thấy rằng nguy cơ bùng phát, tái phát, xâm nhập của các dịch bệnh vẫn tiềm ẩn rất cao, đe dọa sức khỏe của người dân, cũng như sự miễn dịch của cộng đồng nếu như chúng ta không sử dụng vaccine để phòng ngừa.

PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, nếu trẻ em không được tiêm chủng vaccine, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua đã có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như: dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy rằng nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.

Trước những thông tin cho rằng, chất lượng vaccine không bảo đảm, việc tiêm vaccine gây tai biến cho sức khỏe, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cũng giống như thuốc, tất cả các loại vaccine đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vaccine nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn vì tiêm vaccine tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

Thông thường mỗi người có phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên cũng có một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vaccine như: sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Do đó, trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi nhiều trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine 

TPHCM tăng cường phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản 

Trước thực trạng bệnh viêm não Nhật Bản có xu hướng tăng cao, ngày 11-7, Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng, điều trị của TP phối hợp triển khai công tác phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức các đợt truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở y tế có tổ chức tiêm chủng rà soát đối tượng trẻ em từ 1 - 15 tuổi về số lượng mũi tiêm vaccine để có kế hoạch tiêm bổ sung đủ, thực hiện tốt tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đủ mũi và đúng lịch tiêm chủng.

Dự kiến, trong tháng 8 tới, Sở Y tế sẽ tập huấn cách phát hiện bệnh, cấp cứu, chuyển viện kịp thời khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cho các cán bộ trạm y tế.

Sự cầu thị của ngành y tế

Bên cạnh khảo sát hài lòng người bệnh, Sở Y tế TPHCM đã lắp đặt các ki-ốt khảo sát tình trạng không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện (BV) công lập.

Đây được xem là một trong những động thái cầu thị của ngành y tế TP, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ và chuyên môn.

Hiệu quả bước đầu

Mặc dù có mặt tại BV Nhi đồng 1 từ 7 giờ sáng, nhưng đến 10 giờ con trai của chị Lê Thị Hương Vân (ngụ tỉnh Đồng Tháp) mới được khám bệnh. Chưa thực sự hài lòng về dịch vụ, chị Hương Vân đã “méc” với chiếc máy khảo sát không hài lòng đặt tại khuôn viên Khoa Khám bệnh của BV này. “Lần đầu tiên tôi thấy ở BV có lắp đặt máy để chúng tôi phản ánh những điều chưa hài lòng mà trước đó chỉ có thể than thở với nhau, chứ không biết nói với ai”, chị Hương Vân chia sẻ.

Đây là một trong 53 BV công lập (gồm 30 BV TP và 23 BV quận, huyện) trên địa bàn TP có lắp đặt ki-ốt lấy ý kiến khảo sát không hài lòng. Với 15 câu hỏi tập trung ở các công đoạn của quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh như: Thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế, các tiện ích phục vụ người bệnh, thời gian chờ đợi khám bệnh…, Sở Y tế mong muốn thiết lập thêm một kênh tiếp nhận thông tin nhanh để các BV kịp thời nắm bắt những vấn đề khiến người dân không hài lòng khi đi khám bệnh.  

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, trong 2 tháng triển khai đã nhận được 8.776 ý kiến không hài lòng của người bệnh; trong đó, khâu thủ tục đăng ký khám bệnh nhiều nhất với 1.297 lượt ý kiến không hài lòng, đặc biệt là thủ tục đăng ký khám BHYT. Bên cạnh đó, một số điểm mà người bệnh vẫn chưa hài lòng là thái độ giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế; nhà vệ sinh; khâu mua thuốc, cấp phát thuốc; thời gian chờ xét nghiệm; cách thăm khám bệnh của bác sĩ và chăm sóc của điều dưỡng… PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay sau khi nhận được ý kiến phản ánh không hài lòng, Sở Y tế đã yêu cầu các BV khắc phục, cải thiện”.

Tại BV Nhân dân Gia Định, sau khi tiếp nhận 850 ý kiến không hài lòng trong tháng 5-2017, BV đã sửa chữa ngay nhà vệ sinh, tăng cường nhân viên làm vệ sinh, lắp đặt hệ thống lấy số tự động có thông báo thời gian đến lượt khám hoặc xét nghiệm… Ngay sau đó, lượng phản ánh không hài lòng giảm rõ rệt và có ngày BV nhận được liên tiếp 5 thư khen về sự đổi mới trong phục vụ. Hay như BV Nhi đồng 1, có nhiều ý kiến không hài lòng ở khu vực nhà xe - một điểm mà BV rất tự hào vì mới khánh thành khu gửi xe rất hiện đại. Ban giám đốc đã tìm nguyên nhân và phát hiện ra nhà xe nhận giữ xe bên ngoài, khiến nhiều người bệnh không còn chỗ gửi. Ngay lập tức, BV đã yêu cầu chủ đầu tư không nhận xe bên ngoài, ưu tiên giữ xe cho bệnh nhân. Đối với phản ánh phải chờ đợi xét nghiệm quá lâu, Ban giám đốc BV ngay lập tức bổ sung thêm 2 máy xét nghiệm. “Mỗi buổi sáng giao ban, Ban giám đốc đều thông tin kết quả không hài lòng để các trưởng bộ phận khắc phục. Sau khi cải thiện tình hình, số lượng phản ánh không hài lòng liên tục giảm, hiện chỉ còn 50%”, TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, tuy số ý kiến không hài lòng chiếm tỷ lệ rất nhỏ nếu so với tổng số lượt khám chữa bệnh tại các BV (chỉ dưới 1/1.000), nhưng đứng về góc độ quản lý thì các ý kiến của người bệnh đã định hướng, giúp BV chủ động tìm nguyên nhân và ưu tiên tập trung nguồn lực để cải tiến chất lượng cung ứng dịch vụ. “Hệ thống ki-ốt khảo sát tình trạng không hài lòng của người bệnh là công cụ thiết thực, là chìa khóa giúp các BV cải tiến chất lượng liên tục”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhận định.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, ông Thượng cho rằng vẫn có một số lãnh đạo BV chưa nhận thức đúng về khảo sát không hài lòng và thích thực hiện khảo sát hài lòng hơn. Thế nhưng, Sở Y tế xác định phương thức này nhằm tìm ra điểm chưa đạt yêu cầu để khắc phục, chứ không phải để đánh giá thi đua giữa các BV. Mặc dù vậy, sau 3 - 6 tháng, nếu các BV không khắc phục những điểm người bệnh phản ánh chưa hài lòng thì sẽ truy trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Theo kế hoạch, định kỳ mỗi tháng Sở Y tế sẽ công khai kết quả khảo sát không hài lòng của người bệnh để người dân biết, cũng như sẽ giới thiệu những BV có cách làm hay và hiệu quả về cải tiến chất lượng phục vụ dựa trên kết quả khảo sát.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện nay, Sở Y tế TPHCM mới chỉ tiến hành khảo sát không hài lòng ở khoa khám bệnh, vì đây là khu vực có rất đông bệnh nhân, thường xuyên quá tải và có nhiều vấn đề cần giải quyết, cần cải tiến các khâu phục vụ. Dự kiến đến năm 2018, Sở Y tế sẽ xây dựng nội dung khảo sát không hài lòng tại các địa điểm khác trong BV như khu điều trị nội trú, các khoa, phòng...

 Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh

Việc điều chỉnh giá lần này hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá khám chữa bệnh giữa người có và không có BHYT trong cùng một cơ sở y tế.

Hội đồng nhân dân TPHCM đã thông qua tờ trình quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập thuộc ngành y tế TPHCM.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện từ ngày 1-8-2017; các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện từ ngày 1-10-2017.

Về mức giá thu, thực hiện 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT trong các cơ sở y tế công lập quy định tại Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.

Như vậy, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả. Các bệnh viện công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí.

Việc điều chỉnh giá lần này hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá khám chữa bệnh giữa người có và không có BHYT trong cùng một cơ sở y tế, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân và đẩy nhanh quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập của TPHCM.

 Siết quản lý hoạt động của cơ sở y tế tư nhân

Theo Bộ Y tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân và phòng khám tư đã và đang vi phạm các quy định về khám chữa bệnh... cần phải được tăng cường kiểm soát.

Theo Bộ Y tế, toàn quốc hiện có 206 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân.

Bên cạnh các đóng góp tích cực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, một số cơ sở đã vi phạm các quy định như: Mời bác sĩ người nước ngoài làm việc khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế…

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế thực hiện những nội dung sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý; tăng cường quản lý, đảm bảo tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của sở y tế danh sách các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này, để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám chữa bệnh; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt; tăng cường công tác truyền thông để người dân nêu cao cảnh giác khi nghe các quảng cáo quá mức về khả năng khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân…

 Công lý

Số ca mắc sốt xuất huyết ở miền Bắc tăng 404%

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay cả nước có 48.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 14 trường hợp tử vong.

Theo đó, các tỉnh ở khu vực miền Nam số mắc trong tuần chiếm 66,8 % số mắc cả nước; khu vực miền Trung, Tây Nguyên số ca mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể; khu vực miền Bắc cao so hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 404%.

Trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 3.100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong tại tỉnh Tiền Giang. So với tuần trước, số ca mắc bệnh đã giảm 8,7%.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4.147 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Mới đây, ở quận Hoàng Mai phát hiện 541 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đồng thời Hà Nội cũng phát hiện 125 ổ dịch tại 14/14 phường. Hiện tại, vẫn còn 30 ổ dịch đang hoạt động, 50 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo chia sẻ của ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Nguyên khiến sốt xuất huyết gia tăng là do khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm nên đàn muỗi có điều kiện phát triển. Không những thế, hiện sự cố vỡ nước sông Đà khiến người dân tăng dự trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.

Ngoài ra, các công trình xây dựng đang triển khai trong khu vực dân cư cùng vói điều kiện vệ sinh tại khu nhà trọ của công nhân lao động kém cũng là nguy cơ cho loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

“Hiện tại bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt”, ông Tấn cho biết thêm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.

Pháp luật TP HCM

Bệnh tật rình rập khi dùng nước đá bẩn

Kết quả xét nghiệm nhiều mẫu nước đá trên địa bàn TP.HCM cho thấy, có rất nhiều mẫu nước đá nhiễm khuẩn, nhiều nơi nước đá nhiễm cả khuẩn E.coli.

Địa bàn TP.HCM có rất nhiều cơ sở sản xuất không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh nước đá. Một số cơ sở để ngay nước đá dưới nền đất, phương tiện vận chuyển bị rỉ sét, tiếp xúc trực tiếp với nước đá. Qua xét nghiệm nhiều mẫu nước đá cho thấy tỷ lệ nước đá bị nhiễm khuẩn E.coli là rất cao. Ngoài ra việc sử dụng nước đá bẩn thường xuyên dễ dẫn đến các bệnh về đường ruột, suy thận. Nặng hơn nữa là có thể nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng.

Theo ThS, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Chợ Rẫy, triệu chứng cửa người bị nhiễm E.coli là tiêu chảy, đau bụng từng cơn, có thể bệnh nhân bị sốt hoặc ói mửa kèm theo. Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm E.coli  cần đảm bảo nhu cầu về nước vì khi bị tiêu chảy sẽ bị mất nước, chúng ta không nên tự ý đến các cửa hàng thuốc tây để ngăn tiêu chảy vì việc này có thể làm tăng mức độ bệnh lên. Trường hợp khi bị tiêu chảy hai ngày mà không khỏi thì bệnh nhân nên tới cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.

Cũng theo bác sĩ,  bản thân người tiêu dùng phải biết cách bảo vệ lấy mình, phải đánh giá được thức ăn, đồ uống của mình có đảm bảo vệ sinh hay không. Việc nước đá sản xuất không đảm bảo chất lượng, lấy từ các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Vụ Anti-vaccine: Cục Y tế dự phòng lên tiếng

Nếu như không duy trì tỉ lệ tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả.

Trước những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội mà Báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin những ngày qua về trào lưu anti vaccine, ngày 11-7 Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng.

Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng vắc xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết.

Thực tế, trước khi sử dụng vắc xin, bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 2 triệu người mỗi năm, tuy nhiên sau một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu bệnh đã được thanh toán vào năm 1979. Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy, tỉ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỉ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, người dân phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể, nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, uốn ván vẫn là bệnh có tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt uốn ván sơ sinh có tỉ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy, việc tiêm chủng để phòng bệnh hết sức quan trọng, tránh xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ và trở thành một sự kiện y tế công cộng lớn là rất cần thiết.

Nếu như không duy trì tỉ lệ tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định, tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là bắt buộc. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia. Không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.

SXH miền Bắc tăng vọt 404%

Một trong những nguyên nhân được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra để lý giải cho tình trạng sốt xuất huyết tăng vọt tại Hà Nội một phần là do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.

Ngày 11-7, trong báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và các hoạt động phòng, chống dịch tuần 26, Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong tuần cả nước ghi nhận thêm 3.114 trường hợp mắc SXH, trong đó có một trường hợp tử vong tại Tiền Giang.

Theo số liệu tính tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 48.898 người mắc SXH, trong đó có 14 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện tăng 0,3%, số người tử vong tăng thêm hai trường hợp.

Trong đó TP.HCM dẫn đầu trong các tỉnh, thành có số bệnh nhân mắc SXH nhập viện trong tuần và là tỉnh có số ca mắc tích lũy cao nhất cả nước. Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, hiện là mùa dịch, diễn biến số ca bệnh mắc theo tuần có xu hướng tăng. Khu vực miền Nam số ca mắc trong tuần chiếm 66,8% số ca mắc bệnh cả nước.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Nam và miền Bắc, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, số ca mắc SXH tại khu vực miền Bắc tăng cao với 404% (tăng 2.163 trường hợp), khu vực miền Nam tăng với 22,8% (tăng 1.939 trường hợp), riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên giảm đáng kể với 15,4% và 56,7% (tương đương với 1.812 và 2.184 trường hợp).

Giải thích về nguyên nhân SXH tăng báo động tại khu vực miền Bắc, Cục Y tế dự phòng lý giải do năm 2017 khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 (rét nàng Bân) nên đàn muỗi có điều kiện phát triển. Cùng với đó là sự cố vỡ nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.

Ngoài ra, rất nhiều công trình xây dựng đang phát triển trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp với các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véc tơ truyền SXH phát triển.


Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn công tác thực hiện chỉ đạo phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Duy trì tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng, phòng chống SXH từ ban đầu cho các tỉnh, TP. Tăng cường các biện pháp như xịt thuốc, diệt loăng quăng và tiến hành xử phạt các hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm quy định về tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy theo Nghị định 176.

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng đột biến ở miền Bắc

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tại khu vực miền Bắc tăng 404% (tăng 2.163 trường hợp) so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, ở khu vực miền Bắc và miền Nam, số trường hợp mắc bệnh SXH nhập viện tăng rất cao, trong khi khu vực miền Trung và Tây Nguyên giảm so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, khu vực miền Bắc tăng 404% (tăng 2.163 trường hợp), khu vực miền Nam tăng 22% (tăng 1.939 trường hợp), khu vực miền Trung giảm 15% và khu vực Tây Nguyên giảm 57%.

Cũng so với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.

Lý giải nguyên nhân bệnh SXH gia tăng cao tại miền Bắc, ông Đặng Quang Tấn cho biết, năm nay, do miền Bắc và Hà Nội mùa Hè đến sớm nên muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng dự trữ nước… đã tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển - nguồn lây bệnh SXH.

Bên cạnh đó, Hà Nội và các khu vực lân cận còn có nhiều công trình đang xây trong các khu vực dân cư, kết hợp với khu nhà trọ của công nhân lao động điều kiện vệ sinh kém… cũng là nguy cơ cho véctơ truyền bệnh SXH phát triển.

Theo nhận định của lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, do hiện nay vẫn đang là mùa dịch bệnh SXH, nên số ca mắc bệnh có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 3.100 trường hợp mắc bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong tại tỉnh Tiền Giang.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận gần 49.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong.

Một số tỉnh, thành phố có số trường hợp mắc SXH phải nhập viện tăng cao như: TPHCM (hơn 8.000 trường hợp), Đà Nẵng (4.059), Bình Dương (3.265), Hà Nội (hơn 2.000), An Giang (hơn 2.000)...

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong hai tuần gần đây, số người mắc SXH tại quận Hoàng Mai ghi nhận cao nhất toàn Thành phố. Tính từ đầu năm đến nay, quận Hoàng Mai đã có 541 trường hợp mắc SXH với 125 ổ dịch tại 14/14 phường và hiện còn 30 ổ dịch đang hoạt động, 50 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực tham gia phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…

Đồng thời, để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt và có các biểu hiện của SXH, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Dân trí

Hà Nội phạt 2 triệu một hộ dân vì không diệt trùng trong vùng dịch sốt xuất huyết

UBND phường Mai Dịch, Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt một hộ kinh doanh trên địa bàn 2 triệu đồng do hộ dân không thực hiện các biện pháp vệ sinh, tẩy uế, tiệt trùng trong vùng có dịch.

Hộ dân này kinh doanh trên đường Phạm Văn Đồng, Mai Dịch đã không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sốt xuất huyết. Số tiền phạt hành chính 2 triệu đồng là mức phạt tiền cao nhất trong khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, với khung xử phạt 1-2 triệu đồng.

Theo quyết định, hộ dân phải chấp hành quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Trong tuần ghi nhận hơn 900 trường hợp SXH. Trong đó, các đơn vị có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (189, tăng 41 so với tuần trước), Đống Đa (174, tăng 43 so với tuần trước), Cầu Giấy (73, tăng 43 so với tuần trước), Thanh Xuân (69, tăng 30 so với tuần trước), Thanh Trì (65, tăng 14 so với tuần trước), Hai Bà Trưng (60, tăng 15 so với tuần trước), Hà Đông (56, tăng 20 so với tuần trước) Ba Đình (43, tăng 5 so với tuần trước).

Thực tế kiểm tra, giám sát dịch cho thấy tại các cơ sở sản xuất, nhà trọ, công trường xây dựng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Vì thế thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng, đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương.

Sốt xuất huyết tăng nhanh, thêm một người tử vong

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong tuần qua cả nước có thêm hơn 3.000 ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) mới, trong đó 1 ca tử vong ở An Giang. Hà Nội chỉ riêng trong một tuần ghi nhận hơn 900 ca mắc SXH.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 50.000 ca mắc SXH, trong đó 14 trường hợp tử vong. Khu vực miền Bắc số mắc tăng nhanh với 2163 ca, miền Nam tăng 22,8% (1939 ca) nhưng giảm mạnh ở miền Trung với 1,812 ca và Tây Nguyên giảm 56,7% (2184)

Riêng tại Hà Nội, trong tuần ghi nhận hơn 900 trường hợp SXH. Trong đó, các đơn vị có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (189, tăng 41 so với tuần trước), Đống Đa (174, tăng 43 so với tuần trước), Cầu Giấy (73, tăng 43 so với tuần trước), Thanh Xuân (69, tăng 30 so với tuần trước), Thanh Trì (65, tăng 14 so với tuần trước), Hai Bà Trưng (60, tăng 15 so với tuần trước), Hà Đông (56, tăng 20 so với tuần trước) Ba Đình (43, tăng 5 so với tuần trước).

Lũy tích từ ngày 01/01/2017 đến nay toàn Thành phố ghi nhận: 4.147 trường hợp, 01 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5/2017.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, vì vậy để chủ động phòng chống dịch cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời cần có sự vào cuộc của toàn thể các cấp chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng như ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của toàn thể người dân và cộng đồng.

Để ngăn chặn SXH, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả các nơi ghi nhận có bệnh nhân và ổ dịch.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến trung ương) để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng khác là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng…

Bởi thời gian qua, khi đi kiểm tra, giám sát tại các địa điểm này, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều dụng cụ tồn nước đọng chứa bọ gậy là nơi sinh sôi của muỗi truyền bệnh SXH.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ rõ, những ổ bọ gậy tiềm ẩn ở những vật dụng chứa nước đọng mà người dân không ngờ tới, như trong lốp xe hỏng bỏ ngoài vườn; trong vỏ lon nước ngọt, bia uống hết vứt ra vườn; trong lọ hoa lộ thiên ở bàn thờ; trong bát nước kê chạn…

Vì thế, để cắt đứt nguồn lây truyền của bệnh, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu sự quan tâm, phối hợp phòng chống dịch của toàn dân, đòi hỏi sự quan tâm và thực hiện của cả các doanh nghiệp, chủ sản xuất, các công trường trên toàn thành phố.

Theo đó người dân cần diệt muỗi, tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy bằng ngủ màn, dùng hương muỗi, kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt. Tiếp đến là diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách xử lý các ổ bọ gậy như thả cá vào các bể nước, thả hóa chất vào chậu hoa, cây cảnh, bể nước đọng, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thu gom các phế liệu, phế thải để muỗi không có nơi đẻ trứng. Cuối cùng là phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành.

Ông Hạnh cho biết Hà Nội đang đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương.

 Nhân dân

Kiểm soát chặt chẽ các bệnh lây truyền giữa động vật và người

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tăng cường công tác phối hợp một sức khỏe tại Việt Nam, theo Kế hoạch Chiến lược Một sức khỏe quốc gia phòng chống bệnh lây truyền giữa động vật và người (OHSP) giai đoạn 2016 - 2020. Đại biểu dự hội nghị đề nghị các bộ, ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ những bệnh lây truyền giữa động vật và người; đẩy mạnh phòng ngừa khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật xuất hiện trên người… Ngành y tế cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi như: cúm gia cầm, dại, MERS-CoV...; xây dựng hệ thống dữ liệu y tế quốc gia nhằm quản lý tổng thể dữ liệu, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh...

Sốt xuất huyết tăng cao tại miền bắc, đã có 14 người tử vong

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện khoảng 48.898 ca bệnh sốt xuất huyết, 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường họp tử vong tăng hai trường hợp.

Sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh tại miền bắc và miền nam. Theo đó, tại khu vực miền bắc số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao với 40,4% (tăng 2.163 trường hợp), khu vực miền nam tăng với 22,8% (tăng 1.939 trường hợp). Riêng khu vực miền trung và Tây Nguyên giảm đáng kể với 15,4% và 56,7% (tương đương 1.812 và 2.184 trường họp).

Có 23 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Cà Mau, Bình Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang...

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017 khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 (rét nàng Bân) nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy/lăng quăng phát triển.

Ngoài ra, hiện rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véc tơ truyền sốt xuất huyết phát triển.

Ngày 28-6 vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập bảy đoàn công tác đi kiểm tra tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm từ tháng 6, 7-2017.

Đến nay, đã có 35 địa phương triển khai hoạt động diệt bọ gậy/lăng quăng tại 633 xã, bao phủ 122.200 hộ gia đình. 250 xã phun hóa chất diệt muỗi, bao phủ 41.228 hộ gia đình. Đã có 1.504 xã tổ chức truyền thông phòng chống dịch với 9.130 lượt phát thông điệp. Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức 67 lớp tập huấn phòng chổng dịch tại 14 tỉnh, thành phố, bốn lớp tập huấn về chẩn đoán và điều trị tại bốn tỉnh, thành phố. Trên cả nước tổ chức 145 đoàn công tác các tuyến đi kiếm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.

Để chủ động phòng chống dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các cơ sở y tế cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời cần có sự vào cuộc của toàn thể các cấp chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng như ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của toàn thể người dân và cộng đồng.

Hơn 1.000 người tham gia hiến máu tình nguyện tại Phú Thọ

Ngày 11-7, tại tỉnh Phú Thọ, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình “Giọt hồng đất Tổ”. Đây là chương trình nằm trong Hành trình đỏ “Kết nối dòng máu Việt” do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức.

Bà Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, năm nay, Phú Thọ được chọn là điểm xuất phát đầu tiên của Hành trình đỏ “Kết nối dòng máu Việt” khu vực phía bắc.

Với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt", ngày hội hiến máu “Giọt hồng đất Tổ” nhận được nhiều sự quan tâm của tỉnh Phú Thọ, cùng sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Ngay từ sáng sớm, đã có rất nhiều tình nguyện viên và người hiến máu tình nguyện đến tham gia chương trình với mong muốn chia sẻ những giọt máu quý giá, giúp đỡ người bệnh và phục vụ công tác dự phòng.

Sau lễ phát động, đã có hơn 1.000 người đăng ký tham gia hiến máu. Anh Nguyễn Văn Nam, ở tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Đây là một chương trình rất ý nghĩa, vì vậy tôi rất hào hứng tham gia với hy vọng đem giọt máu của mình để cứu những bệnh nhân không may. Tôi hy vọng năm nào cũng được tham gia chương trình này”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết, trong những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện ở Phú Thọ ngày càng đi vào chiều sâu và có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Do đó, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện năm sau cao hơn năm trước. Chương trình Hành trình đỏ là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn, tuyên truyền, vận động, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần vào công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Theo Ban Tổ chức, dự kiến trong ngày hôm nay, sẽ tiếp nhận được hơn 1.000 đơn vị máu.

Sau điểm dừng chân tại tỉnh Phú Thọ, đoàn Hành trình đỏ tiếp tục chặng đường vận động hiến máu tình nguyện tại chín tỉnh phía bắc.

 Lao động

Viêm não Nhật Bản B - trẻ dưới 10 tuổi rất dễ mắc bệnh

Riêng tháng 6, khoa Truyền nhiễm BV Nhi TƯ tiếp nhận 21 trẻ viêm não Nhật Bản B (VNNBB), gần bằng số ca bệnh 5 tháng đầu năm, trong đó có hai ca nguy kịch, liệt nửa người và liệt tứ chi, được xác định chưa chủng ngừa...

Từ sáng ngày 2.6, cháu Đào Khánh Long, 7 tuổi, ở Nghệ An đột ngột sốt 39 - 40 độ C và đỡ sốt sau uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên 2 ngày sau, cháu liên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, sợ ánh sáng. Tại BV tỉnh Nghệ An, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc VNNBB, được điều trị chống phù não, kháng viêm, an thần nhưng bệnh tình không giảm.

Ngày 8.6, cháu hôn mê, rối loạn nhịp thở, được đặt nội khí quản và thở máy nhưng bệnh tình cũng không tiến triển tốt lên. Ngày 10.6, cháu về BV Nhi TƯ trong tình trạng liệt vận động toàn thân, vẫn phải đặt nội khí quản và thở máy. Đến nay, qua 14 ngày dù được điều trị tích cực bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù não, tuy đã mở được mắt, nhưng cháu lại xuất hiện thêm biến chứng liệt hô hấp, vẫn liệt tứ chi và phụ thuộc máy thở…

Cháu Nguyễn Quốc Đạt, 4 tuổi, ở Bắc Ninh, được gia đình đưa đến BV Nhi TƯ ngày 5.6 trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Trước đó 3 ngày, cháu đột ngột sốt 40 độ C, gia đình dùng thuốc hạ sốt nhưng sốt không giảm. Hai ngày sau, cháu li bì và co giật nhiều lần. Tại viện, qua thăm khám, chọc tủy sống lấy dịch não tủy xét nghiệm, xác định bé Đạt mắc VNNBB. Sau 17 ngày điều trị tích cực, cháu đã tỉnh táo, hết sốt nhưng liệt vận động vẫn chưa hồi phục, nguy cơ di chứng vận động (liệt) nặng…

Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5, Viện Nhi TƯ tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 ca VNNBB. Riêng tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Ở TPHCM, từ đầu năm đến nay có 25 trẻ mắc VNNBB… Đến ngày 26.6, Khoa nhiễm trùng thần kinh, BV Nhi Đồng 1, TPHCM có 6 bệnh nhi VNNBB đang phải thở máy, đều là những ca rất nặng (trong đó có 2 ca đã thở máy gần 1 năm).

BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho 2 bệnh nhi mắc bệnh này. Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là giai đoạn mắc VNNBB cao nhất và nhiều nhất là trẻ 2, 3 tuổi đến 10,12 tuổi. Trước đây, ở phía Bắc hàng năm, khi Vải chưa chín (đầu mùa) thường thấy nhiều ca viêm não nên người dân cho rằng chim Tu Hú truyền bệnh, nhưng thực chất chúng chỉ là vật chủ trung gian của virus…

Virus VNNBB gây ra những gì?

Trước hết phải nói đến thủ phạm gây viêm não cấp tính nhiều nhất là virus Arbo (lưu hành ở chim, gia súc, người, muỗi, ve, dĩn...) nhóm B, được phát hiện gây bệnh sớm nhất ở Nhật Bản cách đây hơn 100 năm nên gọi là virus viêm não Nhật Bản B. Cuối TK XIX liên tiếp xảy ra nhiều vụ dịch lớn vào mùa hè - thu ở các vùng núi Nhật Bản với tỉ lệ tử vong khoảng 60%.

Năm 1933, BS Hayashi phân lập được virus từ não người chết do bệnh này. Năm 1954, Nhật Bản sản xuất được vacxin phòng bệnh. Virus gây bệnh cư trú ở chim hoang dã như Diệc, Liếu Điếu..., và gia súc mà hàng đầu là Lợn rồi đến Trâu, Bò, Ngựa, Dê, Cừu, Chó...

Ở Việt Nam đã phân lập được virus này từ chim Liếu Điếu. Có ba loài muỗi họ Culex truyền bệnh cho người sau khi hút máu các loại chim và gia súc mang mầm bệnh rồi đốt người. Từ gia súc và chim nên bệnh chủ yếu phát tán ở miền núi, nông thôn và ven biển, nhưng ở một nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, người ở đô thị vẫn có thể mắc bệnh. Bệnh lưu hành ở Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Miến Điện, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Ấn Độ; một số nước Trung Á (thuộc Liên Xô cũ); các nước thuộc Châu Úc và một số nước Châu Phi.

Ở Việt Nam từ những năm 60 đã xuất hiện bệnh ở các tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng và nay thêm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở châu Á, gồm Việt Nam, muỗi truyền virus VNNBB chủ yếu là chủng Culex tritaeniorhynchus, màu nâu đen, có thể bay xa hơn 1 km và bay cao 13 - 15m, loài này ưa nước trong nên thường đẻ trứng ở ruộng lúa, đầm lầy, hồ ao không ô nhiễm (người dân miền tây Nam bộ gọi là muỗi ruộng).

Muỗi nhiễm virus truyền cho người suốt thời gian sống và chuyển virus cho thế hệ sau qua trứng. Ở Việt Nam loại muỗi này sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, hoạt động mạnh nhất lúc chập tối; có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Trẻ em dưới 10 tuổi rất dễ mắc bệnh, nhóm nguy cơ cao nhất là lứa tuổi 2 - 6 và 75% bệnh nhân thuộc lứa tuổi này, khả năng đề kháng ở người lớn tốt hơn nên ít mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là mùa mưa.

Virus gây VNNBB có đặc tính hướng thần kinh nên khi đã vào máu, chúng nhanh chóng xâm nhập, sinh sản và phát triển nhanh ở các tế bào não và tủy sống, gây tổn thương trầm trọng nhiều vùng não phụ trách những chức năng sống quan trọng; làm chảy máu não, màng mềm não; nhũn và hoại tử mô não; phù não - màng não; thoái hoá màng não, màng tuỷ sống và mô tuỷ. Khi có mật độ cao ở tế bào thần kinh, virus trở lại máu gây chảy máu ở màng và niêm mạc các tạng, làm thoái hóa cơ tim, mô gan, thận hoặc gây viêm phổi.

Bệnh có nhiều thể bệnh. Thể điển hình là: Thời gian ủ bệnh khoảng một tuần (có thể 5 - 14 ngày) không có biểu hiện gì đặc biệt. Đột ngột sốt 39 - 40°C hoặc cao hơn; đau đầu vùng trán; đau bụng, buồn nôn và nôn, trẻ nhỏ có thể đi lỏng như ngộ độc thức ăn. Sau sốt 1 - 2 ngày đã thấy cứng gáy, cứng cơ; đảo hoặc giật nhãn cầu; li bì hoặc kích thích, vật vã; lú lẫn hoặc mất ý thức (không biết không gian, thời gian, người thân, thậm chí họ tên tuổi mình).

Ngày thứ 3 - 4 có thể đã hôn mê và hôn mê ngày càng sâu (gọi hỏi không đáp ứng, cấu véo không biết đau, liệt tứ chi). Vã nhiều mồ hôi; da lúc đỏ, lúc tái; thở nhanh và nông, tăng tiết dịch trong lòng khí - phế quản nên thở có tiếng rít, tiếng ngáy; mạch có thể 120 - 140 lần/phút và yếu (các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật).

Nặng hơn, bệnh nhân mê sảng; có những vận động, động tác bất thường, vô nghĩa (triệu chứng kích động); cứng cơ nên nằm co quắp hoặc có các cơn soắn vặn thân; co giật, co cứng hay rung giật cơ mặt và cơ chi; liệt cứng, hoặc xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế (catalepsia).

Khi khám, các bác sĩ thấy rất nhiều triệu chứng là hậu quả tổn thương não, màng não và tủy sống, màng tủy, biểu hiện bằng rối loạn vận động, cảm giác, thần kinh thực vật; tổn thương các nhân xám TƯ và các dây thần kinh sọ não (phụ trách các giác quan), đe dọa nghiêm trọng các chức năng sống, nhưng biến đổi dịch não tủy không nhiều.

Nếu qua được giai đoạn nguy hiểm này (thường từ ngày thứ 7 - 8 trở đi), sốt giảm dần (nếu không bội nhiễm vi khuẩn); nhiệt độ, mạch, nhịp thở trở về bình thường; tình trạng hôn mê nhẹ dần (ý thức dần hồi phục); không còn cứng cơ; hết nôn và đau đầu; gáy mềm... Nghĩa là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc (độc tố của virus) rất nguy kịch đã thuyên giảm phần lớn, không nguy hiểm tính mệnh, nhưng các biến chứng và di chứng thần kinh và tâm thần trầm trọng - hậu quả tất yếu của tổn thương thần kinh TƯ - bắt đầu biểu hiện rõ nét.

Những biến chứng sớm thường thấy như viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn; viêm bể thận, bàng quang; loét da; viêm tắc tĩnh mạch và rối loạn dinh dưỡng... Rất nhiều di chứng sớm xuất hiện như mất phối hợp vận động và các động tác; cử động dị thường ngoài ý muốn, run rẩy, uốn éo, lắc lư; bại (liệt nhẹ) hay liệt các chi; bại hoặc liệt nửa người; liệt các dây thần kinh sọ não; co cứng mất não; mất ngôn ngữ; múa giật hoặc múa vờn; quên trầm trọng hoặc mất trí; loạn thần với các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong…

Động kinh và Parkinson là những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay hàng chục năm. Các di chứng tồn tại suốt đời bởi các tổn thương mô não do virus gây ra là không thể hồi phục dù chạy chữa. Ở các nước nhiệt đới tỉ lệ tử vong trung bình do VNNBB là 25%, khoảng 50% có di chứng thần kinh, tâm thần các mức độ khác nhau.

Theo thống kê của Khoa thần kinh, BV Bạch Mai và Khoa truyền nhiễm, Viện nhi TƯ, tỉ lệ tử vong ở nước ta khoảng 10%. Tử vong nhiều nhất trong 7 ngày đầu khi hôn mê sâu, co giật và tổn thương hành não gây rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng.

Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng viêm phổi, suy kiệt... Khi mắc thể bệnh không điển hình cũng không phải là không nguy hiểm như: Chỉ có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc (sốt cao, đau đầu), không có các triệu chứng não - màng não; Chỉ có các triệu chứng rối loạn tuần hoàn, tim mạch nổi bật (do tổn thương hai trung khu chỉ huy tuần hoàn, tim mạch ở hành não); Chỉ có liệt mềm giống như bại liệt, do tổn thương phần trước (phụ trách vận động) của tủy sống; hoặc các triệu chứng giống như viêm màng não (thường mắc ở trẻ lớn tuổi và thanh niên).

Đặc biệt rất nhiều ca bệnh chỉ biểu hiện giống như cúm (sốt, đau nhức xương khớp, mình mẩy, đau đầu), làm nhầm lẫn, chủ quan không sớm đưa trẻ đến viện.

Không phải chỉ có virus viêm não Nhật Bản B gây viêm não

Thực ra viêm não cấp tính do nhiều loại virus khác nhau nhưng trước nay chúng ta chỉ nhấn mạnh đến virus VNNBB.… Có đến 12 họ virus có đặc tính hướng thần kinh mà virus VNNBB chỉ là một chi của một trong số 12 họ nói trên. Ngoài virus gây bệnh Dại, Bại liệt hủy hoại tế bào não, tủy sống nhiều người đã biết thì ngay cả các loại virus gây bệnh đường ruột, Cúm, Sởi, Quai bị, Sốt xuất huyết ... thậm chí cả virus gây viêm gan A... cũng có thể gây viêm não cấp.

Ngay cả Coxsackie là virus gây bệnh đường ruột, tay chân miệng, hiếm khi gây viêm não theo y văn Thế giới thì nay đã thấy gây viêm não ở Việt Nam. Bằng chứng là 7 trẻ ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, tử vong trong tháng 4, 5.2016 được xác định là do loại virus đường ruột này (chủng A6). Các virus này có thể xâm nhập thẳng mô thần kinh gây viêm não nguyên phát. Lại có nhiều trường hợp các virus này gây bệnh ở nơi khác hoặc toàn thân ngoài não rồi mới xâm nhập não gây viêm, gọi là biến chứng hay viêm não thứ phát.

Nhưng dù nguyên hay thứ phát thì viêm não cấp do các virus này gây ra đều là những bệnh cảnh rất nặng, tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng thần kinh, tâm thần trầm trọng làm tàn phế không thể chạy chữa như VNNBB đã mô tả trên (do hủy hoại nhiều mô não trên diện rộng), tuy đường lây nhiễm của các họ, nhóm virus rất khác nhau.

Với mọi loại virus, hiện thế giới không có thuốc đặc trị, nên phương pháp phòng bệnh hữu hiệu là ngăn chặn thích hợp đường mầm bệnh vào cơ thể như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và sát trùng bằng dung dịch thích hợp (nước muối, cồn, nước Oxy già, Cloramin B...), tránh muỗi đốt; khử trùng môi trường có chất thải tiết nghi ngờ; diệt vật chủ trung gian (muỗi, bọ gậy); làm sạch môi trường quanh nơi ở, không nuôi lợn gần nhà và quan trọng nhất là tiêm vacxin (VX).

Hiện nước ta sử dụng rộng rãi VX chống một số loại virus có thể gây viêm não như VX Bại liệt, Sởi, Quai bị, Rubella, viêm gan A và nhất là VX chống virus VNNBB - gây viêm não chủ yếu, nhưng một số loại virus có thể gây viêm não khác chưa có VX! Do đặc điểm dịch tễ tuổi mắc bệnh nên phải tiêm sớm VX VNNBB khi trẻ 12 - 15 tháng tuổi. Liều tạo miễn dịch cơ bản phải đảm bảo tiêm đủ 3 lần. Lần 1: Ngày đầu tiên đến tiêm phòng; Lần 2: Cách lần 1 từ 7 đến 14 ngày; Lần 3: Cách lần 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần để duy trì miễn dịch.

Tầm soát ung thư đường tiêu hóa với giá “siêu rẻ” ở Hà Nội

Dự án tầm soát ung thư tiêu hóa giá rẻ cho người dân thủ đô đã đi được những bước đầu của chặng đường.

Mức giá 63.200 đồng áp dụng cho người dân không có thẻ BHYT (trường hợp có thẻ được sàng lọc miễn phí) là những chi phí “đáng mơ ước” đối với nhiều người để có thể được sàng lọc sớm ung thư đường tiêu hóa, mặc dù, đây chỉ là những xét nghiệm tầm soát ban đầu để phát hiện nguy cơ có bệnh hay không chứ không phải là xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.

Miễn phí phát hiện sớm ung thư cho hàng nghìn người

Hà Nội là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc sớm phát hiện ung thư đại - trực tràng miễn phí cho những người trên 40 tuổi có bảo hiểm y tế. Chương trình “Xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng” là chương trình đầu tiên có mặt tại Việt Nam hiện đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn thành phố và mang lại rất nhiều giá trị về y học, giá trị an sinh xã hội và đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Theo báo cáo 6 tháng hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội của Sở Y tế Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại-trực tràng cho người dân từ 40 tuổi trở lên, với sự chỉ đạo sát sao và tâm huyết của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối với người dân thủ đô, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện thí điểm tại phường Điện Biên, Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) trong thời gian tháng 3.2017 và hiện đang triển khai mở rộng tại 3 Trung tâm Y tế 3 quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông từ ngày 8.5.2017 dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2017.

Đến hết ngày 31.5, tổng số người dân được thụ hưởng là 35.500 người. Qua sàng lọc phát hiện 2.136 trường hợp xét nghiệm dương tính, chiếm tỉ lệ 6,1% (mẫu phân xét nghiệm chứa hồng cầu vi thể, dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại-trực tràng). Cụ thể, ở độ tuổi 40-49 tuổi là 5,06%; 50-59 tuổi là 5,29%; 60-69 tuổi là 6,9%; 70-79 tuổi: 7,24%; > 80 tuổi là 12,6%. Qua kết quả này cũng thấy rõ ý nghĩa của việc tầm soát sớm ở độ tuổi từ 40 tuổi. 218 bệnh nhân được nội soi tiêu hóa và tư vấn sau xét nghiệm trung tâm, 35 bệnh nhân được làm thủ thuật cắt polyp đại tràng tiền ung thư.

ThS-BS Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, nhân viên y tế xã, phường sẽ phát test, hướng dẫn người làm xét nghiệm tự lấy mẫu phân tại nhà, sau đó chuyển mẫu đến trạm y tế xã, phường và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa - Bệnh viện Xanh Pôn làm xét nghiệm sàng lọc. Kết quả sẽ được thông báo lại cho mỗi cá nhân cùng với các thông tin tư vấn. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định tư vấn làm xét nghiệm chuyên sâu.

Theo các bác sĩ, đại-trực tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa. Khi ung thư phát triển, nó sẽ xâm lấn từ bên trong lòng đại-trực tràng qua thành đại tràng và lan rộng ra bên ngoài. Với ứng dụng xét nghiệm sàng lọc thế hệ mới, ung thư đại-trực tràng đã có thể được phát hiện rất sớm, tăng cơ hội cho bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.

Trung tâm tự chủ về tài chính - người bệnh được lợi

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội khánh thành ngày 27.11.2016, đạt chuẩn quốc tế với sự tham gia khám, chữa bệnh của các giáo sư hàng đầu thế giới đến từ các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc, Singapore... chuyển giao các kỹ thuật mới nhất, định hướng đưa phát triển thành trung tâm hàng đầu về tiêu hoá mang tầm quốc tế. “Nguồn thu của Trung tâm đạt 35,970 tỉ đồng sau 6 tháng đi vào hoạt động và có xu hướng tăng dần. Nguồn thu này bao gồm các nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, điều trị nội trú, và một số dịch vụ khác. Tuy nhiên nguồn thu chính của Trung tâm trong giai đoạn này chủ yếu từ dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ phẫu thuật và điều trị nội trú. Trong thời gian tới với xu hướng tăng dần về nguồn thu, trung tâm hoạt động ổn định về mọi mặt, các khoản chi phí thì cũng có xu hướng ổn định theo thì Trung tâm hoàn toàn có thể tự chủ về tài chính và tạo nguồn đầu tư phát triển lâu dài cho Trung tâm” - đại diện Sở Y tế Hà Nội nói.

Theo bác sĩ Nhị Hà, các nghiên cứu cho thấy ung thư đại-trực tràng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến tại VN. “Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa bằng cách phát hiện sớm các polyp từ lúc chưa phát triển thành ung thư và tiến hành cắt bỏ qua nội soi. Kể cả đã phát triển thành ung thư thì cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời” - bác sĩ Nhị Hà nói.

Giáo sư Joel Leroye - chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa, là bác sĩ Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Civil (Strasbourg, Pháp) - đánh giá xét nghiệm sàng lọc ung thư đại-trực tràng đang thực hiện tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa - Bệnh viện Xanh Pôn là thế hệ xét nghiệm mới nhất đang ứng dụng tại Pháp có khả năng tầm soát ung thư sớm gấp 3 lần, phát hiện polyp gấp 4 lần so với xét nghiệm trước đây.

Bác sĩ Nhị Hà cho rằng, quy trình chuẩn quốc tế về vệ sinh máy móc, gây mê, thực hiện thủ thuật đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân. Polyp là các khối u lành tính phát triển ở trong lòng đại-trực tràng và theo thời gian có thể biến thành ung thư. Nếu phát hiện những polyp như vậy cần phải loại bỏ ngay khi chúng chưa phát triển thành ung thư.

Ngày 13/07/2017
Ban biên tập Website
(sưu tầm từ các báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích