Home TRANG CHỦ Thứ 4, ngày 17/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Finance & Retail Tin tức - Sự kiện
Trong nước
Quốc tế
Tin hoạt động của Viện
Tin vắn đáng chú ý
Điểm tin y tế
Ngày Sốt rét thế giới 25 tháng 4 (World Malaria Day)
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 3 9 6 4 2
Số người đang truy cập
4 2
 Tin tức - Sự kiện Điểm tin y tế
Điểm tin y tế từ các báo ngày 31/8/2016 và 1/9/2016

Dịch sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tiếp tục lan rộng; Cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm; Bảo hiểm xã hội: Nhìn thấy kẽ hở nhưng… khó tram; Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; Con trai Thiếu úy Trâm được xuất viện sau hơn 50 ngày điều trị; Bảo hiểm y tế bù chi 10.000 tỷ đồng vì tăng giá dịch vụ; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; Báo động bệnh viêm gan ở Việt Nam đang tăng mạnh; Phát hiện 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại Đắk Lắk do không tiêm chủng

An ninh thủ đô

Dịch sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tiếp tục lan rộng

Ngày 30-8, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên về các biện pháp đối phó với nguy cơ gia tăng và lan rộng sốt xuất huyết, cũng như cảnh giác với bệnh do virus Zika từ nay đến cuối năm 2016. 

Theo đó, hiện dịch sốt xuất huyết tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn tiếp tục lan rộng. Riêng tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 570% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Phú Yên còn phát hiện 1 trường hợp dương tính với virus Zika.

Trong khi đó, bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết đều có chung một véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes. Vì thế, đoàn công tác của Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần cấp bách huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự phát triển của muỗi

An ninh thủ đô, Gia đình & Xã hội

Cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 30-8, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu Hoàng Anh nằm trong ngõ 103 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân). 

Đây là cơ sở có truyền thống sản xuất bánh trung thu hàng chục năm nay nhưng tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện một số vi phạm như: công nhân sản xuất không mang đầy đủ trang thiết bị bảo hộ theo quy định, khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, nguyên liệu làm bánh trung thu được đặt trực tiếp xuống nền nhà, đặc biệt một số hộp bánh dán nhãn mác sai quy định.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời xử lý theo quy định. Được biết, trước đó đoàn kiểm tra của Phòng Y tế quận Thanh Xuân và đoàn liên ngành ATVSTP quận Thanh Xuân cũng đã kiểm tra cơ sở này, phát hiện những vi phạm tương tự. Thế nhưng, đến nay cơ sở vẫn chưa khắc phục

 

Tiền phong

Bảo hiểm xã hội: Nhìn thấy kẽ hở nhưng… khó trám

Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm tiền bảo hiểm xã hội do toàn dân đóng góp, việc thu - chi sao cho đúng, hợp tình, hợp lý khoản quỹ khổng lồ này là trách nhiệm lớn, buộc lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật, thực thi các giải pháp khắc phục yếu kém.

Trong Hội nghị khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần đầu tiên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) tổ chức tại Buôn Ma Thuột ngày 30/8/2016, phóng viên báo Tiền Phong trao đổi cùng lãnh đạo BHXHVN những vấn đề mà người đóng BHXH đều quan tâm.

Ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm

Theo trình bày của BHXHVN, đến hết tháng 7/2016, số người đã tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.574.309; BHXH tự nguyện là 192.340; Bảo hiểm y tế (BHYT) là 72.990.801 người, tương đương 79,2% dân số đã đóng BHYT. Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành thu được 133.023,9 tỷ đồng, chưa kể 233,8 tỷ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH và BHYT. Số nợ đóng bảo hiểm đến 31/7 cũng còn tới 13.934,5 tỷ đồng, chiếm 6,4%so với kế hoạch giao thu. Còn chi, đến 31/7/2016 toàn ngành đã chi BHXH, BHYT tổng cộng 129.197,8 tỷ đồng.

Có 31 tỉnh thành đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên 79% dân số và 32 tỉnh thành chưa đạt.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Địa phương bội chi cao nhất là Thanh Hóa với 395 tỷ, khiến Chủ tịch UBND tỉnh này đã phải chỉ đạo công an, thanh tra vào cuộc tìm cho ra nguyên nhân trục lợi, bội chi BHYT. Tỉnh kế tiếp là Nghệ An cũng bội chi hơn 300 tỷ. Nguyên nhân được giải thích là do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi cho người khám chữa bệnh BHYT, do bất cập về giám định BHYT, kiểm soát chi phí sử dụng trang thiết bị khám chữa bệnh,  và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc thâm hụt nghiêm trọng quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người có BHYT và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, nên  khả năng bội chi quỹ khám và chữa bệnh BHYT năm 2016 sẽ lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc, người phát ngôn của BHXHVN nói: Cần có các giải pháp quyết liệt ngăn ngừa hiện tượng trục lợi BHYT, kiểm soát lại từ cơ chế khám chữa bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người đóng BHYT bằng cách trám kín các kẽ hở của hiện tượng trục lợi ! Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận nhiều kẽ hở đã nhìn thấy, mà khó trám, do sức ép và sự phản ứng từ nhiều phía nhằm chống lại sự minh bạch. Ví dụ việc số hóa hồ sơ khám chữa bệnh, về kỹ thuật không có gì khó, nhưng nhiều nơi không muốn công khai dữ liệu, nên đầu tư kéo dài tới nay vẫn chưa xong.

Phải minh bạch, dân mới tin!

Băn khoăn phát sinh, khi ông Sơn khẳng định: Quỹ BHYT không thể vỡ được, vì là một trong các chính sách an sinh xã hội được bảo trợ tồn tại bền vững. Giải pháp sẽ thực hiện trong trường hợp thu không đủ chi, là vận dụng cơ chế cho phép tăng mức đóng BHYT lên 6%, thay vì mức 4,5% như hiện nay. Và tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng tính đủ, vì hiện mới có 4/7 cấu phần tính đúng tính đủ được tính vào viện phí, còn 3 yếu tố chưa tính vào gồm chi phí xây dựng cơ bản, khấu hao tài sản, dịch vụ đào tạo.

Người dân không phản đối việc tham gia đóng bảo hiểm, mà chỉ sợ không công bằng ! Ông Nguyễn Cảnh- phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk nói. Nếu BHYT làm tốt, thì không cần bắt buộc, dân chúng sẽ tự nguyện đóng. Việc trục lợi thuốc men trong điều trị vẫn chỉ là nhỏ lẻ nếu so với thất thoát nặng nề của việc lạm dụng trang thiết bị khám chữa bệnh.

Đại diện báo Tiền Phong chất vấn: Đã nhiều lần báo chí phát hiện, phản ánh các sai phạm nghiêm trọng về trục lợi BHYT, mà rõ nhất là hiện tượng tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong các cuộc đấu thầu thuốc chữa bệnh, vì sao BHXHVN không lên tiếng? Cách xử lý sai phạm thiếu minh bạch, bao che, không thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp, bỏ qua, nương nhẹ những hành vi biển thủ hàng trăm, hàng nghìn tỷ trong y tế, lại không ngừng tăng giá bảo hiểm, giá dịch vụ chính là điều khiến dân chúng e ngại tiền đóng BHXH, BHYT của mình không đủ tăng chất lượng khám chữa bệnh, mà chỉ tiếp tục làm giàu cho một nhóm cá nhân?

Ông Phạm Lương Sơn cảm ơn ý kiến của báo Tiền Phong, mà ông cho rằng rất xác đáng! Ông hứa ngay sau hội nghị này sẽ về rà soát lại các vụ việc báo Tiền Phong đã nêu ra, và sẽ có văn bản hồi âm trong thời gian sớm nhất. Ông cho biết BHXHVN đã tiếp thu nghiêm túc một số phản ánh gần đây của báo Tiền Phong, như lập tức rà soát, điều chỉnh việc in thẻ BHYT có dòng chữ thông báo về quyền lợi người đóng đủ BHYT liên tục từ 5 năm trở lên

Lao động, Tuổi trẻ, Gia đình & Xã hội

Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Chính phủ vừa có công văn hoả tốc yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi.

Trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài phản ánh việc trục lợi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm 2016.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức một hội đồng chuyên gia đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Trước đó, theo thông tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỉ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Điều này được lí giải là do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh.  Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc thâm hụt nghiêm trọng quỹ BHYT, thậm chí vỡ quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người có BHYT và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh BHYT

Thanh niên

Bóc tách khối u xương gò má nặng hơn 1 kg

Ngày 30.8, Bệnh viện Bà Rịa cho biết đã phẫu thuật, bóc tách thành công khối u nặng hơn 1 kg nằm ở gò má của bệnh nhân Tô Kim Thảo (53 tuổi, ngụ huyện Long Điền). Đây là một ca phẫu thuật phức tạp do khối u lớn nằm ở khu vực mạch máu tập trung và dây thần kinh số 7.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), bệnh nhân được đưa đến cấp cứu vào ngày 25.8 trong tình trạng đau đớn, kiệt sức do khối u đã rơi lệch ra khỏi hàm phải và có nguy cơ bung vỡ.

Do sức khỏe bà Thảo quá yếu vì bị thiếu máu và suy dinh dưỡng nặng nên các bác sĩ đã truyền máu, truyền dịch, truyền thức ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Ngày 29.8, các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã tiến hành cắt bỏ khối u nặng hơn 1 kg cho bệnh nhân sau 3 giờ phẫu thuật.

Đây là bệnh nhân có khối u vùng mặt lớn nhất từ trước tới nay mà các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa từng gặp.

Người nhà bệnh nhân cho biết bà Thảo bị khối u cách đây 15 năm. Ban đầu khối u chỉ nhỏ như hạt đậu, vài năm sau khối u lớn dần bằng quả trứng gà và tiếp tục phát triển chiếm hết cả khu vực má và cổ phải. Khoảng 2 năm trở lại đây, do khối u quá lớn, gây chèn ép vòm họng và đường khí quản nên bà Thảo thường xuyên tức ngực, khó thở

Nhân dân, Thanh niên

Cần ngăn chặn hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày 30-8, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc, Bảo hifểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thực hiện chính sách BHXH và Bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực miền trung - Tây Nguyên bảy tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ năm tháng cuối năm 2016.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, bảy tháng đầu năm nay, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463 người, bảo hiểm thất nghiệp 10.574.309 người, BHXH tự nguyện 192.340 người và BHYT là 72.990.801 người. Toàn ngành đã thu hơn 133.023 tỷ đồng, gồm BHXH bắt buộc 91.134,3 tỷ đồng, BHXH tự nguyện 581,5 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 6.325,3 tỷ đồng và BHYT 34.982,8 tỷ đồng. Cũng trong bảy tháng qua, toàn ngành BHXH đã giải quyết chế độ BHXH cho 5.058.587 lượt người, thanh toán BHYT cho 77.640.540 lượt người, với tổng số chi BHXH và BHYT hơn 129.197 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh khu vực miền trung - Tây Nguyên cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược, bảo đảm kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ. Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực tập trung thực hiện bằng được mục tiêu bao phủ BHYT là đến năm 2020 có tối thiểu 90,7 % dân số tham gia bảo hiểm y tế. BHXH các tỉnh, thành phố khu vực miền trung - Tây Nguyên tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, nhất là hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT…

Chủ động theo dõi nắm tình hình nợ đọng, trốn BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung, phương thức tiếp cận người tham gia… nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT để tự giác tham gia. BHXH các tỉnh trong khu vực cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các đơn vị chức năng tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật về tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, khai thác tiền sử khám chữa bệnh của người bệnh để tránh cấp thuốc điều trị trùng nhau. Thống nhất với cơ sở khám, chữa bệnh không chuyển người bệnh có BHYT lên tuyến trên trong trường hợp người bệnh đến khám, chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, tình trạng người bệnh không vượt quá khả năng chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu

Gia đình & Xã hội

Nỗi lo “chảy máu chất xám” nhân lực y tế của tỉnh miền núi

Có bệnh viện huyện vùng cao chỉ 5 -7 bác sĩ, toàn tỉnh Lào Cai hiện chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa 2. Lào Cai phải làm gì để làm chủ kỹ thuật cao, hút nhân lực có trình độ?

Bệnh viện huyện miền núi thực hiện gần 500 kỹ thuật vượt tuyến

Tháng 3/2015, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Bảo Thắng (Lào Cai) tiếp nhận học sinh Đoàn Văn Trường (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng), nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc đa chấn thương do bị đâm thấu thận, huyết áp tụt rất nhanh. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực, băng cầm máu, đặt sonde tiểu có máu. Do bệnh nhân còn bị nhiều chấn thương nghiêm trọng khác, việc mổ cấp cứu đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao và khó, nhưng nếu không được mổ ngay, bệnh nhân chắc chắn tử vong trước khi kịp lên tuyến trên, vì thế, các bác sĩ tại Bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành mổ cấp cứu. Suốt 3 giờ liên tục, bệnh nhân được khâu thành cơ đại tràng trái, khâu thành sau phúc mạc, khâu bảo tồn thận, khâu nối phục hồi bao khớp, khâu phục hồi cơ, da… Kết quả, sau 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện.

Trước đó không lâu, BVĐK huyện Bảo Thắng đã trở thành bệnh viện tuyến huyện đầu tiên ở Lào Cai cứu sống một ca sinh non thiếu tháng (thai 27 tuần tuổi), nặng 800g. Cháu bé ra đời với thể trạng rất yếu, phản xạ kém, nhịp tim nhanh, da tím... tiên lượng tử vong rất cao. Bệnh nhi đã được hồi sức cấp cứu bằng hô hấp sơ sinh, đặt nội khí quản sơ sinh, kỹ thuật thở CPAP nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Sau một tháng điều trị tích cực, bé đã tự bú sữa mẹ, cử động phản xạ tốt, da dẻ hồng hào. Đến nay, bé hoàn toàn phát triển như một em bé bình thường.

Đây chỉ là hai trong số các ca bệnh đặc biệt mà BVĐK huyện Bảo Thắng đã thực hiện được với những kỹ thuật vượt tuyến. BS Đặng Quang Sinh, Phó Giám đốc BVĐK huyện Bảo Thắng cho biết, hiện BV đã thực hiện được gần 500 kỹ thuật ngang tầm tuyến tỉnh, Trung ương. 6 tháng đầu năm, Bệnh viện tiến hành 631 kỹ thuật phức tạp. Đến nay, các kỹ thuật trong phẫu thuật tiết niệu, trong ổ khớp, cấp cứu vỡ gan, lách, ruột, mở lồng ngực, hay nội soi ổ bụng, cắt ruột thừa bằng nội soi, cắt tuyến mật… đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện huyện miền núi này. BS Đặng Quang Sinh cho biết, dự kiến quý IV/2016 sẽ triển khai nội soi dạ dày bằng gây mê.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ thuật khám, chữa bệnh là một trong các yếu tố “hút” bệnh nhân của BVĐK huyện Bảo Thắng. Dù là bệnh viện tuyến huyện, nhưng mỗi ngày, Bệnh viện này đón tới hơn 500 lượt bệnh nhân tới khám. Đây là con số “mơ ước” của hàng loạt bệnh viện khác. BS Đặng Quang Sinh cho hay, từ khi áp dụng thông tuyến trong khám, chữa bệnh BHYT tuyến huyện (từ 1/1/2016), lượng bệnh nhân từ các tỉnh khác như Yên Bái, hay huyện khác như Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai... hoặc bệnh nhân “bỏ qua” khám chữa bệnh ban đầu từ tuyến xã, lên thẳng tuyến huyện rất đông do vẫn được đảm bảo quyền lợi BHYT.

Đầu tư “vá” lỗ hổng nhân lực chất lượng cao

Cũng theo BS Đặng Quang Sinh, lượng bệnh nhân đông cũng có “hai mặt”, bởi điều này chứng tỏ niềm tin của người bệnh với Bệnh viện, tăng nguồn thu cho Bệnh viện, nâng cao đời sống cho cán bộ, đầu tư trang thiết bị… Tuy nhiên, việc này cũng khiến Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. 33 bác sĩ của toàn viện, mỗi khoa chỉ có 2 -3 bác sĩ, cùng nhân viên khác phải căng mình để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ngoài giờ hành chính, Bệnh viện phải bố trí trên 20 cán bộ ở các vị trí thường trực. “Do lượng bệnh nhân tăng đột biến, Bệnh viện vừa được mở rộng quy mô giường bệnh thêm 100 giường, nâng tổng số lên 340 giường, nhưng bác sĩ vẫn thiếu vô cùng. Chúng tôi “thèm muốn” có thêm khoảng 30 bác sĩ nữa mới đảm đương “hòm hòm” công việc”, BS Đặng Quang Sinh chia sẻ.

Thiếu nhân lực cũng là nỗi lo lắng của toàn ngành Y tế Lào Cai. Toàn tỉnh chỉ có 561 bác sĩ, với 2 bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK). Tại Bệnh viện huyện Si Ma Cai, chỉ vỏn vẹn 7 bác sĩ, trong đó đã có 3 bác sĩ làm quản lý. Do thiếu nhân lực, nhiều bác sĩ ở bệnh viện huyện phải làm nhiều chuyên khoa một lúc. Trong khi đó, ở BVĐK tỉnh quy mô 600 giường bệnh, hiện chỉ có 156 bác sĩ. BS Phạm Văn Hùng, Giám đốc BVĐK tỉnh Lào Cai cho biết, đến năm 2020, Bệnh viện mở rộng quy mô lên 1.000 giường, phải thêm 150 bác sĩ nữa mới đáp ứng được nhu cầu. Lãnh đạo Bệnh viện cũng lo nỗi lo “chảy máu chất xám” khi không ít bác sĩ có trình độ xin nghỉ việc chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn. Thậm chí, có bác sĩ được cử đi đào tạo nâng cao tay nghề ở tuyến trên, trở về tỉnh sẵn sàng đền bù gấp đôi số tiền được “đầu tư” để “ra đi”. Theo chia sẻ của lãnh đạo BVĐK tỉnh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của “người ở lại”, trong khi số tuyển được mới rất ít ỏi. Do đó, năm 2016, Bệnh viện đã phải thuê cán bộ tư vấn pháp luật để tư vấn cho Bệnh viện trong ký cam kết ràng buộc “giữ nhân tài”.

Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cuối tháng 7/2016, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, từ 1/8/2016, người có học vị Tiến sỹ, Thạc sĩ y khoa được hưởng lần lượt 240 – 80 triệu đồng khi về Lào Cai công tác. Bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú được hưởng 150 triệu đồng, còn bác sĩ chuyên khoa cấp I được hưởng 100 triệu đồng. Bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy về công tác tại tuyến huyện được hỗ trợ 120 triệu đồng nếu tốt nghiệp loại giỏi và 80 triệu nếu đạt loại khá. Đặc biệt, tốt nghiệp loại giỏi về tuyến xã được hỗ trợ 140 triệu đồng, loại khá được 100 triệu đồng. Nếu tốt nghiệp loại trung bình hoặc trung bình khá, được hưởng 80 triệu đồng. Việc hỗ trợ này được cấp một lần với điều kiện công tác tại tỉnh Lào Cai tối thiểu 8 năm. Riêng bác sĩ về cơ sở y tế tuyến xã công tác tối thiểu 5 năm.

Nghị quyết trên đây cũng nêu rõ chính sách đãi ngộ đối với người có trình độ sau đại học và bác sĩ nội trú làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị khối y tế dự phòng của tỉnh, với mức hưởng phụ cấp đãi ngộ hàng tháng tùy theo trình độ và vị trí làm việc, có thể hưởng từ 0,5 - 1,5 lần mức lương cơ bản. Ngoài ra, người có nhu cầu đi nâng cao đào tạo theo chính sách hỗ trợ đào tạo được hưởng trợ cấp một lần (cao nhất lên tới 1,1 tỷ đồng), tùy theo từng trình độ đào tạo, trong đó ưu tiên cho nữ giới và người dân tộc thiểu số

Công an nhân dân, An ninh thủ đô, Lao động, Thanh niên,Nhân dân

Con trai Thiếu úy Trâm được xuất viện sau hơn 50 ngày điều trị

Chiều 31-8, Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương đã tổ chức một buổi gặp mặt đầm ấm để tiễn bé Trần Gấu, con trai Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Hà Tĩnh, người đã từ chối điều trị ung thư giai đoạn cuối để con được ra đời. 

Đánh giá về tình trạng sức khỏe của bé Gấu, BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non - BV Phụ sản Trung ương, cho biết nếu tính theo tuổi thai thì bé hiện mới ở tuần 35. Khi sinh ra bé chỉ nặng 1,2 kg, sau 50 ngày chăm sóc tại BV, cân nặng của bé đã đạt 1,8 kg, là mức độ tăng trưởng bằng, thậm chí vượt so với trẻ sơ sinh cùng tuần tuổi được nuôi dưỡng trong bụng mẹ.

BS Lợi cho biết việc bé Gấu được ra viện chỉ sau hơn 50 ngày điều trị là một kỷ lục. Vì thông thường những trường hợp như bé phải thở máy hằng tháng và lúc đầu các bác sĩ cũng dự đoán bé có thể phải nằm điều trị ba tháng.

Trước khi bé ra viện, BV đã siêu âm tim, mạch, não, chụp X quang tim, phổi, tiến hành các xét nghiệm về máu, sinh hóa và các kết quả đều cho thấy bé Gấu đã đủ sức khỏe để trở về với gia đình. Hệ hô hấp, mắt và thính lực của bé cũng bình thường, bé đã ăn sữa được bằng thìa. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên BV vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe của bé, kể cả sau khi bé ra viện để có thể phát hiện và xử lý kịp thời với những diễn biến bất thường.

Đặc biệt, BV cho biết đã miễn phí toàn bộ viện phí điều trị của bé Gấu trong gần hai tháng qua là 99 triệu đồng.

Anh Trần Mạnh Hà, cha bé Gấu, không giấu được niềm xúc động khi sức khỏe con trai tiến triển tốt và đã được ra viện. Anh cho biết sau khi xuất viện, bé Gấu sẽ chưa về quê ngay mà ở cùng với anh và gia đình tại nhà khách của Bộ Công an ở Hà Nội để tiện chăm sóc cho bé cũng như đưa bé Gấu tái khám định kỳ ở BV Phụ sản Trung ương, hoặc các bác sĩ có thể tiện theo dõi sức khỏe của cháu bất cứ lúc nào. Để tạo điều kiện cho gia đình chăm sóc bé Gấu, nhà khách Bộ Công an đã bố trí một phòng riêng cho gia đình anh.

Công an nhân dân

Bảo hiểm y tế bù chi 10.000 tỷ đồng vì tăng giá dịch vụ

Đó là thông tin được đại diện Vụ Kế hoạch tài chính-Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) về xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, tổ chức sáng 31-8, tại Hà Nội.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT đã chi hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, năm 2016 phải bù chi sau khi có Thông tư 37 về “Quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc, ước khoảng 10.000 tỷ đồng và năm 2017 ước phải bù chi 23.000 tỷ đồng. 

Theo Bộ Y tế, khoản tiền bù chi cao là bởi Thông tư 37 quy định tăng giá hơn 1.800 giá dịch vụ y tế, gây chênh lệch chi BHYT. Năm 2017 tiếp tục có nhiều dịch vụ y tế tăng giá, kéo theo quỹ BHYT phải bù chi cao gấp đôi năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, cuối năm 2016 Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả (thay bằng năm 2018), và mức chi trả phải phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội. 

Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh người dân có thói quen vượt tuyến để KCB, tạo gánh nặng chi phí cho hộ gia đình, khiến hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả; quản lý quỹ quỹ BHYT còn hạn chế, chưa có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy quản lý theo hướng chi phí hiệu quả, kiểm soát gian lận dịch vụ KCB BHYT.

Nhân dân

Nỗ lực thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên giữ vai trò chính trong phát triển y tế trường học, chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu 100% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị…

Những kết quả tích cực

Trong những năm qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (BHYT HSSV) luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), y tế. Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% số HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013 có khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85%, thì đến năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó, số HSSV tham gia tại trường là 12,8 triệu, tham gia theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) là hơn 2,8 triệu.

Nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong cả nước khi liên tục có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%. Như: Hải Dương ba năm liền có 100% số HSSV tham gia BHYT; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia thấp dưới 70%. Nguyên nhân chính là do phần lớn các địa phương chưa tìm được nguồn hỗ trợ thêm phần kinh phí đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% của ngân sách nhà nước. Mức phí BHYT HSSV phải đóng là khá cao, cùng với những khoản phí đầu năm học tạo những khó khăn nhất định cho các hộ gia đình nông thôn, miền núi. Tại một số địa phương, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về BHYT HSSV chưa thật sự sát sao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT với BHXH. Mặc dù luật đã quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng thực tế cũng không có chế tài nào mang tính “bắt buộc”.

Sinh viên (SV) cũng được coi là nhóm khó khăn nhất khi vận động tham gia BHYT. Đối tượng này thường chỉ tham gia BHYT vào đầu năm học khi mới nhập trường và giảm dần vào các năm học sau. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng khối các trường đại học, cao đẳng trong cả nước mới có khoảng 1,1 triệu SV tham gia BHYT, đạt hơn 70% tổng số phải tham gia theo quy định của Luật BHYT...

Cần tổ chức tốt công tác y tế học đường

“Thực hiện tốt công tác y tế học đường và khám, chữa bệnh BHYT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% số HSSV” - Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Theo thống kê, hằng năm có hàng triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong đó, Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính, như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...

Đồng thời, Quỹ khám, chữa bệnh BHYT còn trích 7% kinh phí để lại cho hoạt động y tế trường học (YTTH) phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng. Năm 2006, số chi cho công tác này trên cả nước mới khoảng 75 tỷ đồng, thì đến năm học 2013-2014 là hơn 441 tỷ đồng, và trong năm học 2015 - 2016 tăng lên khoảng 500 tỷ đồng. Nguồn Quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH, khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước khoảng 18%.

BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác YTTH nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói chung, góp phần thực hiện chiến lược đào tạo con người toàn diện. Xét trên phương diện xã hội, HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho bản thân HSSV và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn, chấn thương hay bệnh tật. Nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe học sinh, có thêm cơ hội, điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế, thực hiện BHYT HSSV không chỉ là quyền lợi về sức khỏe đối với HSSV, mà còn là cách thức giáo dục về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm và chia sẻ…

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong hoạt động YTTH, vừa qua liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT quy định về công tác YTTH. Trong đó, quy định cụ thể về: việc sử dụng kinh phí từ nguồn BHYT HSSV; việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên YTTH; việc tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học…

Để mục tiêu thành hiện thực

Tỷ lệ 90,5% số HSSV tham gia BHYT trong năm học 2015 - 2016 còn khá xa so với mục tiêu 100% số HSSV có BHYT vào năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm học mới, các bộ, ngành cũng như các địa phương đang tích cực vào cuộc.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, những khó khăn phát sinh do những quy định mới trong thực hiện BHYT HSSV từ thời điểm ngày 1-1-2015 như: mức đóng nâng lên bằng 4,5% mức lương cơ sở, hay việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính… đã được cơ quan BHXH Việt Nam chủ động tháo gỡ. Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp Sở GD và ĐT, Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt BHYT HSSV, bảo đảm quyền lợi về KCB và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phối hợp Sở GD và ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện thu BHYT HSSV theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thu và phát hành thẻ thành nhiều đợt (ba tháng và 12 tháng hoặc sáu tháng và chín tháng) để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới…

Kinh nghiệm những năm học trước cho thấy, các địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao đều có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là ngành GD và ĐT. Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác HSSV (Bộ GD và ĐT), để hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV tham gia BHYT, trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng chính là lý do để Bộ đề nghị các trường, cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 4296 ngày 24-8-2015 của Bộ GD và ĐT về tăng cường triển khai thực hiện BHYT cho HSSV. Trong đó, Sở GD và ĐT các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ phải xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với HSSV của các trường; phải đưa kết quả thực hiện BHYT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các Sở GD và ĐT, tiêu chí xếp loại HSSV. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò tổ chức thực hiện của lãnh đạo các trường trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với HSSV, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% số HSSV có BHYT trong năm học 2016-2017.

Đối với nhóm SV tham gia BHYT, Bộ GD và ĐT đang phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, nhất là đối tượng SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT. Đồng thời, đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của HSSV từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT theo nhóm giải pháp phát triển BHYT HSSV đã đề ra.

Tuổi trẻ

Bệnh viện hiện đại... "lỗ" to

Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang mới với mức đầu tư 1.306 tỉ đồng được xem là bệnh viện hiện đại nhất ĐBSCL. Do quá hoành tráng nên chi phí vận hành bệnh viện cao ngất, dẫn đến thu không đủ bù chi phí hoạt động.

Bệnh viện có nhiều khối nhà, trong đó tòa nhà chính cao 10 tầng nằm trên khu đất rộng 4,6ha tại P.Đông Xuyên, TP Long Xuyên.

Bệnh viện được đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm nay với tổng diện tích sàn xây dựng gần 13.000m2, gồm 600 giường bệnh và được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Hiện đại quá thành ra... hại điện

Bệnh viện có thang cuốn tự động, thang máy, mỗi khối nhà đặt một hệ thống làm lạnh trung tâm đưa hơi lạnh đến tận từng khoa, phòng. Trong các khoa nội trú, phòng bệnh lớn trung bình có 4-6 giường, nhiều phòng chỉ có hai giường...

Theo một số bác sĩ, bệnh viện được xây dựng và trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, do khá hiện đại nên cũng rất... hại điện.

“Nếu vận hành đầy đủ thì mỗi ngày chỉ riêng tiền điện phải trả lên tới hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng tốn cỡ 3 tỉ đồng” - ông Nguyễn Triết Hiền, phó giám đốc bệnh viện, nói.

Bệnh viện đầu tư hoành tráng như vậy nhưng theo lãnh đạo bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở mới chỉ bằng mức bệnh viện cũ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.500 lượt người khám ngoại trú và 800-900 người điều trị nội trú. Trong khi đó, cơ sở vật chất mới quá hoành tráng nên phát sinh nhiều chi phí.

Cụ thể, tiền thuê đội làm vệ sinh chuyên nghiệp tốn 6 tỉ đồng/năm, thuê dịch vụ bảo vệ gần 2 tỉ đồng/năm. Do hao tốn điện năng quá lớn nên bệnh viện phải tiết kiệm điện tối đa.

“Chẳng hạn tắt bớt đèn, chỉ cho một thang máy hoạt động trong giờ hành chính, mấy tầng lầu trên cao và một số khu vực ngắt bớt hệ thống điều hòa... Tuy vậy, chi phí điện vẫn gấp 6 lần ở cơ sở cũ với hơn 1,5 tỉ đồng/tháng” - bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc bệnh viện, cho biết.

Khó kham nổi

Chưa tính khoản thu, chi cho lương của đội ngũ thầy thuốc, CB-CNV của bệnh viện, dù đã tiết kiệm nhưng tổng chi thường xuyên của bệnh viện lên đến hơn 10 tỉ đồng/tháng, trong khi tổng thu chỉ khoảng 9-10 tỉ đồng/tháng.

Theo bà Hạnh, bệnh viện cấp tỉnh và do An Giang chưa đạt tỉ lệ 80% dân số mua bảo hiểm y tế nên vẫn thu phí khám chữa bệnh với khung giá dịch vụ cũ (áp dụng từ ngày 1-3-2016 theo thông tư 37 của liên bộ Y tế - Tài chính).

Giá dịch vụ quá thấp cũng góp phần dẫn tới thu không đủ bù chi. “Dù ngân sách đã hỗ trợ nhưng vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, cực kỳ khó khăn” - bà Hạnh chia sẻ.

Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế An Giang, cho hay bệnh viện tuy quy mô lớn, hiện đại nhưng vẫn là bệnh viện tuyến tỉnh, được phân loại là cấp 2 thì bắt buộc áp dụng mức thu phí khám chữa bệnh theo bệnh viện cấp 2.

Và với quy mô đó thì dù chi phí tiền điện nước cao nhưng không thể tính thêm khoản này vào giá dịch vụ khám, điều trị được.

Mặt khác, hiện An Giang áp dụng mức thu chỉ 80% phí dịch vụ khám chữa bệnh mà bội chi bảo hiểm y tế trong sáu tháng đầu năm nay đã trên 100 tỉ đồng.

“Nếu tăng mức thu thì bội chi sẽ tăng lên, điều này rất khó. Do đó khả năng thu chưa đủ bù chi sẽ kéo dài, bệnh viện khó kham nổi” - ông Tuấn nói.

Sài Gòn giải phóng

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT

(SGGPO).- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài phản ánh việc trục lợi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm 2016. Theo thông tin BHXH Việt Nam vừa công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân được giải thích là do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc thâm hụt nghiêm trọng quỹ BHYT, thậm chí vỡ quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người có BHYT và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.

Kiến Thức

Báo động bệnh viêm gan ở Việt Nam đang tăng mạnh

Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số lượng người nhiễm viêm gan B, chỉ sau Trung Quốc.

Đó là nhận định được ghi lại tại hội thảo về phòng chống bệnh viêm gan virus diễn ra tại Hà Nội ngày 29/8. Phát biểu trong buổi này, TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình gia tăng bệnh nhân nhiễm viêm gan tại nước ta.

Những con số đáng báo động

Theo TS. Trần Đại Quang, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, hiện nay nước ta có khoảng 9 triệu người mắc viêm gan B (chiếm khoảng 6% - 20% dân số) và một triệu người bị viêm gan C (chiếm 0,2% - 4% dân số), thuộc nhóm cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, cao gấp 40 lần số người nhiễm HIV. Bên cạnh đó còn ghi nhận các trường hợp viêm gan A, D, E. Đặc biệt trong nhóm người tiêm chích ma túy có đến 54% mắc viêm gan siêu vi C.

Cũng theo ước tính từ Bộ Y tế, đến năm 2020 sẽ có 8 triệu người Việt nhiễm virus viêm gan B mạn tính.

Được biết viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây biến chứng gan như xơ gan, ung thư gan, có thể dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân nhiễm mạn tính, nguy cơ sớm sẽ bị ung thư gan, xơ gan ở tuổi rất trẻ ngoài 40 thậm chí dưới 30.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Bộ Y tế khuyến cáo, viêm gan virus đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở nước ta, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B.

Nguyên nhân gây ra thực trạng

Đường lây truyền viêm gan virus B và C chủ yếu qua máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con. Ở nước ta, nguồn lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con chiếm tới từ 80% - 90%. Tuy nhiên, việc trích ngừa dự phòng bằng văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh chưa đạt hiệu quả cao. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ được tiêm ngừa mũi 24 giờ đầu sau sinh vào năm 2015 tại nước ta mới chỉ gần 70%, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO là 85%. 22 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm dưới 30%, có những tỉnh chỉ đạt 11-12%. Nguyên nhân một phần là do lo ngại những năm gần đây xảy ra một số trường hợp tai biến liên quan đến tiêm chủng khiến nhiều phụ huynh hoang mang không cho con em đi tiêm. Các bệnh viện cũng ngại triển khai tiêm ngừa vì lo sợ rủi ro.

Bên cạnh đó công tác dự phòng và điều trị bệnh này ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là ở tuyến y tế huyện, xã thiếu cơ sở vật chất, thiết bị điều trị và thuốc men. Đơn vị đủ năng lực điều trị viêm gan tập trung chủ yếu ở các bệnh viện tuyến cuối tại các tỉnh thành lớn. Riêng viêm gan C chưa có văcxin ngừa, việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc nhưng bệnh nhân viêm gan C khó có cơ hội tiếp cận các loại thuốc kháng virus mới do giá thành cao, chưa được Bảo hiểm y tế chi trả hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo WHO, Việt Nam là một trong những nước có giá thành điều trị viêm gan cao nhất thế giới. Hiện chi phí một đợt điều trị viêm gan C tại nước ta là 2.200 USD, tức khoảng 45 triệu đồng. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của người bệnh cũng có thể làm giảm hiệu quả điều trị.

Các biện pháp để giảm bớt con số

Trong chiến lược phòng chống viêm gan của Việt Nam, công cụ quan trọng đầu tiên là dự phòng bằng văcxin viêm gan B sớm và đúng quy định. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi nhiễm virus viêm gan B xuống dưới 1% vào năm 2017, phải có 90% trẻ được tiêm mũi sơ sinh và trên 95% trẻ được tiêm 3 mũi văcxin ngừa bệnh.

Công cụ quan trọng thứ hai để phòng chống viêm gan là điều trị viêm gan B và C. Người dân cần nâng cao ý thức tìm hiểu kiến thức về bệnh và chủ động trong công việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm virus này nên không tiến hành các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh.

Cơ quan y tế cần có những động thái tích cực trong công tác phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần có những chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình điều trị.

Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do virus ngày càng nặng nề, các quốc gia cần chung tay trong việc phòng chống bệnh với mục tiêu không còn lây truyền viêm gan virus trên thế giới, tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc và điều trị an toàn, hiệu quả.

Viêm gan B cấp tính để chỉ giai đoạn một người mới bị nhiễm viêm gan B hoặc nhiễm trong giai đoạn gần đây. Người bệnh thường có những biểu hiện sau:

• Sốt nhẹ trong giai đoạn đầu của bệnh và hay sốt thất thường vào buổi chiều.

• Người bệnh có cảm rác mệt mỏi, chán ăn, không muốn hoạt động. Đa số bệnh nhân viêm gan B có triệu chứng mệt mỏi là duy nhất.

• Rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, người bị nặng thì bị đi ngoài ra phân lỏng.

• Đau tức vùng gan

• Bệnh nhân đi tiểu có màu vàng, vàng mắt, vàng da.

http://www.phapluatplus.vn, http://vov.vn, http://thanhtra.com.vn

Phát hiện 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại Đắk Lắk do không tiêm chủng

Ngày 31/8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này vừa phát hiện 2 trẻ em mắc viêm não Nhật Bản B.

Hai bệnh nhân được xác định là em Nguyễn Thị Thu Sương, 14 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắk và em Nguyễn Thị Tâm, 15 tuổi, ở thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin đã được chuyển xuống bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 tại TP Hồ Chí Minh dể tiếp tục theo dõi và điều trị bệnh.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi gia đình thấy các cháu có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, mê sảng, co giật nên được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắc cấp cứu. 

Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khám, xét nghiệm cho kết quả các cháu dương tính với viêm não Nhật Bản B. Được biết, trước đó gia đình không tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B. 

Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự Phòng Đắk Lắk phòng đã tiến hành điều tra tại địa bàn nơi bệnh nhân sinh sống, kết quả phân loại muỗi đã ghi nhận muỗi Culex tritaeniorhynchus là trung gian chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản B.

Đồng thời, để ngăn ngừa bệnh, ngành y tế tỉnh đã phối hợp cùng các trạm y tế các huyện tổ chức tuyên truyền người dân cần vệ sinh sạch sẽ chỗ ở, phun thuốc diệt muỗi, không để các vật dụng chứa nước ngoài môi trường, ngủ bỏ màn, không cho trẻ em vui chơi tại các khu vực chuồng gia súc, gia cầm…

Đối với các bệnh nhân có các biểu hiện của viêm não Nhật Bản B, người thân cần đưa đến ngay các trạm y tế gần nhất để theo dõi. 

Theo tìm hiểu, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh thường có biểu hiện cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau như vật vã, mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Do đó, bố mẹ cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. 

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. 

Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi, ban đêm ngủ màn.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Báo Nghệ an, Dân trí

Sự thật tin đồn người dân Nghệ An tử vong sau khi ăn hải sản

(PLO) - Các y, bác sĩ từng điều trị cho anh Nguyễn Thanh Hải (trú xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) khẳng định anh Hải tử vong do nhiễm trùng máu chứ không phải bị ngộ độc hải sản, không nhiễm độc chì, không liên quan đến Formosa Hà Tĩnh như tin đồn. 

Những ngày qua, tại Nghệ An xuất hiện tin đồn "một người dân ở xã Nghi Phú tử vong sau khi ăn hải sản" gây hoang mang. Sau đó, một số trang mạng đưa di ảnh của anh Nguyễn Thanh Hải (47 tuổi, trú xóm 3, xã Ngh Phú) với chú thích "đã bị trúng độc và tử vong sau khi ăn hải sản".Thông tin trên khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Theo thông tin từ gia đình anh Hải cho biết, ngày 21-8, anh Hải có về nhà mẹ ở Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Tại đây, anh Hải đi chợ mua 6 con rạm. Trưa 22-8, anh Hải đưa rạm ra rửa, sơ chế để luộc lên ăn thì bị chân rạm đâm vào ngón tay gây chảu máy. Sau đó, nơi vết thương bị thâm đen dần.

Đến sáng 23-8, người nhà đã đưa anh Hải đến BV Đông Âu rồi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng sưng phù nề ở tay, bàn tay và nổi các ban hoại tử vùng đùi, bụng. Đến chiều 26-8, anh Hải bị tử vong do bị bị nhiễm trùng máu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.

Trả lời báo chí, BS Trần Văn Thảnh (người trực tiếp điều trị cho anh Hải) và BS Vũ Ngọc Lân (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) đều cho biết: Bệnh nhân Hải không có dấu hiệu ngộ độc. Các y, BS đã tiến hành xét nghiệm máu và hội chẩn, qua đó xác định bệnh nhân bị suy đa tạng nên tiến hành lọc máu để giải độc. Bệnh viện đã tiến hành cấy máu bệnh nhân Hải cho kết quả bệnh nhân bị nhiễm trùng máu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và phân lập được loại vi khuẩn đó là Vibrio Vulnificus. Vi khuẩn này có trong con rạm và lây nhiễm vào máu bệnh nhân qua vết thương rạm đâm vào tay.

Sau khi nhiễm khuẩn, bệnh nhân bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn gây nội độc tố và ngoại độc tố nặng. Quá trình nhiễm độc diễn biến rất nhanh nên nếu không kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị, sẽ dẫn đến suy đa tạng rồi tử vong.

Ngày 03/09/2016
Ban Biên tập Website
(Điểm tin từ các Báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích