Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 6 8 0 1
Số người đang truy cập
4 1 8
 
Gan cần được quan tâm bảo vệ khi sử dụng thuốc (ảnh minh họa)
Sử dụng thuốc điều trị có thể gây viêm gan

Khi sử dụng thuốc điều trị, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cần thận trọng vì ngoài tác dụng chữa bệnh đang mắc phải, người bệnh có thể bị tổn thương gan do thuốc. Thực tế tổn thương gan do thuốc xảy ra rất đa dạng nên y văn thường dùng thuật ngữ "viêm gan do thuốc" để chỉ các trường hợp thuốc sử dụng có ảnh hưởng đến bệnh lý viêm gan.

Gan là một cơ quan nội tạng được xác định có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hóa các chất được hấp thu vào cơ thể con người, trong đó có cả các loại thuốc điều trị. Vì vậy gan rất dễ bị tác động ảnh hưởng xấu của thuốc và thuốc đã trở thành một nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh lý về gan.

Cơ chế gây tổn thương gan của thuốc

Thực tế các nhà khoa học ghi nhận các loại thuốc điều trị có thể gây tổn thương gan nhưng cơ chế gây tác hại còn chưa được xác định rõ đối với nhiều loại thuốc. Tuy vậy, nhìn chung gan được xác định có thể bị tổn thương do bản thân thuốc là chất độc hại đối với gan hoặc trường hợp thuốc ít độc hay không độc nhưng chất chuyển hóa có thể có ảnh hưởng đến gan. Bản thân thuốc là chất độc hại đối với gan nhất là khi dùng liều cao thì nguy cơ gây độc xảy ra càng nhiều. Mặc dù lúc khởi đầu dùng thuốc thường không có biểu hiện dị ứng quá mẫn nhưng những lần sau sử dụng lại thuốc với liều lượng tương tự thì gan sẽ bị tổn thương. Tuy nhiên khi sử dụng với liều thấp hơn thì gan không bị ảnh hưởng. Một trường hợp minh chứng để thấy rõ là khi sử dụng tetracyclin, thuốc có thể làm ức chế tổng hợp chất protein của vi khuẩn; do ty lạp thể tế bào gan và vi khuẩn có nhiều điểm giống nhau nên tetracyclin cũng có khả năng ức chế tổng hợp chất protein của ty lạp thể tế bào gan. Thực tế nếu sử dụng thuốc với liều thông thường sẽ không thấy rõ ảnh hưởng nhưng khi dùng với liều cao hay tiêm tĩnh mạch thì nồng độ thuốc tăng cao trong bào tương của tế bào gan đủ để ức chế sự tổng hợp các protein, gây nên sự thoái hóa mỡ trong tế bào gan dẫn đến tình trạng suy gan.

Trường hợp thuốc ít độc hay không độc nhưng chất chuyển hóa có thể có ảnh hưởng đến gan vì chất chuyển hóa sẽ trực tiếp gây độc cho gan, đặc biệt là khi có thêm các chất thúc đẩy hoạt động của cytochrom P450 có vai trò quan trọng trong chuyển hóa thuốc. Cytochrom P450 góp phần cấu tạo màng trong ty thể hay mạng lưới nội chất của tế bào gan; nơi chuyển hóa hàng ngàn nội độc tố, ngoại độc tố, thuốc và những phân tử không cần thiết khác có thể có hại cho gan. Bình thường chất chuyển hóa ít hoặc không độc, không ảnh hưởng trực tiếp đến gan nhưng nếu chúng liên kết với các thành phần của tế bào gan như acid nucleic, protein, lipid không bảo hòa thì có thể làm thay đổi cấu trúc tế bào gan hoặc các hoạt động chức năng tế bào gan dẫn đến tình trạng suy giảm hay hoại tử tế bào gan. Thực tế có trường hợp biến đổi trở thành hapten dễ gây viêm gan dị ứng. Hapten còn được gọi bán kháng nguyên, đây là một kháng nguyên không toàn năng có trọng lượng phân tử thấp, không có tính sinh miễn dịch nhưng có tính đặc hiệu kháng nguyên; khi hapten được gắn với một chất protein sẽ tạo thành một phức hợp thì phức hợp này có tính sinh miễn dịch; trong thực nghiệm nếu chỉ đưa hapten vào cơ thể thì bản thân hapten không tạo ra đáp ứng nhưng khi được liên kết cộng hợp với protein sẽ tạo ra kháng thể phản ứng ngay cả với hapten và cộng hợp protein đó. Khi sử dụng thuốc lần sau sẽ có sự tái phát gây nguy hiểm.

Các tổn thương chính của thuốc đối với gan

Khi sử dụng thuốc điều trị bệnh, nếu cả bác sĩ lẫn bệnh nhân không thận trọng trong việc chỉ định và dùng thuốc sẽ gây nên những tổn thương cho gan như viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính và xơ gan, bị thoái hóa mỡ, tạo u hạt ở gan, làm thương tổn mạch máu, u gan...

Viêm gan cấp tính

Viêm gan cấp tính thường hay gặp nhất; thuốc có thể gây tác hại như viêm gan cấp tính hoại tử, viêm gan cấp tính ứ mật và thể hỗn hợp. Viêm gan cấp tính hoại tử có tổn thương chính là hoại tử tế bào gan, chủ yếu xảy ra ở vùng trung tâm tiểu thùy gan; có thể kèm theo thâm nhiễm viên khoảng cửa, đôi khi có thoái hóa mỡ. Tình trạng hoại tử tế bào càng nhiều thì bị suy gan càng nặng và có tiên lượng xấu. Triệu chứng lâm sàng được biểu hiện tùy thuộc vào tình hình bị tổn thương như tăng đơn độc các men gan không vàng da, viêm gan có vàng da; có khi viêm gan xảy ra ở thể tiến triển đột ngột và bệnh cảnh lâm sàng rất nặng. Nếu người bệnh vẫn tiếp tục dùng thuốc thì bệnh có thể chuyển sang viêm gan mạn tính và bị xơ gan. Trong những trường hợp bệnh nhân không biết và lần sau lại tiếp tục dùng lại thuốc này thì dù sử dụng với liều lượng rất thấp cũng có thể xảy ra thể viêm gan tiến triển đột ngột trong bối cảnh rất nặng và dễ dẫn đến tử vong. Viêm gan cấp tính ứ mật với tổn thương chính là ứ mật. Tình trạng ứ mật có thể xảy ra trong tế bào gan hoặc ứ mật trong các ống mật nhỏ; thông thường được thấy ở vùng trung tâm tiểu thùy gan; ít khi xảy ra hoại tử tế bào gan, nếu có thì cũng chỉ khu trú và nhẹ. Thực tế trên lâm sàng có hai thể bệnh là thể không vàng da và thể có vàng da. Triệu chứng vàng da sẽ hết dần khi được điều trị khỏi nhưng có khi kéo dài sau khi đã ngừng thuốc. Thể hỗn hợp gồm có cả triệu chứng hoại tử tế bào gan và ứ mật, đây là thể thường gặp hơn trên lâm sàng. Các loại thuốc có thể gây nên thể hỗn hợp này là một số loại kháng sinh, các chất chống viêm không steroid... Diễn biến tiên lượng rất xấu nếu bị hoại tử nhiều tế bào gan.

Viêm gan mạn tính và xơ gan

Tổn thương chính trong viêm gan mạn tính do thuốc là hoại tử tế bào gan và xơ hóa khoảng cửa. Thương tổn này xảy ra khi sử dụng các loại thuốc gây hoại tử tế bào gan trong thời gian lâu dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Thực tế tình trạng này ít khi xảy ra khi dùng loại thuốc đó từng đợt ngắn ngày và có thời gian ngắt quảng. Viêm gan mạn tính sẽ tiến triển dần dần sang biến chứng xơ gan.

Thoái hóa mỡ

Tình trạng thoái hóa mỡ có ba dạng khác nhau tùy theo vị trí và chất mỡ trong tế bào gan. Tế bào gan chỉ có một hốc khá to chứa chất mỡ triglycerid gồm thể đơn thuần như khi dùng thuốc corticoid hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào gan như trong một số trường hợp viêm gan cấp tính hoại tử. Tế bào gan có nhiều hốc nhỏ chứa chất mỡ triglycerid, có thể có cả acid béo tự do gồm thể đơn thuần như khi dùng liều cao thuốc tetracyclin tiêm tĩnh mạch hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào như khi dùng thuốc có acid valproic... Loại thoái hóa mỡ này thường có suy tế bào gan. Tế bào gan có nhiều hốc nhỏ chứa chất mỡ phospholipid như khi dùng thuốc perhexilin, aminodaron... Loại thoái hóa mỡ này cũng có thể suy tế bào gan.

U hạt ở gan

Thực tế một số loại viêm gan do thuốc có kèm theo u hạt trong gan, đó là những đám nhỏ tế bào dạng biểu mô có lympho bào bao quanh. Các u hạt có thể ở khoảng cửa hay trong tiểu thùy gan gồm có thể đơn thuần hoặc thể phối hợp với hoại tử tế bào gan, thoái hóa mỡ, ứ mật.

Tổn thương mạch máu

Khi sử dụng thuốc điều trị, tất cả các mạch máu ở gan đều có thể bị tổn thương. Các thương tổn chính thưởng ở phía dưới gan, ở các xoang gan và ở phía trên gan. Ở phía dưới gan có huyết khối tĩnh mạch cửa, tăng sinh nội mạc động mạch gan. Các loại thuốc ngừa thai sử dụng bằng đường uống có thể gây tổn thương gan theo cơ chế này và biểu hiện triệu chứng lâm sàng khá nghèo nàn. Ở các xoang gan thấy có dấu hiệu giãn các xoang, trên lâm sàng thấy gan to, rối loạn chức năng gan kín đáo; thường gặp trong các trường hợp uống các loại thuốc ngừa thai. Đồng thời có thể thấy các xoang gan giãn rất rộng, ứ máu, tạo nên những túi phình vào trong các tiểu thùy gan; trên lâm sàng ghi nhận gan to, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, vàng da và suy tế bào gan; trường hợp này thường gặp khi dùng các loại thuốc steroid, người ghép thận dùng thuốc azathioprin và corticoid. Ngoài ra cũng có thể thấy xơ chung quanh xoang phối hợp với xơ khoảng cửa và quanh khoảng cửa nên thường được gọi là xơ gan-cửa; thể bệnh lý này thường gặp khi dùng vitamin A kéo dài, thuốc chống ung thư và ức chế miễn dịch Ở phía trên gan hay gặp bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch, thành các nhánh trong gan của các tĩnh mạch trên gan bị xơ dày dần, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu gây hoại tử trung tâm tiểu thùy gan. Hiện tượng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy tế bào gan kèm theo làm cho tiên lượng của bệnh rất nặng. Trường hợp này xảy ra khi chiếu tia xạ vào vùng gan hoặc chiếu toàn thân trước khi ghép tủy, dùng thuốc chống ung thư và một số thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra cũng có thể gây hội chứng Budd-Chiari do huyết khối các tĩnh mạch lớn trên gan làm cản trở máu về tim và thường kèm theo hoại tử chảy máu trung tâm tiểu thùy gan. Triệu chứng lâm sàng giống như bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch gan, có gan to, cổ trướng, vàng da, đôi khi bị bệnh não do gan. Các nhà khoa học cảnh báo dùng các thuốc chống thụ thai bằng đường uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gấp 3 lần.

U gan

Tình trạng u gan có thể xảy ra khi sử dụng một số loại thuốc và thường là u tuyến lành tính. Tần suất gây nên u gan lành tính bình thường thấp khoảng một phần triệu phụ nữ mỗi năm và gia tăng đối với các thuốc chống thụ thai dùng đường uống kéo dài, có khả năng tăng gấp 500 lần khi dùng thuốc trên 7 năm. Nếu ngừng uống thuốc thì khối u không phát triển và đôi khi bị thoái hóa. Thực tế một vài trường hợp gặp u gan ác tính nhưng rất hiếm đã được nêu lên trong y văn khi dùng thuốc androgen đồng hóa hoặc các chất chống thụ thai đường uống.

Các thuốc có thể gây độc cho gan và lời khuyên của thầy thuốc

Thuốc điều trị có thể gây độc cho gan có rất nhiều loại khác nhau. Trong đó phổ biến là một số thuốc kháng sinh, chống nấm, lợi tiểu, chữa rối loạn nhịp tim, chữa suy mạch vành, hạ huyết áp, giãn mạch, chống đông máu, chống gián phân và ức chế miễn dịch, nội tiết tố, chống viêm không steroid, chống ký sinh trùng, tâm thần kinh và các loại thuốc khác... Như vậy gan có thể bị tổn thương khi sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, do đó cần thận trọng vấn đề này để bảo vệ gan được an toàn. Thực tế tổn thương gan do thuốc tuy ít gặp nhưng rất đa dạng và có bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, có thể xảy ra nặng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bác sĩ khi kê đơn thuốc phải có trách nhiệm và cần biết đầy đủ các thông tin về các loại thuốc hoặc dùng phối hợp thuốc dễ gây tác dụng có hại cho gan; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh cùng theo dõi để phát hiện những phản ứng có hại khi dùng thuốc. Trong những trường hợp cần thiết, nên thực hiện những xét nghiệm để kiểm tra chức năng gan nhằm phát hiện sớm những tác dụng có hại của thuốc, kịp thời ngừng thuốc sử dụng và xử trí phù hợp để hạn chế những ảnh hưởng không tốt của thuốc đối với gan. Nếu chủ quan, không biết người bệnh đã có biểu hiện dù nhẹ đối với tổn thương gan do dùng thuốc mà cứ tiếp tục cho bệnh nhân dùng thuốc hoặc cho dùng thuốc lại sẽ làm cho sự tổn thương gan khó hồi phục; dẫn đến bệnh lý viêm gan mạn tính, xơ gan, làm xuất hiện thể viêm gan tiến triển đột ngột xảy ra rất nặng và thường có tỷ lệ tử vong khá cao.

Ngày 03/04/2015
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích