Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 23/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 9 6 9 4 8
Số người đang truy cập
4 4 5
 
Bệnh lý gây nên vì ô nhiễm tiếng ồn

Theo cơ quan báo chí đưa tin, hiện nay tình trạng kinh doanh các loại hình dịch vụ cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... sử dụng âm nhạc và tiếng ồn tạo ra quá lớn từ sau 22 giờ đêm tại một số địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã làm phiền hà đến sự nghỉ ngơi của nhiều người.

 

Nếu cộng đồng bị ô nhiễm tiếng ồn thường xuyên, kéo dài lâu ngày sẽ mắc các bệnh lý có liên quan; vì vậy cần ngăn ngừa tình trạng này. Cùng với sự phát triển đô thị, sự ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng với nhiều nguyên nhân khác nhau và vấn đề này trở thành mối nguy cơ tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, chúng có khả năng gây nguy hại như các loại ô nhiễm môi trường sống khác. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận trong những thập niên gần đây, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người; đặc biệt là tại các thành phố lớn của những nước đang phát triển. Thực tế cho thấy ngoài tiếng ồn công nghiệp phát ra từ các nhà máy, công ty, xí nghiệp; tiếng ồn âm nhạc của loại nhạc kích động được mở với công suất lớn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên chứng ù tai và các bệnh lý khác. Bằng chứng cụ thể đã phát hiện chứng điếc tai ở những người còn trẻ có sở thích nghe nhạc bằng tai nghe mở với âm thanh lớn và dùng kéo dài thời gian. Vào ban ngày trong sinh hoạt, lao động, công tác, học tập; con người phải tiếp xúc với biết bao nhiêu loại tiếng ồn do nhiều nguồn khác nhau phát ra trong môi trường sống của cộng đồng nhưng đành phải gánh chịu. Nếu ban đêm, trong giờ cần được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe mà vẫn bị tiếng ồn ảnh hưởng, tra tấn từ các quán cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... với tiếng hát, tiếng nhạc kích động mở âm thanh lớn, tiếng ồn ào la hét của khách nhậu thì dần dần sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh lý liên quan là điều không thể tránh khỏi. Các nhà khoa học ghi nhận bệnh lý do tiếng ồn gây nên có nhiều dạng khác nhau như: căng thẳng tinh thần; rối loạn giấc ngủ; giảm thính lực và mất thính lực; ảnh hưởng đến tim mạch, cơ quan nội tiết, tiêu hóa; làm suy giảm khả năng, chất lượng lao động, học tập; gây biến đổi hành vi của con người trong cộng đồng...

Căng thẳng tinh thần

Khi con người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn liên tục xảy ra vào ban ngày mà không thể có khả năng can thiệp, khống chế được như nhà ở kế ngay bên một xưởng cơ khí gò hàn hay cưa xẻ gỗ phải bắt buộc phải gánh chịu. Đến đêm cần có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi thì cũng luôn bị tra tấn bằng những tiếng ồn phát ra từ tiếng hát, âm thanh nhạc kích động với công suất lớn ở quán karaoke, quán bar gần nhà. Những tác động ảnh hưởng xấu này sẽ dẫn đến tình trạng bị căng thẳng tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Hiện tượng tinh thần căng thẳng kéo dài gây nên những bệnh lý về thần kinh như bị chứng trầm cảm, thường hay lo lắng; làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tuần hoàn. Các nhà khoa học tiến hành một số nghiên cứu ghi nhận những người thường xuyên sống trong môi trường có tiếng động ồn ào như nhà ở gần sân bay, ga tàu hỏa, đường sắt đi qua... thường có sức khỏe kém hơn những người ở các nơi khác. Một số nghiên cứu cũng chứng minh và xác định tiếng ồn quá mức có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tinh thần và chất lượng học tập của trẻ em.
 

Rối loạn giấc ngủ

Nếu con người sống trong môi trường thường xuyên bị ô nhiễm tiếng ồn quá mức làm ảnh hưởng, tác động cả ban ngày lẫn ban đêm thì luôn có hiện tượng bị mất ngủ. Khi ngủ được một chút thì giấc ngủ không sâu và không ngon như trước đó; thường hay bị giật mình, ngắt quảng giấc ngủ mỗi khi có tiếng động lớn. Nếu để tình trạng kéo dài lâu ngày, tập quán về giấc ngủ bình thường biến mất đi và giấc ngủ sâu, ngủ ngon như trước sẽ không còn nữa; niềm hạnh phúc từ giấc ngủ cũng tự mất biến đi. Hiện tượng mất ngủ, thiếu ngủ thường xuyên kéo dài làm cho con người khi thức dậy để làm việc, lao động, học tập, sinh hoạt sẽ giảm thiểu khả năng tập trung, dễ dàng bị kích động; mất khả năng bình tĩnh, tự kiềm chế... Vấn đề này thường gặp ở cộng đồng người dân sống ở các đô thị đông đúc, ồn ào, náo nhiệt hơn là những người sống tại vùng nông thôn yên bình, trong lành không bị ô nhiễm bởi tiếng ồn. Với tác động của tiếng ồn kéo dài gây mất ngủ và thiếu ngủ thường xuyên có thể làm cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm dần, dẫn đến khả năng miễn dịch kém, dễ bị ảnh hưởng với những tác nhân gây bệnh. Đối với những người cao tuổi, tình trạng mất ngủ vì ô nhiễm tiếng ồn sẽ làm tăng các loại nội tiết tố gây stress như adrenalin và nor-adrenalin, chúng có vai trò điều chỉnh các chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Thực tế nghiên cứu ghi nhận nếu tiếp xúc với tiếng ồn càng lớn thì chức năng chuyển hóa càng suy giảm, hậu quả được phát hiện với chỉ số lượng mỡ máu và đường huyết tăng cao. Hệ lụy của việc mất ngủ, thiếu ngủ do tiếng ồn mang lại cũng dẫn đến giảm khả năng tập trung làm việc, lao động, học tập, sinh hoạt; năng suất công việc đạt được thấp và có thể làm tăng các loại tai nạn lao động. Có lẽ câu nói "Ăn được, ngủ được là tiên. Không ăn, không ngủ là tiền vứt đi" là điều mong muốn của mọi người nên cộng đồng cần phải mạnh dạn đứng lên chống lại tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường sống; bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng.

 

 Quá nhiều phương tiện tham gia giao thông đang gây ra ô nhiễm tiếng ồn và không khí
tại nhiều thành phố của Việt Nam

Giảm thính lực và mất thính lực

Tổ chức Y tế Thế giới thống kê ước tính trên toàn cầu có khoảng 120 triệu người bị bị điếc tai vì mất thính lực hoặc khả năng nghe kém vì giảm thính lực do ô nhiễm tiếng ồn gây nên. Đồng thời tổ chức này cũng khuyến cáo và cảnh báo rằng số nạn nhân do sự ô nhiễm tiếng ồn ở trên thế giới vẫn còn có xu hướng tiếp tục tăng; đặc biệt là cộng đồng người dân sống tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, ở đường phố đông đúc, gần khu vực kinh doanh các loại hình dịch vụ như cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... nhưng trong nhà ở không có hệ thống ngăn chặn giảm bớt tiếng ồn. Các nhà khoa học đã cho rằng tiếng ồn quá lớn ở những đô thị được xem là tên sát nhân giấu mặt vì ít ai để ý đến những tác hại của nó. Thực tế chỉ có những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn liên tục mới thấy rõ mình bị suy giảm thính lực dần, khả năng nghe kém đi trước khi bị mất hoàn toàn thính lực và điếc tai.

Ảnh hưởng tim mạch, cơ quan nội tiết, tiêu hóa

Đối với hệ tim mạch, các nhà khoa học đã chứng minh được những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lâu dài làm ảnh hưởng sẽ dẫn đến thay đổi chức năng hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng sức cản của các mạnh máu ngoại vi. Một nghiên cứu trên đối tượng hơn 1.000 công nhân ở nhà máy dệt vải tại Trung Quốc ghi nhận sau 5 năm làm việc, lao động tại đây thường xuyên bị ô nhiễm tiếng ồn thì công nhân của nhà máy bị tăng huyết áp với tỷ lệ cao đáng kể. Nghiên cứu khác tại Đức cho thấy trong sinh hoạt hàng ngày, người dân liên tục phải nghe tiếng ồn phát ra từ các phương tiện giao thông ở cường độ 70dB thì nguy cơ rủi ro bị nhồi máu cơ tim cũng có thể tăng lên. Tại châu Âu, ước tính có khoảng 3% nạn nhân bị nhồi máu cơ tim do ô nhiễm tiếng ồn.

Đối với cơ quan nội tiết, ô nhiễm tiếng ồn cũng làm ảnh hưởng đến một số nội tiết tố quan trọng trong cơ thể tiết ra. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn thường xuyên, liên lục ở các công nhân nhà máy công nghiệp có thể làm cơ thể sản xuất ra nhiều nội tiết tố adrenalin và nor-adrenalin; nếu công nhân biết mang thiết bị bảo vệ tai ngăn chặn tiếng ồn thì lượng nội tiết tố này trở về lại mức bình thường. Tại nước ta, một nghiên cứu tại nhà máy dệt cũng ghi nhận những kết quả tương tự làm ảnh hưởng cơ quan nội tiết của các công nhân dệt.

Đối với hệ tiêu hóa, các nhà khoa học ở tại Anh nghiên cứu nhận thấy tình trạng ô nhiễm tiếng ồn liên tục đã ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của cơ thể con người như làm giảm co bóp dạ dày, giảm tiết dịch vị dạ dày, giảm tiết dịch nước bọt ở miệng...

Suy giảm khả năng, chất lượng lao động, học tập

Đối với quá trình lao động, tiếng ồn tạo ra tại môi trường làm việc là một rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mà ít người chú ý. Tiếng ồn đã gây khó khăn, hạn chế trong việc trao đổi, tiếp xúc, đối thoại với nhau; làm cho con người giảm đi khả năng tập trung vào công việc, giảm năng suất lao động, đồng thời có thể làm gia tăng các tai nạn thương tích lao động. Tại Mỹ, Viện Quốc gia sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nghiên cứu ghi nhận đối tượng công nhân, người lao động thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn có cường độ 75dB trong 3 năm sẽ bị tăng nhịp tim và nhịp thở; tương lai sau đó có thể bị ù tai, tăng huyết áp, loét dạ dày, tâm trạng bất ổn do căng thẳng tinh thần; tính tình trở nên nóng nảy, khó chịu, hay gây lộn với người khác so với những người lao động, làm việc trong môi trường yên tĩnh. Ngoài ra cũng ghi nhận đối tượng này thường có biểu hiện thiếu ý thức tổ chức kỹ luật, hay vắng mặt ở chỗ làm việc và khả năng có thể bị tai nạn lao động. Trái lại, một nghiên cứu khác cho thấy với mức độ của âm thanh vừa phải, người lao động được kích thích hưng phấn khi đang làm một công việc có tính cách đơn điệu, không phức tạp.

Đối với việc học tập của trẻ em, các nhà khoa học cho rằng tiếng ồn quá lớn thường xuyên phát ra trong trường học hay gần trường học sẽ ảnh hưởng đến khả năng, chất lượng học tập của các học sinh. Một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận các em học sinh được học tập ở các tầng thấp trong trường học xây dựng cao tầng gần những trục lộ giao thông thường gặp phải những khó khăn trong việc tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự... so với các em học sinh được học tập ở trên những tầng cao, xa tiếng ồn ào ảnh hưởng của xe cộ đi lại trên trục lộ giao thông. Nhiều nghiên cứu khác ghi nhận tiếng ồn có thể làm ảnh hưởng đến ngay cả bào thai khi còn sống trong bụng mẹ, thai nhi có thể bị tăng nhịp tim và chuyển động thân mình do tiếng ồn; ngoài ra những phụ nữ mang thai sống gần ở sân bay, ga tàu, đường sắt, nơi thường xuyên có nhiều tiếng ồn thì tỷ lệ sinh non cao hơn những bà mẹ sống trong môi trường yên lành.

Biến đổi hành vi con người

Thực tế cho thấy nếu người dân sinh sống trong các khu vực ồn ào, náo nhiệt của những đô thị; nhất là nhà ở tại vị trí thường xuyên có tiếng động ảnh hưởng phát ra từ nhiều nguồn khác nhau vào ban ngày kể cả ban đêm sẽ dẫn con người đến tình trạng biến đổi hành vi với tính tình trở nên bực bội, dễ giận dữ, hay khó chịu, thường gây gổ với người ở chung quanh, sống khép kín; ít giao thiệp thân mật với bà con, hàng xóm. Các nhà khoa học đã xácđịnh rõ ràng tiếng ồn thường xuyên, liên tục, kéo dài có ảnh hưởng rất nhiều đến việc biến đổi hành vi của con người kể cả ngay sau khi tiếng ồn đó không còn nữa; thực tế cũng ghi nhận khi con người tiếp nhận tiếng ồn xảy ra bất ngờ thì sẽ có tác hại ảnh hưởng nhiều hơn là những tiếng ồn đã biết trước. Một tác hại của tiếng ồn đối với hành vi con người là chúng có khả năng làm giảm sự quan tâm, nhiệt tình, giúp đỡ người khác; ngược lại sẽ làm tăng tính tình nóng nảy, hung hăng, gây hấn với người tiếp xúc ở chung quanh.

Xác định cường độ, tần số tiếng ồn

Các nhà khoa học sử dụng đơn vị đo cường độ tiếng ồn là decibel, viết tắt dB. Nếu môi trường hoàn toàn tĩnh lặng là 0dB, hơi thở nhẹ có cường độ âm thanh 10dB, tiếng lá rơi 20dB, nói chuyện thân mật 50dB, tiếng máy rửa bát đĩa 65dB, tiếng ồn ở đường phố 70dB, tiếng máy hút bụi 75dB, biểu diễn nhạc rock 110dB và khi âm thanh đạt tới mức 130dB sẽ gây khó chịu, đau đớn cho tai. Trường hợp tiếng ồn do máy bay phản lực cất cánh, tiếng còi xe cứu hỏa thì cường độ âm thanh lên tới mức 140dB. Khi cường độ âm thanh tăng lên đến mức 160-170dB sẽ gây điếc hoàn toàn mặc dù tai chỉ mới tiếp nhận nghe một lần. Đối với các cơ sở bệnh viện, để bảo đảm môi trường điều trị an toàn, phù hợp cho người bệnh; Tổ chức Y tế Thế giới quy định tiếng ồn ở đây không được vượt quá 30-40dB nhưng trên thực tế các bệnh viện không thể đáp ứng được điều kiện yêu cầu này.

Ngoài cường độ âm thanh được tính bằng đơn vị decibel (dB); tần số âm thanh cũng được đo bằng đơn vị hertz, đây là số lần sóng âm thanh đi qua một điểm trong vòng 1 giây. Các nhà khoa học đã phân tích nếu trẻ sơ sinh có thể nghe được âm thanh trong phạm vi tần số 16.000 - 30.000 hertz thì khi đến 12 tuổi thính lực giảm xuống còn 20.000 hertz; qua tuổi 50 thính lực giảm chỉ còn khoảng 400 hertz do sự thoái hóa tự nhiên của cơ quan thính giác.

Âm thanh, tiếng ồn được xác định bằng đơn vị đo cường độ và tần số; tuy vậy thời gian nghe cũng rất quan trọng đối với tâm trạng khi nghe. Nếu nghe nhạc phù hợp với tâm trạng sẽ tạo nên trạng thái hưng phấn nhưng nếu không phù hợp tâm trạng thì chúng trở thành sự tra tấn. Thực tế khả năng chịu đựng âm thanh, tiếng ồn của mỗi người, mỗi lứa tuổi có sự khác biệt nhau; tuổi trẻ thường dễ thích nghi các loại nhạc kích động mở với âm thanh lớn, nhưng người lớn tuổi thì đó là một sự hành hạ, tra tấn.

Giới hạn cho phép của tiếng ồn

Theo quy định một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường; trong nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn quy định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có những hoạt động gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến khu vực có con người sinh sống, lao động và làm việc đã nêu rõ một số vấn đề giới hạn cho phép của các loại tiếng ồn được xác định với nhóm thời gian phù hợp thực tế với môi trường tiếng ồn ngày càng bị ô nhiễm tại nước ta. Với quy định này; các tổ chức, cá nhân gây ra tiếng ồn phải tuân thủ giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn theo mức âm lượng tương đương phù hợp, cụ thể tùy theo khu vực đặc biệt hay khu vực thông thường.

Khu vực đặc biệt gồm những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác... Khu vực thông thường gồm các khu chung cư, những nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hay liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... Theo đó, trong thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ tối, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 55dB và ở khu vực thông thường là là 70dB. Trong thời gian từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, giới hạn cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 45dB và ở khu vực thông thường là 55dB. Để đánh giá, đo tiếng ồn một cách cụ thể cần phải thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn quốc gia quy định.

Từ năm 2009, chính phủ đã ban hành văn bản xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định gây ra tiếng ồn quá mức giới hạn tối đa cho phép với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng nhưng trên thực tế việc thực hiện này đang còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Những điều mong ước

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, các quốc gia trên thế giới kể cả nước ta đã nỗ lực cố gắng tìm ra những giải pháp khả thi, thiết thực để áp dụng nhưng thực tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không dễ dàng thực hiện như các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường hữu hình từ hóa chất độc hại, khói bụi nhà máy, nước thải công nghiệp, rác thải y tế... Muốn phòng chống ô nhiễm tiếng ồn, cộng đồng người dân phải tự giác, có tinh thần trách nhiệm thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giảm tác hại của tiếng ồn có hại đối với bản thân mình và những người sống ở chung quanh. Những việc làm đơn giản mà mọi người có thể thực hiện được để giảm thiểu tiếng ồn gây ra trong cộng đồng như tránh bóp còi xe khi không cần thiết nhất là gần khu vực bệnh viện, trường học, khu điều dưỡng; không sử dụng còi hơi xe ô tô, nổ máy xe có âm thanh quá lớn lúc vào đô thị, khu dân cư; không được sử dụng thiết bị gây tiếng ồn mà không có bộ phận giảm thanh; các hộ gia đình cần có ý thức không mở các vật dụng sinh hoạt phát ra âm thanh quá lớn kể cả máy nghe nhạc; nghiêm cấm các loại hình dịch vụ cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... hoạt động quá giờ quy định với âm thanh nhạc kích động, tiếng ồn ào gây chói tai. Pháp luật tại nước ta đã có những quy định về tiếng ồn ở khu dân cư và các thông số kỹ thuật của những thiết bị, phương tiện phát ra âm thanh, tiếng ồn; đồng thời cũng quy định về thời gian hoạt động của các quán cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... Tuy vậy trên thực tế vấn đề này chưa thực sự đi vào cuộc sống vì các cơ quan chức năng chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong việc chủ động phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về ô nhiễm tiếng ồn nhằm góp phần hạn chế những bệnh lý do tiếng ồn gây nên như các loại gây ô nhiễm môi trường khác đã được quan tâm. Những điều mong ước về sức khỏe, sự yên tĩnh, nghỉ ngơi cần thiết của cộng đồng người dân là nguyện vọng chính đáng khi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng, đặc biệt là vào ban đêm trong lúc các cơ quan chức năng đang còn thờ ơ, đứng ngoại cuộc. Hiện nay việc nghiêm cấm mua bán và uống bia rượu sau 22 giờ đang được các cơ quan chức năng xem xét ban hành để bảo vệ sức khỏe cho con người; chúng cũng góp phần làm hạn chế những tai nạn, bệnh tật do rượu bia mang lại và sự ô nhiễm tiếng ồn vào ban đêm. 

Ngày 16/10/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích