Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 8 0 2 2 2
Số người đang truy cập
3 8 7
 
(nguồn ảnh: wiki)
Nấm da (Dermatophytosis) và phòng chống bệnh nấm da

Bệnh nấm da thường gặp ở các nước nhiệt đới. Việt nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh của người dân còn nhiều hạn chế nên bệnh nấm da xảy ra khá phổ biến. Thực tế ghi nhận trong cộng đồng, bệnh nắm da chiếm tỷ lệ cao thứ hai sau bệnh chàm. Vì vậy cần biết cách phòng chống để giảm thiểu những tác hại do bệnh gây nên.

Đặc điểm của bệnh nấm da

Bệnh nấm da (Dermatophytosis) là bệnh nhiễm nấm ở mô keratin hóa như da, lông, tóc, móng... do một nhóm nấm ưa chất keratin thường gọi là nấm da (Dermatophytes) gây nên. Nấm da gây bệnh ở da của người và động vật, không gây bệnh ở các cơ quan nội tạng. Mức độ tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc sự đáp ứng của vật chủ bị nấm ký sinh và độc lực của nấm gây bệnh. Bệnh nấm da không ảnh hưởng đến tính mạng của con người nhưng khi bị nhiễm nấm, người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, lao động... Việc phòng chống bệnh nấm da muốn có hiệu quả cần được sự hợp tác của bệnh nhân và cơ sở y tế. Nấm da tuy ký sinh ở những mô keratin hóa nhưng có thể mọc ở môi trường không có keratin như môi trường Sabouraud, đây là môi trường cơ bản được nhà khoa học Raymond Sabouraud phát minh ra vào năm 1892 dùng để nuôi cấy nấm gây bệnh. Nấm da thường phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 25 đến 30oC, vì vậy nhiệt độ của bề mặt da rất phù hợpđể cho nấm da phát triển. Độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi để nấm da phát triển nên tỷ lệ bệnh thường tăng cao vào mùa hè khi điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm không khí cao. Trên da, nấm thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt như bẹn, kẽ chân, thắt lưng... Những người đi giày nhiều, nhiệt độ và độ ẩm tại chỗ cao nên hay bị bệnh nấm kẽ chân. Ngoài ra, độ pH từ 6,9 đến 7,2 còn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm da phát triển. Trên cơ thể người, độ pH của da phụ thuộc vào hai yếu tố chính là acid béo trong chất bã và mồ hôi. pH da thay đổi tùy theo vùng da và lứa tuổi. Ở trẻ em, các tuyến bã chưa hoàn thiện nên hay bị nấm tóc; bệnh thường tự khỏi khi trẻ em đến tuổi dậy thì, lúc các tuyến bã tăng hoạt động. Mồ hôi cũng có tác dụng điều tiết độ pH của da, tuy vậy nhưng khi mồ hôi ra nhiều hoặc những vùng thường hay ẩm ướt như các kẽ nách, bẹn, kẽ chân, thắt lưng... có chất ammoniac tăng sẽ làm độ pH của da chuyển hướng sang môi trường kiềm với độ pH từ 6,3 đến 7,1; tạo điều kiện cho nấm da phát triển. Vì vậy bệnh nấm da thường hay gặp ở những vùng này.

Các loại nấm da gây bệnh

Nấm da thuộc loại nấm bất toàn (fungi imperfecti), chúng có khoảng 300 loài khác nhau được xếp vào các chi Microsporum, TrichophytonEpidermophyton.Có những loài nấm da phân bố khá rộng rãi trên khắp thế giới, có loại chỉ khu trú ở những vùng nhất định. Ở Việt Nam, những loài nấm da hay gặp là Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton violaceum; Microsporum canis, Microsporum gypseum; Epidermophyton floccosum... Căn cứ theo nguồn lây nhiễm, nấm da được chia thành 3 nhóm: Nhóm ưa đất (geophilic) sống hoại sinh ở trong đất, nấm nhiễm vào người và động vật khi tiếp xúc với đất. Nhóm ưa động vật (zoophilic) chủ yếu sống ký sinh ở động vật; chúng lây nhiễm vào người khi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với một số loại động vật như chó, mèo, ngựa, trâu, bò, lợn... Nấm ưa người (anthropophilic) chỉ ký sinh ở người; chúng lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng như khăn lau, lược chải tóc, mũ nón, áo quần, chăn màn, ghế ngồi...; trên thực tế đường lây gián tiếp thường phổ biến và quan trọng hơn. Quá trình tiến hóa của nấm da bắt đầu từ những nấm sống hoại sinh trong đất. Trong đó có một số loài nấm có enzyme keratinase phân giải keratin ở trong đất và trở thành nấm ưa keratin. Một số nấm ưa keratin dần dần có khả năng ký sinh ở những mô keratin hóa của động vật sống. Khi nấm có khả năng ký sinh ở động vật thì một số sẽ mất khả năng sống hoại sinh ở trong đất và trở thành nấm ưa động vật. Trong số những loài nấm ưa động vật ký sinh ở các loại động vật sống gần gũi với người thì một số nấm sẽ có khả năng gây nhiễm bệnh cho người; đồng thời mất dần hướng tính đối với động vật và chỉ ký sinh ở người. Quá trình tiến hóa từ nấm ưa đất trở thành nấm ưa động vật và ưa người cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh bào tử của nấm da, số lượng bào tử sẽ giảm đi và phần lớn mất khả năng sinh bào tử hữu tính. Những loài nấm tiến hóa cao như vậy được sinh sản và phát tán chủ yếu bằng bào tử đốt, bào tử này có thể sống ở môi trường thời gian dài.

Bệnh lý do nấm da gây nên

Nơi nào trên cơ thể có chất keratin thì đều có khả năng bị nấm da ký sinh và gây bệnh. Bệnh nấm da thường được mang tên theo vị trí các phần khác nhau của cơ thể mà ở đó nấm ký sinh gây bệnh như nấm da đầu, nấm kẽ chân, nấm bẹn, nấm móng... Nấm không xâm nhập vào các mô, tổ chức nhưng sự hiện diện của nấm cũng như các sản phẩm chuyển hóa của nấm có thể gây ra những phản ứng viêm, dị ứng với các hình thái và mức độ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Trong đa số các trường hợp, những loại nấm da ưa đất, ưa động vật gây bệnh cho người thường gây ra các phản ứng viêm cấp tính mạnh hơn. Những loại nấm ưa người gây ra các phản ứng viêm nhẹ hơn nhưng triệu chứng bệnh lý hay bị mãn tính và kéo dài. Đối với chu kỳ lây nhiễm nấm, những bào tử nấm hoặc sợi nấm gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành sợi nấm gây bệnh. Sợi nấm ký sinh gây bệnh cho vật chủ sau một thời gian phát triển sẽ sinh ra bào tử, các bào tử phát tán ra môi trường gặp vật chủ khác và có thể ký sinh gây bệnh. Vảy da rơi rụng từ bệnh nhân bị bệnh nấm da có khả năng gây nhiễm trong một thời gian dài, có thể hàng tháng, hàng năm nên khả năng lây nhiễm gián tiếp rất lớn. Những đồ dùng như ở trong nhà như thảm, chiếu là những nơi lý tưởng lưu giữ nấm. Vì vậy, việc lây nhiễm loại nấm da Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes var interdigitalEpidermophyton floccosum thường qua chân; do đó khi điều trị cần lưu ý kẽ chân là nơi lưu trữ mầm bệnh chính và thường xuyên thải mầm bệnh ra môi trường. Trong bệnh nấm da, cơ thể con người có khả năng tạo nên sự đáp ứng miễn dịch. Khi nấm xâm nhập qua da, các đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu sẽ tham gia vào các đáp ứng bảo vệ. Trong miễn dịch đặc hiệu, vai trò của đáp ứng miễn dịch qua trung gian của tế bào quan trọng hơn so với miễn dịch dịch thể. Tuy nhiên, miễn dịch trong bệnh nấm da thường yếu do màng tế bào nấm rất dày làm cho những chất bên trong sợi nấm khó thấm qua; nấm chủ yếu cư trú ở lớp keratin chết nên ít tiếp xúc với các tế bào có chức năng tạo nên miễn dịch. Bằng chứng rõ nhất của miễn dịch đối với nấm da là phản ứng dị ứng “Id reaction” (autoeczematization) là phản ứng làm cho dị ứng lan đi khắp cả người cần phải được chữa trị. Nấm Trichophyton rubrum hay gây bệnh nấm da mãn tính do loài nấm này tiết ra một loại chất mannan có khả năng ức chế hoặc giảm đáp ứng miễn dịch tế bào. Ngoài ra, các loại nấm da có khả năng gây bệnh khác nhau như nấm Epiderophyton chỉ ký sinh gây bệnh ở da, móng; nấm Microsporum chỉ ký sinh gây bệnh ở da, tóc; nấm Trichophyton có thể ký sinh gây bệnh ở cả da, lông, tóc, móng. Trong số các loài nấm da, thường hay gặp là nấm Trichophyton rubrum, bệnh do chúng gây ra thường mãn tính và hay tái phát.

Cách phòng chống bệnh nấm da

Như trên đã nêu, Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh của cộng đồng người dân còn nhiều hạn chế nên đã tạo cơ hội thuận lợi cho bệnh nấm da phát triển. Vì vậy, muốn thực hiện việc phòng chống bệnh nấm da có hiệu quả; cần thực hiện cả biện pháp phòng bệnh cá nhân và và phòng ngừa tập thể.

Phòng bệnh cá nhân

Phòng bệnh cá nhân được thực hiện bằng các biện pháp bảo vệ da. Nấm lây truyền bệnh cần phải có những yếu tố thuận lợi như da bị sang chấn, vã mồ hôi nhiều làm bể lớp sừng, sự cọ xát làm da sung huyết; điều kiện sinh hoạt thiếu vệ sinh, ít tắm gội... để cho bào tử nấm, sợi nấm bám vào da có đủ thời gian nảy nở và phát triển gây bệnh. Để đề phòng nấm da lây truyền xâm nhập vào da thì việc vệ sinh cá nhân rất quan trọng. Tắm gội đều đặn hàng ngày, không để mồ hôi, bụi bặm bám lâu trên da, tránh kỳ cọ, chà xát mạnh trên da. Giữ khô các nếp bẹn, kẽ chân... sau khi tắm rửa. Tránh nhiễm nấm da đầu, nấm tóc bằng cách luôn luôn giữ sạch da đầu, tóc; tránh bụi, ẩm ướt; cần đội mũ nón thích hợp, không quá chật và quá bí; phải gội đầu sạch hàng tuần, trường hợp tóc nhờn quá thì cần gội nhiều lần hơn; khi tóc khô và nhiều gàu nên gội đầu ít hơn. Không nên dùng các loại xà phòng có chất kiềm vì làm tóc khô và dễ rụng. Nên gội đầu bằng nước bồ kết, xà phòng thơm; sau đó xả bằng nước sạch; có thể gội bằng chanh, nước lá dứa, lá bưởi... Thường xuyên cắt móng chân, móng tay; cắt tóc gọn gàng... Tránh mặc quần áo quá ẩm ướt, quần lót không nên dùng vải nylon và mặc quá chật gây xây xát da, bí mồ hôi. Hạn chế tiếp xúc với một số loại động vật như chó, mèo...

Phòng ngừa tập thể

Phòng ngừa tập thể khỏi bị nhiễm bệnh nấm bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường phù hợp. Nơi ở phải thoáng mát, nhà cửa cao ráo, sạch sẽ, tránh bụi bặm; có nguồn nước tắm giặt sạch và đủ dùng như nước máy, nước mưa, nước giếng...; phải có xô, chậu đựng nước sử dụng và dây phơi áo quần ở ngoài nắng. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, quần áo, chăn màn, giường chiếu vì đây là những nơi lưu giữ bào tử nấm. Chăn chiếu phải giặt giũ định kỳ, tránh để ẩm mốc; thường phơi quần áo, chiếu, giầy, tất ở ngoài nắng để diệt bào tử nấm. Không được dùng chung lược chải tóc, khăn lau, áp quần, chăn màn... để tránh lây nhiễm nấm gây bệnh. Cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để những bệnh nhân bị nhiễm nấm. Khi phát hiện người bị nhiễm nấm da, nên cách ly, luộc chín sôi quần áo, phơi nắng và chú ý quần áo nên lộn trái khi phơi nắng.

Ngoài ra, có thể phòng bệnh nấm da bằng cách dùng các loại hóa chất. Vận động viên, quân nhân, những đối tượng thường xuyên đi giày... có thể dùng bột talc có acid undercylenic rắc vào giày, tất để phòng ngừa bị nhiễm nấm kẽ chân; dùng NaPCP 1% (natripentachlorophenolat) kết hợp với sulfat kẽm 1% phun vào các tấm thảm chùi chân, thảm trải trong nhà để phòng nấm kẽ chân. Tại Việt Nam, Bộ môn-Khoa Da liễu của Học viện Quân y đã nghiên cứu ứng dụng tẩm chất NaPCP và sulfat kẽm vào quấn lót để phòng ngừa bệnh nấm thắt lưng, nấm mông, nấm bẹn cho bộ đội đã thu được kết quả khá tốt.

Khuyến nghị

Bệnh nấm da là bệnh khá phổ biến tại nước ta như đặc điểm đã nêu ở trên. Thường gặp là bệnh nấm vùng da đầu, bệnh nấm má, bệnh nấm vùng da nhẵn, bệnh nấm móng, bệnh nấm kẽ chân và dị ứng da do nấm. Chẩn đoán bệnh nấm da phải căn cứ vào yếu tố dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Việc điều trị bệnh khá phức tạp vì phải dùng thuốc chống nấm phù hợp và bệnh hay tái phát. Nếu bệnh chỉ xảy ra ở da, không có biến chứng, thường chỉ cần điều trị bằng cách bôi thuốc chống nấm tại chỗ. Đối với bệnh nấm da đầu, nấm móng, nấm da mãn tính hoặc lan rộng; điều trị bằng cách bôi thuốc chống nấm tại chỗ không tác dụng mà cần phải kết hợp với thuốc chống nấm để uống. Khi có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm nấm gây bệnh, người bệnh phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị phù hợp; không tự ý điều trị hoặc để bệnh kéo dài trở thành mạn tính với nhiều biến chứng sau đó.  

 

Ngày 02/07/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích