Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 9 0 0 1 1
Số người đang truy cập
6 6
 
Các phương pháp dưỡng sinh

Dưỡng sinh có thể nói là việc nuôi dưỡng sự sống. Phương pháp dưỡng sinh là cách sống để giữ gìn sức khỏe, cải tạo thể chất, giúp phòng bệnh và chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ để sống lâu và sống có ích cho gia đình, cho xã hội. Mọi người cần biết các phương pháp dưỡng sinh cần thiết để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tốt.

Ngày xưa, bậc danh y Tuệ Tĩnh đã nêu ra cơ sở lý luận về phương pháp dưỡng sinh là: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Nội dung cơ bản của hai câu này có ý nghĩa là phải giữ cho tinh khí luôn luôn dồi dào, không làm hao phí chúng, nuôi dưỡng chức năng, bảo vệ hoạt động sống nói chung và hoạt động tâm thần nói riêng, giữ cho lòng thanh thản, có ít dục vọng cá nhân, giữ gìn và bảo vệ các chức năng của cơ thể, luyện tập thân thể. Con người khi sinh ra ai cũng muốn sống một cách khỏe mạnh, muốn sống mạnh khỏe cần ăn uống, hít thở một cách hợp lý. Vì vậy cần phải ăn uống cho đúng cách và hít thở cho khoa học; đồng thời cũng phải biết cách luyện tập thư giãn yên tĩnh, vận động các khớp xương, tự xoa bóp và day bấm huyệt; thực hiện việc lao động và nghỉ ngơi phù hợp.

Ăn uống đúng cách

Ăn uống đúng cách có nghĩa là phải ăn uống đủ lượng và đủ chất để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Lưu ý cần ăn uống các chất phù hợp với thể tạng để dễ tiêu hóa và hấp thụ tốt. Trong khi ăn uống cần vui vẻ, thoải mái, nhai kỹ; nên ăn vừa đủ no, đến bữa ăn thấy thèm ăn và ăn ngon miệng; uống đủ lượng nước cần thiết, không nghiện rượu bia, trà chè, thuốc lá..., phải ăn uống sạch sẽ và hợp vệ sinh.

Hít thở một cách khoa học

Việc hít thở, hô hấp hàng ngày phải bảo đảm tính khoa học nhằm tận dụng tốt nhất quá trình hít thở thông khí, phục vụ cho nhu cầu của sự sống bao gồm hít thở có chỉ huy, hít thở theo một nhịp điệu nhất định tùy theo trạng thái sức khỏe và mức độ luyện tập. Thực tế có hai phương pháp luyện tập hít thở khác nhau là hít thở tự nhiên và hít thở sâu, đồng thời cũng có hít thở bụng.

Hít thở tự nhiên là hít thở có chỉ huy hơi thở theo một nhịp điệu êm ái, nhẹ nhàng, đều đặn khoảng 12 lần trong mỗi phút. Cách hít thở này được áp dụng cho người mới tập hít thở, người yếu sức không đủ sức để chỉ huy hơi thở có tính phức tạp hơn.

 

Dưỡng sinh là phương pháp nuôi dưỡng sự sống để sống lâu và sống có ích (ảnh minh họa)

Hít thở sâu là hít thở có chỉ huy hơi thở theo nhịp điệu êm ái, nhẹ nhàng, đều đặn, chậm rãi, sâu và thực hiện khoảng 6 - 8 lần trong mỗi phút. Tùy theo trạng thái sức khỏe và mức độ luyện tập, có thể dùng các cách hít thở sâu như: Hít thở hai thì gồm thở dài ra, hít sâu vào, thường là quá trình diễn biến của cách hít thở tự nhiên; mới đầu hít thở cạn rồi chuyển sang hít thở sâu. Hít thở ba thì có hai cách khác nhau gồm: Cách thứ nhất là thở dài ra, hít sâu vào, ngưng thở; thời gian của từng thì hít thở dài bằng nhau; thường áp dụng cho người khỏe muốn nâng cao sức khỏe, người có chức năng hô hấp suy giảm nhiều hoặc người có bệnh mạn tính; không nên sử dụng đối với người có huyết áp cao, người ở trạng thái thần kinh căng thẳng. Cách thứ hai là thở dài ra, ngưng thở, hít sâu vào; thường áp dụng cho người có huyết áp cao, người ở trạng thái thần kinh căng thẳng. Hít thở bốn thì gồm thở dài ra, ngưng thở, hít sâu vào, ngưng thở; thời gian của từng thì hít thở dài bằng nhau; lưu ý thời gian ngưng thở phải vừa phải với sức tập luyện của mỗi người, làm thế nào để khi hít thở cảm thấy người thoải mái, không có cảm giác thiếu hơi phải hít thở bù; có thể nói hít thở bốn thì thường là diễn biến của loại hít thở sâu ba thì hoặc trên cơ sở hít thở ba thì đã thực hiện tốt rồi mới áp dụng cách thít hở bốn thì; cách hít thở này thường áp dụng cho người có sức hít thở tốt, đã có bản lĩnh, tốt nhất là tập luyện từng bước, không nên gượng ép thực hiện cách hít thở bốn thì ngay khi mới bắt đầu. Về kiểu hít thở, có loại hít thở bụng được thực hiện bằng cách thở dài ra, bụng lép xuống rồi hít sâu vào, bụng phình lên. Lúc mới tập luyện, thường chỉ thấy phần bụng trên phình lên nhưng nếu có luyện tập tốt thì sẽ điều khiển được cả bụng dưới phình lên. Đây là kiểu hít thở chủ yếu bằng cơ hoành. Ngoài ra còn có cách hít thở hoàn toàn với tiêu chuẩn: thở dài ra, cả ngực và bụng lép xuống, hít sâu vào, cả ngực và bụng phình lên; đây là kiểu hít thở bằng cả cơ hoành và cơ hít thở ở ngực. Lưu ý nguyên tắc chung khi tập luyện hít thở là luyện tập từng bước để cơ thể có thể tiếp thu được mức độ tập luyện. Khi luyện tập hít thở, đầu óc phải cảm thấy thanh thản, không thấy thiếu hơi đòi hỏi phải hít thở bù; sau khi tập luyện hít thở không thấy đau sườn ngực, trướng bụng, khó thở. Hít thở dưỡng sinh có tác dụng chung là tập luyện sự hưng phấn ức chế của tế bào thần kinh ở vỏ não, điều khiển hoạt động của hệ thần kinh thực vật, tăng cường tuần hoàn của khí huyết, xoa bóp nội tạng, nâng cao hiệu quả của quá trình hô hấp. Thực tế con người sống cần phải làm việc, ngoài việc ăn uống đúng cách và hít thở một cách khoa học như đã nêu ở trên; muốn làm việc được tốt thì con người cần phải có hệ thần kinh tốt bằng cách tập luyện thư giãn yên tĩnh, có hệ vận động tốt bằng cách vận động các khớp xương, có biện pháp nâng cao khả năng hoạt động của cơ thể bằng cách tự xoa bóp và day bấm huyệt, đồng thời biết cách lao động và nghỉ ngơi thích hợp.

Tập luyện thư giãn yên tĩnh

Chủ yếu là luyện tập sự nghỉ ngơi hay là ức chế chủ động của thần kinh trong trạng thái thức. Tập luyện thư giãn gồm loại bỏ hoặc giảm bớt các loại kích thích từ bên trong cơ thể bằng cách đại tiện, tiểu tiện, nới rộng quần áo, giảm nhẹ triệu chứng bệnh lý bằng biện pháp có hiệu quả; đồng thời loại bỏ hoặc giảm bớt các loại kích thích từ môi trường bên ngoài như ánh sáng, tiếng động, mùi vị, các loại kích thích vào da bằng cách tạo ra một hoàn cảnh tập luyện yên tĩnh, tránh ruồi muỗi, tránh gió lùa, tránh quá lạnh hay quá nóng, tránh tiếng động đột ngột, nhắm mắt. Sau đó, để nét mặt thanh thản rồi thả lỏng toàn thân hoặc chú ý nhẹ nhàng vào hoạt động ở vùng rốn. Trong thời gian này, không chú ý vào hơi thở mà nên để hít thở tự nhiên. Thư giãn yên tĩnh có tác dụng giúp cho con người nghỉ ngơi khi thức để tự cân bằng hai hoạt động cơ bản là ức chế và hưng phấn của tế bào thần kinh, tập luyện các quá trình khuếch tán tập trung và cảm ứng qua lại nhất là cảm ứng âm tính của hệ thần kinh trung ương, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Nếu thực hiện được như vậy sẽ giúp cho con người có được hệ thần kinh tốt.

Vận động các khớp xương

Việc vận động các khớp xương nhất là khớp xương sống cần thực hiện ở mức tối đa bằng các bài tập luyện tất cả các khớp xương của cơ thể như động tác vận động cột xương sống gồm ưỡn cổ, ưỡn lưng, cúi và quay cổ, ôm gối, vặn cột xương sống... Những động tác này có tác dụng duy trì tốt cả phần thực thể lẫn phần chức năng của cơ xương khớp, làm cho các khớp xương có khả năng đáp ứng tốt những yêu cầu của lao động và sinh hoạt.

Tự xoa bóp, day bấm huyệt

Hoạt động này có ý nghĩa là tự bản thân mình xoa bóp ngũ quan như da, mắt, mũi, tai, miệng và day bấm các huyệt cần thiết nhất định. Xoa bóp da chủ yếu là xát nóng da toàn thân từ mặt, đầu, đến chân; xoa bóp mắt, vuốt mắt, day và xoa quanh hố mắt; xoa bóp mũi có xát nóng sống mũi; xoa bóp tai có xát chân vành tai, bịt mạnh lỗ tai, gõ xương chẩm, xoa vành tai; xoa bóp miệng có vận động lưỡi, xoa niêm mạc miệng bằng lưỡi và gõ răng. Việc day bấm một số huyệt cần thiết có liên quan với sức khỏe chung như huyệt nội quan, túc tam lý, quan nguyên, khí hải... và day bấm những huyệt có liên quan đến chứng bệnh như ngạt mũi day bấm huyệt nghinh hương; đau đầu day bấm huyệt bách hội, phong trì, thái dương; đau vai day bấm huyệt thiên tông, kiên ngung, kiên tỉnh... Hoạt động tự xoa bóp, day bấm huyệt có tác dụng tăng cường tuần hoàn của khí huyết, nâng cao quá trình dinh dưỡng của các cơ quan, từ đó điều hòa được những rối loạn tại chỗ, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quan trọng và ngũ quan.

Biết cách lao động và nghỉ ngơi

Muốn lao động, làm việc có hiệu quả, có năng suất, có chất lượng và tiết kiệm được nhiều mặt... thì cần phải có lương tâm nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, tinh thông nghề nghiệp, có sức khỏe tốt và biết cách lao động, làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Y học cổ truyền đã đặt vấn đề tập luyện có nghĩa là lao động và nghỉ dưỡng có nghĩa là nghỉ ngơi cần phải bảo đảm sự hài hòa. Thực tế càng nghỉ ngơi tốt trong quá trình lao động, làm việc thì lao động, làm việc càng có hiệu quả. Y học hiện đại gọi cách nghỉ ngơi này là nghỉ ngơi tích cực. Ngoài ra, một vấn đề cũng cần được quan tâm là phải bồi dưỡng sức lao động, làm việc. Con người sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội nên thường phải chịu những ảnh hưởng tác động của chúng. Nếu không biết cách tự bảo vệ, thích ứng đối với những hoàn cảnh sẽ dễ bị mắc các loại bệnh tật. Vì vậy cần biết cách giữ gìn vệ sinh và có thái độ tâm thần đúng đắn đối với cuộc sống.Giữ gìn vệ sinh cá nhân để giảm bớt số lượng và các yếu tố gây bệnh tác động ảnh hưởng vào con người và nâng cao sức chống đỡ của cơ thể. Giữ gìn vệ sinh môi trường để giảm bớt hoặc tiêu diệt các yếu tố gây bệnh. Việc tiêm chủng các loại vắcxin phòng bệnh sẽ giúp tạo nên trong cơ thể con người sự bảo vệ cần thiết để chống lại sự xâm nhập của các loại mầm bệnh gây bệnh từ bên ngoài. Đồng thời trong cuộc sống hàng ngày, cần giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ; nên bình tĩnh, kiên nghị khi giải quyết công việc; phải xử lý công việc theo nguyên tắc lấy cái đúng thay cho cái sai, lấy cái thiện thay cho cái ác... Những điều này sẽ bảo vệ được trạng thái tâm lý, hoạt động tâm thần tốt, giúp tránh được những rối loạn chức năng do chấn thương tâm thần và ảnh hưởng tâm lý của xã hội.

Lời khuyên của thầy thuốc

Việc sống lâu và sống có ích là mong muốn của rất nhiều người. Khi tuổi đã cao, cơ thể bị mất nước, xơ cứng, các chức năng suy giảm dần. Muốn sống có tuổi thọ cần thực hành luyện tập để quá trình lão hóa không đến sớm, phải có chế độ ăn uống tốt, có phương pháp hít thở tốt để có đủ chất cần thiết duy trì sự sống; đồng thời nên truyền đạt lại những kinh nghiệm cho các thế hệ sau tiếp nối. Có thể nói phương pháp dưỡng sinh là cách sống để giữ gìn sức khỏe, cải tạo thể chất, phòng bệnh, chữa bệnh, sống lâu và sống có ích. Thực tế đã chứng minh các tác dụng của phương pháp dưỡng sinh nhưng muốn duy trì được tác dụng đó suốt đời cần phải có một phương pháp luyện tập cho chính bản thân mình. Nên tập luyện theo sự hướng dẫn, vừa sức, không thái quá, không bất cập; phải kiên trì luyện tập, tự rút ra những kết luận về nội dung tập luyện để phù hợp với trạng thái sức khỏe luôn thay đổi và sự biến đổi không ngừng của môi trường sống. Nên nhớ phương pháp dưỡng sinh chỉ có tác dụng khi có sự tập luyện, càng luyện tập đều đặn và vừa sức càng mang lại kết quả tốt.

Ngày 18/04/2017
Ths. Nguyễn Võ Hoàng Anh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích