Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 4 0 1 3
Số người đang truy cập
5 8 4
 
Đề phòng nhiễm độc khí amoniac trong lao động, sinh hoạt

Vừa qua tại tỉnh Đồng Nai, hàng loạt công nhân nhiễm độc amoniac (NH3) do khí bị rò rỉ từ một công ty bảo quản thực phẩm ở bên cạnh ảnh hưởng gây nên tình trạng khó thở, ngất xỉu cho nhiều người; trong đó một số trường hợp nặng phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Nhiễm độc khí amoniac là một tai nạn nghề nghiệp có thể gặp trong lao động, sinh hoạt hàng ngày; vì vậy không nên chủ quan mà phải thận trọng để bảo đảm an toàn, tránh hậu quả nguy hại.

 
Hàng loạt công nhân cấp cứu tại bệnh viện do nhiễm độc khí amoniac nặng (ảnh minh họa)

Trong môi trường lao động, sinh hoạt hàng ngày; con người có thể tiếp xúc với nhiều loại khí độc khác nhau, chúng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng; trong đó nhiễm độc khí amoniac (NH3) ít khi được chú ý để đề phòng. Một số cơ sở y tế ở các địa phương thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận nạn nhân bị nhiễm độc loại khí này, đặc biệt là những trường hợp nhiễm độc hàng loạt do tai nạn lao động. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, nạn nhân sẽ bị những di chứng nguy hiểm và có khả năng dẫn đến tử vong.

Đặc điểm khí amoniac

Amoniac (NH3) là một chất thường gặp ở môi trường sống. Trong cơ thể con người, amoniac cũng được sản xuất ra và đây là một thành phần cấu tạo nên chất protein và những phân tử phức tạp khác. Trong thiên nhiên, amoniac có trong đất do các vi khuẩn tạo ra; do sự phân hủy những loại động vật, thực vật và chất thải của động vật. Chúng là một chất dạng thể khí không màu, mùi nồng thối, có tính kích thích mạnh, độ dung giải rất cao, nồng độ thấp nhất khoảng 5,3 ppm (parts per million: 1 phần triệu). Các nhà khoa học cho rằng nồng độ khí amoniac cho phép hiện diện trong không khí ở môi trường sống chung quanh là 0,2 mg/m3, nếu vượt quá mức độ này chúng có thể gây nên tình trạng nhiễm độc và nguy hiểm cho con người. Đặc điểm khí amoniac có thể tan dễ dàng ở trong nước để tạo thành dung dịch có tính kiềm mạnh gọi là amoni hydroxit (NH4OH) có thể gây kích ứng, phỏng. Chúng cũng có thể được nén dễ dàng dưới áp suất để thành dung dịch trong suốt, không màu. Ở nhiệt độ cao khoảng 450 đến 500oC và ở nhiệt độ thấp hơn trong điều kiện có sự hiện diện của các kim loại như sắt, nicken, kẽm thì amoniac dễ bị phân hủy thành khí hydro và nitơ. Vì vậy những thùng chứa amoniac có thể bị nổ khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Trong ngành sản xuất công nghiệp, các nhà khoa học ghi nhận có khoảng 80% lượng amoniac được dùng để làm phân bón. Đồng thời chúng cũng được sử dụng để làm khí làm lạnh, tinh khiết nước; sản xuất nhựa, chất nổ, vải, thuốc nhuộm và những loại hóa chất khác. Ngoài ra, amoniac còn được phát hiện trong các loại dung dịch có tác dụng làm sạch.

Sự tiếp xúc và tình trạng nhiễm độc

Trên thực tế trong môi trường sống, lao động và sinh hoạt hàng ngày; hầu hết mọi người đều có thể hít phải khí amoniac qua đường hô hấp, chúng cũng có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da. Nếu nồng độ amoniac vượt quá ngưỡng cho phép quy định thì có khả năng gây nhiễm độc cho con người. Amoniac có thể tồn tại trong thiên nhiên, các sản phẩm làm sạch thường dùng nên con người dễ dàng tiếp xúc với các nguồn này và bị nhiễm độc. Hiện nay do nhu cầu phát triển sản xuất và kinh tế, amoniac được buôn bán, sử dụng khá phổ biến và rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nên con người rất dễ tiếp xúc; vì sự bất cẩn, rủi ro, tai nạn, sử dụng không bảo đảm an toàn có thể có nguy cơ bị nhiễm độc. Một số trường hợp khủng bố, khí amoniac cũng được sử dụng để phá hoại sức khỏe và tính mạng của con người. Điều cần lưu ý là khí amoniac có đặc điểm nhẹ hơn không khí nên thường không tích tụ lại ở những nơi thấp; tuy vậy ở những môi trường ẩm ướt, có độ ẩm cao thì chúng có thể biến đổi thành dạng hơi nước nặng hơn không khí và có khả năng lan tỏa ra trên mặt đất, đọng lại ở những vùng thấp gây nhiễm độc.

Như trên đã nêu, amoniac có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp do hít thở, qua đường tiêu hóa do nuốt phải hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da để gây nên tình trạng nhiễm độc. Khi xâm nhập cơ thể, amoniac có phản ứng tác dụng với nước để tạo thành chất amoni hydroxit, chất này có tính chất ăn mòn và gây tổn thương cho các mô tế bào bị tiếp xúc. Tiếp theo đó, các mô tế bào bị thương tổn lại thoát dịch nên càng làm cho amoniac biến đổi thành amoni hydroxit nhiều hơn và chúng có thể gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, hệ tiêu hóa... Ở đường hô hấp, amoni hydroxit phá hủy các nhung mao và niêm mạc hô hấp có chức năng bảo vệ chống lại sự nhiễm trùng để gây nên hậu quả di chứng về sau. Đồng thời các chất tiết, mô bị hoại tử, xác tế bào bị chết... kết hợp với trạng thái sưng phù, phản ứng co cơ trơn của đường hô hấp nên có khả năng gây ra tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp gây khó thở. Những tổn thương ở đường hô hấp có thể được phục hồi thay thế bằng tổ chức mô tế bào hạt và khả năng để lại di chứng bệnh phổi mạn tính cho nạn nhân bị nhiễm độc trước đó. Đặc điểm của amoniac là có tính kiềm, có thể gây kích thích và ăn mòn da khi tiếp xúc với chúng, đồng thời có thể hấp thu một lượng nước ở da làm cho chất protein của da bị thay đổi, chất mỡ trong tổ chức phân hóa, phá hoại kết cấu màng tế bào. Nếu người hít phải khí độc vào cơ thể qua đường hô hấp, amoniac sẽ đi vào phổi và dễ dàng đến được phế nang để xâm nhập vào máu, kết hợp với huyết cầu tố hemoglobin, phá hoại chức năng vận chuyển khí oxy. Trong một khoảng thời gian ngắn hít một lượng lớn khí amoniac, nạn nhân có thể xuất hiện các triệu chứng đau họng, chảy nước mắt, giọng nói trầm, ho, khạc ra đờm có máu, tức ngực, hít thở khó khăn; có thể kèm theo đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, kiệt sức... Những trường hợp nặng ở người lớn có thể bị phù thũng phổi hay mắc chứng hô hấp gấp gáp, đồng thời có khả năng phát sinh các triệu chứng kích thích đường hô hấp. Khi nồng độ amoniac quá cao, ngoài tác dụng ăn mòn, chúng còn gây phản xạ thông qua đoạn cuối thần kinh chức năng liên quan dẫn đến tình trạng ngừng tim, ngừng thở và tử vong. Các nhà khoa học cho rằng tổn thương của những tổ chức trong cơ thể đối với chất có tính kiềm thường xảy ra nghiêm trọng hơn nhiều so với chất có tính axit.

Nói chung mức độ bệnh lý nhiễm độc xảy xa nhẹ hay nặng tùy thuộc vào đường xâm nhập vào cơ thể, liều lượng và thời gian tiếp xúc của amoniac. Trong các trường hợp tiếp xúc với amoniac nồng độ cao, nạn nhân có thể nhanh chóng bị phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp; có khả năng dẫn đến mù lòa, tổn thương phổi hoặc tử vong. Trường hợp hít phải khí amoniac với nồng độ thấp hơn có thể gây nên phản ứng ho, kích ứng mũi, họng. Nếu uống nhầm hoặc nuốt amoniac qua đường tiêu hóa, có thể gây phỏng miệng, họng và dạ dày...

 
Nhiễm độc amoniac nặng phải sơ cứu và chuyển ngay bệnh viện (ảnh minh họa)

Xử trí khi bị nhiễm độc amoniac

Khi phát hiện trường hợp người bị nhiễm độc amoniac, cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi bị nhiễm độc. Nếu amoniac bị rò rỉ ở trong nhà, trong phòng; nên chạy nhanh ra ngay phía ngoài trời. Nếu gặp tai nạn khí độc xảy ra ở bên ngoài, cần ở trong nhà hoặc trong phòng và đóng tất cả cửa ra vào, cửa sổ, tắt máy điều hòa không khí. Nếu bị dính chất amoniac vào quần áo, cần nhanh chóng cởi bỏ; đối với loại áo chui đầu nên dùng kéo cắt bỏ, không được cởi qua đầu để ngăn ngừa vùng đầu mặt tiếp xúc với hóa chất. Áo quần dính amoniac nên cho vào túi nhựa, cột kín miệng lại để tránh gây nhiễm cho những người ở chung quanh; đồng thời để túi vào nơi an toàn để xử lý, tránh xa mọi người, đặc biệt là trẻ em. Phải nhanh chóng rửa sạch chất amoniac dính trên da bằng xà phòng và nước sạch; nếu bị dính hóa chất ở mắt, cần rửa sạch mắt với nhiều nước; không nên dùng chất tẩy rửa để rửa amoniac bám dính trên da; phải đưa ngay nạn nhân nặng đến cơ sở y tế để tiếp tục xử trí điều trị. Trong trường hợp hít phải khí amoniac có nồng độ cao vào đường hô hấp, phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ô nhiễm khí độc, hô hấp nhân tạo khi cần thiết và cho thở oxy; để nạn nhân ở chỗ yên tĩnh và giữ ấm. Cần lưu ý các tổn thương ở đường hô hấp và phổi còn có thể tiến triển trong khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ sau khi bị nhiễm độc, vì vậy nếu nạn nhân có dấu hiệu ngất xỉu, khó khở phải được hô hấp nhân tạo, hồi sức tim mạch và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất để kịp thời cứu chữa. Khi nạn nhân uống nhầm chất amoniac, phải cho súc miệng ngay nhiều lần bằng nước lạnh; sau đó cho uống khoảng 1-2 ly sữa. Lưu ý khi sơ cứu không nên gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dung dịch với mục đích trung hòa; đồng thời chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất để tiếp tục xử trí can thiệp. Các nhà khoa học cho rằng các xét nghiệm cận lâm sàng không hỗ trợ cho việc chẩn đoán, cấp cứu và xử trí ban đầu đối với các trường hợp bị nhiễm độc amoniac vì xét nghiệm có thể giúp phát hiện chất amoniac ở trong máu nhưng không thể khẳng định việc nhiễm amoniac này là từ bên ngoài vì bình thường chúng cũng đã có trong cơ thể. Một điều dễ dàng nhận biết chất độc hại amoniac hiện diện trong môi trường lao động, làm việc sinh hoạt do đặc điểm chúng có mùi hôi, vị nồng, gây khó chịu, kích thích da, mắt, mũi, họng... để nhanh chóng phát hiện và phòng tránh.

Bảo đảm an toàn trong lao động, sinh hoạt

Trong quá trình lao động, làm việc và sinh hoạt; đặc biệt là ở môi trường sản xuất hoặc gần kề với đơn vị sản xuất khác bên cạnh có sử dụng amoniac dạng khí; tất cả mọi người phải nhớ rằng đây là chất khí nguy hiểm, độc hại, có tính ăn mòn và nguy cơ gây nổ ở những chỗ có phạm vi không gian chật hẹp. Công nhân làm việc tại đây phải được đào tạo, tập huấn để lao động, làm việc, thao tác quy trình kỹ thuật một cách thật chính xác nhằm hạn chế đến mức thấp những rủi ro có thể xảy ra, gây nên tai nạn lao động nhiễm độc. Đồng thời phải có phương tiện bảo hộ lao động, phòng hộ cá nhân, thiết bị bảo vệ đường hô hấp cần thiết. Những người có trách nhiệm cần kiểm tra kỹ các vật chứa khí amoniac xem có bị hư hỏng hoặc rò rỉ khí hay không trước khi công nhân làm việc; đồng thời thông báo ngay khi phát hiện có sự rò rỉ khí, tràn đổ khí amoniac ra môi trường. Lưu ý công nhân tránh làm việc một mình trong dây chuyền sản xuất có nguy cơ tiếp xúc với chất amoniac mà cần có người khác cùng làm việc chung đã được đào tạo, tập huấn chuyên môn y tế để có thể giúp đỡ, hỗ trợ sơ cứu, hồi sức khi cần thiết. Nếu môi trường lao động, làm việc chỉ có một mình thì phải có phương tiện theo dõi khả năng nhiễm độc khí amoniac bị rò rỉ. Người sử dụng lao động nên bố trí môi trường làm việc của công nhân ở chỗ thật thoáng khí, tách biệt xa nơi dự trữ và chứa khí amoniac.

Có thể nói trong lao động, làm việc và sinh hoạt hàng ngày; tình trạng nhiễm độc amoniac là một tai nạn có thể xảy ra bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào nếu bất cẩn hoặc gặp rủi ro. Trên thực tế nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty trong quá trình sản xuất có sử dụng hóa chất amoniac nhưng chủ quan, thiếu thận trọng, không tuân thủ quy trình bảo quản và bảo đảm an toàn hóa chất nên đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra làm cho nhiều người bị nhiễm độc hàng loạt. Nếu không được phát hiện, xử trí can thiệp, điều trị cấp cứu kịp thời; nạn nhân sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng với các di chứng nặng, thậm chí có thể bị tử vong. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn trong lao động, làm việc và sinh hoạt để phòng ngừa nhiễm độc khí amoniac. 

Ngày 15/06/2015
TTƯT.BS. Nguyễn Võ hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích