Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 16/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 3 3 1 4 8
Số người đang truy cập
1 1 7
 
Cần phòng vệ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ em

 

Mặc dù chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần rất lớn để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, trong đó có bệnh ho gà nhưng bệnh này vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Thường vắc-xin phòng bệnh ho gà được sản xuất, đóng gói chung với vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và uốn ván nhưng trên thực tế có các trường hợp trẻ em vẫn bị mắc bệnh ho gà do không được tiêm chủng đầy đủ. Hiện nay bệnh xảy ra chủ yếu ở các tỉnh thành phía bắc, vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này.

 
Bệnh ho gà vẫn còn xảy ra ở các trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin (ảnh minh họa)

Thực trạng và đặc điểm của bệnh ho gà

Theo thống kê ghi nhận, năm 2014 cả nước có 107 trường hợp trẻ em bị mắc bệnh ho gà, trong đó tại Hà Nội có 23 bệnh nhân; số còn lại phát hiện ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Mới tháng 1 năm 2015 với thời tiết chuyển mùa cũng đã xuất hiện 9 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 4 trường hợp tại Hà Nội; số còn lại ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Nam Định và có thể có khả năng phát triển thời gian đến. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều không được tiêm chủng vắc xin bảo vệ nên các bậc phụ huynh nên chú ý để chủ động ngăn ngừa sự nhiễm bệnh cho trẻ. Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch được lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Trong môi trường sống tại gia đình kể cả trường học, bệnh ho gà có khả năng lây nhiễm qua giọt nước bọt li ti được bắn ra ở miệng người mang vi khuẩn với tỷ lệ từ 70 đến 100% nên lây lan nhanh. Theo các nhà khoa học, trước đây dịch bệnh ho gà thường xảy ra có tính chu kỳ cứ mỗi 3 đến 4 năm một lần. Ở những quần thể dân cư chưa có miễn dịch, bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Trên thực tế, dịch bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em ở lứa tuổi đi học và trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi.

Triệu chứng bệnh lý xuất hiện sau 7 đến ngày ủ bệnh, khởi phát bằng dấu hiệu nhảy mũi, ho nhẹ rồi nước mũi chảy ra nhiều. Một hai tuần tiếp theo ho nhiều, ho dài hơn dẫn đến những cơn ho rũ rượi, khạc nhiều đờm. Vì ho nhiều, không đủ thời gian hít hơi vào, trẻ thường cố gắng hít mạnh sau mỗi cơn ho; luồng không khí hít vào nhanh qua đường hô hấp có nhiều chất đờm nhầy tạo ra âm thanh rít như tiếng rù cổ của con gà, vì vậy nên được gọi là bệnh ho gà. Những cơn ho dữ dội và kéo dài lâu sẽ làm cho trẻ bị nôn ói, mệt nhiều, khó thở; khi nôn ói nhiều dễ bị thiếu dinh dưỡng. Thực tế cho thấy cơn ho có thể tự phát hoặc xảy ra sau khi cười, nói, ngáp. Sau thời gian 1 đến 2 tháng cơn ho bớt dần và có khả năng hồi phục. Tuy vậy, ho có thể kéo dài tới 3 tháng và thường phối hợp với triệu chứng nôn. Đối với trẻ nhỏ, nhiều khi thấy biểu hiện tím tái, ngạt thở và co giật. Đồng thời, bệnh làm cơ thể suy yếu, dễ bị các biến chứng thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp lực phổi, nhiễm trùng cơ hội... Vi khuẩn ho gà cũng có khả năng gây bệnh lý cho não do tình trạng thiếu khí oxy và dẫn đến tử vong. Tử vong chung của bệnh thường chiếm tỷ lệ khoảng 0,3% nhưng ở những trẻ nhỏ thì tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 0,5%. Thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trẻ em bị mắc bệnh ho gà nhưng kể từ ngày có loại vắc-xin phòng bệnh được tiêm chủng thì tỷ lệ mắc bệnh ho gà ở trẻ em đã giảm đi rất nhiều.

Các loại vắc-xin phòng bệnh ho gà

Các loại vắc-xin phòng bệnh ho gà thường được sản xuất và đóng gói chung với loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và bệnh uốn ván. Có loại vắc-xin chứa nguyên vi khuẩn (DTPw) và loại vắc-xin tinh chế (DTPa).

Loại vắc-xin ho gà chứa nguyên vi khuẩn (DTPw) được sản xuất để phòng bệnh trước tình hình bùng phát dịch bệnh trong thời gian trước đây. Ở những năm của thập kỷ 70, một loạt các vụ dịch ho gà đã phát triển tại nước Anh, Nhật Bản và Thụy Điển. Tương tự như vậy, vào những năm 80 khi nước Tây Đức không sử dụng vắc-xin ho gà thì có tới 40% trẻ em bị mắc bệnh. Các nhà khoa học nghiên cứu trên thực địa ghi nhận vắc-xin này có khả năng bảo vệ được cho trẻ em với tỷ lệ từ 85 đến 95%. Tuy nhiên sau 5 năm tiêm vắc-xin, tỷ lệ miễn dịch bảo vệ giảm xuống chỉ còn khoảng 50% và sau 12 năm thì hết hiệu lực bảo vệ.

Loại vắc-xin ho gà tinh chế (DTPa) là loại vắc-xin chỉ chứa một hoặc một số thành phần tinh chế của vi khuẩn ho gà gồm độc tố của vi khuẩn, yếu tố ngưng kết mảnh và một số yếu tố mang tính kháng nguyên như pertactin, fimbrial antigen... Loại vắc-xin này cũng có hiệu lực bảo vệ khoảng 85% nhưng chúng có ít tác dụng phụ hơn so với loại vắc-xin chứa nguyên vi khuẩn. Loại vắc-xin ho gà tinh chế đã được sử dụng trong nhiều năm ở tại nước Nhật Bản.

Trên thực tế, vắc-xin phòng bệnh ho gà thường bào chế, sản xuất kết hợp với phòng bệnh bạch hầu và uốn ván gọi là vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, chúng được mang tên chung là vắc-xin DTP gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà với toàn vi khuẩn DTPw (diphtheria tetanus whole cell pertussis vaccine) và bạch hầu, uốn ván, ho gà không có tế bào vi khuẩn DTPa (diphtheria tetanus acellular pertussis vaccine). Các loại vắc-xin này đã sản xuất được trong nước, có thời gian bảo vệ từ 3 đến 5 năm. Vắc-xin gây miễn dịch cơ bản bằng cách tiêm 3 liều, mỗi liều 0,5ml tiêm bắp thịt cách nhau ít nhất 30 ngày, liều thứ nhất khi trẻ được 2 tháng tuổi, liều thứ ba trước khi trẻ được 12 tháng tuổi; tiêm nhắc lại 1 năm sau khi đã tiêm liều thứ ba. Cả vắc-xin bạch hầu - ho gà toàn tế bào - uốn ván DTPw hoặc vắc-xin bạch hầu - ho gà vô bào - uốn ván DTPa đều có thể được sử dụng để tiêm liều nhắc lại. Ngoài loại vắc-xin được bào chế, sản xuất và sử dụng trong nước đã nêu trên; có thể dùng các loại vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài như vắc-xin Tetracoq của Pháp, vắc-xin Tritanrix-HB của Bỉ.

Vắc-xin Tetracoq là loại vắc-xin kết hợp gồm bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt có thời gian bảo vệ từ 3 đến 4 năm. Vắc-xin gây miễn dịch cơ bản bằng cách tiêm từ 2 đến 3 liều, mỗi liều 0,5ml tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt cách nhau ít nhất là 1 tháng; sau 1 năm tiêm nhắc lại 1 liều sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng.

Vắc-xin Tritanrix-HB là loại vắc-xin kết hợp gồm bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B có thời gian bảo vệ nhiều năm. Vắc-xin gây miễn dịch cơ bản bằng cách tiêm 3 liều cách nhau 1 tháng, mỗi liều 0,5ml cho trẻ em từ 8 tuần tuổi; ở những nơi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao thì có thể tiêm từ khi trẻ được 6 tuần tuổi. Chỉ định tiêm vắc-xin đường bắp thịt, đối với trẻ nhỏ nên tiêm vào mặt trên bên ngoài của đùi; đối với trẻ bị rối loạn đông máu nên tiêm dưới da. Có thể tiêm liều nhắc lại trong năm thứ 2 và trước khi trẻ đến trường.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, dù sử dụng bất cứ loại vắc-xin nào được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài đều phải tuân thủ những trường hợp chống chỉ định và khám sàng lọc thật kỹ để loại trừ đối tượng trước khi thực hiện. Đồng thời cũng lưu ý như tất cả các trường hợp tiêm những loại vắc-xin khác, cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện chống sốc; sau thi tiêm vắc-xin trẻ phải được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút.

Ngày 23/03/2015
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích