Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 4 6 3 0
Số người đang truy cập
2 8 4
 
Phòng chống bệnh dại là trách nhiệm của cộng đồng (ảnh internet minh họa)
Phòng chống bệnh dại là trách nhiệm của cộng đồng

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do loại vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây nên và được lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại nước ta, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, khá phổ biến ở các tỉnh miền núi với nguồn bệnh chính là chó. Cộng đồng người dân cần biết rõ nguồn bệnh, diễn biến bệnh lý, đường lây truyền và có ý thức phòng bệnh để thực hiện biện pháp phòng ngừa vì bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Nguồn bệnh và diễn biến bệnh lý

Nguồn bệnh dại phổ biến là các ổ chứa vi rút dại có trong thiên nhiên, chúng hiện diện ở những động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và một số động vật có vú khác. Ở châu Mỹ, châu Âu, các nhà khoa học còn phát hiện ổ chứa nguồn bệnh dại có ở cả loài dơi. Tại nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu cho người. Sau khi bị nhiễm mầm bệnh, thời gian ủ bệnh ở người thông thường từ 1 đến 3 tháng, hiếm khi thấy các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài hơn tới một vài năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến những nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến hệ thần kinh trung ương ở não, số lượng vi rút dại xâm nhập vào trong cơ thể... Nếu vết cắn càng nặng và gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền bệnh ở loại chó nhà thường từ 3 đến 7 ngày, tối đa là 10 ngày trước khi chó có biểu hiện triệu chứng dại và trong suốt thời gian chó phát bệnh. Ở người bị mắc bệnh, vi rút dại được đào thải qua các chất tiết như nước bọt, nước mắt, nước tiểu... trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy vậy, các nhà khoa học xác định khả năng lây nhiễm mầm bệnh từ người sang người là trường hợp vô cùng hiếm gặp. Chó nghi ngờ bị mắc bệnh dại thường có biểu hiện triệu chứng với 2 thể loại là thể điên cuồng và thể dại câm hay còn gọi là thể bại liệt. Đôi khi con chó mắc bệnh có cả 2 loại thể bệnh xen kẽ nhau như thời gian đầu chó có biểu hiện triệu chứng điên cuồng, bị kích động rồi sau đó chuyển sang triệu chứng theo dạng bị ức chế và bại liệt. Thể điên cuồng chỉ chiếm khoảng 1/4 các trường hợp, được biểu hiện với dấu hiệu các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, vồ vập nhiều khi chủ gọi; chỉ cần có tiếng động nhẹ chó cũng nhảy lên sủa từng hồi, dữ tợn, điên cuồng trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày sau khi phát bệnh. Chó thường hay bỏ nhà ra đi và thường không trở về, trên đường đi gặp bất cứ vật gì lạ thì chúng cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công các con chó khác kể cả người đi đường. Chó dại thường chết do bị liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được như bình thường. Thể dại câm hay thể bại liệt được biểu hiện triệu chứng chó có thể bị liệt ở một phần cơ thể, nửa thân mình hoặc hai chân sau; thực tế thường thấy chó bị liệt cơ hàm, nước dãi chảy lòng thòng; chúng không cắn và không sủa được, chỉ gầm gừ ở trong họng. Đối với chó con, triệu chứng dại thường không điển hình như chó trưởng thành nhưng có đặc điểm tất cả các con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi chó phát bệnh với triệu chứng dại khởi phát đầu tiên. Các nhà khoa học đã ghi nhận mèo nhà ít khi bị mắc bệnh dại như chó. Các trường hợp bệnh dại xảy ra ở mèo nhà cũng tiến triển tương tự như chó. Mèo bị mắc bệnh dại thường hay núp mình vào chỗ vắng vẻ hoặc hay kêu, bồn chồn khi khi động dục; chúng có thể cắn khi có người chạm vào, vuốt ve hay tiếp xúc.

 

Chó nuôi thả rông là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu cho người
(ảnh internet minh họa)
 

Đường lây truyền bệnh dại

Bệnh dại chủ yếu được lây truyền qua vết cắn của chó dại hoặc chó dại liếm trên phần da và niêm mạc bị tổn thương, có vết trầy xước trên da. Thực tế cũng cho thấy một số trường hợp vi rút dại còn có khả năng lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị bệnh dại. Ngoài ra, bệnh dại cũng có các đường lây nhiễm khác nhưng hiếm gặp hơn như lây nhiễm qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí với những giọt sương nhỏ chứa vi rút dại ở trong hang dơi hay bị nhiễm do tai nạn nghề nghiệp trong phòng thí nghiệm. Thường các loại động vật có vú đều có cảm nhiễm đối với vi rút dại ở những mức độ khác nhau. Tuy vậy, các nhà khoa học đã chứng minh tính cảm nhiễm cao nhất thường gặp ở loài chó, mèo, cáo, chồn, dơi; tiếp đến là trâu, bò, lợn, khỉ, gấu, chuột... Người cũng có tính cảm nhiễm cao đối với vi rút dại nhưng có thể có kháng thể chủ động chống lại vi rút dại nếu được tiêm chủng vắc xin phòng dại.

Ý thức phòng chống bệnh dại

Việc phòng chống bệnh dại muốn có hiệu quả phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng người dân. Muốn thực hiện được vấn đề này, công tác truyền thông giáo dục phòng chống bệnh dại có một vai trò khá quan trọng. Cần tuyên truyền đến từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại đối với người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Vận động cá nhân, tập thể nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo ở từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh đối với đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y; một điều quan trọng là phải ký cam kết thực hiện 5 không là "không nuôi chó, mèo không tiêm phòng dại", "không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương", "không nuôi chó thả rông", "không để chó cắn người", "không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường". Cần hướng dẫn cho những người có nguy cơ cao dễ bị nhiễm vi rút dại thực hiện việc tiêm phòng vắc xin dại; những người có khả năng nhiễm bệnh từ động vật bị bệnh dại hoặc nghi ngờ mắc bệnh dại phải thực hiện việc điều trị dự phòng bằng vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại theo quy định của Bộ Y tế.

Khuyến nghị

Bệnh dại hiện nay vẫn còn là mối hiểm họa của cộng đồng ở một số địa phương. Thực tế ghi nhận trong thời gian qua nhiều người dân bị chó dại cắn và đã có các trường hợp bị tử vong. Vì vậy việc phòng bệnh có hiệu quả nhất là mọi người cần có sự hiểu biết về nguồn bệnh bị nhiễm, diễn biến bệnh lý, đường lây truyền bệnh và ý thức phòng chống. Điều quan trọng nhất là cá nhân, tập thể, hộ gia đình phải tự giác thực hiện triệt để "5 không" theo hướng dẫn đã được nêu ở trên. Chính quyền địa phương ở những vùng có nhiều nguy cơ bệnh dại lưu hành, phát triển cần có trách nhiệm, phải vào cuộc vấn đề nhạy cảm này của xã hội và có biện pháp xử lý hành chính một cách cụ thể đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình không tuân thủ những quy định cần thiết trong việc chủ động phòng chống bệnh dại tại cơ sở. Hãy quan tâm việc phòng chống bệnh dại là trách nhiệm của cộng đồng.

 

Ngày 11/07/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích