Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 3 3 7 5
Số người đang truy cập
4 4 7
 
Phòng ngừa bệnh học đường lây qua đường tiêu hóa

Y tế trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền thông giáo dục sức khỏe để học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm thực hiện những biện pháp phòng ngừa nhằm chủ động tránh mắc phải một số bệnh thường gặp tại học đường do sự lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Ngoài "thức ăn đường phố", loại hình "quà vặt cổng trường" cũng là mối nguy cơ làm cho học sinh dễ mắc bệnh vì ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp ở học sinh tại các trường học là tiêu chảy cấp tính, tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, viêm gan A, tay chân miệng và nhiễm giun. Vì vậy cần biết một số các đặc điểm của bệnh và cách phòng bệnh để chủ động việc phòng ngừa.

 
Bệnh lây qua đường tiêu hóa cần được quan tâm tại các trường học (ảnh internet minh họa)

Bệnh tiêu chảy cấp tính

Thường gặp ở những trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu của cấp tiểu học. Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ vì bị mất nước và các chất điện giải trầm trọng. Nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy cấp tính do trẻ ăn uống những loại thức ăn, nước uống không thích hợp, có khả năng dinh dưỡng không tốt; có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột do các loại Rotavirus, trực khuẩn E coli, trực khuẩn lỵ, shigella, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn. Ngoài ra cũng có có thể do bị viêm nhiễm ngoài ruột như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị mắc bệnh sởi hay ho gà. Yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho bệnh tiêu chảy cấp tính phát triển tại các trường học do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng ẩm giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển. Đối với học sinh bị suy dinh dưỡng sẽ dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy cấp tính, nếu bị mắc thì bệnh kéo dài lâu hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Ngoài ra, học sinh mầm non dưới 2 tuổi, bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa cũng dễ bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp tính. Để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính ở học sinh, cần kịp thời bù nước và chất điện giải bằng cách cho trẻ uống oresol khi phát hiện trẻ đi tiêu phân lỏng hoặc tóe nước từ 2 đến 3 lần trong ngày. Về chế độ dinh dưỡng, cần cho trẻ bú sữa sớm ngay từ khi mới sinh, khi trẻ được 6 tháng thì cho ăn bổ sung với thức ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. Đối với vệ sinh ăn uống, các loại dụng cụ dùng để chế biến và ăn uống của trẻ phải được giữ sạch, thường xuyên tráng nước sôi trước khi sử dụng; không cho trẻ ăn thức ăn bị ôi thiu, nấu chưa chín; rau quả tươi phải rửa sạch, gọt, bóc bỏ; nước uống phải được vô trùng; dặn dò học sinh không được ăn quà vặt ở các gánh hàng rong; các bão mẫu trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn phải rửa sạch bàn tay; đồng thời cũng phải rửa tay sạch cho trẻ, phải cắt ngắn các móng tay; bếp ăn ở trường học nội trú hoặc bán trú phải được thiết kế một chiều và bảo đảm vệ sinh. Về vệ sinh môi trường, phải sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt trong trường học; các khu nhà vệ sinh phải bảo đảm yêu cầu; có hệ thống thu gom xử lý rác thải và nước thải. Đồng thời cũng cần chú ý đến các biện pháp diệt côn trùng truyền bệnh, ngăn chặn ruồi nhặng bay vào bám đậu ở những nơi sinh hoạt, học tập của trẻ. Một điều nên nhớ là phải cho trẻ thực hiện đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo quy trình và lịch quy định. 

 
Tiêm chủng vaccine để phòng bệnh học đường lây qua đường tiêu hóa (ảnh internet minh họa)

Bệnh tả

Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae thường được gọi là phẩy khuẩn tả gây ra. Độc tố của vi khuẩn gây nôn mửa và đi tiêu chảy nặng kèm theo mất nước nhiều. Bệnh dễ có nguy cơ phát triển, lây lan nhanh gây ra dịch bệnh và cũng dễ dàng dẫn đến tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời, tích cực. Hiện nay bệnh tả vẫn còn có khả năng lưu hành ở một số vùng và thường xuyên xảy ra những vụ dịch nhỏ. Tuy vậy, phẩy khuẩn tả thường dễ chết dưới tác động của nhiệt từ ánh nắng mặt trời, ở nhiệt độ trên 55oC trong vòng 1 giờ và ở nhiệt độ 80oC sau 5 phút. Phòng ngừa mắc bệnh tả bằng cách chú ý việc truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh thực hiện việc ăn chín, uống chín và vệ sinh cá nhân; không nên ăn rau sống kể cả rau đã được rửa sạch trong thời gian có dịch bệnh lưu hành. Giáo dục và vận động học sinh thường xuyên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, tham gia sử dụng vaccin phòng bệnh tả. Y tế trường học tham mưu và đề xuất việc xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn trong nhà trường. Khi phát hiện học sinh có tiêu chảy và nôn nhiều, y tế trường học nên chủ động bù nước và chất điện giải bằng dung dịch oresol uống; đồng thời đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để có điều kiện bù nước và chất điện giải bằng đường tĩnh mạch. Y tế trường học phải phối hợp tích cực với cơ sở y tế tại địa phương xử lý dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, triệt để khi có dịch bệnh xảy ra.

Bệnh lỵ trực khuẩn

Lỵ trực khuẩn là bệnh do trực trùng Shigella thuộc họ Enterobacteriacae, loại vi khuẩn gram âm gây ra. Bệnh thường lưu hành ở những vùng nhiệt đới và ôn đới; có khả năng lưu hành tản phát quanh năm ở nhiều địa phương nhưng thường gia tăng, phát triển vào mùa hè thu; đồng thời có thể làm xảy ra dịch bệnh lỵ trực trùng trong một số nơi. Phòng ngừa bệnh bằng cách phát hiện sớm học sinh bị mắc bệnh và học sinh lành mang vi khuẩn; đồng thời khi phát hiện thì người bệnh phải cách ly. Các chất thải của bệnh nhân được tẩy uế bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%; dụng cụ, quần áo cũng cần sát trùng, ngâm dung dịch chloramin 2%; tẩy uế buồng bệnh, phòng y tế trường học bằng dung dịch cresyl 5%. Cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân như vào ngày đầu chỉ cho ăn nhẹ, sau đó ăn gần bình thường nhưng không ăn hạn chế quá từ 3 đến 4 ngày. Tránh ăn thức ăn nhiều chất xơ, cứng, nhiều chất mỡ và gia vị. Nếu nhân viên nhà trường bị mắc bệnh là cấp dưỡng, nấu ăn, tiếp phẩm thì không nên bố trí tiếp tục ở vị trí này sau khi xuất viện. Cần chú ý ngăn chặn sự tiếp xúc của côn trùng trung gian truyền tại các bếp ăn trong nhà trường như thực phẩm tươi sống nên cất vào tủ, nơi chế biến thức ăn phải có lưới ngăn ruồi nhặng; không cho học sinh ăn rau sống, quả tươi chưa được xử lý an toàn. Định kỳ có kế hoạch tổ chức biện pháp diệt ruồi nhặng và côn trùng trong nhà trường. Tuyên truyền, vận động học sinh việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; kiểm tra vệ sinh môi trường ở các phòng học, lớp học, phòng nghỉ, nhà ăn, nhà bếp trong trường học.

Bệnh thương hàn

Thương hàn cũng là bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch do trực khuẩn Salmonella typhi thuộc loại vi khuẩn gram âm gây ra. Bệnh thương hàn đã và đang là một vấn đề lo ngại của y tế toàn cầu nên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng quan trọng. Bệnh phân bố ở nhiều nơi và lây nhiễm cho nhiều lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là từ 5 đến 19 tuổi. Các nhà khoa học cho rằng trong 10 năm trở lại đây đã có nhiều vụ dịch xảy ra do vi khuẩn thương hàn kháng thuốc điều trị làm cho tình hình càng thêm nghiêm trọng. Phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch; thực hiện việc ăn thức ăn đã nấu chín kỹ, uống nước đã đun sôi, không uống nước lã, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng. Một điều cần quan tâm đối với trẻ em ở lứa tuổi học đường là cần tiêm chủng vaccine phòng bệnh thương hàn theo quy định. Trong trường hợp y tế trường học phát hiện học sinh nghi ngờ bị mắc bệnh thương hàn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để chẩn đoán xác định, xử trí điều trị phù hợp.

 
Rửa tay với nước sạch và xà phòng để phòng bệnh đường tiêu hóa học đường (ảnh internet minh họa)
 

Bệnh viêm gan A

Bệnh do loại virus viêm gan A gây nên và thường được viết tắt là HAV (hepatitis A virus). Chúng có thể truyền nhiễm một cách tản phát hoặc phát triển thành dịch và thường diễn biến một cách có chu kỳ. Sự nhiễm bệnh tăng dần theo lứa tuổi, thường phát hiện ở các học sinh tiểu học và trung học. Tuy vậy nhưng mọi người đều có thể có tính cảm nhiễm đối với bệnh. Đặc biệt tính miễn dịch đặc hiệu được tạo thành sau khi mắc bệnh và tồn tại suốt đời. Phòng ngừa bệnh bằng cách cho học sinh sử dụng vaccine viêm gan A ở những nơi có dịch bệnh lưu hành và loại vaccine này có thời gian bảo vệ được khoảng 20 năm. Học sinh đã bị nhiễm viêm gan A thì đã có kháng thể bảo vệ không cần phải sử dụng thêm vaccine. Đây là bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa nên phòng bệnh bằng các biện pháp chung như tuyên truyền vận động học sinh rửa sạch và gọt bỏ vỏ các loại rau quả tươi khi ăn, tránh ăn các loại thức ăn thịt và cá chưa được nấu chín kỹ hoặc đang còn tái; uống nước sạch đã đun sôi để nguội; dặn dò học sinh không nên tắm ở nguồn nước bị ô nhiễm; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; không dùng chung khăn mặt mặt, bát đũa, cốc nước uống, bàn chải đánh răng với người bị nhiễm bệnh. Cần chú ý nhân viên nhà trường bị bệnh viêm gan A chữa chưa khỏi không nên bố trí việc chế biến, nấu nướng thức ăn cho học sinh nội trú hay bán trú. Ở những vùng lũ lụt, nhà trường cần làm vệ sinh tốt ở những nơi chứa nước sinh hoạt, tẩy uế và dùng thuốc sát khuẩn phù hợp. Một điều cần chú ý là chỉ được sử dụng nước đã xử lý trong, khử khuẩn cho việc ăn uống và sinh hoạt tại trường học.

 
Quà vặt cổng trường có nguy cơ gây nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa (ảnh interner ninh họa)

Bệnh tay - chân - miệng

Đây là bệnh truyền nhiễm do loại virus thuộc nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên. Tác nhân chính thường là Coxackie virus A16, đôi khi do Enterovirus 71 hoặc loại Enterovirus khác. Bệnh xảy ra và lưu hành quanh năm nhưng hay gặp vào mùa hè thu; đối tượng mắc bệnh thường là học sinh dưới 10 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Sở dĩ học sinh là trẻ nhỏ, trẻ em và lứa tuổi thiếu niên dễ cảm nhiễm với loại virus này so với người lớn vì chúng không có quá trình bị phơi nhiễm trước đó. Phòng ngừa bệnh hiện nay chưa có biện pháp đặc hiệu cụ thể kể cả vaccine phòng bệnh. Vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tuyên truyền vận động học sinh rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng; bảo mẫu hay người chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh không nên ôm hôn, dùng chung thức ăn hoặc chén bát... Cho trẻ súc miệng, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bọng nước, làm trầy xước da. Phải thay quần áo hàng ngày, cắt ngắn móng nay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo... Cần chú ý không được chọc vỡ bọng nước, không đắp các loại lá cây. Phải dõi chặt chẽ và nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu nặng như sốt cao, có rối loạn tri giác, co giật...

Bệnh nhiễm giun

Bệnh thường xảy ra do môi trường ăn uống của học sinh bị ô nhiễm và thói quen mất vệ sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh còn nhỏ chưa có ý thức vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày nên rất dễ dàng bị nhiễm trứng giun. Bệnh nhiễm giun hay gặp ở học sinh là giun đũa, giun móc, giun kim và giun tóc. Phòng ngừa mắc bệnh nhiễm giun cho học sinh bằng cách truyền thông giáo dục sức khỏe, vận gia đình, động cộng đồng quản lý và xử lý tốt phân người và các loại gia súc; không bón rau màu bằng phân tươi. Nhà ở của gia đình, nhà trẻ, lớp học của học sinh phải thoáng mát, khô ráo, có nhiều ánh sáng mặt trời rọi vào trong khoảng thời gian từ 7 đến 9 giờ sáng. Hướng dẫn, giáo dục cho học sinh phải luôn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Bếp ăn ở trường học phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sử dụng, chế biến, bảo quản thức ăn. Vận động học sinh thường xuyên rửa tay hàng ngày bằng nước sạch và xà phòng. Đối với trẻ bị nhiễm giun kim phải rửa hậu môn bằng nước sạch và xà phòng vào các buổi sáng sau khi ngủ dậy. Quần áo, chăn màn, chiếu cần phơi nắng hàng ngày hay dội bằng nước sôi. Không cho trẻ nhỏ mặc quần thủng đáy và dặn dò trẻ không sờ tay vào hậu môn khi ngứa. Hướng dẫn phụ huynh ở những vùng trồng rau có tỷ lệ nhiễm giun móc cao không cho trẻ đi chân đất, tiếp xúc với đất trồng và phân bón.

Như vậy hàng ngày học sinh có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với những yếu tố để có thể mắc nhiễm một số bệnh khá phổ biến đã được nêu trên. Khi học sinh ở nhà là trách nhiệm của các bậc cha mẹ và gia đình nhưng khi đến trường học là trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là y tế trường học. Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa phổ biến ở học đường có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh cần thiết, đồng thời cũng phải được hỗ trợ bởi các loại vaccine phòng bệnh quy định.

Ngày 19/05/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích