Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 28/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 6 9 8 9 6
Số người đang truy cập
5 4 2
 Thư viện điện tử
Bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu khá phổ biến

Hiện nay ung thư là bệnh đang có xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu khá phổ biến. Bạch cầu cấp gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc phòng bệnh đang còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy phải tích cực thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu những nguy cơ mắc bệnh.

Đặc điểm bệnh bạch cầu cấp

Bệnh bạch cầu cấp còn gọi là bệnh lơxêmi (leucémie, leukemia) được các nhà khoa học dùng để chỉ tình trạng tế bào bạch cầu của máu tăng cao làm cho máu có màu trắng nhờ. Thực tế tùy theo diễn biến của bệnh nhanh hay chậm để phân biệt thể cấp tính và thể mạn tính. Các nhà khoa học xem bạch cầu cấp là một bệnh được xác định về mặt giải phẫu học với một tình trạng thâm ngấm các tế bào ác tính ở tủy xương, có khi ở cả máu ngoại vi. Những tế bào ác tính này xuất phát từ tủy xương cùng với sự sinh sản, tích lũy của chúng làm giảm sút, thậm chí lấn át hoàn toàn sự sinh sản của các tế bào tủy xương lành mạnh. Vì vậy người mắc bệnh bạch cầu cấp có biểu hiện hai loại rối loạn chính gồm: tế bào ác tính thâm ngấm vào các cơ quan làm tăng thể tích của gan, lách, làm đau xương nhất là ở trẻ em và tế bào lành mạnh vắng mặt ở tủy xương sẽ gây thiếu máu, nhiễm khuẩn và chảy máu. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh bạch cầu cấp mà chỉ mới biết được một số yếu tố cơ bản có liên quan ảnh hưởng tạo nên nguy cơ. Các nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu để làm rõ như dưới tác động ảnh hưởng của những tia phóng xạ, chế phẩm dùng để chẩn đoán bệnh, một số chất hóa học được sử dụng, yếu tố di truyền và địa lý, bệnh di truyền, nhiễm vi-rút... Bệnh bạch cầu cấp được chia làm hai nhóm chính là bạch cầu cấp nguyên bào lympho và bạch cầu cấp không nguyên bào lympho. Để phân biệt và phân loại một cách cụ thể, ngoài đặc điểm hình thái dùng xác định; cần vận dụng thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm tế bào hóa, kỹ thuật tế bào di truyền miễn dịch...

 
Bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu với tế bào bạch cầu của máu tăng cao (ảnh minh họa)

Biểu hiện triệu chứng bệnh lý

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch cầu cấp được tạo ra do hậu quả của việc thay thế các tế bào lành bởi các tế bào ác tính và sự thâm ngấm của tế bào này vào các cơ quan, các mô tế bào của cơ thể. Bệnh có thể bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu như mệt lả, sốt cao, xuất huyết; đồng thời cũng có thể xuất hiện một cách kín đáo hơn như suy nhược từ từ, sốt không cao và có xu hướng xuất huyết hoặc nhiễm khuẩn. Một số trường hợp người bệnh trông vẻ bề ngoài khỏe mạnh, chỉ có triệu chứng mệt mỏi và sốt âm ỉ nhưng kiểm tra xét nghiệm máu và tủy xương mới có thể giúp cho việc chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên sốt vẫn là triệu chứng thường gặp nhất, sốt cao kết hợp với nhiễm khuẩn; đôi khi người bệnh không bị nhiễm khuẩn cụ thể và không có sự đáp ứng với kháng sinh. Một số người bệnh có các triệu chứng sưng to hạch hạnh nhân, hơi thở rất hôi, lách và hạch sưng to, xuất huyết dưới da ở khắp cơ thể; đây là biểu hiện của các trường hợp bệnh ác tính. Cũng có một số bệnh nhân có tế bào thâm ngấm ở da tạo thành nốt nhỏ gọi là ban bạch cầu khá đặc trưng hoặc thành một u màu xanh ở hố mắt gọi là u lục do men peroxydase của tế bào thâm ngấm tạo ra. Triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục nữ, não - màng não là những dấu hiệu nguy hiểm và khó kiểm soát. Trường hợp bệnh nhân bị đe dọa xuất huyết não - màng não thì cần lưu ý đặc biệt đến các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu nhiều, phù gai thị có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Ở trẻ em bị bệnh bạch cầu cấp lympho, tế bào ác tính có thể xâm nhập vào màng nhện gây viêm não; vì vậy cần tiêm thuốc hóa học chống ung thư máu vào tủy sống thì mới điều trị có hiệu quả. Tế bào ác tính cũng có khả năng ngấm vào màng phổi gây tràn dịch, ngấm vào các khớp và thấm vào dưới màng xương gây đau xương đặc biệt là ở trẻ em nên dễ nhầm lẫn với thấp khớp cấp. Hiện tượng giảm hồng cầu là dấu hiệu thường gặp kể cả khi bệnh mới bắt đầu, bệnh càng tiến triển thì hồng cầu càng giảm; hồng cầu lưới cũng rất thấp nhưng có khi số lượng hồng cầu lưới tăng cao kèm theo bệnh cảnh thiếu máu tan máu. Số lượng tiểu cầu cũng giảm trong giai đoạn bệnh toàn phát, dễ dàng gây xuất huyết não - màng não. Số lượng bạch cầu có biến động tùy theo từng trường hợp, trong bệnh bạch cầu cấp tính số lượng bạch cầu không nhất thiết phải tăng và đây là điểm khác biệt với bệnh bạch cầu mạn tính. Thực tế có khi cả 3 dòng tế bào máu ngoại vi đều giảm, vì vậy không thể chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp khi chỉ dựa vào xét nghiệm máu ngoại vi mà phải thực hiện cả xét nghiệm tủy đồ. Khi kết quả chưa thật rõ ràng, phải sử dụng kỹ thuật sinh thiết tủy xương, hình ảnh tế bào máu qua sinh thiết tủy xương là điều đáng tin cậy nhất. Thực tiễn có những bệnh nhân trong một thời gian dài được chẩn đoán là suy tủy xương toàn bộ kể cả với kết quả sinh thiết nhưng sau 3 đến 6 tháng, có khi 1 năm thì bệnh bạch cầu cấp xuất hiện. Các nhà khoa học gọi tình trạng suy tủy xương này là một trong những hội chứng trước bạch cầu cấp. Xét nghiệm tủy đồ có thể chẩn đoán được bệnh vì tủy xương thường bị ngâm thấm bởi loại tế bào non ác tính; nếu tỷ lệ tế bào non ác tính trên 30% thì gần như khẳng định được sự mắc bệnh, nếu tỷ lệ thấp hơn thì cần dè dặt trong chẩn đoán. Để đạt được kết quả chính xác hơn, có thể dùng kỹ thuật tế bào di truyền để phát hiện rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể của tế bào tủy ở người bệnh bạch cầu cấp lympho; có khoảng trên 50% bệnh nhân có rối loạn hình thái nhiễm sắc thể của các tế bào tủy, tiên lượng và kết quả điều trị phụ thuộc vào mức độ rối loạn nhiễm sắc thể. Ngoài ra, rối loạn cơ chế đông máu cũng xuất hiện trong bệnh bạch cầu cấp do số lượng tiểu cầu giảm nên cục máu không co lại, thời gian chảy máu kéo dài. Trong bệnh bạch cầu cấp tiền tủy bào rất hay gặp biến chứng trầm trọng là đông máu rải rác nội mạch, vì vậy cần làm xét nghiệm kiểm tra đông máu của loại bệnh này để phát hiện biến chứng nhằm xử trí điều trị kịp thời. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên đo axít uric của máu để theo dõi nhằm tránh những biến chứng của bệnh như bệnh gút, kết tủa tinh thể trong thận và niệu quản. Để phân loại bệnh và các nhóm, có thể dùng phương pháp tế bào hóa, biện pháp kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng và tính chính xác trong chẩn đoán nhằm điều trị có hiệu quả cao.

Điều trị và phòng bệnh

Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã có những cố gắng rất lớn trong việc điều trị bệnh bạch cầu cấp nên cuộc sống của người bệnh được kéo dài thêm rõ rệt. Có nhiều loại phác đồ điều trị khác nhau nhưng cơ chế, nguyên lý và cách sử dụng thuốc gần như nhau. Bệnh bạch cầu cấp có tế bào ác tính khá cao, sau điều trị nếu số lượng tế bào ác tính giảm trên 99% có thể xem là thời kỳ lui bệnh hoàn toàn, không còn triệu chứng lâm sàng, máu và tủy xương trở lại bình thường hoặc gần như bình thường; nếu chỉ còn lại một tế bào ung thư thì sau 40 lần phân bào sẽ sinh ra khá nhiều tế bào con, vì vậy phải kéo dài thời gian điều trị sau khi đã đẩy lui bệnh hoàn toàn. Một số thuốc alkylant và kháng sinh chống ung thư hủy diệt tế bào ở cả thời kỳ phát triển cũng như khi đang nghỉ, còn thuốc chống chuyển hóa chỉ tác động vào giai đoạn phân bào. Dùng các thuốc alkylant và kháng sinh thường có lợi hơn vì thực tế có những tế bào bạch cầu nằm yên trong nhiều tháng không hoạt động. Phương pháp điều trị nào cũng phải tìm cách hủy diệt nhiều nhất tế bào ác tính. Trong đợt lui bệnh đầu tiên sau điều trị, những tế bào sống sót ít chịu tác dụng của thuốc, do đó những đợt lui bệnh càng về sau càng ngắn. Vì vậy các phác đồ điều trị phải có sự kết hợp của nhiều loại thuốc hóa học để tấn công mạnh, củng cố liên tục gọi là liệu pháp đa hóa. Ngoài thuốc hóa học chống ung thư, có thể sử dụng tia phóng xạ, thuốc kháng sinh, truyền khối máu tươi và khối tiểu cầu, chống đông máu rải rác nội mạch, ghép tủy xương... tùy theo từng trường hợp. Như trên đã nêu, bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu khá phổ biến, việc phòng bệnh còn gặp nhiều khó khăn nên điều cần thiết nhất là phải thực hiện các biện pháp tích cực giảm nguy cơ mắc bệnh. Vấn đề quan trọng là bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm tia phóng xạ và các hóa chất độc hại. Trong thực tế, trình độ công nghiệp hóa ngày càng cao thì việc sử dụng năng lượng nguyên tử, các chất hóa học ngày càng nhiều và càng phát triển. Các chất phế thải từ các nhà máy cũng chứa nhiều chất độc. Vì vậy cần có biện pháp bảo vệ môi trường sống được trong sạch, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân làm việc trong các xí nghiệp hóa chất bảo đảm an toàn. Quy định chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp để bảo vệ con người và môi trường chung quanh. Có quy chế nghiêm ngặt việc dùng X quang và chất cản quang cho người bệnh cũng như các nhân viên kỹ thuật y tế, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai trong những tháng đầu. Sử dụng đúng các thuốc hóa học trị bệnh, đề phòng thuốc gây ung thư thứ phát. Các bà mẹ khoảng 40 tuổi trở lên tránh sinh đẻ và nên tránh hôn nhân cùng huyết thống. 

Ngày 27/04/2016
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích