Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Finance & Retail Thư viện điện tử
Công trình nghiên cứu về Ký sinh trùng
Công trình nghiên cứu về Sốt rét & SXH
Công trình nghiên cứu về Côn trùng & véc tơ truyền
Đề tài NCKH đã nghiệm thu
Thông tin-Tư liệu NCKH
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 5 5 7 1
Số người đang truy cập
2 6 8
 Thư viện điện tử
Giải đáp bạn đọc về các kiến thức chuyên ngành ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh tháng 10 năm 2014 (Phần 2)

Thành Vinh, 39 tuổi, TP. Đà Nẵng, hotboy112@...........

Hỏi: Tôi có một đứa con gái9 tuổi, sức khỏe và học tập hoàn toàn bình thường, song hai dàn móng tay của cháu bị thay đổi màu sắc và độ trơn láng lóng, sần sùi và cong vòng lên ở hầu hết các ngón tay rất nặng và tôi cũng đã đi khám bệnh ở nhiều nơi, kể cả các phòng khám chuyên khoa da liễu rất nhiều lần nhưng không hề thuyên giảm. Tôi xin gởi kèm theo hinh ảnh qua email cho bác sĩ. Kính mong quý bác sĩ giúp cho cháu và gia đình chúng tôi rất biết ơn!

Trả lời: Quả thật, chúng tôi thành thật xin lỗi bạn vì đã 6 tháng qua kể từ khi nhận được thông tin nhưng chưa có câu trả lời nào thảo đáng và đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp cho con bạn nên đành hẹn đến hôm nay. Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi nhận được các hình ảnh liên quan đến bệnh lý con bạn đang mắc phải, đúng là bệnh khó thuộc chuyên khoa da liễu, vì tính khoa học cũng như mong cứu giúp cháu, chúng tôi đã mạo muội gởi hình ảnh này đến các nhà da liễu trong nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kể cả 2 chuyên gia da liễu nước ngoài khi sang Việt Nam báo cáo khoa học. Tất cả họ đều kết luận là bệnh lý loạn dưỡng móng ở trẻ em nhưng hướng điều trị thì khó vô cùng.
 

Loạn dưỡng móng là bệnh rất khó điều trị triệt để, vì có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Đó có thể là biểu hiện thứ phát sau khi nhiễm một số bệnh về móng như nấm móng, vảy nến; Do dùng thuốc điều trị ung thư, HIV; Do thói quen lạm dụng việc làm móng, cắt da, sử dụng sơn móng tay không phù hợp, thường xuyên ngâm tay trong nước; Do thiếu chất; một số trường hợp lại không rõ nguyên nhân.

Để tìm nguyên nhân và điều trị đúng cách, cần phải đi khám chuyên khoa da liễu. Sau điều trị, móng mới sẽ mọc và thay dần móng cũ bị hỏng. Sau khi loại trừ các yếu tố do nhiễm nấm, nhiễm trùng, lạm dụng việc làm móng, cắt da, sử dụng sơn móng tay không phù hợp, thường xuyên ngâm tay trong nước, tiếp xúc với hóa chất… nếu bệnh vẫn không dứt thì có thể là do bạn bị thiếu chất bẩm sinh, di truyền. Trường hợp này cần phải uống thuốc bổ sung dưỡng chất thường xuyên. Bệnh loạn dưỡng móng chủ yếu là gây mất thẩm mỹ, không nguy hiểm đến sức khỏe. Để bệnh không nặng lên, người bệnh không được rửa tay với xà phòng, không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất tẩy rửa, không sơn móng tay, cắt da, không sử dụng thuốc tùy tiện. Khi làm việc, tiếp xúc với nước nên đeo bao tay. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa caroten như cà rốt, đu đủ, bí đỏ, gấc.
 

Chúng tôi cũng đã xin phép PGS.TS. Trần Hậu Khang chia sẻ vấn đề này và đồng ý cho số điện thoại di động 0913 232408, khi nào anh chị có thể liên hệ và đưa cháu ra ngoài Hà Nội để gặp giáo sư trực tiếp khám và chỉ định xét nghiệm và điều trị sẽ cụ thể hơn.

Thân chúc gia đình khỏe và cháu sớm được chẩn đoán và điều trị phục hô

Bùi Thị Thúy Y. 27 tuổi, công ty TNHH TM và DV TV, Vĩnh Phúc, …

Hỏi: Gần đây, không hiểu tại sao trên tóc của tôi bị rụng từng chùm tóc rất nhiều và cảm thấy thưa tóc, tôi e sợ nếu không điều trị thì sẽ không còn sợi nào, khi đó tôi làm sao đi học và đi làm được. Em viết mail này kính nhờ các y bác sĩ giúp đỡ cho em sớm lấy lại mái tóc như ban đầu vì em đã làm mọi cách rồi.

Trả lời: Phải nói rằng chúng tôi biết chị đang rất lo lắng nếu chẳng may đầu mình không còn sợi tóc nào. Bình thường, quá trình phát triển tóc được chia ra thành các giai đoạn khác nhau như phát triển à trung gian à Ngừng phát triển. Thời gian giai đoạn phát triển của lông/ tóc thường vào khoảng từ 2 đến 6 năm, trung bình là 3 năm (1.000 ngày). Thời gian của giai đoạn trung gian từ 1 đến 2 tuần. Còn ở giai đoạn ngừng phát triển kéo dài khoảng 3 đến 5 tháng (trung bình là 100 ngày) trước khi tóc/lông rụng đi.
 

Ở da đầu bình thường, khoảng 85 – 90% tóc ở giai đoạn phát triển, 10 – 15% ở giai đoạn ngừng phát triển, giai đoạn trung gian thường khoảng 1%. Nếu tính trung bình da đầu có khoảng 100.000 sợi tóc, thì có khoảng 100 sợi tóc sẽ rụng hàng ngày. Tốc độ phát triển của tóc da đầu vào khoảng 0,37 mm/ngày. Trái lại với quan điểm thường cho rằng việc cạo râu/tóc hoặc chu kỳ kinh nguyệt sẽ tác động đến sự phát triển của lông/tóc. Vậy nếu như một người không cắt tóc thì sợi tóc có thể phát triển trung bình tới độ dài 25 đến 100 cm, tuy nhiên cá biệt có một số người tóc có thể dài tới 170 cm.

Lông/tóc gồm các loại sau: lông tơ (xuất hiện ở thời kỳ trong bào thai và vài tháng sau đẻ), lông (là sợi lông ở thân mình, tay, chân) và tóc (có thể có ở tất cả vị trí da trên cơ thể trừ lòng bàn tay, bàn chân, môi, móng, môi bé sinh dục, thân dương vật và bao da quy đầu). Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây tóc rụng, nhưng chủ yếu được chia thành 2 loại nguyên nhân: rụng tóc không sẹo và rụng tóc có sẹo. Việc khám, đánh giá lâm sàng, các xét nghiệm hỗ trợ giúp chẩn đoán nguyên nhân rụng tóc. Ngoài ra, rụng tóc có thể do các nguyên nhân như: giảm phát triển của tóc, tăng quá trình rụng tóc, tóc gẫy, hay sự chuyển từ tóc sang lông.
 

I. Rụng tóc không sẹo

1. Rụng tóc thể mảng

·Rụng tóc thể mảng thường biểu hiện với triệu chứng tóc rụng nhanh, rụng hoàn toàn để lại một hoặc nhiều dát hình tròn hoặc oval ở da đầu không có tóc, đôi khi có thể thấy xuất hiện ở vùng râu, lông mày, mi mắt... Kích thước các dát rụng tóc này thường từ 1 - 5 cm, đôi khi còn thấy một số sợi tóc bình thường hoặc sợi tóc bạc trên bề mặt dát rụng tóc. Khi khám tại vùng rìa của dát tóc rụng có thể thấy sợi tóc ngắn dạng “dấu chấm than”. 10% các trường hợp rụng tóc thể mảng nặng có biểu hiện kèm theo ở móng như chấm, đường lõm ngang hoặc dọc.
 

·Rụng tóc thể mảng đôi khi tiến triển nặng gây rụng tóc toàn bộ và rụng toàn thể lông tóc.

·Một số trường hợp rụng tóc thể mảng có thể tự khỏi mà không điều trị gì.

·Các phương pháp điều trị dưới đây được lựa chọn trong điều trị rụng tóc thể mảng:

-Tiêm corticoid tại chỗ: phương pháp này được cho là lựa chọn đầu tiên, hiệu quả và kinh tế nhất. Thuốc hay sử dụng là Triamcinolone, với liều điều trị ở đây thường áp dụng là 5mg/ml. ở những trường hợp rụng tóc nhiều, tiêm tại chỗ ít đem lại kết quả hoàn toàn.

-Miễn dịch tại chỗ: một số chất được sử dụng cho rụng tóc thể mảng với diện tích lớn là DNCB (dinitrochlorobenzene), SADBE (squaric acid dibutyl ester), DPCP (diphenylcyclopropenone). Tuy vậy, các thuốc này đều là thuốc có nhiều tác dụng phụ như đỏ da, tróc vảy, thâm nhiễm.

-Bôi corticoid tại chỗ: chỉ sử dụng corticoid dạng mạnh, nhưng kết quả thường đạt được ít như mong muốn.

-PUVA: là phương pháp sử dụng psoralen dạng uống hoặc dạng bôi tại chỗ, phối hợp với chiếu ánh sáng tử ngoại bước sóng dài (UVA). Kết quả đạt được chỉ thấy sau khoảng 30 lần chiếu với liều UVA cao.

-Bôi Minoxidil 2% - 5%: có thể sử dụng dưới dạng chỉ định hỗ trợ điều trị, kích thích quá trình mọc tóc.

-Các thuốc khác như Cyclosporine, Tacrolimus... cũng có chỉ định trong điều trị rụng tóc thể mảng.

2. Rụng tóc do tác động lên các giai đoạn phát triển tóc

·Rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển: là sự rụng quá mức các nang tóc ở giai đoạn ngừng phát triển. Bình thường tỷ lệ tóc ở giai đoạn phát triển với giai đoạn ngưng phát triển là 10:1. Nhưng ở rụng tóc này, các sợi tóc ở giai đoạn ngưng phát triển nhanh chóng bị rụng đi nên tỷ lệ này giảm xuống. Một số nguyên nhân thường gặp ở đây là: sau đẻ 3 – 5 tháng (giai đoạn này, hầu hết các tóc chuyển từ giai đoạn phát triển sang giai đoạn ngưng phát triển), phẫu thuật, suy dinh dưỡng, sốt kéo dài, stress tâm lý nặng...

·Rụng tóc ở giai đoạn phát triển: do ức chế tóc ở giai đoạn phát triển. Rụng tóc có thể do các nguyên nhân như điều trị hóa chất, tia xạ, ngộ độc, suy dinh dưỡng...

·Việc điều trị rụng tóc này chủ yếu dựa vào tìm nguyên nhân và loại trừ nguyên nhân gây nên rụng tóc.
 

3. Rụng tóc nội tiết

·Rụng tóc nội tiết hay rụng tóc Androgenetic là loại rụng tóc hay gặp nhất ở cả hai giới và thường mang tính chất gia đình. Nguyên nhân của rụng tóc là tăng nhạy cảm quá mức của các receptor androgen (hormon sinh dục nam) và a-reductase ở vùng da đầu phía trước cao hơn so với ở vùng da đầu phía sau.

·Ở nam, rụng tóc thể này được gọi là rụng tóc kiểu hói nam. Tóc thường rụng bắt đầu ở vùng trên của thái dương và rụng dần lên trên, tạo nên kiểu chân tóc hình “M” và có thể tiến triển thành hói toàn bộ vùng trán tới đỉnh.

·Ở nữ, rụng tóc được gọi là theo kiểu hói nữ. Tóc trở nên thưa dần trên toàn bộ da đầu, nhưng chủ yếu vùng đỉnh. Vùng tóc ở phía trước thường ít rụng hơn, nên không thấy thay đổi đường chân tóc phía trán. Thường rụng tóc kiểu hói nữ không gây hói toàn bộ.

·Các phương pháp và thuốc giúp điều trị rụng tóc nội tiết:

-Minoxidil: dung dịch 2% thường chỉ định cho nữ và 5% chỉ định cho nam. Tốt nhất sử dụng dạng dung dịch bôi lên da đầu 2 lần/ngày.

-Finasteride: Theo FDA của Mỹ thì Finasteride có chỉ định sử dụng trong điều trị rụng tóc nội tiết của cả nam và nữ. Nhưng trên thực thực hành, Finasteride chỉ sử dụng cho bệnh nhân nam. Hiệu quả điều trị của Finasteride được đánh giá tốt đặc biệt ở nhóm bệnh nhân ở độ tuổi 18 - 40. Liều sử dụng 1 mg/ngày và thời gian điều trị trong 6 tháng đến 1 năm.

-Cấy chuyển tóc: phương pháp được sử dụng khá nhiều ở các nước phát triển. Cấy chuyển tóc có thể bằng phương pháp chuyển vạt da đầu, cấy chuyển dạng đảo, hoặc cấy chuyển từng sợi.

-Các thuốc khác có thể sử dụng trong rụng tóc nội tiết là Dutasteride, Cyproterone acetate, Flutamide, Spironolactone,...

4. Tật nhổ tóc

-Tật nhổ tóc là do thói quen người bệnh thường nhổ tóc, lông mày hoặc mí mắt. Tật nhổ tóc thường gặp ở trẻ gái dưới 10 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ trai và người lớn tuổi.

-Biểu hiện là mảng tóc rụng, giới hạn của mảng này không rõ. Tóc rụng ở mảng không đều, với các sợi tóc có chiều dài khác nhau. Bề mặt mảng tóc rụng lởm chởm với các sợi tóc chưa nhổ được hết. Người bệnh thường than phiền cảm giác đau, khó chịu nang lông, hoặc vùng da đầu nên cần nhổ tóc để đỡ đau.

-Việc điều trị tật nhổ tóc thường dựa vào các biện pháp tâm lý, điều chỉnh hành vi. Một số thuốc có thể áp dụng là Clomipramine, Fluvoxamine, Fluoxetine, Paroxetine...
 

5. Rụng tóc khác

-Rụng tóc giang mai: ở giang mai thời kỳ thứ hai, các tổn thương ngoài da là đào ban, sẩn cũng có thể xuất hiện ở vùng da đầu. Những tổn thương dẫn đến rụng tóc theo kiểu “rừng thưa”. Nhiều tác giả khuyên rằng: ở tất cả các thể rụng tóc lan tỏa đều cần phải làm xét nghiệm RPR để loại trừ nguyên nhân rụng tóc do bệnh giang mai gây nên.

-Rụng tóc do nấm ở da đầu: Nấm da đầu thường biểu hiện là các mảng đỏ, nhiều vảy, tóc rụng theo kiểu đứt gẫy thân tóc ngay trên chân tóc da đầu. Khi nhổ chân tóc còn lại, thấy có vảy bám xung quanh chân tóc.

II. Rụng tóc có sẹo

Rụng tóc có sẹo là biểu hiện của rụng tóc kèm theo sự phá hủy hoặc mất đi của nang tóc. ở giai đoạn cấp tính, ngoài rụng tóc còn có các biểu hiện như sẩn đỏ, mảng đỏ, sẩn nang lông, nút sừng nang lông, hoặc mụn mủ. Tuy nhiên, ở những trường hợp viêm sâu thì không thấy các biểu hiện trên mà đôi khi giống như rụng tóc không sẹo. Hầu hết các trường hợp rụng tóc sẹo cần phải sinh thiết để chẩn đoán xác định và đưa ra tiên lượng về khả năng mọc tóc sau điều trị.

Các quá trình viêm của da đầu có thể do nhiễm khuẩn vi khuẩn, do nấm, do bệnh lý da tại vùng da đầu gây phá hủy các nang tóc đều có thể làm cho tóc rụng và để lại sẹo trên vùng tóc rụng đó. Nếu như quá trình này chỉ mới bắt đầu, việc điều trị kịp thời sẽ giúp cho tóc phục hồi và mọc lại bình thường. Tuy vậy, nếu phá hủy toàn bộ nang tóc tại vùng tổn thương thì điều trị có thể giúp làm khỏi bệnh da tại chỗ, còn tóc khó có thể mọc lại được. Điều trị rụng tóc có sẹo dựa chủ yếu vào các nguyên nhân gây rụng tóc. ở mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ có cách xử trí khác nhau. Có nhiều bệnh gây rụng tóc có sẹo, dưới đây là một số bệnh lý hay gặp.

1. Rụng tóc do lupus đỏ

-Rụng tóc trong lupus đỏ thường biểu hiện với 2 dạng lâm sàng:

-Tổn thương rụng tóc có sẹo là ban đỏ, teo da, nút sừng nang lông, giãn mạch, tăng và giảm sắc tố tại chỗ. Bệnh nhân có biểu hiện rụng tóc này có thể hoặc không kèm theo biểu hiện khác của lupus đỏ hệ thống và lupus đỏ kinh.

-Biểu hiện tóc khô, thưa, dễ gẫy ở vùng phía trước da đầu trong lupus đỏ hệ thống.

-Khi sinh thiết tổn thương rụng tóc do lupus da mạn tính thường thấy tập trung nhiều tế bào lympho bào, dày sừng và nút sừng nang lông.
 

2. Rụng tóc do lichen phẳng nang lông

-Biểu hiện là các sẩn hoặc dát đỏ quanh nang lông. Các sẩn nang lông có thể lan ra thân mình và các chi. Vùng tổn thương tóc rụng có thể thấy các điểm sẹo teo.

-Ngoài ra, còn các tổn thương sẩn hình đa giác, màu đỏ tím ở vùng cổ tay.

-Chẩn đoán chủ yếu dựa vào sinh thiết thấy hình ảnh thâm nhiễm điển hình của lichen phẳng ở trung bì.

3. Rụng tóc do viêm nang lông decalvans

-Viêm nang lông mụn mủ, vết trợt, vảy tiết tái phát nhiều lần, gây rụng tóc có sẹo màu trắng ngà. 

-Nguyên nhân có thể do phản ứng quá mạnh của cơ thể đối với các nhiễm khuẩn như tụ cầu.

4. Rụng tóc do kerion celsi

-Hiện tượng nấm da đầu gây phản ứng mạnh, tạo nhiều tầng mủ ở da đầu. Kết quả quá trình viêm này gây rụng tóc có sẹo. 

-Bệnh Kerion celsi thường gặp ở trẻ nhỏ, sống ở gia đình có nuôi súc vật như chó, mèo.

-Điều trị cần phối hợp kháng sinh chống nấm với trích rạch dẫn lưu mủ tại chỗ.

5. Rụng tóc do trứng cá sẹo lồi

-Thường hay gặp ở người nam, trẻ tuổi, da sẫm màu, với hình thành các sẩn dạng trứng cá ở vùng gáy.

-Sau các tổn thương này tiến tiển thành dạng sẹo lồi gây phá hủy các nang tóc.

-Điều trị bằng tiêm corticoid tại chỗ, vitamin A acid, kháng sinh, phẫu thuật cắt bỏ dưới nang tóc.

6. Rụng tóc giả thể mảng của Brocq

-Hiện tượng rụng tóc giống như thể mảng, không có hiện tượng viêm, hay dày sừng nang lông. Tuy vậy, vùng rụng tóc này tiến triển lặng lẽ gây nên sẹo tại chỗ và phá hủy các nang tóc.

7. Nguyên nhân khác

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây rụng tóc sẹo như

-Do bỏng

-U nhày

-Các khối u ở da đầu

Hy vọng với các thông tin mà chúng tôi trích từ internet của các đồng nghiệp chuyên ngành da liễu sẽ cho bạn biết nhiều về nguyên nhân gây rụng tóc và có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng rụng tóc của bạn từ đây về sau. Thân chúc bạn khỏe!

Trần Văn T, 47 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên, 0903….

Hỏi: Xin được hỏi các bác sĩ của Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn về bệnh lý viêm nang lông sao chữa hoài không bớt, nếu bớt thì sau đó lại tái phát và phải đi khám lại và rồi mua thuốc uống lại, bôi lại. Không biết hiện nay có phương pháp điều trị nào tối ưu nhất xin chỉ giúp tôi. Chân thành cảm ơn quý bác sĩ!

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trích thông tin và bài viết của chuyên gia, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Duy Hưng đang công tác tại Viện Da liễn Trung ương về vấn đề này như sau: Viêm nang lông nhiễm trùng là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc viêm mô dưới da.
 

Có một số yếu tố thuận lợi như khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục - hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoides, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường. Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại, đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas sp, Proteus sp.,..., nấm men, nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và ký sinh vật Demodex sp.

Biểu hiện bệnh là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ, để lại vết chợt nhỏ và đóng vảy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ mọc rải rác, nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm...

Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm:

-Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu trùng, mụn trứng cá bội nhiễm vi khuẩn Gram âm hoặc viêm nang lông do vi trùng Gram âm đơn thuần, u mềm lây và nhiễm động vật chân khớp Demodex folliculorum ở nang lông;

-Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, gây viêm chân tóc, lông, đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi khuẩn Gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết chợt và đóng vẩy tiết. Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Sau khi khỏi không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong một thời gian. Sycosis có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt. Trường hợp áp xe, tổn thương nang lông tuyến bã có thể gây sẹo sau khi khỏi. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex sp. gây thương tổn giống trứng cá đỏ;

-Vùng da đầu và vùng gáy: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi;

-Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân, thường viêm do nhiễm trùng;

-Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida sp.

-Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng ẩm.
 

Các tác nhân gây bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng:

-Viêm nang lông do tụ cầu: tụ cầu vàng có thể gây viêm nang lông nông hay còn gọi là chốc nang lông và cũng có thể gây viêm sâu lan xuống toàn bộ nang lông. Viêm nang lông hay gặp ở vùng râu và gây ngứa. Khi viêm lan cả đơn vị nang lông - tuyến bã thì có thể để lại sẹo sau khi khỏi. Bệnh hay tái phát khi không loại được các yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Một số vùng hay bị như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu;

-Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm thường xảy ra ở những người bị trứng cá sử dụng kháng sinh uống dài ngày. Các mụn trứng cá trở nên nặng hơn, viêm nang lông thành sẩn hoặc áp xe nang lông thành bọc vùng má, cằm;

-Viêm nang lông do nấm sợi: khởi đầu thường là nhiễm nấm ở lớp sừng quanh miệng nang lông sau đó mới lan vào sâu trong nang lông và vào lông. Nấm da và nang lông có thể thấy ở đầu với các biểu hiện khác nhau do các chủng nấm khác nhau gây nên.

+ Nấm da gây đứt sợi tóc và bong vảy da, loại nấm này gây thương tổn là một đám da tròn, bong vảy da trắng và gây rụng tóc, tác nhân gây bệnh là nấm Microsporum do súc vật truyền sang mà thường là chó/ mèo (Microsporum canis);

+ Nấm da gây đứt sợi tóc sát da đầu và thấy vết đen ở chân tóc, thường do nấm Trichophyton tonsurans Trichophyton violaceum;

+ Nấm Favus gây áp xe nang lông và rụng tóc, nếu không điều trị sớm sẽ gây rụng tóc và sẹo da đầu, do Trichophyton schoenleinii gây nên.

+ Kerion thường biểu hiện đám viêm thành cục hoặc đám lớn, đau, nhiều mủ vàng như mật o­ng, tóc không bị đứt gãy mà bị rụng và có thể nhổ cả bọng tóc mà không đau. Nang lông bị viêm và có nhiều mủ, tạo các lỗ thông nhau giữa các nang. Có thể chỉ có một đám thương tổn nhưng cũng có khi nhiều đám trên da đầu. Thường có hạch vùng lân cận. Bệnh có thể tự khỏi nhưng gây rụng tóc và để lại sẹo. Tác nhân gây bệnh do các loại nấm ở động vật hoặc ở đất truyền sang người: T. verrucosum, T. mentagrophytes.
 

-Viêm nang lông do nấm Malassezia: thường hay gặp ở vùng khí hậu nóng và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các thương tổn này giống như trứng cá nhưng không có nhân mụn (comedon), phân biệt với trứng cá có comedon.

-Nấm men Candida albicans thường xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị nóng ẩm lâu ngày, ví dụ như bệnh nhân bị sốt nằm lâu, hoặc các vùng da băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ thành đám.

-Viêm nang lông do nhiễm vi rút herpes: thường xảy ra ở vùng râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu, thành đám như chùm nho, sau vài ngày đóng vẩy tiết. Bệnh tự khỏi không để lại sẹo nhưng thường hay tái phát.

-Sycosis do nhiễm vi rút u mềm lây: do vi rút Molluscum contagiosum đó là các sẩn màu da lõm ở giữa ở nang lông hoặc quanh nang lông vùng râu cằm, ria mép. Bệnh do lây nhiễm và thường tự khỏi sau một thời gian vài tháng, đôi khi lâu hơn;

-Viêm nang lông giang mai: các sẩn màu đỏ đồng, có thể xếp thành hình ovan, gây rụng tóc nhưng khỏi không để lại sẹo. Ngoài ra còn có các thương tổn khác của bệnh giangmai như đào ban, mảng niêm mạc vùng sinh dục - hậu môn... và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính;

-Viêm nang lông do Demodex folliculorum, gây bong vẩy da xung quanh nang lông, có biểu hiện giống như vẩy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã nhờn hoặc sẩn - mụn mủ đỏ nang lông giống như trứng cá đỏ trên nền đỏ da ở mặt.
 

Chẩn đoán phân biệt:

-Trứng cá thông thường, trứng cá đỏ, viêm quanh miệng, viêm nang lông bạch cầu ái toan ở bệnh nhân nhiễm HIV, trứng cá do thuốc nhóm halogen, do corticoid, lithium...

-Dày sừng nang lông

-Viêm da tiết bã nhờn...

Xét nghiệm:

-Nhuộm Gram tìm cầu trùng Gram dương

-Soi tìm nấm: tìm các nấm sợi, nấm M. furfur và nấm candida.

-Nuôi cấy tìm các vi khuẩn tại thương tổn và trong trường hợp tái phát nhiều lần cần nuôi cấy tìm vi khuẩn ở hậu môn, lỗ mũi ; đó có thể là nơi chứa vi khuẩn và là nguồn lây ra ngoài da.

-Nuôi cấy phân lập nấm.

-Soi đèn Wood để phát hiện nhiễm nấm.
 

Tiến triển và biến chứng:

Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị.

Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da.

Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxide để phòng ngừa tái phát.

Chẩn đoán: các biểu hiện bệnh giúp cho chẩn đoán bệnh. Có thể lấy bệnh phẩm ở thương tổn và nhuộm Gram để phát hiện cầu khuẩn Gram dương. Nuôi cấy giúp cho định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh có hiệu quả trong trường hợp điều trị bệnh dai dẳng lâu khỏi.

Điều trị:

-Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chông nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...

-Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

-Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân. Các kháng sinh β - lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, Co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh;

-Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc Co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho Isotretinoin;

-Viêm nang lông do nấm,sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster. Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như Itraconazole 100mg uống 2viên/ ngày trong 14 ngày hoặc Terbinafine uống 250mg/ngày trong 14 ngày;

-Đối với nấm men Candida sp. dùng Itraconazole 100mg uống 2viên/ ngày trong 14 ngày, hoặc Fluconazol 150mg uống 2viên/ ngày trong 14 ngày.

-Viêm nang lông do vi rút herpes, có thể bôi kem Acyclovir 6lần/ ngày và uống Acyclovir 400mg 3lần/ ngày hoặc 200mg 5 lần/ ngày, hoặc Valacyclovir 500mg uống 2 lần/ ngày;

-Viêm nang lông do Demodex, có thể dùng kem Permethrine bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.

Chú ý: đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn... và tránh làm xây xước da do cạo râu bằng cách cắt râu bằng kéo.

Hy vọng với các ý kiến trên và thông tin đầy đủ về viêm nang lông do từng loại vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng ở trên đã giúp bạn nhận ra và chăm sóc cho da của mình tốt hơn.

Trương Đình V, 47 tuổi, An Nhơn, Bình Định

Hỏi: Chúng tôi thấy rất nhiều người mõi khi chợt nhớ ra là mình chưa dùng thuốc sổ giun lại đi mua thuốc sổ giun từ ngoài các quầy thuốc tây về uống mà chúng ta không rõ công dụng và tác hại thuốc sổ giun như thế nào cũng như cách dùng ra sao. Vậy nên chúng tôi xin hỏi các bác sĩ trong ban biên tập Viện sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn làm thế nào hiểu và thực hiện đúng thuốc sổ giun.

Trả lời: Giun là sinh vật ký sinh sống trong cơ thể người và chiếm đoạt chất dinh dưỡng, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt ở trẻ em). Gần đây, chúng ta có thể đọc được rất nhiều thông tin “hot” đề cập về giun và nhiễm trùng giun gây nguy hại như thế nào dưới các tít như “Dễ tử vong do nhiễm giun xoắn”, “Giun chui ống mật gây đau bụng”, Giun móc và giun mỏ - Kẻ hút máu đáng ghét”, “Nuốt trứng giun sán để giảm cân: Y học "bó tay"!”, “Mối nguy hiểm từ nhiễm giun”,…
 

Nguy cơ nhiễm giun qua đường ăn uống diễn ra thường xuyên, do vậy cần phải dùng thuốc diệt trừ giun định kỳ, đặc biệt là ở đối tượng nguy cơ nhiễm giun cao. Tuy nhiên, việc dùng thuốc tẩy giun cũng phải có những hiểu biết nhất định, nếu không cũng gây ra những tác hại khó lường. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc có thể sử dụng để điều trị giun, tùy theo độ tuổi và việc nhiễm loại giun nào. Các thuốc điều trị giun hiện nay về cơ chế tác dụng có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm làm giun bị chết và bị tống ra ngoài cơ thể theo phân; nhóm không làm giun bị chết mà chỉ làm chúng tê liệt không còn khả năng bám vào thành ruột và bị nhu động của ruột đưa ra ngoài; nhóm phá hủy cơ thể giun, làm tiêu giun.
 

Một số thuốc trị giun thường dùng

Các thuốc điều trị giun thế hệ mới đều ở nhóm thứ 3, với nhiều ưu điểm là khá an toàn, có hiệu lực với nhiều loại giun và có dạng sử dụng thuận tiện. Trên thị trường hiện nay, có một số thuốc hay được sử dụng để điều trị giun là:

Mebendazole: viên 500mg, được chỉ định sử dụng khi nhiễm một hoặc nhiều loại giun như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn. Thuốc cản trở sự tạo thành vi ống tế bào ở ruột giun bằng cách kết hợp đặc hiệu vào vi ống và gây ra các thay đổi thoái hóa siêu cấu trúc ở ruột giun, khiến chức năng tiêu hóa của giun bị rối loạn dẫn đến quá trình tự phân giải. Thuốc được chỉ định khi nhiễm một hay nhiều loại giun ở đường ruột.

Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là một viên duy nhất. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi tình trạng nhiễm giun ảnh hưởng trầm trọng đến dinh dưỡng và phát triển thể chất của trẻ. Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan không nên dùng thuốc.

Thuốc có tương tác với một số thuốc khác như cimetidine. Khi sử dụng cùng lúc có thể ức chế chuyển hóa mebendazole tại gan, làm tăng nồng độ thuốc trong máu. Do vậy, với người đang sử dụng cimetidin thì không nên dùng thuốc mebendazole hoặc phải ngừng cimetidine mới được dùng thuốc để tẩy giun. Cũng không nên dùng mebendazole đồng thời với metronidazole vì có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson.

Albendazole: là một dẫn chất benzimidazole, cũng có tác dụng tương tự như mebendazole (về cấu trúc có liên quan với mebendazole). Thuốc cũng có phổ hoạt tính rộng trên các giun đường ruột như giun móc, giun đũa, giun kim, giun lươn, giun tóc và thể ấu trùng di trú ở cơ và da. Thuốc cũng có tác dụng đối với các loại sán dây, sán lá, ấu trùng sán lợn và ấu trùng sán ở mô. Albendazole có hoạt tính trên giai đoạn trưởng thành và ấu trùng của các loại giun đường ruột, diệt được cả trứng của giun đũa và giun tóc.

Thuốc được chỉ định khi nhiễm một loại hay nhiều loại giun. Không được sử dụng albendazole cho người có tiền sử nhiễm độc tủy xương, phụ nữ mang thai và người mẫn cảm với các hợp chất loại benzimidazole. Đối với người bệnh có chức năng gan bất thường, cần phải thận trọng sử dụng vì thuốc chuyển hóa ở gan, có thể gây nhiễm độc.

Các tác dụng không mong muốn như khó chịu ở đường tiêu hóa, nhức đầu có thể gặp nhưng sẽ tự hết sau khi ngưng thuốc.
 

Pyrantel pamoat: Là thuốc có tác dụng với giun đũa, giun kim, giun móc nhưng không có tác dụng đối với giun tóc; tác dụng đồng thời lên cả dạng chưa trưởng thành và đã trưởng thành của giun, nhưng không có tác dụng đối với ấu trùng của giun khu trú trong mô. Thuốc làm tê liệt giun và tống giun ra ngoài theo phân.

Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan. Cần tránh dùng thuốc đồng thời với một số thuốc như lévamisoledo, piperazine vì có thể làm tăng độc tính của thuốc. Tác dụng phụ có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, phát ban ngoài da. Các tác dụng phụ này hiếm gặp.

Dự phòng nhiễm giun bằng cách nào?

Sử dụng thuốc điều trị giun chỉ là việc loại trừ giun chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm giun. Vì vậy, để phòng nhiễm giun, người lớn cần chú ý thực hiện và giáo dục cho trẻ thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống. Để tránh gặp các tác dụng phụ (hoặc dùng thuốc không đúng) của thuốc, trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc trị giun nào cần có ý kiến của bác sĩ. Trẻ em hay bị nhiễm giun do trẻ hay lê la dưới đất, không biết rửa tay trước khi ăn... Khi thấy trẻ có các biểu hiện như xanh xao, chậm lớn, hay đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ăn vặt, hay chảy nước miếng nhất là khi đi ngủ... cần đưa trẻ đi khám để xác định xem trẻ có bị nhiễm giun không, khi đã bị nhiễm giun bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị.

Nguyễn Xuân Trí, 69 tuổi, Trần Phú, TP. Hồ Chí Minh,

Hỏi: Tôi là một bệnh nhân mà không biết bao nhiêu căn bệnh đổ dồn về phía tôi nào là tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, hen,…Nên có rất nhiều loại thuốc khác nhau uống trong cùng một ngày, nhưng một nỗi là không biết uống như thế nào cho đúng và tiện lợi mà bệnh lại hiệu quả, ít độc. muốn hỏi các bác sĩ điều trị thì lại không có thời gian họ trả lời, đôi khi họ trả lời cũng rất không đúng. Kính mong các bác sĩ giúp chúng tôi uống thuốc lúc nào tốt nhất?

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin chia sẻ một bài viết rất đầy đủ và chi tiết của PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức đang công tác tại Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh phúc đáp. Đối với thuốc loại uống, đặc biệt phải uống đôi ba lần trong ngày, người ta rất quan tâm đến thời điểm dùng thuốc, tức vào lúc nào trong ngày xem là tốt nhất cho việc uống thuốc.
 

Đối với thuốc loại uống, đặc biệt phải uống đôi ba lần trong ngày, người ta rất quan tâm đến thời điểm dùng thuốc, tức vào lúc nào trong ngày xem là tốt nhất cho việc uống thuốc. Từ lâu, người ta thường chọn lựa thời điểm dùng thuốc thích hợp dựa vào các bữa ăn (ngay, gần hoặc xa bữa ăn) tùy vào sự tương tác thuốc và thức ăn, thức uống. Thức ăn thức uống nếu được dùng chung cùng với thuốc sẽ ảnh hưởng làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc, do đó làm thay đổi tác dụng và cả độc tính đối với thuốc. Tức là, nếu dùng thuốc không đúng lúc, thuốc và thức ăn thức uống có thể gây tương tác với thuốc dùng một cách bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều thuốc không ảnh hưởng bởi thực phẩm, muốn uống lúc nào cũng được.

Trước hết, thức ăn thức uống có thể làm thay đổi mức độ hấp thu của thuốc đưa đến thuốc có tác dụng nhanh hay chậm. Nếu uống thuốc vào lúc đói (trước khi ăn 1 giờ chẳng hạn) thời gian lưu thuốc tại dạ dày chỉ trong vòng vài chục phút rồi tống ngay xuống ruột giúp thuốc được hấp thu khá nhanh. Trái lại, nếu thuốc uống ngay sau bữa ăn, thời gian lưu thuốc tại dạ dày sẽ lâu hơn, từ 1 - 4 giờ làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc, tức thuốc được hấp thu chậm và kém, đưa đến thuốc cho tác dụng chậm. Dựa vào bữa ăn, có thể chia thuốc uống ra làm 4 loại: loại nên uống vào lúc bụng no, loại uống vào lúc bụng đói, loại nên uống cùng với bữa ăn, và loại uống tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc.
 

Thuốc nên uống vào lúc bụng no (tức uống ngay sau khi ăn):

Một số kháng sinh kém bền với môi trường acid như ampicillin, erythromycin, lincomycin… nên uống vào lúc bụng no (nhờ thức ăn trung hòa acid ở dạ dày); nếu uống vào lúc bụng đói làm tăng khả năng phân hủy thuốc do môi trường có nhiều acid tại dạ dày. Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID: ibuprofen) nếu dùng dạng không bao bảo vệ niêm mạc dạ dày thì nên uống vào lúc bụng no để không hại dạ dày.

Thuốc nên uống vào lúc bụng đói (tức uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 1 - 2 giờ):

Có khá nhiều thuốc kháng sinh nên uống vào lúc bụng đói vì giúp hấp thu thuốc vào máu nhanh hơn để thuốc sớm cho tác dụng điều trị.Còn thuốc được bào chế dạng bao tan ở ruột (như Aspirin pH8) hay dạng phóng thích dược chất kéo dài (như Adalate LP) nên uống vào lúc bụng đói, tức để thuốc được đưa xuống ruột nhanh giúp màng bao viên thuốc không bị vỡ gây ảnh hưởng đến tác dụng thuốc.

Thuốc nên uống cùng với bữa ăn:

Các thuốc tan nhiều trong dầu mỡ như: vitamin A, D, E, K, kháng sinh kháng nấm griseofulvin nên uống cùng bữa ăn (ngay trước hoặc ngay sau cũng được) để nhờ chất béo của thức ăn thức uống giúp thuốc hấp thu tốt hơn. Thuốc trợ tiêu hóa bổ sung enzyme tiêu hóa pancreatin (Festal, Neopeptine…) cũng nên uống cùng với bữa ăn (hoặc trước khi ăn 5 - 10 phút) để giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Thuốc uống lúc nào tùy thuộc vào tính chất của từng loại thuốc:

Vì mỗi loại thuốc có bản chất khác nhau nên không có quy luật chung về uống thuốc vào lúc nào cho tất cả các loại thuốc. Cũng như không có tài liệu nào trình bày đầy đủ cách uống thuốc cho mọi loại thuốc. Mà cách dùng thuốc lúc nào sẽ tùy vào sự hiểu biết về dược động học, dược lực học của từng loại thuốc cụ thể mà được áp dụng (thông thường bản hướng dẫn sử dụng thuốc có đề cập nhưng có khi không nói đến).
 

Ví dụ thứ nhất cho thấy uống thuốc lúc nào tùy thuộc vào tác dụng của thuốc. Domperidon (Motilium-M) là thuốc có tác dụng kích thích nhu động của dạ dày, làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn; cho nên, domperidon được dùng trị chứng khó tiêu đầy bụng, no lâu do thức ăn chậm xuống ruột.

Cần uống thuốc domperidon 15 - 30 phút trước bữa ăn nhằm cho thuốc có đủ thời gian hấp thu vào máu cho tác dụng trị chứng khó tiêu do dạ dày hoạt động không tốt. Bởi vì sau khi uống doperidom khoảng 30 phút thì thuốc mới vào được trong máu và đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương, tức khi đó thuốc mới cho tác dụng tốt nhất. Nếu ta uống thuốc sau bữa ăn, và thời gian uống sau bữa ăn lại quá dài, domperidon không kịp phát huy tác dụng trị chứng khó tiêu đã phát sinh.

Ví dụ thứ hai cho thấy uống thuốc lúc nào không chỉ tùy thuộc vào tác dụng của thuốc mà còn tùy thuộc vào tác dụng phụ có hại của thuốc. Glimepirid là thuốc trị trị đái tháo đường týp 2 (ĐTĐ2) theo cơ chế kích thích tế bào bêta của tuyến tụy tiết insulin để giúp hạ đường huyết nếu có sự tăng đường huyết. Đối với người bệnh ĐTĐ2, thời điểm tăng đường huyết dễ xảy ra sau bữa ăn. Vì vậy, nên uống thuốc glimepirid ngay trước bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày (có tài liệu ghi uống vào bữa ăn thì cũng tương tự).
 

Uống ngay trước bữa ăn để glimepirid có thời gian cho tác dụng đúng lúc đường huyết bắt đầu tăng do bữa ăn. Còn metformin cũng là thuốc trị ĐTĐ 2 nhưng nên uống metformin sau bữa ăn vì metformin có tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy), nếu uống bụng trống dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn (uống trước bữa ăn do bụng đói dễ bị nôn hơn).

Ngày 30/10/2014
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích