Những bài học kinh nghiệm từ phòng khám kết hợp quân dân y của bộ đội biên phòng tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế
Trong hội nghị tổng kết chương trình quân dân y năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 10/02/2010, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Duân, Phó Chủ nhiệm hậu cần bộ đội biên phòng tỉnh đã báo cáo kết quả hoạt động của phòng khám kết hợp quân dân y trong nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và giúp dân trên địa bàn đóng quân. Đặc điểm tình hình Tuyến biên giới Việt-Lào thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 85 km chạy dọc theo chiều dài của huyện với 12 xã biên giới, tiếp giáp hai tỉnh Sa La Van và Xê Kông thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nơi đây có đường Hồ Chí Minh đi qua nối liền với tỉnh Quảng Trị ở phía bắc và tỉnh Quảng Nam ở phía nam. Lực lựng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện để bảo vệ an ninh biên giới gồm có 4 Đồn Biên phòng, Huyện đội, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 92 và 3 Đội công tác cơ sở. Để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia cũng như các chương trình y tế ưu tiên của địa phương, ngoài mạng lưới hoạt động của dân y, lực lượng quân y bộ đội biên phòng đã triển khai xây dựng 3 phòng khám kết hợp quân dân y tại xã Hồng Vân, Hồng Thái, Đông Sơn vào năm 2001; năm 2009 phát triển thêm 2 phòng khám tại xã Nhâm và A Đớt. Ngoài ra còn có Bệnh xá kết hợp quân dân y của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 92 đóng quân tại xã A Roằng, phụ trách hoạt động tại 5 xã phí nam của huyện. Trong thời gian qua, 5 phòng khám kết hợp quân dân y của bộ đội biên phòng và 1 bệnh xá kết hợp quân dân y của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng đã hoạt động có hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, truyền thông giáo dục sức khoẻ, vận động quần chúng thực hiện các chương trình y tế cộng đồng; góp phần tích cực cùng hệ thống dân y trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới A Lưới. Kết quả công tác khám chữa bệnh năm 2009 Trong năm 2009, các phòng khám kết hợp quân dân y của bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí lực lượng quân y để duy trì các hoạt động theo nhiệm vụ yêu cầu. Đã thực hiện việc cấp cứu 19 bệnh nhân bị tai nạn và bệnh nặng, khám chữa bệnh cho 3.227 bệnh nhân với chi phí tiền thuốc điều trị 71.213.982 đồng; trong đó bao gồm nguồn thuốc bảo hiểm y tế và nguồn thuốc của Bộ Tư lệnh biên phòng cấp. Ngoài ra đã tổ chức đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 500 người thuộc đối tượng chính sách của 2 xã Hồng Thủy, Hồng Trung với trị giá tiền thuốc 24.000.000 đồng. Để thực hiện nhiệm vụ giúp nước bạn Lào, quân y biên phòng đã cùng tham gia lực lượng kết hợp với đoàn công tác của Sở Y tế Thừa Thiên Huế khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, tẩy giun đường ruột hàng loạt, cấp 100 màn chống muỗi và tẩm màn hóa chất diệt muỗi, tặng quà... cho 200 người dân ở bản K’Lô, huyện K’Lưm, tỉnh Xê Kông, nước CHDCND Lào. Với phương châm “giúp bạn chính là giúp mình” nên định kỳ, quân y bộ bội biên phòng đã cử cán bộ y tế sang biên giới để tiếp tục giúp dân khám chữa bệnh. Nhằm nâng cao chất lượng công tác, điều kiện cơ sở vật chất khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và giúp dân trên địa bàn đóng quân; bộ đội biên phòng đã xây dựng mới phòng khám kết hợp quân dân y tại xã A Đớt với trị giá 80 triệu đồng. Những vấn đề cần quan tâm Các quân y tham gia nhiệm vụ tại những phòng khám kết hợp quân dân y đã thể hiện sự nhiệt tình, tận tụy, yên tâm công tác khi được phân công, bám trụ tại cơ sở. Thời gian triển khai thực hiện các phòng khám kết hợp quân dân y của bộ đội biên phòng từ năm 2001 nên quân y tham gia hoạt động này đã có nhiều kinh nghiệm, tạo được uy tín và lòng tin đối với nhân dân; được đồng bào các dân tộc thiểu số càng yêu mến hơn “bộ đội Cụ Hồ”. Mặc dù hoạt động bước đầu có hiệu quả nhưng trình độ cán bộ quân y ở các phòng khám kết hợp quân dân y có phần hạn chế, cần được đào tạo để nâng cao. Một số quân y mới được điều chuyển đến nên kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, chưa hiểu thông, nói thạo tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nên có khó khăn trong quan hệ, giao tiếp. Quân y ở phòng khám có kinh nghiệm đã biến động do yêu cầu thuyên chuyển công tác của đơn vị. Trang thiết bị, dụng cụ của các phòng khám còn hạn chế, cần được sự hỗ trợ thêm; chế độ chính sách cho các quân y tham gia hoạt động tại các phòng khám cần có sự quan tâm để động viên. Nhiệm vụ những ngày tới Với kết quả đã đạt được trong năm 2009, các phòng khám kết hợp quân dân dân y của bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tại huyện vùng cao, biên giới A Lưới sẽ quyết tâm duy trì, đẩy mạnh hoạt động, định kỳ có sự kiểm tra, giám của tuyến trên để nâng cao chất lượng công tác. Kết hợp chặt chẽ với lực lượng dân y trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, tổ chức các đợt khám chữa bệnh giúp người dân bản K’Lô, huyện K’Lưm, nước bạn Lào. Thường xuyên tiếp nhận sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Ban quân y biên phòng, Ban Quân Dân y tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc để kịp thời triển khai các nhiệm vụ và phối hợp công tác có hiệu quả. Tăng cường sự chỉ đạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho quân y tại các phòng khám kết hợp quân dân y, tạo điều kiện cho quân y học tập nâng cao trình độ để tham gia hoạt động bảo đảm các yêu cầu công tác khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế cộng đồng ngày càng cao. Góp phần thể hiện được châm ngôn “Quân dân y kết hợp là một thế mạnh của Thừa Thiên Huế”
|