Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Finance & Retail Hoạt động hợp tác
Hợp tác trong nước
Hợp tác quốc tế
Dân tộc thiểu số
Dự án Quỹ toàn cầu PCSR
Quân dân y kết hợp
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 6 0 0 5 8
Số người đang truy cập
3 2 9
 Hoạt động hợp tác Dân tộc thiểu số
Thiếu nữ Hà Nhì (nguồn ảnh: tin180.com)
Người dân tộc Hà Nhì

Người dân tộc Hà Nhì có tên tự gọi là Hà Nhi Gia, Haqniq, tiếng Hán đọc là Hānízú, Cáp Nê Tộc. Họ còn có các tên gọi khác là U Ní, Xá U Ní, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì Đen. Đây là một dân tộc trong số 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam và cũng là một dân tộc trong số 56 dân tộc được công nhận chính thức tại Trung Quốc. Dân tộc Hà Nhì sử dụng nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng, gần với ngôn ngữ Miến hơn.

Lịch sử, dân số và địa bàn cư trú

Người dân tộc Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở phía Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Từ thế kỷ thứ tám, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây Bắc Việt Nam nhưng phần lớn tổ tiên của người dân tộc Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân đã di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trước.

Người ta chưa biết rõ nguồn gốc của người dân tộc Hà Nhì, tuy tổ tiên họ thuộc tộc người Khương đã di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam từ trước thế kỷ thứ ba. Theo lời truyền miệng của người Hà Nhì thì họ có nguồn gốc từ người Di (Yi), tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt 50 đời về trước.

Ngôn ngữ dân tộc Hà Nhì thuộc nhánh ngôn ngữ Di, ngữ hệ Tạng-Miến. Theo lời truyền miệng thì người dân tộc Hà Nhì đã từng có một thứ chữ viết, nhưng thứ chữ này đã bị thất lạc khi di cư từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc xuống phía nam. Giờ đây họ sử dụng chữ cái Latinh làm chữ viết.

Tại Việt Nam, theo điều tra dân số năm 1999 có khoảng 17.500 người dân tộc Hà Nhì cư trú ở các tỉnh Lai Châu và Lào Cai, giáp ranh với Trung Quốc; gồm 3 nhóm địa phương là Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí và Hà Nhì Đen. Ước tính năm 2003, dân tộc Hà Nhì có dân số 19.954 người. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam có dân số 21.725 người, cư trú tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Họ cư trú tập trung tại các tỉnh Lai Châu 13.752 người, chiếm tỷ lệ 63,3% tổng số người Hà Nhì tại Việt Nam, tỉnh Lào Cai 4.026 người, tỉnh Điện Biên 3.786 người...

Tại Trung Quốc, có khoảng 97% trong tổng số hơn 574.800 người Hà Nhì sống ở tỉnh Vân Nam, rải rác quanh dãy núi Ai Lao Sơn, nằm giữa các sông Lan Thương Giang (Mekong) và Nguyên Giang hay Hồng Hà theo tiếng Hà Nhì. Tại đây có huyện tự trị dân tộc Cáp Nê, dân tộc Di, dân tộc Thái Nguyên Giang với huyện lỵ là Nguyên Giang.

Tại Lào, theo số liệu điều tra năm 1985, có 727 người dân tộc Hà Nhì cư trú ở đây.

Về đặc điểm kinh tế, tổ chức cộng đồng

Người dân tộc Hà Nhì chủ yếu trồng lúa, có nơi làm ruộng, có nơi làm nương rẫy. Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương, đắp đập lấy nước, dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà... Chăn nuôi là một nghề khá phát triển. Họ thường chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rong ở trong rừng có đến hàng trăm con. Người dân tộc Hà Nhì sớm biết trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ giỏi việc khai khẩn tạo nên những thửa ruộng trên sườn núi dốc với những mương dẫn nước khéo léo. Họ quen dùng phân chuồng và phân tro trong canh tác lúa nước; đồng thời cũng làm nương cày hoặc nương cuốc để trồng ngô hoặc rau đậu, bầu, bí, bông, chàm...

Các nghề thủ công như đan lát, dệt vải cũng rất phổ biến. Phần lớn người dân tộc Hà Nhì tự túc được vải mặc. Nghề trồng bông, dệt vải bảo đảm nhu cầu vải mặc truyền thống. Có nơi do khí hậu lạnh nên không trồng được bông, họ phải đem các sản phẩm như chàm, đồ đan, gia cầm đổi lấy bông. Phụ nữ thường dệt vải trên khung cửi nhỏ, khổ 20 cm. Vải có chất lượng bền do kỹ thuật dệt và vải được nhuộm chàm nhiều lần. Việc trồng chàm và nhuộm chàm là một hoạt động rất đặc sắc của người dân tộc Hà Nhì. Hoạt động hái lượm còn chiếm vị trí đáng kể trong đời sống hàng ngày.

Trong tổ chức cộng đồng, người dân tộc Hà Nhì hiện nay đã định cư, ở mỗi bản có khi có tới 60 hộ sinh sống. Người dân tộc Hà Nhì có nhiều họ, mỗi họ gồm nhiều chi. Dịp tết hàng năm có tục cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kể tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời. Tên của người dân tộc Hà Nhì thường đặt theo tập tục là lấy tên người cha, hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người ấy làm tên đệm.

Tính cộng đồng trong làng bản biểu hiện khá tập trung không chỉ trong sản xuất mà cả trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng. Gia đình nhỏ theo hệ phụ quyền nhưng người phụ nữ vẫn được trân trọng trong xã hội. Dân tộc này có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia ra thành nhiều chi. Tên chi gọi theo tên ông tổ. Người Hà Nhì không có tục thờ cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai út. Các thành viên trong gia đình dù đã ra ở riêng nhưng nếu chết phải đưa xác về quàn tại trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ cúng chung với tổ tiên.

Hàng năm vào tối 30 tết, một nghi lễ rất quan trọng trong gia đình được thực hiện. Ðó là lễ tưởng nhớ tổ tiên dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Tên từng người được gọi theo cách gọi phụ tử liên danh, tên cha nối với tên con, nên có vần điệu dễ nhớ. Có họ nhắc tới 71 tên gọi trong buổi lễ này. Có nơi nghi lễ này cũng được thực hiện trong lễ nhập quan cho người chết.

Về hôn nhân gia đình, tục lệ ma chay

Con trai và con gái người dân tộc Hà Nhì được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Mỗi cặp vợ chồng phải trải qua hai lần cưới. Ngay sau lần cưới đầu, họ đã thành vợ chồng, cô dâu về nhà chồng và theo phong tục ở tỉnh Lai Châu, cô dâu phải đổi họ theo chồng. Cũng ở tỉnh Lai Châu, có nơi người con trai lại ở rể. Lần cưới thứ hai được tổ chức khi họ đã làm ăn khá giả và thường sau khi đã có con.

Trong tục lệ ma chay, tập tục tổ chức ma chay của các vùng không hoàn toàn giống nhau nhưng có một số điểm chung là khi trong nhà có người chết, phải dỡ bỏ tấm liếp hay rút một vài nan liếp của buồng người đó, phá bàn thờ tổ tiên, làm giường đặt tử thi ở bếp, chọn ngày giờ tốt mới chôn. Người dân tộc Hà Nhì không có nghĩa địa chung của thôn bản, họ kiêng cử lấp đất có lẫn cỏ tươi xuống huyệt mộ, không rào dậu hay dựng nhà mồ, chỉ xếp đá quanh chân mộ... Quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có nắp đậy kín. Nơi đào huyệt được chọn bằng cách ném trứng, trứng vỡ ở đâu thì đào ở đấy. Họ kiêng cử chôn người chết vào mùa mưa, vào thời điểm đó quan tài người chết được treo xuống huyệt nhưng không lấp, bên trên có nhà táng hoặc đặt trên giàn. Hết mùa mưa mới đem chôn quan tài có người chết.

Về đặc điểm văn hóa

Người dân tộc Hà Nhì có nhiều truyện cổ, có cả truyện thơ dài. Nam nữ thanh niên có điệu múa riêng, đều theo nhịp tấu, nhạc cụ gõ. Con trai, con gái người dân tộc Hà Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Các thiếu nữ thích thổi am-ba, mét-du, tuy-húy hay nát-xi vào ban đêm. Con trai gảy đàn La Khư. Ngày lễ hội còn sử dụng trống, thanh la, chập cheng góp vui. Người dân tộc Hà Nhì có nhiều loại bài hát như các bà mẹ hát ru, thanh niên nam nữ hát đối... Ngoài ra còn có hát đám cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quý, hát trong ngày tết... Bài hát đám cưới của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu dài tới 400 câu.

Đối với nhà cửa, qua việc so sánh đối chiếu những tài liệu về nhà cửa các dân tộc, chỉ có nhà của người dân tộc Hà Nhì có những đặc trưng rõ rệt. Tính thống nhất của các đặc trưng này còn được thể hiện trên những địa bàn khác nhau.Nhà ở cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì là loại nhà đất, bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo cơ bản là kiểu vì kèo ba cột. Nhà có hiên rộng, họ còn làm thêm một cột hiên nên trở thành vì bốn cột. Tường được trình rất dày. Nhà không có cửa sổ, cửa ra vào cũng ít, phổ biến là chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Mặt bằng sinh hoạt của nhà thường có ba gian, ít nhà bốn gian; có hiên rộng ở mặt trước nhà. Trong nhà được chia theo chiều dọc, nửa nhà phía sau là các phòng nhỏ, nửa nhà phía trước để trống, ở một góc nhà có giường dành cho khách, ở đây còn có bếp phụ. Có trường hợp hiên được che kín như một hành lang hẹp, có cửa mở ở chính giữa. Đối với những loại nhà này có gian chính giữa hoặc thêm một gian bên cạnh có sàn cao khoảng 40 cm để dành cho khách, ở đây cũng có bếp phụ.

Về trang phục, phong cách trang phục của người dân tộc Hà Nhì giống với các dân tộc trong cùng nhóm ngôn ngữ nhưng có phần không điển hình ở phong cách trang trí. Họ thường mặc váy màu đen, chỉ có mũ, khăn, hai ống tay và nẹp áo phụ nữ có trang trí. Trang trí ở ống tay giống phong cách người dân tộc Lô Lô và Hmông.

Người dân tộc Hà Nhì quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ trong các bữa ăn hàng ngày. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, ưa dùng thịt nướng, thịt xào và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà hoặc thịt lợn

Về phương tiện vận chuyển, người dân tộc Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại và chuyên chở.

Trong sinh đẻ, người phụ nữ dân tộc Hà Nhì thường đẻ đứng. Ðể dễ đẻ họ có tục đập vỡ ống bương đựng nước cho nước toé ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Lá nhau của trẻ sau khi sinh được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò. Nhà có trẻ mới sinh được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên phải là sinh con gái, ở phía bên trái là sinh con trai.

Về việc thờ cúng, người dân tộc Hà Nhì tin có linh hồn, họ thờ cúng tổ tiên, cúng làng bản và các nghi lễ nông nghiệp. Người Hà Nhì ăn tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong năm còn có tết cơm mới, tết mồng năm tháng năm, rằm tháng bảy. Người dân tộc Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Trẻ em người Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay... Trong ngày lễ tết, người dân tộc Hà Nhì chơi trò nhảy gậy.

Ngày 03/10/2011
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích