Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 2 6 4 5 0
Số người đang truy cập
4 4 4
 
Đặc điểm ngộ độc thức ăn và cách xử trí

Ngộ độc thức ăn là bệnh gây ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hoặc độc tố vi khuẩn hay thức ăn có chứa các chất mang tính độc hại đối với người ăn. Làm thế nào để nhận biết ngộ độc và cách xử trí ngộ độc thức ăn như thế nào?

 

Đặc điểm của ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thức ăn xảy ra khi ăn phải thức ăn có độc, thường sau khi ăn khoảng 30 phút, có thể sau 2-3 giờ, cũng có khi sau vài ngày. Có nhiều người bị ngộ độc như nhau nếu cùng ăn loại thức ăn có độc, ăn chung một loại thức ăn mua ở cùng nơi sản xuất, chế biến hoặc cùng ăn thức ăn tại một nơi nấu nướng.

Dấu hiệu nhận biết là nhiều người bị tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng, còn gọi là đi tiêu chảy lỏng hàng loạt. Ngoài triệu chứng đi lỏng, người bị ngộ độc thức ăn thường có những triệu chứng kèm theo như nôn, đau bụng, có sốt hoặc không sốt, đau đầu... Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng thần kinh và toàn thân như nhức mỏi cơ thể, mê sảng, co giật...

Khi bị ngộ độc thức ăn nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, những trường hợp nặng và người già, trẻ nhỏ... có thể chết nhanh chóng. Trên thực tế có những vụ ngộ độc xảy ra với tỷ lệ tử vong rất cao gây nên tác hại lớn. Cần biết rằng có một số chất độc ngay sau khi ăn vào cơ thể với một lượng ít, nó không đủ để gây ngộ độc ngay sau khi ăn với các triệu chứng cấp tính nhưng lại tích lũy lâu ngày trong cơ thể tạo nên hiện tượng ngộ độc mãn tính, có tác hại lâu dài đến sức khỏe con người. Đối với các trường hợp này, việc phát hiện sự ngộ độc rất khó khăn như khi bị ngộ độc chất chì, ngộ độc thuốc trừ sâu, các chất phụ gia, các độc tố vi nấm... Hiện nay, y học đã phân tích được nhiều loại ung thư với nguyên nhân chủ yếu là do ngộ độc thức ăn mãn tính các chất phụ gia, độc tố vi nấm aflatoxin...

Thức ăn thường bị nhiễm độc do trong quá trình chế biến thức ăn, vận chuyển, bảo quản bị nhiễm bẩn. Vi khuẩn có điều kiện phát triển, sinh sôi nẩy nở hoặc nếu gặp các yếu tố thuận lợi sẽ tiết ra độc tố... Ngoài ra, thức ăn cũng có thể tiếp xúc, dính các chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, những chất kim loại độc... Một số loại thực phẩm bản thân nó tạm thời có một phần chất độc nhưng do quá trình chế biến không bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật nên không loại trừ được các chất độc đó như sắn, măng tre, khoai tây, cá nóc, cóc... Các trường hợp ăn nhầm phải thức ăn có chất độc như nấm độc, lá độc, cá độc... cũng thường được ghi nhận trên thực tế.

 

Ăn uống mất vệ sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
(Ảnh: LH-
http://www.xaluan.com/)

Phân loại ngộ độc thức ăn

Căn cứ vào nguồn nhiễm độc, có thể chia ngộ độc thức ăn thành hai loại thường gặp là ngộ độc thức ăn do vi khuẩn và ngộ độc thức ăn không do vi khuẩn.

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn: là loại ngộ độc thường gặp nhất. Vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, phát triển, sinh sôi nẩy nở, sản sinh ra chất độc. Người ăn phải thức ăn có vi khuẩn hoặc chất độc do vi khuẩn tiết ra đều có thể bị ngộ độc. Loại ngộ độc này thường hay gặp vào mùa nắng nóng vì nhiệt độ không khí tương đối cao, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Trong điều kiện thực tế tại nước ta, đời sống sinh hoạt còn thấp kém, môi trường chung quanh chưa bảo đảm vệ sinh, nhiều bụi bặm, phân, rác thải; nước uống, nước sinh hoạt còn thiếu và bẩn; dụng cụ chứa đựng thức ăn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và ngay cả khi ăn... đã tạo nhiều cơ hội để vi khuẩn có thể nhiễm vào thức ăn. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, chuột, bọ... đều là những thủ phạm có khả năng làm nhiễm vi khuẩn vào các loại thức ăn.

- Ngộ độc thức ăn không do vi khuẩn: là loại ngộ độc đang có nguy cơ phát triển và gia tăng ngày càng nhiều tại nước ta với nhiều trường hợp khác nhau.

Sự ô nhiễm chất độc hóa học sử dụng trong nông nghiệp do dùng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật như pha hóa chất không đúng nồng độ quy định, thời gian từ khi phun hóa chất cho đến khi thu hoạch sản phẩm trồng để sử dụng chưa đủ thời gian an toàn... sẽ gây nên sự nhiễm độc cho người ăn. Nguồn nhiễm độc này thường gặp do ăn các loại rau, củ, quả có phun hóa chất.

Các chất độc từ những dụng cụ chứa đựng thức ăn ngấm dần vào thức ăn cũng có thể gây ngộ độc. Những dụng cụ làm bằng sành, sứ, chất dẻo, túi nylon, giấy đựng hoặc gói hàng... phổ biến là các loại dụng cụ chứa nước mắm, muối, giấm, rượu, dầu... không bảo đảm quy định là tác nhân gây ngộ độc. Các loại vật dụng chứa đựng này rất dễ ngấm chất độc kim loại nặng, những hóa chất độc... vào thức ăn. Nếu dùng những sản phẩm thức ăn đựng trong các loại dụng cụ không bảo đảm tiêu chuẩn và không được kiểm tra sẽ gây nên sự ngộ độc mãn tính. Trên thực tế cộng đồng người dân ít khi quan tâm, chú ý để đề phòng.

Những loại bao bì thực phẩm bằng cao su nhân tạo như đầu vú bình sữa dùng cho trẻ nhỏ chứa các chất lưu hóa cao su, các dẫn chất của nhân thơm như chất benzo-3-4 piren có khả năng gây ra bệnh ung thư.

Các chất phụ gia cho vào thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không được phép của cơ quan y tế nhưng hàng ngày chúng ta vẫn thường gặp, nhiều nhất là ở trong các loại thức ăn có đường hóa học, các chất phẩm màu... cũng có thể gây ngộ độc.

Một số chất độc trên thực tế cũng thường được phát hiện do sự gian dối, thiếu đạo đức, chạy theo lợi nhuận kinh tế đã gây ngộ độc cho người sử dụng như dùng dầu công nghiệp để chiên rán bánh, dùng thuốc trừ sâu để bỏ thêm vào rượu...

Ngoài ra, một số trường hợp ngộ độc xảy ra do sự nhầm lẫn thức ăn, thức uống với chất độc được lưu giữ ở kho dự trữ, ở gia đình, ở cửa hàng vì không theo đúng những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều nơi có những thức ăn độc như các loại nấm độc, lá độc hay cá độc... do không được truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng cẩn thận nên đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm.

Xử trí khi bị ngộ độc thức ăn

Khi gặp các trường hợp ngộ độc thức ăn với nhiều người bị đi tiêu chảy lỏng hàng loạt, cần phải chăm sóc, cứu chữa sơ bộ cho người bị ngộ độc. Có thể cho người bệnh nôn bằng cách kích thích cổ họng. Việc cho nôn mửa rất quan trọng, nhất là đối với các trường hợp bị ngộ độc các chất hóa học. Nếu đi tiêu chảy nhiều, nhất thiết phải cho người bị ngộ độc uống nhiều nước. Cho uống dung dịch oresol nếu có theo hướng dẫn hoặc pha 1 thìa muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội và cho uống, không được để bệnh nhân nôn nhiều, đi tiêu chảy nhiều. Tình trạng bị mất nước và muối nhiều có thể dẫn đến tử vong.

Khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra, cần giữ nguyên hiện trường có liên quan đến người bệnh bị ngộ độc. Các loại thức ăn thừa còn lại sau khi ăn chưa xong, các chất nôn, phân thải... cần có dụng cụ chứa đựng, bảo quản, không được vất bỏ đi trước khi cán bộ y tế đến kiểm tra, lấy mẫu để giúp cho việc chẩn đoán xác định bệnh và tìm nguyên nhân gây ngộ độc một cách rõ ràng, cụ thể. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là báo cáo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất biết để có biện pháp xử trí kịp thời khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra.

Ngày 20/11/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích