Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 8 5 2 9
Số người đang truy cập
4 0 3
 
Lạm dụng kháng sinh: vấn đề cần quan tâm

Lạm dụng kháng sinh đang gia tăng

Kháng sinh là loại thuốc đặc hiệu để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhưng không phải lúc nào, bệnh nào cũng cần điều trị bằng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý không chỉ khiến bệnh không khỏi mà còn gia tăng các tác nhân gây bệnh, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Lạm dụng kháng sinh ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ làm cho trẻ lờn thuốc, làm tăng sức công phá của vi khuẩn với cơ thể trẻ và gây ra những bệnh nguy hiểm khác.

Bên cạnh việc gia tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh còn làm xuất hiện nhanh các chủng mới, gây khó khăn cho điều trị. Quá trình theo dõi điều trị tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những năm gần đây cho thấy tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang tăng lên nhanh chóng. Không chỉ với các loại kháng sinh đã thông dụng mà ngay cả các thuốc kháng sinh thế hệ mới, tỉ lệ kháng thuốc cũng rất cao. Theo khảo sát mới đây ở 30 loại thuốc kháng sinh thế hệ mới, có đến 13 loại thuốc đã bị kháng. Thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay có từ hai phía: bệnh nhân và cán bộ y tế. Nhiều bệnh nhân tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh nên có thói quen mua kháng sinh về tự điều trị mà không cần toa của thầy thuốc. Còn người bán thuốc cứ có người mua là bán, thậm chí còn thực hiện vai trò của bác sĩ để kê đơn cho người bệnh. Nhiều trường hợp tuy biết rằng không có chỉ định dùng nhưng bác sĩ vẫn kê kháng sinh hoặc do chẩn đoán không rõ ràng, thiếu phương tiện chẩn đoán vi khuẩn học nên dùng kháng sinh để điều trị bao vây. Ở các phòng khám tư, khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ thường kê ngay những kháng sinh mạnh, đắt tiền trong khi bệnh chưa cần tới thuốc đó. Đối với những trường hợp được chẩn đoán “nhiễm siêu vi” thì không cần dùng kháng sinh nhưng thực tế nhiều bác sĩ vẫn kê kháng sinh cho... chắc ăn!

Theo thống kê mới đây, trong số các bệnh nhân bị các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh hô hấp, bệnh đường tiêu hóa... đã từng đến khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, chỉ có 1/3 số bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh, số còn lại không nhất thiết phải sử dụng. Theo thống kê của Vụ Điều trị (Bộ Y tế), hầu hết các thuốc kháng sinh hiện nay đã bị kháng. Đối với vi khuẩn E.coli (thường gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết), tỉ lệ kháng thuốc ở thuốc ampicillin là 88%, chloramphenicol và trimoxazol trên 50%; gentamycin, ciprofloxacin trên 40%. Đối với kháng sinh “cổ điển” như amoxicillin – clavulanat (Augmentin), vi khuẩn đề kháng hoàn toàn.
 

Bóng ma lạm dụng kháng sinh

15 năm trước, một chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng da dễ dàng bị kháng sinh "cũ kỹ" penicillin quật ngã. Nhưng giờ đây, các bác sĩ phải cầu viện đến một nhóm các thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất mới diệt được nó. Lạm dụng kháng sinh đã tạo ra những vi khuẩn kháng thuốc và những đứa trẻ kháng thuốc ở Trung Quốc.

Khi bé gái một tháng tuổi của Yu Liya bị chẩn đoán viêm phổi, cô miễn cưỡng đồng ý khi bác sĩ đề nghị cho bé dùng kháng sinh thế hệ ba cephalosporin. Mặc dù là dược sĩ được đào tạo, ý thức được hệ lụy của kháng sinh và tác dụng phụ của nó, như tiêu chảy, nôn mửa, song cô không dám liều lĩnh với sức khỏe của con mình. "Bác sĩ nói họ không chắc chắn nguyên nhân của đợt ốm là do nhiễm khuẩn", Yu, 27 tuổi, nói. Cô đã nhẹ người đi, song đồng thời cũng tức giận khi các xét nghiệm một tuần sau đó cho thấy bé không hề có dấu vết nhiễm khuẩn. "Con gái tôi có thể đã khỏi mà không cần dùng kháng sinh", cô bực tức nói.

Với tỷ lệ sử dụng kháng sinh chiếm khoảng 70% số ca bệnh trên toàn quốc, cao hơn hai lần so với đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc giờ đây là một quốc gia "nghiện" kháng sinh. Các chuyên gia y tế cho biết sự lạm dụng lan tràn này không chỉ làm tăng sự nguy hiểm của các vi khuẩn siêu kháng thuốc, như dòng NDM-1 được phát hiện tháng trước, mà còn dẫn tới việc ngày càng nhiều em bé ra đời không đáp ứng với các biện pháp y học mạnh.
 

Tại Bệnh viện tây nam Trùng Khánh (Tứ Xuyên), nơi Yu làm việc, các bác sĩ nhi khoa cho biết họ đã tìm thấy nhiều trường hợp trẻ sơ sinh không đáp ứng được thuốc kháng sinh - loại thuốc chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra.

"Trong sách y học có nói chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae - gây bệnh viêm phổi - nhạy cảm với kháng sinh penicillin. Nhưng loài vi khuẩn này từ lâu đã 'đánh bại' penicillin, vì thế chúng tôi phải kê những loại kháng sinh thế hệ mới cho trẻ", bác sĩ Wang Yang cho biết. Shi Yuan, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Daping Trùng Khánh, bổ sung rằng ông đã nhận thấy xu hướng tương tự ở các trẻ nhỏ được sinh ra từ các bà mẹ quá lạm dụng kháng sinh khi mang thai, cho thấy khả năng bé đã bị nhiễm trùng trong tử cung. Những trường hợp kháng thuốc kháng sinh ở trẻ lớn còn phổ biến hơn nữa, dẫn đến việc ngay cả những nhiễm trùng đơn giản cũng trở nên khó chữa. "Tôi biết ở Mỹ các bác sĩ nhi khoa thường tránh cho trẻ dùng kháng sinh. Đó là bởi vì họ có một môi trường trong lành", Zhou Zhongshu, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật ở Bắc Kinh cho biết. "Chúng tôi buộc phải sử dụng kháng sinh và thậm chí kháng sinh thế hệ mới cho trẻ nhỏ bởi môi trường của chúng ta chứa các vi khuẩn kháng thuốc". Tình trạng này, theo các chuyên gia, là đáng báo động, đặc biệt khi nhiều mầm bệnh giờ đây có thể chống lại các loại thuốc diệt khuẩn. Gan Xiaoxie là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm lâm sàng, Bệnh viện ung bướu Trùng Khánh, thực hiện các xét nghiệm nhạy cảm thuốc trên máu và các mẫu đờm dãi. Cô cho biết, 15 năm trước, khuẩn gây nhiễm trùng da staphylococcus aureus kháng lại kháng sinh Methicillin, nhưng bị thuốc penicillin trị. "Giờ đây, chúng tôi phải diệt vi khuẩn này bằng một nhóm các kháng sinh mới nhất". "Ba thập kỷ trước, thuốc kháng sinh thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi, nhưng sau đó nó không còn hiệu quả nữa", Tang Taiqin, giáo sư dược học tại Bệnh viện Số 1 Đại học Tế Nam ở Quảng Đông, tỉnh Quảng Châu, cho biết.

Nhưng tại sao lại có trào lưu "nghiện" kháng sinh này?

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng góp phần gây nên tội. Các bác sĩ tại một vài bệnh viện cho China Daily biết họ thường bị áp lực bởi những người yêu cầu "chữa khỏi nhanh nhất". "Ngày nay, các bệnh nhân đã mất kiên nhẫn", Wu Shuai, một bác sĩ tại bệnh viện do Hội chữ thập đỏ ở Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông) quản lý, nhận xét. "Nhiều người đến và yêu cầu dùng kháng sinh luôn. Họ hy vọng sẽ nhìn thấy tác dụng ngay tức khắc". Trong những tình huống như vậy, nhiều bác sĩ đã kê kháng sinh mạnh không cần thiết.
 

Triệu Khánh chỉ cách Hong Kong 2 giờ đi xe, và bác sĩ Wu cho biết nhiều người trong số bệnh nhân của ông là các thương gia và phụ nữ từ Hong Kong tới đây để chữa bệnh bởi kháng sinh được quản lý nghiêm ngặt ở đặc khu hành chính này. Mặc dù vậy, thỏa mãn với tốc độ chữa bệnh có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc. Liu Jianmin là một ví dụ, ông chưa bao giờ đến bệnh viện trước khi được chẩn đoán ung thư phổi. "Bất cứ khi nào ốm, tôi chỉ ra hiệu thuốc và mang về thuốc kháng sinh mà người bán tự kê cho", người đàn ông 58 tuổi nói. Ông nông dân từ hạt Luobei (tỉnh Hắc Long Giang) giờ đây đang phải điều trị ở Bắc Kinh, nơi các bác sĩ cho biết việc điều trị trở nên khó khăn vì xét nghiệm mẫn cảm cho thấy ông đã kháng nhiều loại kháng sinh.

Tuy nhiên, bệnh nhân không phải là chuyên gia và nhiều người trong giới y tế khẳng định bác sĩ phải chịu trách nhiệm chính trong việc lạm dụng kháng sinh.

"Thêm một người dùng là thêm một cách để họ kiếm tiềm cho phòng khám và thêm tiền hoa hồng", Wan Ruijie, bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Trùng Khánh, giải thích tại sao thuốc kháng sinh lại được kê thường xuyên đến vậy. Nhưng tiền cũng không phải là vấn đề duy nhất, ở đây còn có sự hạn chế trong kiến thức của giới y khoa. "Ở Trung Quốc, chừng nào bạn còn là bác sĩ, bạn còn có thể kê kháng sinh" - bác sĩ Tang từ Bệnh viện Số 1 Đại học Tế Nam, nhận xét - "Nhưng không có nhiều bác sĩ thực sự hiểu dùng kháng sinh thế nào là đúng".

Bản hướng dẫn chính thống duy nhất nói về cách sử dụng kháng sinh do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành lại quá sơ sài. "Chúng ta cần một bản hướng dẫn chi tiết về cơ chế sử dụng thuốc. Và quyền được kê thuốc kháng sinh phải làm rõ", Tang nói thêm. Giống như người nông dân Liu thừa nhận, việc tiếp cận quá dễ dàng với thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc cũng là một yếu tố góp phần quyết định gây kháng thuốc. Mặc dù chính phủ đã cấm bán thuốc khi không có đơn bác sĩ, song quy định này thường bị phớt lờ.
 

Sự khác biệt trong sử dụng thuốc kháng sinh giữa các bệnh viện nhà nước và bệnh viện quốc tế tại Trung Quốc cũng là một điểm nổi bật.

Tại Bệnh viện Gia đình Thống nhất Bắc Kinh - cơ sở liên doanh giữa Trung Quốc và Mỹ, việc sử dụng kháng sinh được hạn chế ở mức 12 đến 15% số ca bệnh. "Chúng tôi không kê kháng sinh cho những trường hợp bị cảm lạnh", Andy Wang, bác sĩ tại bệnh viện này, từng làm ở Mỹ 5 năm trước khi về Trung Quốc, cho biết. "Chúng tôi chỉ sử dụng khi thấy có bằng chứng là bạch cầu tăng lên - báo hiệu nhiễm khuẩn". Nhận thức được tình hình này, một số bệnh viện đã thắt chặt hơn trong việc sử dụng kháng sinh, như kiểm tra ngẫu nhiên các đơn thuốc, cắt thưởng nếu phát hiện bác sĩ sử dụng thuốc không hợp lý. Tuy nhiên, nỗ lực của một nhóm thiểu số các bệnh viện không đủ sức làm xoay chuyển vấn đề.

Lạm dụng kháng sinh: Tự nguyện đầu hàng bệnh tật

Kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể người giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.

Kháng sinh được phân làm nhiều nhóm như nhóm penicillin, cephalosporin, tetracyclin, quinolon. Mỗi nhóm có một số kháng sinh khác nhau. Những kháng sinh thường được sử dụng hiện nay: penicillin, amoxycillin, ampicillin, cephalosporin, erythromicin, tetracylin, doxycyclin, ciprofloxacin, chloramphenicol.

Kháng sinh thường được sử dụng như thế nào?

Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng uống thuốc kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt. Đối với những nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc có khi qua đường truyền dịch nếu cần. Muốn có tác dụng tốt, thầy thuốc phải làm kháng sinh đồ để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn kháng sinh thích hợp để có tác dụng tốt; trường hợp xét nghiệm như vậy có thể dùng kháng sinh phổ hẹp (narrow spectrum). Thông thường có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Dùng kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian có tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ. Một số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng giữa vi khuẩn bình thường và các loại men, nấm (như Candida Albicans). Dị ứng penicillin có thể gây mẩn đỏ, trường hợp phản ứng phản vệ (sốc phản vệ) có thể đe dọa tính mạng người bệnh cho nên phải hết sức thận trọng, biết được phản ứng dị ứng do thuốc mà tránh dùng loại thuốc đó.

Lạm dụng kháng sinh có hại gì?

Dùng kháng sinh không đúng rất có hại:

-Gây lãng phí: Các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh.

-Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán.

-Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều.

-Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

-Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.

Các lý do dẫn đến lạm dụng kháng sinh

-Do bệnh nhân: Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, vì ở ta việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến - đó là lý do dễ lạm dụng kháng sinh.

-Do thầy thuốc: Trong thực tế hằng ngày, việc sử dụng kháng sinh cũng rộng rãi. Ví dụ, khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại kháng sinh nào là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc cũng dễ chỉ định sử dụng kháng sinh. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh.

-Việc sử dụng thuốc, việc bán thuốc ở nước ta cũng chưa thật chặt chẽ theo quy định nên vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trong điều trị. Về vấn đề lạm dụng kháng sinh, từ năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh.

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết các thầy thuốc phải có trách nhiệm và nêu cao vai trò của người thầy thuốc để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh mới mong có tác dụng.

Lạm dụng kháng sinh: Tai hoạ!

Sách chữa bệnh nhan nhản khắp nơi, thuốc mua dễ như rau. Hễ hắt hơi xổ mũi lại tự kê cho mình đủ loại kháng sinh. Có người đưa con đi khám mà thấy bác sĩ không kê thuốc nặng lại áy náy không yên”. Đó là nhận xét của TS Lý Ngọc Kính (ảnh), Cục trưởng Cục điều trị, Bộ Y tế, trước thực trạng sử dụng thuốc tràn lan, đặc biệt là kháng sinh trong điều trị hiện nay của người dân.

Vấn nạn sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan như hiện nay phải chăng do cơ chế quản lý việc bán thuốc quá lỏng lẻo còn trong công tác điều trị , bác sĩ lại xính dùng kháng sinh? Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định thuốc chỉ bán theo đơn của bác sĩ nhưng quả thật tình trạng mua bán thuốc dễ dãi như hiện nay đã khiến tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh trở thành vấn nạn.

Thực tế cho thấy, người bệnh (đặc biệt là dân thành phố) sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau, nên đã dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, buộc bác sĩ phải kê sang loại khác nặng hơn. Về phía bác sĩ, đúng là có hiện tượng lạm dụng kháng sinh nhóm cephalosporin. Ngoài ra, cũng có trường hợp bác sĩ “nể” bệnh nhân, trong khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại gì là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của người bệnh, họ vẫn chỉ định kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh.

 
Còn về phía bệnh nhân, do nhận được quá nhiều kênh thông tin liên quan đến sức khoẻ, đặc biệt là từ các loại sách hướng dẫn cách tự khám và chữa bệnh, nên không ít người cho rằng mình cũng có thể trở thành bác sĩ. Hễ cứ có một vài dấu hiệu như mô tả là “chẩn đoán” mình đã bị bệnh này, bệnh kia, rồi tự kê đơn theo hướng dẫn trong sách, ra hiệu thuốc mua về uống. Nhiều người đâu có biết, cũng là cơn đau đầu nhưng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu đau cơ năng thì dùng thuốc chữa thông thường được nhưng nếu đau đầu do cao huyết áp hoặc những nguyên nhân khác mà dùng thuốc đó thì rất nguy hiểm. Đối với cảm cúm do vi rút thì có dùng bao nhiêu kháng sinh cũng không thể khỏi mà ngược lại chỉ làm cơ thể thêm kiệt quệ. Vấn đề quảng cáo, tiếp thị nhằm tiêu thụ kháng sinh của các công ty dược cũng khiến tình trạng lạm dụng thuốc gia tăng trong bệnh viện và cơ sở bán thuốc. Bên cạnh đó, lạm dụng kháng sinh trong vật nuôi, thuỷ hải sản cũng gián tiếp gây ra hiện tượng tích tụ kháng sinh ở người.

Và hậu quả của việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh bừa bãi là…?

-Thuốc điều trị, kháng sinh thậm chí cả thuốc bổ cũng đều là hoá chất. Thuốc bổ nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc. Lạm dụng kháng sinh còn tệ hại hơn nhiều: thứ nhất sẽ dẫn đến hậu quả là người bệnh nhờn với tất cả các loại kháng sinh. Chủng kháng sinh nhờn thuốc đó sẽ lan rộng ra khắp cộng đồng, đến lúc ấy thì bệnh không nặng cũng trở thành vô phương cứu chữa - đó là thảm hoạ.

-Thứ hai, sử dụng thuốc bữa bãi có thể gây rối loạn gien dẫn đến bệnh ung thư. Nguy cơ dễ xảy ra nhất là phản ứng với thuốc nếu người bệnh không được khám và điều tra về tiền sử dùng thuốc.

-Uống thuốc bừa bãi cũng gây ra suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều, dị tật ở thai nhi trong quá trình người mẹ mang thai… Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

Dù Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh, nhưng tình trạng sử dụng thuốc không đúng quy định vẫn mức báo động. Đã có biện pháp gì mới để ngăn chặn tình trạng này, thưa TS?

Theo thống kê, ở nước ta tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn vẫn cao nhất nên vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh hết sức quan trọng. Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình Cung cấp Tài liệu sử dụng thuốc hợp lý trong điều trị và Sử dụng thuốc hợp lý trong chăm sóc người bệnh đến các bệnh viện trên toàn quốc và các cơ sở đào tạo cán bộ y tế nhằm trang bị kiến thức cần thiết. Tuy nhiên, khó mà có thể đạt được 100% theo yêu cầu. Vậy nên đâu đó vẫn diễn ra tình trạng sử dụng thuốc chữa hợp lý nhưng tôi tin đó không phải là số nhiều.

Hiện nay, Hội đồng thuốc và điều trị cũng đã tăng cường giám sát kê đơn hợp lý (trong đó có giám sát sử dụng kháng sinh) thông quan phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng hàng tháng tại khoa điều trị. Bộ Y tế cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, tránh nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh cao trong thực phẩm.

Dù vậy, muốn cải thiện tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi hiện nay thì điều quan trọng nhất chính là nhận thức từ cộng đồng.

Lời khuyên cụ thể của TS trong việc khám chữa bệnh và sử dụng thuốc đối với người dân?

Tình trạng tự mua thuốc chữa bệnh mà không cần kê đơn của bác sĩ hiện nay khá phổ biến, nó có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, lạm dụng thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của các cháu. Chính vì vậy, việc đi khám và chẩn đoán bệnh ở các cơ sở y tế chuyên môn là rất cần thiết. Với cùng một triệu chứng nhưng chưa chắc đã đúng là một loại bệnh hay cùng một loại thuốc.

Khảo sát gần đây cho thấy, những loại bệnh liên quan đến hô hấp thường dễ bị nhờn thuốc nhất do nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về uống. Ngại đến bệnh viện khám nên xin đơn thuốc của người khác để dùng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh tật của nhiều người càng trở nên trầm trọng và gây khó khăn trong công tác điều trị. Cần lưu ý, sách Y khoa chỉ dùng để tham khảo giúp con người nắm bắt được triệu chứng bệnh và hiểu về sự nguy hiểm của bệnh chứ không thể áp dụng cụ thể đối với người bệnh.

Lạm dụng kháng sinh - Nguyên nhân kháng thuốc

Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong khám và điều trị đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động. Chuyên khoa được đánh giá sử dụng thuốc kháng sinh nhiều nhất là hô hấp, căn bệnh rất dễ mắc phải ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là việc có quá nhiều bệnh nhân, cả người lớn và trẻ em phải dùng kháng sinh. Bên cạnh những mặt tích cực, cả bác sĩ và người bệnh đều không đánh giá được hết mối nguy hiểm mà kháng sinh có thể mang lại cho người sử dụng.

 
Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, nơi mà một ngày phải tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân, trong đó không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, kháng sinh đã không có tác dụng điều trị. Theo điều tra trong 18 bệnh viện huyện ở miền Bắc về mức độ sử dụng kháng sinh, thì 100% trẻ bị ho, sốt được điều trị bằng kháng sinh, trong khi chỉ 1/3 trong số đó là thực sự cần thiết. Như vậy mức lạm dụng kháng sinh là 2/3.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Chuyên gia nghiên cứu về thuốc kháng sinh: "Bệnh nhân và bác sĩ quá tin tưởng vào kháng sinh mà không tính việc lạm dụng thuốc sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc. Mối nguy hiểm là ở chỗ, các vi khuẩn kháng thuốc này không chỉ kháng một loại thuốc, mà có thể kháng chéo, kể cả thuốc kháng sinh vừa mới lưu hành trên thị trường. Khi đã kháng chéo thì bệnh nhân có thể bị tử vong vì không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi". Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây từ người này sang người khác và sau đó lan rộng ra cộng đồng. Đây chính là mối lo ngại của ngành y tế, bởi hiện nay đã có những con vi khuẩn kháng lại 50% nhóm kháng sinh đang được sử dụng nhiều nhất. Các công ty dược trên thế giới đã không kịp nghiên cứu ra các loại kháng sinh chống lại các vi khuẩn này, điều mà ở thế kỷ 20 hoàn toàn là vấn đề đơn giản.

Lạm dụng kháng sinh tạo ra những “siêu vi khuẩn”

,Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Ấn Độ khẳng định, việc xuất hiện những “siêu vi khuẩn” mang gen kháng thuốc NDM - 1 trong thời gian gần đây là kết quả của việc làm dụng thuốc kháng sinh ở nước này, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin từ Ấn Độ cho hay.

 

 Lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân tạo ra các loại "siêu vi
khuẩn". Ảnh: Internet.


              Abdul Jaafar chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Apollo, New Delhi trả lời báo chí Ấn Độ mới đây khẳng định, lạm dụng thuốc kháng sinh chính là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện những siêu vi khuẩn. Chuyên gia này cho biết, khi thuốc kháng sinh mới xuất hiện, nó từng là vũ khí thần kỳ để tiêu diệt các vi khuẩn. Tuy nhiên, các loại vi khuẩn cũng dần tiến hóa những khả năng kháng lại thuốc kháng sinh. Gần đây đã xuất hiện rất nhiều loại “siêu vi khuẩn” có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh. Jaafar cho biết, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh nghiêm trọng bậc nhất trên thế giới. Nhiều loại thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với 60 – 70% người dân Ấn Độ. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển chỉ là 15%. Jaafar cho biết, trong năm nay, chỉ tại một bệnh viện, người ta đã phát hiện 22 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm các “siêu vi khuẩn” mang gen kháng thuốc NDM – 1. Jaafar cũng cho rằng, nếu như thống kê trên cả nước những trường hợp mắc bệnh tương tự, con số này sẽ là vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên, Jaafar cũng khẳng định, hiện tại loại “siêu vi khuẩn” này mới chỉ lan truyền trong phạm vi bệnh viện chứ chưa phát tán ra bên ngoài.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, “siêu vi khuẩn” cũng không quá nguy hại như người ta vẫn nghĩ và không phải không có biện pháp để khống chế. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng, biện pháp tốt nhất để đối phó với loại “siêu vi khuẩn” này là phòng tránh. Theo đó, mỗi người nên thường xuyên rửa tay, chú ý vệ sinh ăn uống,... bởi vì dù là “siêu vi khuẩn” nhưng những vi khuẩn này vẫn lây lan qua con đường “từ miệng mà vào”.

Trên đây là một bài tổng hợp và một số hình ảnh minh họa (trích từ nguồn internet) liên quan đến tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay.

Nguồn tài liệu tham khảo

1.Lê Sĩ Liêm. Lạm dụng kháng sinh: Tự nguyện đầu hàng bệnh tật. Báo Sức khỏe & đời sống.

2.Lạm dụng kháng sinh: Tai hoạ! http://www.dakhoabinhdan.com/Sức khoẻ & Đời sống

3.Bóng ma lạm dụng kháng sinh. http://vnexpress.net/

4.Lạm dụng kháng sinh: nguyên nhân của kháng thuốc. http://vietbao.vn/Suc-khoe

5.Lạm dụng kháng sinh tạo ra những “siêu vi khuẩn”. http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/

6.Lạm dụng kháng sinh đang gia tăng. http://www.baomoi.com/

Ngày 17/11/2010
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích