Home TRANG CHỦ Thứ 7, ngày 20/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 7 0 6 4 9
Số người đang truy cập
2 2 2
 
Hãy cẩn trọng với thịt ốc sên.
Ăn ốc sống chưa nấu chín, coi chừng bị viêm não-màng não

Trong hội nghị chuyên ngành ký sinh trùng lần thứ 37 được tổ chức tại Trường Đại học Y Dược Huế vừa qua, PGS Trần Thị Kim Dung, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo hai trường hợp viêm não-màng não do ăn ốc sống. Cả hai bệnh nhân đều ăn ốc sống, chưa nấu chín cùng một lúc; sau 1 tuần bị nhức đầu, tay chân yếu, vào bệnh viện với tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp ... Mặc dù được cứu sống nhưng 1 bệnh nhân bị mất tri giác vĩnh viễn, sống đời sống thực vật và 1 bệnh nhân khác vẫn còn thở máy tại bệnh viện. Vì vậy, không nên ăn ốc sống, chưa nấu chín kỹ, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Bệnh nhân và nguyên nhân gây bệnh

Bệnh nhân thứ nhất là Huỳnh Văn N, 30 tuổi, nam giới, vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Người bệnh có tiền sử sau khi ăn nhậu ốc sên sống với người bạn ở cùng nhà trọ, ngày hôm sau đau bụng đột ngột rồi dần dần thấy chân tay bị yếu và đi khám bệnh. Cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu chẩn đoán bị lao màng não và cho điều trị 5 liều thuốc chống lao nhưng dấu chứng lâm sàng xấu đi; vì vậy đã hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày thứ 21 kể từ lúc bệnh khởi phát.

Bệnh nhân thứ hai là Lưu Thanh Đ, học sinh, 22 tuổi, nam giới, vào bệnh viện vì sốt, nhức đầu kéo dài, hôn mê sâu. Bệnh nhân có tiền sử sau khi ăn ốc sống không rõ loại 3 ngày, bị sốt nhẹ, dị ứng, ngứa toàn thân, đau vùng thượng vị và đi khám bệnh. Cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu ghi nhận các triệu chứng nhức đầu, đi lại yếu, sốt cao hơn, cho xét nghiệm dịch não tủy ... chẩn đoán lao màng não. Điều trị thuốc kháng lao, kháng sinh không đáp ứng; sau đó hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng sau 21 ngày khởi phát bệnh.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ điều trị đã khảo sát yếu tố dịch tễ, tiền sử, bệnh sử; khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết ... Căn cứ vào kết quả khám bệnh, đã chẩn đoán hai bệnh nhân này bị viêm não-màng não đều do nhiễm chủng loại ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis với bạch cầu ái toan trong máu và dịch não tủy tăng cao, huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis dương tính (+) 1/400. Cả hai bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặc hiệu chống giun sán loại zentel (albendazole) viên 200mg, uống 2 viên, 2 lần mỗi ngày; uống liên tiếp trong 20-30 ngày; kết hợp với thuốc chống phù não, kháng sinh chống bội nhiễm ... Mặc dù diễn biến bệnh đã được cải thiện sau điều trị nhưng bệnh cảnh lâm sàng quá nặng do phát hiện, chẩn đoán muộn. Một bệnh nhân bị mất tri giác vĩnh viễn, phải chịu sống đời sống thực vật suốt đời khi phải rời bệnh viện về chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân còn lại vẫn hôn mê sâu, không thể rời được máy thở hỗ trợ của bệnh viện.

 

 Angiostrongylus cantonensis ký sinh trên ốc
(Ảnh: medscape.com)

Bệnh viêm não-màng não do Angiostrongylus cantonensis là một loại giun tròn ký sinh ở phổi chuột, bệnh ký sinh trùng này dù phổ biến nhưng có thể bị lãng quên. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán vẫn còn nhiều sơ sót; bệnh nhân vào bệnh viện muộn với các biến chứng trầm trọng làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân tùy thuộc vào khả năng phát hiện sớm hay muộn. Các cơ sở khám chữa bệnh cần quan tâm đến vấn đề này từ thực trạng hai bệnh nhân đã được ghi nhận.

Đặc điểm của loại giun Angiostrongylus cantonensis

Angiostrongylus cantonensis là loại giun tròn ký sinh ở phổi của chuột. Bệnh lần đầu tiên được phát hiện trên chuột bởi Chen tại Canton vào năm 1935. Ở người, giun gây viêm não-màng não hoặc giun có thể chui vào mắt. Trường hợp bệnh viêm não-màng não do Angiostrongylus cantonensis ở người đầu tiên được phát hiện bởi Nomura và Lin vào năm 1945 ở một bé trai tại Đài Loan, hai tác giả trên đã tìm thấy 6 con giun trong dịch não tủy của bệnh nhân. Từ đó, người ta đã phát hiện thêm có nhiều trường hợp viêm não-màng não do Angiostrongylus cantonensisở trên thế giới cũng như tại Nhật Bản, Trung Quốc, vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 

 Chu kỳ sinh học của Angiostrongylus cantonensis  

Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy loại ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis có mặt ở nước ta từ lâu và phân bố ở miền bắc cho đến miền nam, gây bệnh ở người kể cả động vật. Trước đây, loại bệnh này được phát hiện tại nước ta còn rất ít vì chưa có đủ điều kiện, phương tiện để phát hiện, chẩn đoán và chỉ xác định được nguyên nhân khi bắt gặp được ký sinh trùng. Nguồn gây bệnh cho người là ốc, tôm, cua, cá ... bị nhiễm bệnh. Mầm bệnh là ấu trùng giun Angiostrongylus cantonensis ký sinh ở ốc, tôm, cua, cá ... Bệnh được lây truyền qua đường tiêu hóa do ăn phải các thức ăn, nước uống bị ô nhiễm có ấu trùng giun còn sống. Con người ở mọi lứa tuổi là khối cảm thụ có thể bị nhiễm bệnh khi mắc phải mầm bệnh.

Giun trưởng thành sống ký sinh ở động mạch phổi của chuột. Trứng theo máu đi đến các phế nang, nở ra ấu trùng tại đây. Ấu trùng đi lên cuống phổi, hầu, qua thực quản, vào ống tiêu hóa, theo phân ra ngoại cảnh. Ấu trùng vào ký sinh ở các loại ốc sống ở dưới nước hoặc trên cạn như ốc Ackhatia, ốc sên ... Ở ốc, ấu trùng lột vỏ hai lần thành kén trong cơ ốc. Ngoài ốc, tôm, cua, cá; thậm chí cả trâu, bò, lợn ... cũng có thể là vật chủ phụ của giun Angiostrongylus cantonensis. Khi vật chủ phụ chết, ấu trùng được phóng thích vào nước, đất, rau ... Chuột ăn phải ốc, tôm, cua, cá ... có nhiễm ấu trùng; ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành ký sinh ở động mạch phổi chuột.

Người tình cờ bị nhiễm bệnh do ăn phải ốc, tôm, cua, cá hoặc rau sống, uống nước lã có ấu trùng giun. Qua đường tiêu hóa, khi vào cơ thể người, ấu trùng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc các phủ tặng khác. Ấu trùng không phát triển đến giai đoạn giun trưởng thành.

Như vậy, chu kỳ phát triển của giun ở chuột gồm các giai đoạn phát triển ở hệ thần kinh, sau đó ở phổi. Còn ở người, giun thường ký sinh ở hệ thần kinh trung ương, không đi đến phổi được nên không thể hoàn tất được vòng đời. Trên thực tế, Lê Thị Xuân ở Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo có 2 trường hợp bệnh nhân phát hiện được giun trưởng thành ở phổi. Trong quá trình di chuyển, ấu trùng giun có thể lạc sang những cơ quan khác, thường là ở mắt; vấn đề này đang được tiếp tục nghiên cứu.

Bệnh lý do bị nhiễm ấu trùng giun

Người bị nhiễm ấu trùng giun Angiostrongylus cantonensis sẽ bị viêm não-màng não cấp tính, tăng bạch cầu ái toan với các triệu chứng lâm sàng như nhức đầu dữ dội, sốt nhẹ hoặc không có sốt, chỉ có khoảng 15% bệnh nhân có dấu hiệu kích thích màng não. Có thể có các biểu hiện viêm dây thần kinh gây liệt mặt, nhìn đôi, rối loạn cảm giác. Cũng có thể có hội chứng não, tâm thần như nói lảm nhảm, mất phương hướng, giảm trí nhớ, hôn mê. Bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và ở máu ngoại vi, proteine trong dịch não tủy cũng tăng. Bệnh thường được phục hồi ngẫu nhiên, ít khi gây tử vong. Nếu chết, mổ tử thi thấy ấu trùng giun trong não; vùng chung quanh bị hoại tử thâm nhiễm bạch cầu ái toan, bạch cầu lympho.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán bệnh nhiễm ấu trùng giun Angiostrongylus cantonensis cần căn cứ vào các yếu tố như xét nghiệm dịch não tủy thấy bạch cầu ái toan tăng cao, có biểu hiện lâm sàng của hội chứng não, tâm thần. Bệnh nhân có tiền sử sống hoặc làm việc ở vùng có dịch bệnh lưu hành. Ngoài ra việc chẩn đoán cũng cần dựa vào các xét nghiệm miễn dịch học với kháng nguyên.

Để điều trị bệnh, thuốc thiabendazole đã tỏ ra có tác dụng hiệu lực cao trong giai đoạn đầu khi ấu trùng giun mới xâm nhập vào cơ thể. Ở giai đoạn phát hiện, chẩn đoán muộn sau đó; phải điều trị triệu chứng kết hợp với liệu pháp dùng thuốc nhóm corticoides.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất là không ăn ốc, tôm, cua, cá sống ... chưa được nấu chín dưới mọi hình thức. Phải rửa sạch rau sống và xử lý rau thật sạch trước khi ăn, không uống nước lã. Ngoài ra cũng cần sử dụng các biện pháp diệt chuột tích cực để góp phần phòng bệnh ký sinh trùng thuộc loại giun tròn Angiostrongylus cantonensis ký sinh ở phổi chuột có khả năng truyền bệnh cho người.

Nhân hai trường hợp người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng loại ấu trùng giun Angiostrongylus cantonensis gây viêm não-màng não do ăn ốc sống, chưa nấu chín được phát hiện, chẩn đoán muộn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng đồng người dân cần quan tâm đến vấn đề này để phòng bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng nên chú ý, thận trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh; hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Ngày 12/04/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích