Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 2 1 6 6 1
Số người đang truy cập
1 1 3 8
 
Omega-3(ảnh minh họa)
Đừng nhầm thực phẩm chức năng là thuốc điều trị

Hiện nay trong các nhà thuốc, quầy thuốc tây; kể cả thuốc đông dược có bày bán những loại thực phẩm chức năng. Một số người chưa biết rõ tác dụng nên đã mua và sử dụng thực phẩm chức năng với quan niệm nó cũng như các loại thuốc điều trị không cần kê đơn (OTC). Đừng nhầm lẫn vấn đề này.

 

Thực phẩm chức năng là gì ?

Theo định nghĩa của Bộ Y tế “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh".

Thực phẩm chức năng được sản xuất, chế biến theo quy trình kỹ thuật công nghệ với công thức cần bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi của thực phẩm; vì vậy nó khác với các loại thực phẩm thông thường. Việc bổ sung thành phần có lợi hay loại bỏ thành phần bất lợi của thực phẩm trong thực phẩm chức năng phải được xem xét, chứng minh một cách khoa học và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành sử dụng. Vì vậy, thực phẩm chức năng có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn các chất dinh dưỡng thông thường và liều lượng sử dụng thường nhỏ, thậm chí được tính bằng miligram hoặc gram. Một Hội nghị Quốc tế về thực phẩm chức năng đã khuyến cáo không được quảng cáo, công bố khả năng điều trị bệnh của thực phẩm chức năng và trên nhãn, mác của sản phẩm thực phẩm chức năng không được phép ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào.
 

Đừng nhầm lẫn !

Hiện nay, một số thực phẩm chức năng được bày bán trong các nhà thuốc, quầy thuốc tây, kể cả thuốc đông dược quy định không cần kê đơn (OTC) nên nhiều người tự ý mua tại đây hoặc được các nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc giới thiệu, tư vấn để bán sản phẩm; khi mua về cứ nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Thực ra thực phẩm chức năng là loại thực phẩm nằm trong giới hạn giữa thực phẩm truyền thống (Food) và thuốc điều trị (Drug). Có thể nói rằng thực phẩm chức năng trong giới hạn giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc điều trị. Vì vậy, thực phẩm chức năng còn được gọi là thực phẩm-thuốc (Food-Drug). Có lẽ sự nhầm lẫn xuất phát từ đây. Hiện nay, thực phẩm chức năng được chia làm 5 nhóm khác nhau gồm: nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ độ tin cậy, cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều. Tùy theo mức độ, khi sử dụng thực phẩm chức năng cần thận trọng xem xét, cân nhắc thật kỹ để chọn lựa giải pháp phù hợp giữa mục đích dùng để tăng cường sức khoẻ, phòng chống bệnh tật với tình hình kinh tế của mỗi người. Thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, nếu biết chọn lựa một chế độ ăn uống thích hợp với các loại thực phẩm truyền thống đầy đủ dưỡng chất, bảo đảm an toàn vệ sinh cũng có tác dụng tốt đối với sức khoẻ, không cần dùng đến các loại thực phẩm chức năng.

Để tránh sự nhầm lẫn khi mua và sử dụng các loại thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và chú ý khi mua sản phẩm. Theo quy định, các nhà sản xuất thường công bố trên nhãn, mác sản phẩm là thực phẩm chức năng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các tiêu chuẩn về thực phẩm. Đối với các loại thuốc điều trị và phòng bệnh, nhà sản xuất thường công bố trên nhãn, mác là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định sử dụng. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể; khác hẳn hoàn toàn với thực phẩm chức năng. Một số người do chưa hiểu rõ được vấn đề này nên đã xem thực phẩm chức năng là thuốc điều trị, là thần dược để phòng bệnh và chữa một số bệnh tật mắc phải mặc dù phải bỏ ra một số tiền không ít để mua sử dụng. Việc quảng cáo sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như sự giới thiệu, tư vấn không đúng của một số nhân viên ở các nhà thuốc, quầy thuốc tây đã làm cho người tiêu dùng càng bị nhầm lẫn.

 

 Omega-3 (ảnh sưu tầm chỉ mang tính minh họa)

Một tranh cãi ...

Trong một bữa tiệc liên hoan, có người không uống được bia với lý do bị huyết áp cao và đang sử dụng Omega-3 để điều trị. Người khác trong bàn tiệc tham gia ý kiến cho rằng Omega-3 không phải là thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, nó chỉ là một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ cho những người bị huyết áp cao. Có người vẫn xem đây là thuốc điều trị. Một tranh cãi Omega-3 là thuốc hay thực phẩm chức năng lại được đưa ra trên bàn tiệc để thảo luận đúng, sai và thách nhau bằng việc phải trả tiền bao uống cà phê vào buổi sáng ngày mai sau khi kiểm chứng thông tin.

Buổi sáng hôm sau, gần quán cà phê là nhà thuốc tây mới mở cửa. Người bạn đang sử dụng Omega-3 để chữa bệnh cao huyết áp cũng vừa hết “thuốc”, phải sang mua để mở hàng cho cô nhân viên nhà thuốc xinh xắn; đồng thời có ngay “thuốc” sử dụng trong ngày và có cơ sở để quyết định người phải trả tiền cà phê sáng.

Một hộp “thuốc” được mua về mang nhãn hiệu Omega-3 (Alaska Fish Oil) viên 1000mg với hộp giấy bên ngoài và lọ nhựa bên trong đựng 100 viên nang mềm không ghi chữ thực phẩm chức năng (Functional Food) hay thực phẩm hỗ trợ sức khỏe (Health Supplement Food) kể cả giấy hướng dẫn sử dụng. Nhóm người có quan niệm đây là “thuốc” đã mừng thầm vì cho rằng mình đã đúng. Một người trong nhóm không tin vấn đề này, qua nhà thuốc mà bạn mình vừa mua “thuốc”, làm công tác ngoại giao để mượn một hộp Omega-3 của một hãng sản xuất khác. Thế rồi, tờ giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo hộp thuốc này đã được mọi người đều đọc với nội dung tác dụng là hỗ trợ làm giảm lượng triglyceride và cholesterol máu, giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp; bồi dưỡng mô võng mạc mắt, giúp sáng mắt, giảm mỏi mắt khi sử dụng máy vi tính; xem ti vi, đọc sách báo; giúp nâng cao trí lực, chống thoái hóa não; chống suy nhược cơ thể, giúp ăn ngon, ngủ tốt ... Một nội dung mà nhóm người đã mừng thầm trước đó phải bật ngữa vì trong phần chú ý khi dùng sản phẩm đã ghi rõ “Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Như vậy, ai là người phải trả tiền cà phê buổi sáng đã được xác định.

 

 Omega-3 (ảnh sưu tầm chỉ mang tính minh họa)

Trong giới thiệu, hướng dẫn sử dụng sản phẩm Omega-3, một số nhà sản xuất đã ghi các chỉ định như hỗ trợ tuần hoàn, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim ... nên người tiêu dùng có thể nhầm lẫn là thuốc điều trị và phòng bệnh vì không được ghi rõ thực phẩm chức năng ở bao bì kể cả giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong. Thực ra sản phẩm này được sản xuất từ dầu các loại cá vùng biển sâu và lạnh (vùng Alaska), chứa Eicosapentaenoic acid (EPA) và Docosahexaenoic acid (DHA) giúp hỗ trợ làm giảm lượng triglyceride và cholesterol máu, đây là cơ sở để giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, trong đó có bệnh cao huyết áp nên người sử dụng nghĩ rằng đây là loại “thuốc” để điều trị và phòng bệnh huyết áp cao. Vì vậy khi mua sản phẩm trong các nhà thuốc, quầy thuốc tây, để xác định rõ “thuốc” hay “thực phẩm chức năng”; người tiêu dùng cần đọc kỹ những chữ ghi trên bao bì và giấy hướng dẫn sử dụng cụ thể ở bên trong. Một số thực phẩm chức năng ngoài bao bì không ghi rõ “thực phẩm chức năng” nhưng khi đọc giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo bên trong mới nhận rõ. Có lẽ đây là một nghệ thuật kinh doanh của các nhà sản xuất trong khi phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu rõ được vấn đề này.

Một loại thực phẩm chức năng khác có hoạt chất chính glucosamin sulfate mang nhãn hiệu Gold-cosamin có bao bì bên ngoài và vỉ thuốc bên trong rất giống với thuốc điều trị. Trên hộp thuốc có ghi chữ điều trị viêm xương khớp bằng tiếng Anh “Treatment for osteoarthritis” nên người tiêu dùng cứ nghĩ đây là thuốc điều trị. Nếu đọc kỹ ở góc bên hông, sẽ thấy chữ thực phẩm hỗ trợ sức khỏe bằng tiếng Anh “Health supplement food”. Mở hộp thuốc để xem giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong, phần chú ý khi dùng sản phẩm có ghi rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm từ các nhà thuốc, quầy thuốc tây, kể cả thuốc đông dược; muốn phân biệt rõ “thuốc” chữa bệnh, phòng bệnh hay “thực phẩm chức năng” cần đọc kỹ những thông tin ghi trên nhãn mác, bao bì và những nội dung trên giấy hướng dẫn sử dụng ở bên trong để tránh nhầm lẫn.

Hiện nay một số loại thực phẩm chức năng có giá bán khá cao kèm với những lời giới thiệu, quảng cáo, tư vấn ... như là một “thần dược” nên không ít người đã bỏ tiền ra mua để sử dụng với mong muốn điều trị khỏi bệnh giống thuốc chữa bệnh. Đừng nên nhầm lẫn vấn đề này để tiền mất mà tật lại mang.

 

Ngày 13/01/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích