Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Finance & Retail Thầy thuốc và Danh nhân
Việt Nam
Thế giới
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 8 2 2 1
Số người đang truy cập
3 3 7
 Thầy thuốc và Danh nhân
Những cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng làm nghề “bác sĩ mổ muỗi” thầm lặng để phục vụ cho công tác khoa học.
“Bác sĩ mổ muỗi”, một nghề nghiệp thầm lặng

Người làm nghề giết mổ thường mổ trâu, mổ bò, mổ heo...; người buôn bán gia cầm thường mổ gà, mổ vịt...; các bác sĩ phẫu thuật trong bệnh viện thì mổ người. Đối với ngành y tế dự phòng, đặc biệt chuyên ngành phòng chống sốt rét có người làm nghề “mổ muỗi”. Vấn đề mổ người; mổ trâu, bò, heo, gà, vịt... là việc thường nghe, nhưng nói đến mổ muỗi là điều hơi lạ vì con muỗi nhỏ như vậy làm sao mổ và mổ muỗi để làm gì? Thực tế đã có những cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng làm nghề “bác sĩ mổ muỗi” thầm lặng để phục vụ cho công tác khoa học.

Kỹ thuật mổ muỗi để phục vụ công tác khoa học sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định muỗi truyền bệnh đã giao phối hay chưa; xác định muỗi đã đẻ hay chưa đẻ, số lần đã đẻ; xác định các giai đoạn phát triển của trứng muỗi; xác định vai trò truyền bệnh của muỗi qua việc tìm thể nang bào của ký sinh trùng ở dạ dày muỗi và thể thoa trùng của ký sinh trùng tại tuyến nước bọt muỗi. Phẫu thuật viên mổ muỗi có thể gọi họ là các “bác sĩ mổ muỗi” mặc dù hoạt động âm thầm nhưng có giá trị thực tiễn rất lớn cho cộng đồng.

Mổ muỗi để xác định muỗi đã giao phối hay chưa

Việc xác định được thực hiện bằng phương pháp đơn giản là mổ muỗi cái tìm túi chứa tinh trong đốt bụng số 8 để xem đã có tinh trùng của muỗi đực hay chưa. Có thể quan sát túi chứa tinh thông qua lớp vỏ nếu nhìn từ mặt bụng. Túi chứa tinh là một túi nhỏ hình cầu, màu nâu thẫm có lỗ, hình dạng giống như một quả bóng gôn. Sau khi kéo nhẹ phần cuối và đốt bụng số 9, sẽ nhìn thấy túi chứa tinh nằm cạnh hệ thống ống malpighi, buồng trứng và các cơ quan tiêu hóa. Tách riêng nó và quan sát với độ phóng đại phù hợp sẽ xác định được muỗi cái đã giao phối hay chưa. Phương pháp thực hiện đơn giản, dễ tiến hành, dụng cụ để thực hiện kỹ thuật khá rẻ tiền nhưng thủ thuật mổ chỉ thực hiện được với những con muỗi cái còn tươi.

Mổ muỗi để xác định muỗi đẻ hay chưa đẻ và số lần đẻ

Việc xác định được thực hiện bằng phương pháp kỹ thuật mổ để bộc lộ buồng trứng, kiểm tra vi khí quản của buồng trứng muỗi cái đói để phân biệt muỗi đã đẻ và muỗi chưa đẻ. Ở muỗi cái mới nở, những ống vi khí quản cuộn lại sát nhau tạo thành các búi; sau lần đốt máu và phát triển trứng đầu tiên, các vòng, các búi của ống vi khí quản duỗi ra không còn cuộn lại nữa. Hiện tượng này giúp đánh giá được tỷ lệ muỗi đẻ và thời gian, chu kỳ sinh thực để dựa trên đó có thể tính khả năng sống sót của muỗi và ước lượng tuổi thọ trung bình của chúng.

 

 Lội suối trèo đèo bắt muỗi và bọ gậy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sống sót của muỗi là “một biểu thức toán học để xác định khả năng một con muỗi cái Anopheles có thể duy trì sự sống trong một khoảng thời gian nhất định”. Tỷ lệ sống sót này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự lan truyền bệnh sốt rét, nó xác định xem một con muỗi Anopheles có sống đủ thời gian để hoàn thành một chu kỳ thoa trùng trong muỗi hay không, đồng thời số lượng những lần đốt vật chủ lây nhiễm của một con muỗi sốt rét cũng phụ thuộc vào khả năng sống sót của con muỗi đó sau khi tuyến nước bọt nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

 

Mổ muỗi bằng kính hiển vi   (ảnh sưu tầm-nguồn:vtc.vn)

Mổ muỗi để xác định các giai đoạn phát triển của trứng muỗi

Kỹ thuật mổ muỗi cũng có thể xác định các giai đoạn phát triển của muỗi theo các tiêu chuẩn cụ thể khi quan sát các dây trứng. Để xác định các giai đoạn phát triển của trứng, trước hết phải xác định tình trạng sinh lý của muỗi cái thu thập được. Trước đây, tình trạng sinh lý của muỗi cái được xác định theo chỉ số sella từ sella I đến sella VII. Hiện nay, việc xác định tình trạng sinh lý của muỗi theo 4 giai đoạn sau:

- Muỗi đói: bụng muỗi dẹt, không có máu.

- Muỗi mới đốt máu-no máu: bụng muỗi chứa đầy máu màu đỏ tươi; buồng trứng chỉ chiếm một diện tích nhỏ ở phần cuối của thân; chúng chiếm 2 đến 3 đốt phần cuối mặt bụng và nhiều nhất là 4 đốt ở phần lưng.

- Muỗi bán chửa: máu trong bụng muỗi chuyển màu hầu hết là màu đen và chiếm từ 2 đến 3 đốt ở mặt bụng và 1 đến 2 đốt ở mặt lưng, phần gần với ngực nhất. Buồng trứng chiếm hầu hết phần thân.

- Muỗi chửa: máu chỉ còn một chấm nhỏ ở mặt bụng. Buồng trứng chiếm hầu hết phần còn lại của thân, ở một số loài muỗi có thể nhìn thấy các phao nổi ở hai bên của trứng qua thành bụng.

Sau khi xác định trạng thái sinh lý của muỗi sẽ thực hiện việc mổ muỗi. Quan sát buồng trứng với độ phóng đại 40 có thể ghi nhận được các giai đoạn phát triển của trứng trong nang trứng từ trứng non đến trứng trưởng thành. Mỗi một buồng trứng có khoảng 75 dây trứng trở lên. Mỗi một dây trứng có từ 2 đến 3 nang trứng và mỗi nang trứng có chứa 1 trứng non. Do đó mỗi một buồng trứng có chứa khoảng 200 trứng. Trứng muỗi phát triển qua 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: nang trứng hình tròn và chưa xuất hiện các hạt noãn hoàn. Noãn bào nhỏ và không thể phân biệt được với các tế bào nuôi trứng. Giai dôạn này xuất hiện ở các muỗi cái mới nở và chưa hút máu.

- Giai đoạn 2: nang trứng có hình bầu dục và đã xuất hiện các hạt noãn hoàn. Noãn bào chứa một nửa nang trứng và đã có thể quan sát được nhân của trứng. Giai đoạn này có thể chia thành 3 thời kỳ là tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Thời gian tiền kỳ: một số hạt noãn hoàn xuất hiện quanh nhân của trứng nhưng các hạt noãn hoàn này chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40; thời kỳ này thường gặp ở những muỗi cái mới phát triển trứng lần đầu. Thời gian trung kỳ: các hạt noãn hoàn chiếm 1/4 nang trứng và có thể quan sát chúng dưới độ phóng đại nhỏ hơn 10; thời kỳ này cũng chỉ tìm thấy ở những muỗi cái vừa hút máu xong đang phát triển lứa trứng đầu tiên. Thời gian hậu kỳ: xuất hiện rất nhiều hạt noãn hoàn và chúng chiếm tới 1/2 nang trứng, vẫn quan sát được nhân của trứng; thời kỳ này hay gặp ở muỗi no máu đã có ít nhất một lần đẻ hoặc muỗi mới phát triển lứa trứng đầu tiên.

 

Tiếp thức ăn bằng chuột cho muỗi. 

- Giai đoạn 3: các hạt noãn hoàn chiếm 3/4 nang trứng, lúc này không quan sát thấy được nhân của trứng nữa.

- Giai đoạn 4: các hạt noãn hoàn chiếm toàn bộ nang trứng và nang trứng được kéo dài ra trông như một cái xúc xích.

- Giai đoạn 5: trứng đã phát triển hoàn thiện và có phao nổi ở hai bên.

Mổ muỗi để xác định thể nang bào (oocysts) của ký sinh trùng

Kỹ thuật mổ muỗi cũng có mục đích tìm nang bào (oocysts) của ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở dạ dày muỗi truyền bệnh. Sau khi bị muỗi cái chích hút máu người có mang mầm bệnh, các giao bào đực và giao bào cái của ký sinh trùng sốt rét sẽ kết hợp với nhau thành các nang bào ký sinh trong thành dạ dày muỗi. Với phương pháp mổ muỗi và quan sát dạ dày của muỗi dưới kình hiển vi có độ phóng đại từ 10 đến 40 lần sẽ giúp xác định được các nang bào của ký sinh trùng ở trong cơ thể muỗi.

Mổ muỗi để xác định thể thoa trùng (sporozoites) của ký sinh trùng

Ngoài việc phát hiện thể nang bào, kỹ thuật mổ muỗi còn có mục đích tìm thể thoa trùng (sporozoites) của ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở tuyến nước bọt muỗi. Sau một thời gian các nang bào của ký sinh trùng sốt rét ký sinh tại dạ dày muỗi để phát triển thành những thoa trùng; chúng sẽ di chuyển và tập trung ở tuyến nước bọt muỗi. Phương pháp mổ muỗi sẽ bộc lộ được tuyến nước bọt của muỗi, soi dưới kính hiển vi để phát hiện các thoa trùng ký sinh tại đây. Kỹ thuật mổ muỗi tìm thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét là một phương pháp quan trọng để xác định vai trò truyền bệnh của một loài muỗi Anopheles nào đó là thủ phạm trung gian truyền bệnh sốt rét tại địa phương. Chú ý trong kỹ thuật này, sau khi phủ lam men lên tiêu bản tuyến nước bọt muỗi, dùng kim mổ gõ nhẹ đều trên lam men để làm vỡ tuyến nước bọt, thoa trùng sẽ được giải phóng. Soi phát hiện dưới kính hiển vi với độ phóng đại của vật kính 40, thoa trùng được tìm thấy có hình con thoi, mảnh, khúc xạ ánh sáng; đôi khi thấy chúng chuyển động nhúc nhích chậm trong tiêu bản.

Việc xác định tìm thoa trùng hay nang bào của ký sinh trùng sốt rét bằng phương pháp mổ muỗi phải sử dụng mẫu muỗi thu thập được còn tươi. Tuy nhiên khi tìm thấy được thoa trùng và nang bào nhưng không thể xác định được chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm. Phương pháp mổ muỗi để tìm thể thoa trùng, xác định vai trò truyền bệnh của muỗi phải mất nhiều thời gian, công sức và kết quả thường phụ thuộc vào cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng thực hiện kỹ thuật hay nói một cách khác phụ thuộc vào trình độ, năng lực của “bác sĩ mổ muỗi”.

“Bác sĩ mổ muỗi” là những cán bộ, kỹ thuật viên côn trùng đã có những sự cống hiến, hy sinh thầm lặng cho cộng đồng người dân trong cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh sốt rét mà ít người biết đến. Họ không được nổi tiếng với nhiều vinh quang, danh dự như các bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa trong hệ khám chữa bệnh nhưng các đóng góp của họ đã giúp cho ngành y tế dự phòng, đặc biệt là chuyên ngành phòng chống sốt rét xác định những vấn đề có liên quan đến muỗi truyền bệnh, xác định được vai trò truyền bệnh của loài muỗi Anopheles truyền bệnh tại địa phương để thực hiện các biện pháp can thiệp có hiệu quả, chính xác và phù hợp. Trân trọng cảm phục những tấm gương nghề nghiệp của các “bác sĩ” chuyên khoa “mổ muỗi” đã âm thầm, lặng lẽ theo từng con muỗi vì sự nghiệp khoa học cao cả.

Ngày 22/05/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  
    Các nội dung khác »

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích