Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 29/03/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 2 7 4 6 2 3
Số người đang truy cập
5 4 1
 An toàn thực phẩm & hóa chất Thuốc & Hóa chất
Dị ứng thuốc chiếm vị trí quan trọng, thường gặp trong các tai biến sử dụng thuốc (ảnh internet hinh họa)
Bạn biết gì về dị ứng thuốc?

Các nhà khoa học trong quá trình theo dõi, nghiên cứu đã xác định những tai biến do việc sử dụng thuốc gồm 6 nhóm nguyên nhân khác nhau gây ra như dùng quá liều, cơ thể không dung nạp thuốc, có tình trạng đặc ứng, bị tác dụng phụ, tác dụng thứ phát và phản ứng dị ứng. Thực tế cho thấy nhóm phản ứng dị ứng chiếm vị trí quan trọng trong các tai biến sử dụng thuốc và thường hay gặp nhất. Vì vậy cần biết về vấn đề này để có biện pháp phòng ngừa.

 

Trong thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước, việc sản xuất, kinh doanh thuốc đã phát triển khá rộng rãi nhưng chưa được các ngành chức năng có liên quan quản thuốc một cách chặt chẽ. Đồng thời quy chế sử dụng an toàn thuốc không được bảo đảm nên đã xảy ra những tai biến do dùng thuốc, trong đó hiện tượng dị ứng thuốc xảy ra ngày càng nhiều và có một số trường hợp khá trầm trọng. Dị ứng thuốc có thể nói là những phản ứng, hội chứng hoặc bệnh lý xuất hiện trong hay sau khi sử dụng thuốc qua đường tiêm truyền, uống, khí dung, nhỏ niêm mạc, tiếp xúc, bôi ngoài da... với những mức độ khác nhau và có khả năng gây tử vong cho người dùng. Chính vì vậy, vấn đề nhận biết đặc điểm tình hình, bệnh cảnh lâm sàng, phòng ngừa và xử trí kịp thời, đúng đắn, phù hợp các tai biến do dị ứng thuốc khi sử dụng bất kỷ ở đâu, bất cứ lúc nào là một việc làm cần thiết để góp phần thực hiện tốt quy chế sử dụng an toàn và hợp lý thuốc đã được Bộ Y tế ban hành.

Đặc điểm tình hình dị ứng thuốc

Các nhà khoa học đã thống kê có khoảng 75% tai biến do sử dụng thuốc là do nguyên nhân dị ứng thuốc. Cho đến nay, tình trạng dị ứng do dùng thuốc vẫn luôn là một vấn đề thời sự của y học các nước ngoài cũng như tại nước ta. Vì vậy việc này đã được đầu tư nghiên cứu vì các loại thuốc gây nên dị ứng ngày càng nhiều, tỷ lệ người dùng thuốc và bị dị ứng với thuốc ngày càng tăng. Bệnh cảnh lâm sàng của những trường hợp bị dị ứng thuốc rất đa dạng và phong phú do nhiều cơ chế ảnh hưởng khác nhau. Những biện pháp theo dõi, quản lý, phát hiện sớm các tai biến dị ứng thuốc còn gặp nhiều hạn chế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng khi sử dụng nhưng thường gặp nhiều nhất là kháng sinh. Một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định kháng sinh là loại thuốc có tỷ lệ gây dị ứng cao nhất, tiếp đến là các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm, vitamin, an thần, vaccine, huyết thanh; thuốc đông y, thuốc chống dị ứng... Thực tế cho thấy những biểu hiện dị ứng thuốc trên lâm sàng xảy ra rất đa dạng nhưng thường gặp nhiều nhất là các triệu chứng bồn chồn, mệt mỏi, khó thở, nổi ban, sốt, tụt huyết áp... Số tai biến do sử dụng huyết thanh, vaccin phòng bệnh các loại cũng có khả năng xảy ra do việc tiêm chủng không đúng quy trình, liều lượng không đúng quy định, không khám sàng lọc kỹ để có chỉ định đình hoãn việc tiêm chủng...

 

 Một trường hợp bị dị ứng thuốc (ảnh internet minh họa)

Với tình hình dị ứng thuốc đã nêu ở trên, các nhà khoa học đã cho rằng tai biến do dị ứng thuốc có 5 đặc điểm cần chú ý như: Tính kháng nguyên không đồng đều giữa các loại thuốc do bản chất cấu trúc hóa học, trọng lượng phân tử của thuốc, sự chuyển hóa của thuốc trong cơ thể, sự hình thành các sản phẩm trung gian và sự liên hợp của những sản phẩm này với thành phần protein của cơ thể. Tính mẫn cảm chéo giữa nhiều loại thuốc có cấu trúc hóa học gần giống nhau đã gây nên những tai biến khá bất ngờ cho thầy thuốc. Tính đa giá của dị ứng thuốc được biểu hiện ở những mức độ khác nhau. Một loại thuốc có thể là nguyên nhân gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng dị ứng và ngược lại một hội chứng lâm sàng dị ứng có thể do nhiều loại thuốc gây nên. Thực tiễn ghi nhận người bệnh bị dị ứng thuốc thường hay kèm theo các tình trạng dị ứng khác như dị ứng với thời tiết, dị ứng với thức ăn, hen phế quản... Yếu tố di truyền, cơ địa, tính đáp ứng miễn dịch của người bệnh có vai trò rất quan trọng trong quá trình xuất hiện các bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng thuốc. Dị ứng thuốc còn phụ thuộc vào cách sử dụng thuốc của thầy thuốc và của người bệnh. Trường hợp dùng thuốc nhiều lần, dùng thuốc không đủ liều, sử dụng thuốc kéo dài, kết hợp dùng nhiều loại thuốc một lần đều có thể tạo ra nguy cơ dễ bị dị ứng với thuốc. Phương thức sử dụng thuốc, đường tiếp nhận thuốc, lứa tuổi và giới tính... cũng có vai trò quan trọng trong việc gây nên dị ứng thuốc.

Các tai biến thường gặp do dị ứng thuốc

Thực tế trên lâm sàng, các tai biến do dị ứng thuốc thường hay gặp là nổi mề đay, phù Quincke, sốc phản vệ, chứng mất bạch cầu hạt, bệnh huyết thanh, viêm da dị ứng, đỏ toàn thân, hội chứng hồng ban đa dạng có bong nước hay hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc hay hội chứng Lyell...

Nổi mề đay: thường là biểu hiện lâm sàng nhẹ xảy ra đầu tiên của phần lớn những trường hợp bị dị ứng thuốc. Tất cả các loại thuốc sử dụng đều có thể gây nên tình trạng nổi mề đay; tuy vậy hay gặp nhất là các loại kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt... Bệnh cảnh lâm sàng dị ứng nổi mề đay thường xảy ra sau khi dùng thuốc, sớm nhất là sau khoảng từ 5 đến 10 phút, chậm nhất có thể sau vài ngày. Người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù. Sẩn có màu hồng, chung quanh có viền đỏ; hình dạng tròn hoặc bầu dục, to bằng hạt đậu hoặc đồng xu; chúng có thể liên kết với nhau thành những mảng, càng gãi ngứa mảng thương tổn càng tiến triển nhanh và lan rộng. Trong những trường hợp nặng, triệu chứng nổi mề đay thường kèm theo khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Phù Quincke: là một dạng nổi mề đay khổng lồ, nguyên nhân có thể do nhiều loại thuốc khác nhau gây nên như kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt... Triệu chứng phù Quincke thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Kích thước của phù thường to, có khi bằng cả bàn tay; nếu ở gần mắt làm cho mắt bị híp lại, ở môi làm cho môi bị sưng to và biến dạng. Màu da ở vùng bị phù Quincke bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mề đay. Trường hợp phù Quincke xảy ra ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị ngạt thở; nếu xảy ra ở ruột, dạ dày gây triệu chứng đau bụng; nếu xảy ra ở não gây triệu chứng đau đầu.

 

 Hội chứng phù Quincle do dị ứng thuốc
(ảnh internet minh họa)

Sốc phản vệ: là tai biến dị ứng thuốc nghiêm trọng nhất dễ dẫn đến tử vong. Có khá nhiều loại thuốc có thể gây nên sốc phản vệ như kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, tinh chất gan, một số loại vitamin... Bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ rất đa dạng và thường có thể xảy ra sau khi dùng thuốc từ vài giây cho đến khoảng sau 20 - 30 phút. Người bệnh có triệu chứng khởi đầu bằng các cảm giác lạ thường như bồn chồn, hoảng hốt, sợ hãi...; tiếp theo đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng ở một hay nhiều cơ quan đích như tim mạch, hô hấp, da, tiêu hóa... với những biểu hiện như mạch nhanh, nhỏ; huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, ngứa ran khắp người, đau quặn bụng; tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Đối với thể sốc phản vệ tối cấp tính thì bệnh nhân bị hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Chứng mất bạch cầu hạt: có thể xuất hiện sau khi người bệnh dùng các thuốc như sulfamid, penicillin liều cao, streptomycin, chloramphenicol, pyramidon, analgin... với bệnh cảnh lâm sàng điển hình như sốt cao đột ngột, sức khỏe giảm sút nhanh; loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi, họng, cơ quan sinh dục; viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch; nhiễm khuẩn huyết và dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh huyết thanh: là một tai biến dị ứng thường gặp do sử dụng các loại kháng sinh như penicillin, ampicillin, streptomycin... và một số thuốc khác gây nên nhưng ít được chú ý. Bệnh xuất hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc. Người bệnh chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao từ 38,5 đến 39oC; gan to hơn bình thường, ban mề đay nổi khắp người. Trong quá trình điều trị, nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay thuốc thì các triệu chứng nói trên sẽ mất dần.

Viêm da dị ứng: thực chất là phản ứng chàm (eczema) với thương tổn cơ bản là mụn nước kèm theo ngứa được tiến triển theo nhiều giai đoạn. Triệu chứng viêm da dị ứng thường xảy ra nhanh sau ít giờ tiếp xúc với thuốc. Người bệnh cảm thấy ngứa dữ dội, nổi ban đỏ, nổi mụn nước, phù nề ở các vùng da hở, vùng tiếp xúc với thuốc.

Đỏ da toàn thân: thường xảy ra do sử dụng các loại thuốc kháng sinh như penicillin, ampicillin, streptomycin, sulfamid, chloramphenicol, tetracyclin; các loại thuốc an thần, giảm đau, hạ sốt... Bệnh xuất hiện từ 2 đến 3 ngày, trung bình từ 6 đến 7 ngày, đôi khi từ 2 đến 3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh cảm thấy ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nổi ban và tiến triển thành đỏ da toàn thân. Trên da có vảy trắng, kích thước không đều, nhỏ bằng hạt phấn đến lớn bằng hạt dưa; các kẽ tay chân có thể bị nứt và chảy nước vàng, đôi khi bội nhiễm có mủ do nhiễm trùng thứ phát.

Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước: còn gọi là hội chứng Stevens-Johnson xảy ra cũng do sử dụng các loại thuốc kháng sinh như penicillin, streptomycin, tetracyclin, sulfamid chậm; các loại thuốc an thần, hạ sốt, giảm đau, chống viêm... Sau khi dùng thuốc vài giờ đến khoảng 15-20 ngày, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ngứa khắp người, có cẩm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như miệng, mắt, mũi, tai, hậu môn, niệu đạo, âm đạo... dần dần dẫn tới viêm loét, hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên này; đồng thời có thể kèm theo tổn thương gan, thận. Đối với thể bệnh nặng dễ gây tử vong.

Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc: còn gọi là hội chứng Liell, gây nên tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất do sử dụng các loại thuốc như sulfamid chậm, penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracyclin, analgin, phenacetin... Triệu chứng xảy ra khoảng vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc, người bệnh cỏ cảm giác mệt mỏi, bàng hoàng, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người; trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có những chấm xuất huyết. Vài ngày sau, có khi sớm hơn, lớp thượng bì tách khỏi da, dụng chạm nhẹ đến làm trợt ra từng mảng gọi là dấu hiệu Nikolski dương tính, tương tự như hội chứng bỏng toàn thân. Cùng với tổn thương ở da, bệnh nhân có thể bị viêm loét niêm mạc các hốc tự nhiên; bị viêm phổi, viêm màng phổi, viêm gan, viêm thận. Bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh thường diễn biến rất nặng và nhanh chóng có nguy cơ dẫn đến tử vong.

 

 Tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng cần phòng ngừa
(ảnh internet minh họa)

Phòng ngừa những tai biến do dị ứng thuốc

Tai biến do dị ứng thuốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu đối với những người sử dụng thuốc để điều trị hay phòng bệnh. Vì vậy để giảm thiểu những tai biến do dị ứng thuốc, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cụ thể sau đây: Cần truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền cho cộng đồng người dân hiểu biết để nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc hợp lý và an toàn. Dùng thuốc phải đúng chỉ định, đúng liều lượng, không nên kết hợp dùng nhiều loại thuốc cùng một lần. Trước khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cần kiểm tra chất lượng thuốc và khai thác tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh. Những loại thuốc có quy định thử phản ứng cần phải thử nghiệm đúng kỹ thuật, nếu phản ứng âm tính mới được sử dụng thuốc. Trước khi tiêm thuốc cho người bệnh, cần chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ và thuốc cấp cứu tai biến dị ứng như bơm và kim tiêm vô khuẩn, dây ga rô, adrenalin dung dịch 0,1%, suprastin dung dịch 2,5%, pipolphen 2,5%, diaphyllin 4,8%, depersolon 30mg... Khi tiêm thuốc kháng sinh, phải dùng dụng cụ riêng để phòng sốc phản vệ do vết kháng sinh. Khi đang tiêm thuốc, nếu phát hiện nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra; phải ngừng tiêm ngay để người bệnh không tiếp xúc nhiều hơn với thuốc đã dùng và kịp thời xử trí khi sốc phản vệ xuất hiện. Sau khi tiêm xong thuốc, phải để người bệnh ngồi chờ khoảng từ 15 đến 20 phút nhằm theo dõi, đề phòng một số trường hợp bị sốc phản vệ xảy ra chậm hơn.

Nguyên tắc điều trị tai biến do dị ứng thuốc

Khi tai biến do dị ứng thuốc đã xảy ra, việc điều trị cần phải bảo đảm một số nguyên tắc quy định như: Không để người bệnh tiếp xúc nhiều hơn hoặc tiếp xúc trở lại với thuốc gây nên dị ứng đã dùng, hạn chế dùng thuốc khác. Sử dụng các loại thuốc chống dị ứng như các kháng histamin, corticoid, vitamin C liều cao... Sử dụng các loại thuốc để chữa các triệu chứng xảy ra. Thực hiện việc điều trị bù nước và điện giải khi phát hiện có hiện tượng mất nước và điện giải. Dùng thuốc lợi tiểu, tăng cường chức năng gan. Điều trị chống bội nhiễm nếu bị nhiễm trùng thứ phát. Phải lựa chọn loại kháng sinh phù hợp để bảo đảm an toàn. Chú ý việc giải quyết tốt vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân và làm công tác hộ lý đối với các trường hợp bị dị ứng thuốc nặng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thực tế hiện nay, tai biến do dị ứng thuốc xảy ra ở một số bệnh nhân được ghi nhận tại các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân, tại tuyến dưới cũng như tuyến trên; chúng cũng xảy ra trong các trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc điều trị hay dùng thuốc theo đơn điều trị ngoại trú. Trong đó có trường hợp bị tai biến dị ứng trầm trọng, gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Vì vậy cộng đồng người dân, kể các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách cụ thể như nội dung đã nêu ở trên; không nên chủ quan, xem nhẹ vì tai biến dị ứng thuốc có thể xảy ra một cách ngờ không định trước được. Khi có tai biến xảy ra, cần thực hiện đúng các nguyên tắc xử trí điều trị. Nên nhớ rằng việc sử dụng thuốc hợp lý và an toàn là điều cơ bản để hạn chế các tai biến do dị ứng thuốc.

Ngày 31/03/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích