Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 25/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 5 1 6 1 2 7
Số người đang truy cập
2 1
 An toàn thực phẩm & hóa chất Thuốc & Hóa chất
Thông tin cập nhật về dược phẩm và sinh phẩm y tế

Phạt nặng hành vi lạm dụng thuốc

Đây là một trong những quy định đáng chú ý trong Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12 tới. Theo đó, những hành vi như kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật... mà thực tế người bệnh không sử dụng, lạm dụng dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh BHYT sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh sử dụng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 24 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.

Theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh, do hiện chưa có quy chuẩn về xét nghiệm và chiếu chụp nên tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm đối với bệnh nhân BHYT diễn ra khá phức tạp ở nhiều bệnh viện. Chỉ riêng trong năm 2010, tỷ lệ các xét nghiệm ở bệnh viện đều tăng như: chụp CT scan tăng gần 10% với 1,4 triệu lượt bệnh nhân, nội soi chẩn đoán cũng tăng 24%, xét nghiệm sinh hóa tăng hơn 12%.

Thuốc mới chống ung thư phổi

Theo tạp chí Lancet o­ncology, TG4010- một loại thuốc dạng chích chống ung thư phổi qua thử nghiệm ở 148 bệnh nhân đã cho kết quả khả quan. Sau 6 tháng thử nghiệm loại thuốc do Đại học Strassbourg (Pháp) điều chế, người ta thấy 43% bệnh nhân có thuyên giảm so với 35% chỉ dùng hóa trị.

Thuốc này dùng chung với biện pháp hóa trị đã giúp kích thích hệ thống miễn dịch tấn công tế bào ung thư tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết cần có thêm nghiên cứu trước khi sử dụng chính thức.
 

Nhật bào chế thuốc thử ung thư

Các nhà khoa học Nhật Bản đã bào chế thành công loại thuốc thử giúp phát hiện tế bào ung thư bằng cơ chế phát sáng. Thành công này sẽ nâng cao hiệu quả chữa trị ung thư biểu mô, vốn rất khó phát hiện bằng các phương pháp hiện có.

Loại thuốc này sẽ phát ra ánh sáng màu xanh có thể nhìn thấy bằng mắt thường, khi tương tác với loại enzyme GGT trên bề mặt của các tế bào ung thư. Nhờ đó, các bác sĩ phẫu thuật dễ dàng phân tách tế bào ung thư với những tế bào khỏe mạnh khác. Các enzim GGT cũng có mặt trong ung thư phổi, gan, ung thư vú và u não.

Thu hồi thuốc fexidine trị viêm mũi dị ứng

Theo Cục Quản lý dược, thuốc viên nén bao phim fexidine (fexofenadine hydrochlodire tablets 120mg), lô sản xuất 7211021, hạn dùng tháng 6-2013, số đăng ký VN-8660-04 do Công ty Strides Arcolab Limited-India sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm Trung ương II (Codupha) nhập khẩu đã bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Cục Quản lý dược yêu cầu nhà nhập khẩu khẩn trương thu hồi sản phẩm thuốc này và báo cáo về cục trước ngày 1-1-2012. Được biết, thuốc viên nén bao phim fixedine được chỉ định dùng chữa trị các triệu chứng do viêm mũi dị ứng theo mùa và hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi..

Vaccine dại công nghệ tế bào “Made in Việt Nam

Nguồn vaccine dại từ não chuột sơ sinh không còn được sử dụng do xảy ra phản ứng phụ, trong khi nguồn vaccine dại theo công nghệ tế bào ở nước ta hiện vẫn phải nhập chủ yếu từ Pháp. Từ thực tế đó, Th.S Nguyễn Kim Dung cùng các cộng sự tại Viện Pasteur TPHCM đã nghiên cứu và cho ra đời loại vaccine dại có chất lượng tương đương với vaccine ngoại nhập. Công trình này được nghiên cứu gần 10 năm.

Chất lượng tương đương ngoại nhập

Theo Th.S Nguyễn Kim Dung, ý tưởng ban đầu (từ những năm 2000) của nhóm nghiên cứu là tạo ra loại vaccine dại dành cho người, nhưng thời điểm đó kỹ thuật và các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu chưa có nhiều, nên nhóm đã chuyển hướng sang nghiên cứu vaccine dành cho động vật. Đây là cách phòng dại từ xa cho người nên được Sở KH-CN TPHCM đồng ý cấp kinh phí nghiên cứu vào năm 2005.

Đặc biệt, đến năm 2007, khi loại vaccine từ não chuột sơ sinh bị cấm sử dụng bởi xuất hiện nhiều tác dụng phụ, Việt Nam thiếu hụt vaccine dại do phải chờ nhập từ nước ngoài. Đề tài nghiên cứu của Th.S Nguyễn Kim Dung càng được chờ đợi.
 

Thế nhưng, thành công trong nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng đến sớm như kỳ vọng. Th.S Nguyễn Kim Dung nhớ lại: “Thời điểm đó, cơ sở vật chất của viện rất nghèo. Đơn cử như chiếc máy xoay chai mà chúng tôi sử dụng vào nghiên cứu có từ thời các thầy, cô du học tại Pháp mang về cách đây mấy chục năm. Nên khi sử dụng thường trục trặc, máy dừng, tế bào nuôi trong chai chết, chúng tôi phải nuôi cấy lại từ đầu”. Thêm vào đó, do kỹ thuật hoàn toàn thủ công nên năng suất sinh khối của virus trên tế bào không nhiều, việc sản xuất lô vaccine đầu cũng gặp khó khăn.

Tuy vậy, vượt lên tất cả, đến năm 2009, sau khi sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm, Th.S Nguyễn Kim Dung cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 45 cá thể chó (trong vòng 1 năm) tại Chi cục Thú y TPHCM. Kết quả vượt ngoài mong đợi, chỉ số bảo hộ kháng thể trên những chú chó này đạt 70%, sau đó tăng lên 76%, ngang bằng với chất lượng mà các vaccine được nhập từ Pháp về Việt Nam.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trước đó, nhóm GS Đỗ Quang Hà (Viện Pasteur TPHCM) đã từng nghiên cứu về vaccine theo kỹ thuật tế bào nhưng mức bảo hộ chỉ đạt từ 6-9 tháng, hay vaccine từ thận của chuột đất vàng của các nhà khoa học tại Hà Nội nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả. Như vậy, có thể xem đây là vaccine dại đầu tiên của Việt Nam theo công nghệ tiên tiến nhất của thế giới.

Tiếp tục hoàn thiện

Thành công bước đầu của nhóm nghiên cứu đánh dấu bước phát triển của kỹ thuật tạo vaccine dại tại Việt Nam, nhưng đấy mới chỉ là thử nghiệm trên 45 cá thể chó. Để đi đến sản xuất đại trà, với số lượng lớn đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật và quy trình nghiên cứu cũng như hạ giá thành của sản phẩm. Hiện mỗi liều vaccine có giá từ 5.500 đồng/liều cho một lô sản xuất (10 liều), so với giá của vaccine nhập từ Pháp (khoảng 6.700 đồng/liều) vẫn còn cao.

Theo Th.S Nguyễn Kim Dung, nếu kết hợp được với công ty sản xuất vaccine để sản xuất đại trà giá thành tất yếu sẽ giảm thêm, nhưng trước mắt nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình sản xuất với quy mô lớn.

BS Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật TPHCM - người có thời gian đầu gắn bó với đề tài nghiên cứu này, cho biết thêm, các loại vaccine hiện đang được sử dụng phổ biến trên cả nước dù sao cũng đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu.

Với một “anh lính mới” như vaccine này, một khi ra thị trường nếu không có giá cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sản xuất quy mô lớn phải cân nhắc kỹ, đồng thời cần sự hỗ trợ của nhà nước. Tuy thế, đây vẫn là thành tựu của nền khoa học Việt Nam, đáng được ghi nhận. Mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên thuốc thú y Trung ương 2 phải nhập 3 triệu liều vaccine phòng dại cho chó, mèo từ Pháp để cung cấp cho các đơn vị tiêm phòng. Riêng Chi cục Thú y TPHCM phải mua lại từ đơn vị này khoảng 280.000 liều/mỗi năm với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, để chích ngừa cho tổng đàn chó hơn 237.000 con trên toàn địa bàn TP. Khi vaccine được nghiên cứu và sản xuất đại trà sẽ giúp Việt Nam tự chủ được nguồn vaccine khi có dịch xảy ra, đồng thời hạ được giá thành loại vaccine dại này.

Tràn lan thuốc kém chất lượng

Sau loạt bài Những “khoảng mờ” thị trường dược phẩm (đăng 11 và 12-10 trên Báo SGGP), dư luận rất quan tâm và phản ánh còn nhiều “khoảng mờ” nữa cần được mổ xẻ, đặc biệt là tình trạng thuốc kém chất lượng cho lưu hành tràn lan. Thời gian qua nhiều loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc có tác dụng phụ nguy hại liên tục bị phát hiện và thu hồi khẩn cấp. Đáng lo hơn, nhiều loại thuốc trước khi bị phát hiện kém chất lượng đã được cấp phép lưu hành, chứng nhận chất lượng và cũng đã tới tay của rất nhiều người bệnh.
 

Tăng chóng mặt

Thời gian gần đây Cục Quản lý Dược, Sở Y tế một số tỉnh thành liên tiếp ra quyết định về đình chỉ lưu hành, thu hồi và cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Thống kê cho thấy, nếu như năm 2009, Cục Quản lý Dược chỉ ra quyết định thu hồi 105 số lô thuốc không đạt thì tới năm 2010 đã có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Còn từ đầu năm 2011 tới nay, đặc biệt là từ tháng 6-2011 trở lại đây, gần như tuần nào, Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế ở các địa phương cũng có vài quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc kém chất lượng. Trong đó chỉ riêng Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra thông báo thu hồi 13 lô thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu định lượng, 15 lô thuốc không đạt về chỉ tiêu độ hòa tan, còn lại là không đạt các tiêu chí khác.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc Hà Nội cho biết, trong vòng một năm qua, qua kiểm nghiệm 350 mẫu thuốc nhập khẩu, phát hiện 12 mẫu không đạt chất lượng, chiếm 3,4%, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng chiếm 1,2%.

Trong khi đó, đánh giá mới đây của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng cho thấy, tình trạng thuốc kém chất lượng, thuốc giả đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, số thuốc bị phát hiện kém chất lượng và thuốc giả phải thu hồi tăng đều từng năm. Nếu như năm 2008, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã phát hiện 840 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó thuốc nhập khẩu là 94 mẫu, thì tới năm 2009, số thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị phát hiện đã tăng lên 1.051 mẫu, trong đó 139 mẫu thuốc nhập khẩu, tiếp đến tới năm 2010, số thuốc không đạt chất lượng bị phát hiện cũng lên tới trên 1.000 sản phẩm.

Thừa và thiếu

Đáng lo ngại hơn, những loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả lại không cố định, hay tập trung ở một nhóm nào mà rất đa dạng, phong phú. Không chỉ thuốc sản xuất trong nước mà thuốc ngoại nhập, từ tân dược đến đông dược, từ nhóm cảm cúm, hạ sốt, chống viêm thông thường cho tới những loại kháng sinh ngoại nhập, thuốc đặc trị, thậm chí là thuốc bổ, vitamin, thuốc tiêm cũng phát hiện thuốc kém chất lượng và thuốc giả.

Theo Thạc sĩ Phương còn cho biết, thuốc không đạt chất lượng không chỉ khiến bệnh tật người bệnh thêm trầm trọng mà còn có thể gây thêm bệnh cho người bệnh nếu như bản thân viên thuốc bị nhiễm các vi khuẩn có hại hay nấm mốc.

Lý giải trước tình trạng gia tăng các loại thuốc kém chất lượng, một số chuyên gia dược phẩm nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam liên tục phát triển, với hàng trăm loại thuốc được cấp số đăng ký mới và lưu hành mỗi năm, đồng nghĩa với việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng gia tăng. Cùng với đó, việc quản lý, kiểm soát, hậu kiểm chất lượng thuốc của cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo. Trong số hàng ngàn loại thuốc khi bị phát hiện kém chất lượng và phải xử lý thu hồi trong thời gian qua thì phần lớn trước đó đều đã được Cục Quản lý Dược hay Sở Y tế ở địa phương thẩm định về chất lượng, cấp số đăng ký và cho phép lưu hành. Như vậy, phải chăng khi doanh nghiệp đưa sản phẩm thuốc tới cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký chất lượng lưu hành, nhà quản lý lại không thẩm tra, tìm hiểu rõ ràng thực tế chất lượng của thuốc, nên để những loại thuốc “thừa nguy hại thiếu tác dụng” lọt ra thị trường? Thậm chí mới đây, còn có một số loại thuốc ngoại nhập dù đã bị các cơ quan chức năng ở nước ngoài cảnh báo về những phản ứng nguy hại và cấm lưu hành, nhưng Cục Quản lý Dược lại rất chậm trễ trong việc thu hồi, cấm sử dụng.

Đáng trách hơn, ngay cả khi cơ quan chức năng đã cấp phép lưu hành, sau đó ban hành quyết định yêu cầu thu hồi loại thuốc vì không đảm bảo chất lượng, cũng không hề đề cập tới việc phải khắc phục, giải quyết hậu quả với người bệnh khi đã phải sử dụng loại thuốc không an toàn. Không chỉ có vậy, ngay cả các doanh nghiệp cũng chỉ nhận được thông báo thu hồi thuốc chứ thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì thu hồi chậm thuốc kém chất lượng, nên việc họ kéo dài thời gian thu hồi để tiêu thụ thuốc kém chất lượng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, việc thu hồi thuốc mới chỉ được tiến hành trên lý thuyết và hậu quả là mỗi năm, cả nước có hàng trăm vụ ngộ độc thuốc do phản ứng phụ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ra, trong đó không ít trường hợp phải mang tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Những “khoảng mờ” thị trường dược phẩm: Xin cho và xí phần

Có một thực trạng mà hầu hết các công ty dược trong nước đều tự hiểu ngầm là xin được càng nhiều số đăng ký thuốc (visa) càng tốt. Thay vì công ty chỉ đủ năng lực sản xuất khoảng vài chục loại nhưng xin visa cả trăm để… xài dần, không thì hợp tác gia công. Trong khi, các hãng dược nước ngoài cũng đua nhau xin số đăng ký nhập khẩu thuốc để… xí phần.

Xin để dành

Dù mới đi vào hoạt động chưa tới 2 năm nay nhưng Công ty cổ phần dược phẩm E. đã có trong tay trên 200 số visa. Tuy đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), nhưng lãnh đạo công ty này cho biết cũng mới “xài” được khoảng 100 số visa, còn lại để dành. “Do mới đi vào hoạt động nên kinh nghiệm xin visa chưa nhiều chứ có công ty xin cùng lúc cả mấy chục visa, và trong tay họ có cả ngàn visa. Vậy nhưng để đó chơi thôi, khi nào thích thì sản xuất. Ai thu thuế mà sợ”, tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm E. trần tình.

Điểm qua tình hình sản xuất cho thấy, Công ty cổ phần dược phẩm E. với đội ngũ nhân sự mới tuyển dụng, phòng nghiên cứu phát triển cũng manh nha nhưng lập được hồ sơ xin tới 200 visa thì quả là nhanh nhạy. Tương tự, Công ty cổ phần dược phẩm B. có nhà máy ở Bình Dương cũng có “tuổi đời” non trẻ, xin được hơn 100 visa các loại, nhưng thực tế sản xuất cũng chỉ vài chục loại.

“Chỉ tung ra những loại thuốc mà thị trường đang chuộng thôi, còn lại chờ khi nào công ty mạnh lên thì sản xuất. Mình không xin thì họ xin hết, đến lúc cần thì khó lắm”, giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm B. cho biết. Lý giải về vấn đề này, một số công dược cho rằng vòng đời của thuốc ngắn cho nên phải liên tục xin cấp để mới có sản xuất!

Thực tế cho thấy, xin visa dược phẩm là một cuộc chạy đua nếu không nói là giành giật thực sự giữa các công ty dược trong lẫn ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp dược thừa nhận hầu như tháng nào cũng nộp hồ sơ xin cấp vài ba visa. Một số doanh nghiệp phải thiết lập hẳn một bộ phận thường trú ngay gần Cục Quản lý dược để mỗi lần có nhu cầu xin visa “chạy cho lẹ”. Vậy nhưng không ít doanh nghiệp “bở hơi tai” vì xếp hàng chờ đến lượt mặc dù những quy định đối với cơ sở đăng ký, hồ sơ thủ tục hợp lệ!

Điều đáng nói, có những công ty dược mới ra đời, cơ sở sản xuất nhỏ, không có bộ phận nghiên cứu phát triển, không có điều kiện và không đủ thời gian để nghiên cứu sản phẩm mới nhưng lại được liên tục cấp rất nhiều số visa. Một câu hỏi đặt ra là các công ty này đã lấy dữ liệu từ đâu để soạn hồ sơ đăng ký? Câu hỏi này không khó để trả lời khi nhiều doanh nghiệp dược tiết lộ là sao chép hồ sơ của nhau để qua mặt thẩm định của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Theo các chuyên gia dược học, cách cấp phép này đang triệt tiêu mọi nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của các công ty dược sản xuất nghiêm túc và tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh làm tình hình thị trường dược thêm rối loạn, tiêu cực. Chẳng vậy mà có công ty xin được visa nhưng không đủ khả năng sản xuất nên hợp đồng gia công với công ty khác. Thậm chí có công ty nước ngoài xin visa nhưng nhờ công ty trong nước gia công với bất cứ tiêu chuẩn chất lượng và loại nguyên liệu nào!

Tiếp thị không lành mạnh

Dù nhiều loại thuốc trong nước sản xuất có chất lượng bằng hoặc tốt hơn thuốc ngoại nhưng visa nhập khẩu vẫn được cấp. Phó giáo sư Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, từng dẫn chứng năm 2009, ngành dược trong nước có 8.000 số đăng ký với 800 hoạt chất thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý, thì thuốc nước ngoài đã vượt lên con số đăng ký đó. Và sang năm 2010 cũng tương tự như vậy. Nghĩa là chưa có gì “sáng sủa” hơn cho ngành dược trong nước.

Trong khi các nhà máy dược trong nước gặp rất nhiều trở ngại khi xuất khẩu thuốc do các cơ quan quản lý dược phẩm nước ngoài đều dùng hàng rào kỹ thuật như yêu cầu thanh tra thực tế nhà máy trước khi xét cấp visa, yêu cầu thử nghiệm tương đương sinh học để đảm bảo an toàn, thì rất nhiều công ty dược nhỏ của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh thoải mái nhập khẩu thuốc vào Việt Nam mà không có một hàng rào kỹ thuật nào đáng kể.

Lãnh đạo nhiều công ty dược phẩm phản ánh chất lượng sản phẩm của các công ty dược này không có gì nổi trội hơn thuốc cùng loại sản xuất trong nước. Vậy vì sao tình trạng này vẫn kéo dài từ nhiều năm qua? Phải chăng thiếu những công cụ pháp lý hỗ trợ hay công tác quản lý ngành dược còn nhiều yếu kém! Thực tế cho thấy thị phần của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược trong nước đang bị giảm sút qua các năm bởi thiếu sự kiềm chế cấp visa cho thuốc ngoại. Chẳng hạn năm 2009, tỷ lệ thị phần giữa thuốc nội và thuốc ngoại là 50/50 nhưng năm 2010 là 46/54.

Theo quy định, hãng dược trong nước được chi phí hoa hồng hợp lý là 10% nhưng hãng dược nước ngoài được ưu ái cho khuyến mãi tới 50%. Cái này gọi là chiến lược tiếp thị không lành mạnh! Không ít doanh nghiệp dược trong nước than thở không cạnh tranh nổi với thuốc ngoại cùng hoạt chất mặc dù thuốc nội tốt ngang bằng. Nguyên do không chỉ các hãng dược nước ngoài được phép quảng cáo thoải mái mà còn được “ưu ái” cấp số đăng ký!

Sự mất cân đối về đăng ký thuốc cũng đang ngày một lớn dần khi có những hoạt chất đăng ký quá nhiều như Paracetamol, Vitamin C, B1, B6, Cephalexin… Chẳng hạn, hoạt chất Cefixim (một loại kháng sinh), trong khi các hãng dược trong nước đã được cấp tới cả trăm visa thì Cục Quản lý dược vẫn cấp hơn  số đó cho các hãng dược nước ngoài. Tương tự là hoạt chất Cefuroxime, Amlodipin, Azithromycin, Metformin…

Rút số đăng ký 2 loại thuốc kém chất lượng

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết đã có quyết định rút số đăng ký của 2 thuốc nhập khẩu ra khỏi danh mục các thuốc được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam, gồm: thuốc viên nén bao phim Tinidazole 500mg, SĐK: VN-7891-09, do Công ty XL Laboratories Pvt., Ltd., Ấn Độ đăng ký và sản xuất; viên nén bao tan trong ruột Seachfol-Z, SĐK: VN-2664-07, do Công ty Brawn Laboratories Ltd., Ấn Độ đăng ký, Công ty Overseas Laboratories Pvt. Ltd., Ấn Độ sản xuất.

Trước đó, 2 loại thuốc ngoại nhập này đã bị Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu do không đạt tiêu chuẩn chỉ tiêu hòa tan. 

Sẽ có vaccine ngừa chung nhiều loại cúm

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Thụy Sĩ, họ đã phát hiện ra một phương pháp có thể chế tạo vaccine ngừa tất cả các loại cúm A mang tên FI6. Thuốc dựa vào cơ chế hoạt động thay đổi prtotein của các virus.

Hiện nay, thế giới phải sử dụng nhiều loại vaccine cho những loại cúm khác nhau và mỗi năm cũng thay đổi để có thể ngăn chặn dòng virus biến đổi. Điều này gây bất tiện và tăng chi phí y tế. Triển vọng về loại vaccine sắp tới sẽ tiêm một mũi có tác dụng trong vài chục năm, thậm chí cả đời.

Hơn 100 thông tin cảnh báo về phản ứng có hại của thuốc
 

Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa ra mắt Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TPHCM và hội thảo về thông tin thuốc, cảnh giác dược - kết nối vì cộng đồng. TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm có chức năng quản lý và báo cáo tình hình an toàn thuốc trong khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Hiện nay, việc sử dụng thuốc quá nhiều, quá ít hoặc không phù hợp sẽ gây hại cho người bệnh và tốn kém trong quá trình điều trị. Thậm chí, trong trường hợp nặng có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc tử vong. Trong 5 tháng qua, khu vực phía Nam đã có hơn 100 thông tin, cảnh báo về phản ứng của nhiều loại thuốc từ các cơ sở điều trị.
 

Buông lỏng quản lý tiền chất gây nghiện?

Dư luận đang lo lắng trước hiện tượng có sự gia tăng đột biến số lượng nhập khẩu nguyên liệu tiền chất Pseudoephedrin HCL, một trong những thành phần sản xuất ra các loại thuốc trị cảm cúm, cũng là tiền chất tổng hợp ma túy. Từ đó đang đặt ra vấn đề liệu có buông lỏng quản lý?

Sự đột biến đáng ngờ

Là thành phần cơ bản để sản xuất ra các loại thuốc trị bệnh cảm cúm, Pseudoephedrin HCL được nhập khẩu từ nhiều năm qua. Hiện cả nước có ít nhất 45 công ty đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCL. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCL có sự gia tăng đột biến. Trong đó, một số công ty dược phẩm được ghi nhận có mua nguyên liệu với số lượng lớn như Công ty cổ phần Dược phẩm BV Pharma (Công ty BV Pharma), Công ty Dược phẩm Thai Nakorn, Công ty cổ phần Dược phẩm Pharbaco, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi, và Công ty Dược phẩm OPV. Năm 2010, Công ty BV Pharma được cấp phép mua 1.100kg Pseudoephedrin HCL, sử dụng hết 776kg và còn tồn kho là 323kg. Thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2011, số lượng nhập khẩu và mua nguyên liệu của Công ty BV Pharma đã có sự thay đổi lớn.

Tại biên bản kiểm tra ngày 13-7-2011 của Cục Quản lý dược cho thấy công ty này đã mua trong nước 3.555kg nguyên liệu Pseudoephedrin HCL và trực tiếp nhập khẩu 500kg. Tổng lượng nguyên liệu Pseudoephedrin HCL đã nhập kho phục vụ sản xuất thuốc tại Công ty BV Pharma từ tháng 12-2010 đến 30-6-2011 là 4.055kg. Từ đó, Công ty BV Pharma đã sản xuất 2 mặt hàng thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa Pseudoephedrin HCl là Activenose và Biviflu Night. Đồng thời gia công sản xuất thuốc Tripofed cũng có chứa Pseudoephedrin HCL tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco.
 

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Công ty BV Pharma sản xuất 66.533.000 viên Activenose, gia công sản xuất 13.155.300 viên Tripofed. Cả 3 loại thuốc trên, Công ty BV Pharma bán cho 5 công ty: Công ty TNHH Dược phẩm Như Ý (quận 10, TPHCM), Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái (quận 8, TPHCM), Công ty cổ phần Thương mại và dược phẩm Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex và Công ty Dược phẩm Đông Hải. Trong đó, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái mua số lượng nhiều nhất với hơn 40 triệu viên.

Tương tự, Công ty Dược phẩm Thai Nakorn được mua 3.000kg nguyên liệu Pseudoephedrin HCl năm 2010 thì 6 tháng đầu năm 2011 là 1.700kg, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi mua 524 kg năm 2010 thì 6 tháng đầu năm 2011 tăng lên 1.481 kg… Điều đáng nói, theo quy định tại Thông tư 11/2010/TT-BYT về quản lý thuốc hướng thần và tiền chất thì khi dự trù nguyên liệu hướng thần, tiền chất vượt quá 50% số lượng dùng năm trước phải có báo cáo diễn giải, phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và căn cứ nhu cầu hợp lý của từng đơn vị. Nhưng thực tế với sự đột biến nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCl gấp đôi năm 2010 như vậy, các công ty dược đã diễn giải thích hợp? Hơn nữa, thuốc chứa Pseudoephedrin HCl đóng gói mỗi lọ 200 viên, 250 viên, 500 viên và 1.000 viên bán cho các công ty phân phối, trong khi những loại thuốc trên thuộc diện không kê đơn, tạo cơ hội cho các đối tượng tội phạm thu gom số lượng lớn để chiết xuất tiền chất Pseudoephedrin HCl tổng hợp ma túy.
 

Cục Quản lý dược: Tuân thủ đúng các quy định?

Trước thông tin về những “khuất tất” trong việc nhập khẩu, mua nguyên liệu Pseudoephedrin HCl và sản xuất thuốc chứa tiền chất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược đã có công văn 11300/QLD-KD ngày 20-8 cho rằng, thuốc thành phẩm có chứa tiền chất dùng làm thuốc Pseudoephedrin HCl có hàm lượng dưới 120mg/viên và ở dạng phối hợp là thuốc không kê đơn. Điều này thực hiện đúng quy định hiện hành tại Thông tư 08/2009/TT-BYT.

Cục Quản lý dược xét duyệt dự trù nguyên liệu Pseudoephedrin HCl cho các đơn vị sản xuất thuốc trong nước theo đúng quy định của Thông tư 11/2010/TT-BYT. Theo đó, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm về số lượng thuốc hướng thần, tiền chất dự trù, và tiền chất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị. Khi dự trù số lượng thuốc hướng thần và tiền chất vượt quá 50% so với số lượng sử dụng kỳ trước, các cơ sở dự trù phải nói rõ lý do. Tuy nhiên, thực tế có báo cáo dự trù và nói rõ lý do vẫn chưa được các công ty dược thông tin rõ.

Trong khi đó, theo ông Thanh, việc duyệt dự trù trong suốt thời gian qua của Cục Quản lý dược đều tuân thủ theo đúng các quy định? Vậy với sự đột biến về số lượng Pseudoephedrin HCl nhập khẩu, mua bán có phải đã được dự trù hợp lý để Cục Quản lý phê duyệt. Đây là “khuất tất” cần làm rõ?

Bên cạnh đó, việc cấp số đăng ký lưu hành thuốc thành phẩm dạng phối hợp chứa tiền chất Pseudoephedrin HCl, theo ông Thanh, cũng được thực hiện theo đúng quy định về đăng ký thuốc và ghi nhãn thuốc hiện hành. Nhưng với 116 số đăng ký thuốc có chứa Pseudoephedrin HCL cấp cho 38 công ty trong nước, và 24 số đăng ký cho thuốc nước ngoài có quá nhiều và đúng quy định. Mặt khác, có 23 số đăng ký có quy cách đóng gói dạng chai, lọ từ 200 viên đến 1.000 viên/chai thì quả là dễ dàng thu gom để chiết xuất Pseudoephedrin HCL tổng hợp ma túy.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 30-8, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, việc thông tin nguyên liệu Pseudoephedrin HCl tổng hợp ma túy là vấn đề nhạy cảm. Cục Quản lý dược đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các thông tin mà dư luận phản ánh. Tuy nhiên, về phía Cục Quản lý dược, liệu cục có những giải đáp nào thỏa đáng với cơ quan chức năng?

Nhiều loại kháng sinh bị kháng thuốc

Ngày 22-8, tại hội thảo chuyên đề về sử dụng kháng sinh hợp lý trong thực hành răng hàm mặt do Hội Răng Hàm Mặt TPHCM tổ chức, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều loại kháng sinh điều trị trong chuyên khoa răng hàm mặt đã bị kháng thuốc.

Cụ thể, hiệu quả điều trị của thuốc Metronidazole giảm 54%, Spiramycin giảm 41,8%, Azithromycin giảm 53,8% nếu sử dụng riêng lẻ. Đáng chú ý là trực khuẩn kỵ khí thường kết hợp với vi khuẩn hiếu khí đã đề kháng cao với ampicillin, penecilin (hiệu quả giảm trên 71%).

Theo bác sĩ Huỳnh Anh Lan (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Y học TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM), nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là do người dân lạm dụng kháng sinh, một số bác sĩ kê toa tùy tiện hoặc không hợp lý

Chú trọng quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược cần đầu tư hơn vào phát triển nguồn nhân lực, chú trọng tăng cường việc quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc, ưu tiên phát triển đối với thuốc được sản xuất trong nước. Cục cần có chính sách để tận dụng các chuyên gia trong nước, tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Thông tư 23 về sử dụng thuốc trong bệnh viện - Tăng trách nhiệm thầy thuốc

Trước tình trạng người bệnh vẫn chưa được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách cặn kẽ, gây biến chứng, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 23 quy định việc sử dụng thuốc trong các bệnh viện. Theo đó, trách nhiệm chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc thuộc về y bác sĩ. 

Chỉ định dùng thuốc phải rõ ràng

Theo thông tư, khi khám bệnh, thầy thuốc phải khai thác tiền sử dùng thuốc, tiền sử dị ứng, liệt kê các thuốc người bệnh đã dùng trước khi nhập viện trong vòng 24 giờ và ghi diễn biến lâm sàng của người bệnh vào hồ sơ bệnh án để chỉ định sử dụng thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc. Điều đáng nói, chỉ định dùng thuốc phải ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc, hồ sơ bệnh án, không viết tắt tên thuốc, không ghi ký hiệu.

Trường hợp sửa chữa bất kỳ nội dung nào, thầy thuốc phải ký xác nhận bên cạnh. Thay vì lâu nay đơn thuốc chỉ ghi đơn thuần là tên thuốc và liều uống thì với thông tư mới, nội dung chỉ định thuốc phải bao gồm: tên thuốc, nồng độ (hàm lượng), liều dùng một lần, số lần dùng thuốc trong 24 giờ, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc, đường dùng thuốc và những chú ý đặc biệt khi dùng thuốc.

Theo các bác sĩ điều trị, đây là một hướng dẫn khá chi tiết về những thông tin mà thầy thuốc phải ghi trong toa thuốc. “Tuy có hơi dài dòng nhưng rất cần thiết”, BS Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương nói.

Theo BS Miên, lâu nay giới bác sĩ cũng rất quan tâm đến việc kê toa đầy đủ thông tin cho người bệnh nhưng theo quy định mới sẽ rõ ràng hơn. Chẳng hạn phải đánh số thứ tự ngày dùng thuốc đối với một số nhóm thuốc cần thận trọng khi sử dụng như thuốc phóng xạ, thuốc gây nghiện, kháng sinh, corticoid… Nội dung của thông tư cũng yêu cầu thầy thuốc chỉ định thuốc theo diễn biến của bệnh cấp cứu. Trường hợp người bệnh cần theo dõi để lựa chọn thuốc hoặc lựa chọn liều thích hợp, thầy thuốc chỉ định thuốc hàng ngày. Trường hợp người bệnh đã được lựa chọn thuốc và liều thích hợp, thời gian chỉ định thuốc tối đa không quá 2 ngày (đối với ngày làm việc) và không quá 3 ngày (đối với ngày nghỉ).

Một trong những nội dung quan trọng nữa là lâu nay, thầy thuốc kê toa xong là coi như hết trách nhiệm, ít khi theo dõi phản ứng của thuốc. Theo Bộ Y tế, đây là một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều trị hiện nay. Vì thế, thầy thuốc phải theo dõi, thông báo tác dụng của thuốc cho điều dưỡng chăm sóc và người bệnh (hoặc gia đình người bệnh); theo dõi đáp ứng của người bệnh khi dùng thuốc và xử lý kịp thời các tai biến do dùng thuốc. “Thầy thuốc lơ mơ không chỉ định đúng, đầy đủ mà cho thuốc gây sốc hoặc tử vong phải chịu trách nhiệm trước tiên”, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế nói.

Thực tiễn đáng lo

Cầm toa thuốc ngoằn ngoèo chữ, chị Hồ Thị Ng. (ngụ Bình Phước) nói: “Tôi lên bệnh viện huyện khám, bác sĩ cho toa thuốc này. Đưa cho mấy nhà thuốc ở huyện, ai cũng lắc đầu vì đọc… không ra. Tôi lo quá nên bắt xe về BV Đại học Y Dược TPHCM khám cho chắc ăn”.

Tình trạng kê đơn thuốc kiểu chữ bác sĩ, tên thuốc không rõ ràng, viết ký hiệu và không ghi hàm lượng hiện vẫn nhan nhản. Bác sĩ Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa khám BV Nhân dân 115 cho biết, mỗi ngày chứng kiến không dưới vài chục toa thuốc do các bác sĩ ở tuyến tỉnh kê với nội dung sơ sài, khó đọc. “Ngoại trừ một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115… đã áp dụng kê toa thuốc bằng máy rõ ràng và đầy đủ, vẫn còn nhiều bệnh viện quận huyện, nhất là các tỉnh vẫn ghi tay, viết ngoáy nên ngay cả bác sĩ cũng không đọc nổi huống gì bệnh nhân, người bán thuốc”, BS Biên băn khoăn.

Theo Sở Y tế TPHCM, với hơn 3.000 phòng mạch tư nhân, phòng khám đa khoa đang hoạt động tại TP, cũng chỉ khoảng 10% trong số đó là kê toa thuốc bằng vi tính, còn lại vẫn kê tay. Chính vì thế, đã xảy ra không ít trường hợp đáng tiếc do dùng thuốc không đúng gây sốc phản vệ, uống nhầm thuốc hoặc hiệu quả điều trị không đáng kể.

Chưa kể bác sĩ cho thuốc xong là hết trách nhiệm, bỏ mặc bệnh nhân dùng thuốc tùy ý. “Thông báo tác dụng phụ của thuốc cho người bệnh cũng rất quan trọng để bệnh nhân sẵn sàng đối mặt với bệnh tật nhưng không ít thầy thuốc quên mất điều này”, một bác sĩ nói.

Mặc dù Thông tư 23 là một bước tiến nhằm chấn chỉnh tình trạng kê toa thuốc bừa bãi trong các bệnh viện nhưng với tình hình quá tải như hiện nay, việc tư vấn và kê toa đầy đủ cũng khó thực hiện triệt để. Hơn nữa, đối với các tuyến bệnh viện quận huyện, vùng sâu, vùng xa, để chuyển biến ý thức và kiến thức kê toa của thầy thuốc là vấn đề nan giải.

“Bộ Y tế và sở y tế các địa phương cần tập huấn việc kê toa thuốc theo thông tư mới và lồng ghép việc phổ biến kê toa thuốc Việt trong các bệnh viện”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị. Trong khi đó, theo BS Nguyễn Đại Biên, đã đến lúc cần chấn chỉnh tình trạng kê toa thuốc ngoài bệnh viện (tại các phòng mạch, phòng khám tư nhân) để tiến tới an toàn và hiệu quả trong sử dụng thuốc.

Người bệnh phải tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh hoặc người nhà người bệnh chịu trách nhiệm về mọi sự cố do tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định của thầy thuốc. (Nguồn: Thông tư 23)

Tiếp tục lấy mẫu kiểm nghiệm kháng sinh Augmentin viên nén nhiễm chất làm dẻo

Ngày 22-7, phản ứng trước thông tin Cơ quan quản lý dược Hồng Công tiếp tục yêu cầu Công ty GlaxoSmithKline (GSK) thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin dạng viên nén, loại hàm lượng 375mg vì nhiễm DIDP, DINP và DEHP (phụ gia hóa học làm dẻo), ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, cục đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin liên quan đến loại thuốc kháng sinh Augmentin được nêu ở trên.

Cục cũng yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM tiếp tục lấy mẫu các sản phẩm thuốc Augmentin đang lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm, xác định nồng độ DIDP, DIPH, DEHP và các dẫn xuất.  

Thuốc ào ào tăng giá

Vừa bước ra khỏi nhà thuốc Tuấn (đường Thuận Kiều, quận 5, TPHCM), bà Phạm Thị Khảm, ngụ Bến Cát, Bình Dương, lắc đầu ngao ngán: “Bữa trước mới mua 164.000 đồng/hộp, nay tăng lên 179.000 đồng/hộp rồi. Như thế này làm sao chịu xiết”. Ghi nhận ngày 7-7 cho thấy, hàng loạt loại thuốc chữa bệnh đã ào ào vào đợt tăng giá mới.

Lên máu... với thuốc ngoại!

Giá thuốc mà bà Khảm than thở nói trên là Daflon 500mg của Pháp. Đây là loại thuốc có tác dụng thông tĩnh mạch, có mặt khá phổ biến tại thị trường Việt Nam. Theo nhân viên của nhà thuốc Tuấn, mỗi hộp Daflon 500mg có 80 viên và giá bán hiện dao động ở mức 179.000 - 180.000 đồng/hộp, tăng khoảng 10% so với 3 tuần trước đây. Nhân viên này cho biết, từ 2 tuần qua nước phụ khoa Gynofar 250ml cũng đã tăng từ 6.000 lên 7.500 đồng/chai (tăng gần 20%) và nhiều loại thuốc nhập ngoại khác cũng đã biến động.

Cách nhà thuốc Tuấn không xa, tại nhà thuốc Ngân Hà 5 nhiều loại thuốc có giá tăng trở lại sau một thời gian tạm lắng. Cụ thể như Telfast HD 180mg chữa dị ứng da, viêm mũi đã lên mức 7.500 đồng/viên, Fastum Gel đã tăng lên 54.000 đồng/tuýp…

Dạo qua Trung tâm chợ sỉ dược Tô Hiến Thành (quận 10), nhiều cửa hàng thuốc không giấu nổi bức xúc vì đồng loạt nhiều hãng dược cung ứng đề nghị tăng giá thuốc. Một chủ cửa hàng nói: “Mới tạm ổn định được 1 tháng, nay đùng đùng tăng giá”. Tuy nhiên, tìm hiểu được biết phần lớn hãng dược thông báo tăng giá qua điện thoại để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại nhiều nhà thuốc ở khu vực Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, người bệnh đến mua khá sốc vì thuốc tăng giá.

Ông Trần Thanh Hà (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) sau khi mua thuốc tại nhà thuốc L.C cho biết: “Tôi bị đau dạ dày và bác sĩ chỉ định uống thuốc Phosphalugel. Nhưng tuần trước mới mua 91.500 đồng/hộp, nay đã 99.000 đồng/hộp”.  Theo phụ trách nhiều nhà thuốc, đa số thuốc tăng giá đợt này đều thuộc các nhóm kháng sinh, vitamin. Đáng chú ý là các loại thuốc đặc trị hiếm muộn, ung thư, viêm gan cũng tăng giá khá nhiều.

Mới đây, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam cũng ghi nhận, nhiều loại thuốc trên thị trường tăng 5%-10%. Trong đó, điển hình vẫn là các loại thuốc ngoại nhập.

Bình ổn chưa đáng kể

Trong khi đó, chương trình bình ổn giá thuốc của TPHCM vẫn đang triển khai khá rầm rộ nhưng chỉ dành cho thuốc nội. Theo các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thuốc thì doanh số chưa đáng kể sau 2 tháng đưa thuốc đến các bệnh viện cũng như nhà thuốc bán lẻ.

Nhà thuốc Từ Phương (phường Phú Thuận, quận 7) là một trong những nhà thuốc đầu tiên tham gia chương trình bình ổn giá thuốc cho biết, hiện hầu hết nhóm thuốc trong chương trình bình ổn giá đã được đặt hàng như kháng sinh, tim mạch huyết áp, kháng viêm giảm đau.

Điều đáng nói, các loại thuốc này được sản xuất tại các nhà máy trong nước đạt GMP-WHO nhưng giá “mềm” hơn thuốc cùng loại nhập ngoại. Chẳng hạn thuốc trị cảm cúm Paracetamol 500mg của Công ty Dược 3 Tháng 2 (F.T Pharma) chỉ 216 đồng/viên, còn của Công ty Dược Sanofi-Aventis tại Việt Nam có giá 245 đồng/viên; thuốc trị ho Euxamus 200mg của Công ty Dược Euviphamr giá 420 đồng/viên nhưng của Công ty liên doanh Stada Việt Nam là 500 đồng/viên.

Các mặt hàng thuốc khác như tim mạch, kháng sinh nằm trong chương trình bình ổn giá cũng có giá thấp hơn các mặt hàng cùng loại của liên doanh hoặc nhập ngoại như Ladovax của Công ty Euvipharm có giá 7.900 đồng/viên nhưng Plavix của Sanofi-Aventis có giá tới 20.790 đồng/viên và Clopistad của Stada Việt Nam là 9.504 đồng/viên. Tương tự, thuốc kháng sinh Ofmautin 625 của Domesco Đồng Tháp chỉ 6.195 đồng/viên nhưng của GlaxoSmithKline là 11.760 đồng/viên.

Giám đốc một công ty dược trong nước bức xúc: “Cứ cho thuốc nhập ngoại tăng giá mà bắt thuốc nội bình ổn thì thật bất công. Trong khi từ đầu năm đến nay giá thuốc ngoại tăng liên tục”. “Những lý do đó thì chính các công ty dược trong nước cũng gặp phải nhưng muốn tăng giá không phải dễ”, Dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Mekophar cho biết. Tuy nhiên, để không bị “sờ gáy”, các hãng dược nước ngoài thường tăng giá nhỏ giọt và không công khai.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nếu tăng giá tùy tiện sẽ kiên quyết xử lý. Sở Y tế đã yêu cầu thanh tra y tế vào cuộc để kịp thời chấn chỉnh những hãng dược tự ý tăng giá

Malaysia cấm sử dụng hai dược phẩm của Trung Quốc

Bộ Y tế Malaysia vừa khuyến cáo người dân nước này ngừng sử dụng hai sản phẩm thảo dược của Trung Quốc là Ren Sem Tu Chon Chin Kuo Pill (ảnh)  và Huo Li Bao do chứa các dược chất không đăng ký.

Theo asiaonecom, chỉ thị cấm sử dụng hai loại dược phẩm trên được đưa ra sau khi Cơ quan nghiên cứu y học Singapore phát hiện các chất dexamethasone và chlorpheniramine trong thuốc Ren Sem Tu Chon Juo, chuyên được dùng để điều trị bệnh đau lưng và giảm đau nói chung. Sản phẩm này không được đăng ký với Cục đăng kiểm dược phẩm Malaysia. Trong thuốc Huo Li Bao, cũng được sử dụng để giảm đau, các chuyên gia y tế phát hiện có chứa piroxicam, chlorpheniramine, frusemide và caffeine.

Bộ Y tế Malaysia đang tiến hành điều tra để làm rõ những vấn đề trên.

Cảnh báo thuốc có tác dụng phụ nguy hại

Ngày 6-7, phản ứng trước thông tin Cơ quan Quản lý dược châu Âu đưa ra khuyến cáo tạm dừng lưu hành trên toàn châu Âu các thuốc dạng uống chứa hoạt chất Buflomedil, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, cho biết:  Thuốc chứa Buflomedil đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.Cục Quản lý Dược khuyến cáo yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, các thầy thuốc cần tính toán chính xác liều dùng khi kê đơn Buflomedil cho bệnh nhân, hướng dẫn và lưu ý bệnh nhân sử dụng đúng liều đã được kê để tránh quá liều.

Cùng với cảnh báo trên, Cục Quản lý Dược cũng có văn bản gửi các cơ sở y tế trên toàn quốc thông báo đã phát hiện thuốc trị Parkinson giả, thuốc viên nén Mirapex chưa được cấp số lưu hành đăng ký và nhà sản xuất khẳng định không nhập các dạng thuốc này trên địa bàn TPHCM. Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được phân phối, sử dụng thuốc viên nén Mirapex.

Tiếp tục lấy mẫu kiểm nghiệm kháng sinh Augmentin viên nén nhiễm chất làm dẻo

Ngày 22-7, phản ứng trước thông tin Cơ quan quản lý dược Hồng Công tiếp tục yêu cầu Công ty GlaxoSmithKline (GSK) thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin dạng viên nén, loại hàm lượng 375mg vì nhiễm DIDP, DINP và DEHP (phụ gia hóa học làm dẻo), ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, cục đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin liên quan đến loại thuốc kháng sinh Augmentin được nêu ở trên.

Cục cũng yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM tiếp tục lấy mẫu các sản phẩm thuốc Augmentin đang lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm, xác định nồng độ DIDP, DIPH, DEHP và các dẫn xuất.  

 

Ngày 22/12/2011
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang, Ds. Huỳnh Bình Phước
và Cn. Nguyễn Hải Giang
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích