Home TRANG CHỦ Thứ 3, ngày 16/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 3 8 3 5 1
Số người đang truy cập
5 4
 An toàn thực phẩm & hóa chất Thuốc & Hóa chất
Thận trọng khi sử dụng các thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng và đơn bào đường tiêu hóa

Trong gần 10 năm qua, tại một số vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới kể cả Việt Nam cho thấy tình hình một số bệnh do ký sinh trùng trên người và gia súc tương đối và có chiều hướng tăng, đặc biệt một số bệnh ký sinh tùng đang nổi và tái nổi hoăc thậm chí có một số bệnh ký sinh trùng rơi vào nhóm bệnh được Tổ chức y tế xếp vào loại bệnh bị lãng quên (Re-Emergency Infectious Diseases/ Emerging Infectious diseases/ Neglected Tropical Diseases_NTDs). Do đó, nhiều cơ sở y tế đã tiếp nhận, khám và điều trị các căn bệnh này ngày càng tăng. Các loại thuốc sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh giun tròn, sán dây, sán lá và đơn bào đường tiêu hóa phần lớn là albendazole, mebendazole, niclosamide, triclabendazole, metronidazole, tinidazole, secnidazole, …với nhiều biệt dược khác nhau đang sẵn óc trên thị trường. Nhằm góp phần sử dụng thuốc an toàn và hợp lý nhất khi sử dụng các thuốc này, chúng tôi xin tổng hợp các thông tin một cách cơ bản nhất về đặc tính dược lý của thuốc, liều dùng, chỉ định, đặc tính dược lý và tác dụng ngoại ý/ tác dụng phụ của thuốc,… từcác trang thông tin thuốc cũng như một số hình ảnh mang tinh minh họa trích từ mạng internet trong nước và quốc tế như là một tài liệu chia sẻ thông tin dược.

 

1. Albendazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Tên Biệt dược: Albendazol; Adazol, ABZ, Albenza, Eskazole, Zeben, Zentel, Hyaron, Azole

Dạng bào chế: Viên nhai; Viên nén; viên nén bao phim; ….

Dược lực:

-Albendazol là một dẫn xuất benzimidazol carbamat, cấu trúc hóa học có nhiều liên quan với mebendazol.

-Albendazole có tác dụng diệt trứng, ấu trùng và giun trưởng thành.

-Albendazole ức chế hấp thụ glucose do đó làm giun mất năng lượng không đủ để sống, gây bất động rồi chết, xác giun bị nhu động ruột đẩy ra ngoài.

Dược động học:

-Sau khi uống, albendazol được hấp thu rất kém (5%). Vì chuyển hóa lần đầu tại gan rất nhanh nên không thấy albendazol hoặc chỉ thấy ở dạng vết trong huyết tương.

-Albendazol sulfoxid (chất chuyển hóa vẫn còn hoạt tính của albendazol) gắn 70% với protein huyết tương, qua được hàng rào máu não và có nồng độ trong dịch não tuỷ bằng 1/3 nồng độ trong huyết tương.

-Thải trừ phần lớn qua thận, một lượng nhỏ qua mật.

-Thời gian bán thải khoảng 9 giờ.

Tác dụng:

-Albendazole là một dẫn chất benzimidazol carbamat, có phổ hoạt tính rộng trên các loại giun đường ruột như gian đũa, gium kim, giun lươn, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun xoắn, và thể ấu trùng ở cơ và da, các loại sán dây và ấu trùng sán ở mô.

-Albendazole có hoạt tính trên giai đoạn trưởng thành và giai đoạn ấu trùng của các giun đường ruột, diệt được trứng của giun đũa và giun tóc.

-Dạng chuyển hóa chủ yếu của albendazole là albendazole sulfoxid vẫn còn tác dụng và giữ vị trí quan trọng về tác dụng dược lý của thuốc.

Chỉ định:

-Nhiễm giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc.

-Nhiễm giun lươn và sán dây: có thuốc đặc trị, việc điều trị chỉ được xét đến nếu có phối hợp với bệnh do ký sinh trùng khác nhạy cảm với albendazole.

Chống chỉ định:

-Phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.

-Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các hoạt chất benzimidazole hoặc các thành phần khác cuả thuốc.

-Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai

-Suy gan như bệnh xơ gan

-Có tiền sử nhiễm độc tủy xương.

Thận trọng lúc dùng:

-Phụ nữ có thai: không nên dùng albendazole cho người mang thai trừ trường hợp bắt buộc phải dùng mà không có cách nào khác.

-Người bệnh không được mang thai trong thời gian ít nhất 1 tháng sau khi dùng albendazole.

-Nếu người bệnh đang dùng thuốc mà lỡ mang thai thì phải ngừng thuốc ngay và phải hiểu rõ là thuốc có thể gây nguy hại rất nặng cho thai.

-Phụ nữ cho con bú không nên dùng albendazole.

Tương tác thuốc:

-Dexamethason, cimetidin, praziquantel làm tăng nồng độ albendazol sulfoxid trong máu khi dùng phối hợp

Tác dụng phụ:

-Khi điều trị trong thời gian ngắn (1 - 3 ngày) khoảng 6% bệnh nhân gặp một vài tác dụng không mong muốn nhẹ, thoáng qua như: đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mệt, mất ngủ.

-Dùng liều cao, kéo dài để điều trị bệnh nang sán hoặc bệnh ấu trùng sán lợn có tổn thương não, tác dụng có hại thường gặp nhiều và nặng hơn; đau đầu, rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đau bụng), rụng tóc, ban đỏ, ngứa, giảm bạch cầu...

Liều lượng:

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi dùng liều như nhau. Không cần phải nhịn đói hoặc dùng thuốc tẩy.

-Nhiễm giun đũa, giun kim, giun tóc, giun móc: uống liều duy nhất 400 mg. Giun kim thường hay bị tái nhiễm, có thể dùng nhắc lại sau 2 - 4 tuần.

-Nhiễm giun lươn, sán dây; mỗi ngày uống 400 mg, trong 3 ngày

-Nhiễm giun đũa chó: mỗi ngày 800 mg trong 2-3 tuần

-Bệnh nang sán: dùng 4 đợt, mỗi đợt 28 ngày, mỗi ngày 10 - 15 mg/ kg chia làm 3 lần. Các đợt cách nhau 14 ngày. Tuy nhiên thời gian điều trị còn tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh và sự dung nạp của người bệnh.

-Nhiễm ấu trùng sán lợn có tổn thương não: mỗi ngày 15 mg/ kg chia làm 3 lần, trong 28 ngày.

Bảo quản:

-Bảo quản ở 15-30 độ C.

2. Mebendazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn
 

Tên Biệt dược: Amfucar, Benda, Fubenzon, Fugacar, Vermox, Mebutar, Nemasole

Dạng bào chế: Viên nén nhai; Viên nén bao phim

Dược lực:

-Là dẫn xuất benzimidazol, ít tan trong nước và dung môi hữu cơ. Không hút ẩm, ổn định ở không khí.

-Mebendazole cản trở sự tạo thành vi ống tế bào ở ruột giun bằng cách kết hợp đặc hiệu vào vi ống và gây ra các thay đổi thoái hoá siêu cấu trúc ở ruột giun. Kết quả, sự sử dụng glucose và chức năng tiêu hóa của giun bị rối loạn đến một mức độ mà quá trình tự phân giải xảy ra.

Dược động học:

-Thuốc ít hấp thu qua ống tiêu hóa, sinh khả dụng qua đường uống dưới 20%. Sự hấp thu sẽ tăng lên khi uống mebendazol cùng với thức ăn có chất béo. Sau khi uống 4 giờ, thuốc đạt được nồng độ tối đa trong máu.

-Khoảng 95% thuốc gắn với protein huyết tương.

-Chuyển hóa chủ yếu ở gan thành các chất hydroxy và amino hóa mất hoạt tính. Thải trừ qua phân, chỉ một lượng nhỏ (5 - 10%) thải qua nước tiểu.

Tác dụng:

-Thuốc có phổ chống giun rộng, tác dụng trên nhiều loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim. Liều cao có tác dụng trên cả nang sán, trùng roi Giardia lambia.

-Mebendazol làm thoái hóa vi cấu trúc hình ống trong bào chất của các ký sinh trùng và ức chế hấp thu glucose ở giai đoạn trưởng thành của giun sán ký sinh ở ruột non và ấu trùng của chúng ở mô, làm giảm tích lũy glucogen.

-Kết quả làm giảm ATP cần thiết cho sự sống và sinh trưởng của giun sán. Từ đó làm chết các ký sinh trùng.

-Mebendazol không làm ảnh hưởng đến glucose trong huyết thanh người.

-Hiệu quả điều trị: với giun đũa, giun kim, giun tóc là 90-100%, với giun móc khoảng 70%.
  

Chỉ định:

-Nhiễm một hay nhiều loại giun đường ruột: giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura), giun móc (Ancylostoma duodenale, Necator americanus), giun kim (Enterobius vermicularis).

Chống chỉ định:

-Không dùng mebendazol cho những người mẫn cảm với thuốc, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi, suy gan.

Tương tác thuốc:

-Sử dụng cùng lúc với cimetidine có thể ức chế chuyển hóa mebendazole tại gan, kết quả làm tăng nồng độ thuốc trong máu.

-Không dùng đồng thời mebendazole với metronidazole do có thể có liên hệ giữa mebendazole dùng cùng lúc với metronidazole và hội chứng Stevens-Johnson.

-Dùng đồng thời với phenytoin hoặc carbamazepin sẽ làm giảm nồng độ mebendazol trong máu.

Tác dụng phụ:

-Thuốc dung nạp tốt, ít tác dụng phụ. Đôi khi gặp rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy), đau đầu nhẹ.

-Dùng liều cao để điều trị nang sán, thuốc có thể gây ức chế tuỷ xương, rụng tóc, viêm gan, viêm thận, sốt và viêm da tróc vẩy. Vì vậy, khi dùng liều cao, phải theo dõi đều đặn nồng độ transaminase trong huyết thanh, bạch cầu và tiểu cầu.

Liều lượng:

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi dùng liều như nhau

-Nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun mỏ: uống mỗi lần 100 mg, ngày 2 lần trong 3 ngày liền, hoặc có thể dùng liều duy nhất 500 mg.

-Nhiễm giun kim: liều duy nhất 100 mg, uống nhắc lại sau 2 tuần vì giun kim rất dễ bị tái nhiễm.

-Bệnh nang sán: uống 40 mg/ kg/ ngày, trong 1 - 6 tháng

Quá liều:

-Trường hợp dùng thuốc quá liều có thể có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

-Trong giờ đầu tiên sau tai biến quá liều nên súc dạ dày, có thể dùng than hoạt nếu thích hợp.

Bảo quản:

-Bảo quản ở 15-30 độ C.

3. Praziquantel
 

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Tên Biệt dược: Distocide,Prazintel, Biltricid, Cysticid, Droncit, Cesol

Dạng bào chế: Viên nén bao phim

Thành phần: Praziquantel

Dược lực:

-Praziquantel là thuốc trị trị sán.

-Praziquantel là dẫn xuất pyrazino-isoquinolein.

-Thuốc praziquantel được sán hấp thu nhanh, tăng tính thẩm thấu của màng tế bào, dẫn tới mất calci nội bào, làm co cứng và liệt hệ cơ của sán nhanh chóng; đồng thời da của sán trưởng thành xuất hiện các mụn nước rồi sau đó bị vỡ tung và phân hủy.

Dược động học:

-Hấp thu: thuốc hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn khi uống trên 80%. Thuốc đạt nồng độ tối đa sau 1-3 giờ.

-Phân bố: Praziquantel liên kết với protein huyết tương 80 - 85%. Thuốc được hấp thu nhanh và toàn bộ cơ thể sán. Thuốc xâm nhập được vào dịch não tuỷ và sữa mẹ.

-Chuyển hoá: Thuốc được chuyển hoá qua gan.

-Thải trừ: Bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chuyển hoá. Thời gian bán thải của chất mẹ là 1-1,5 giờ và chất chuyển hoá là 4 giờ.

Tác dụng:

-Praziquantel có hoạt phổ chống sán rộng, bao gồm các loại sán lá, sán máng và sán dây. Thuốc có tác dụng trên cả ấu trùng và sán trưởng thành.
 

-Cơ chế tác dụng của Praziquantel: thuốc có tác dụng làm tăng tính thấm của màng tế bào ở sán dẫn đến mất Ca++ nội bào, làm co cứng và liệt cơ. Ngoài ra thuốc còn tạo ra các không bào trên da sán sau đó vỡ ra phân huỷ làm sán bị tiêu diệt.

Chỉ định:

-Sán máng ký sinh ở gan hay phổi do các loài Schistosoma haematobium, S. japonicum, S. mansoni và S. mekongi.

Chống chỉ định:

-Bệnh gạo sán trong mắt, bệnh gạo sán tuỷ sống

-Nên thận trọng khi dùng praziquantel ở người bị suy gan (phải giảm liều), phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú (ngừng cho bú trong những ngày điều trị và 72 giờ sau điều trị vì thuốc qua được sữa mẹ)

-Không được lái xe, điều khiển máy móc... trong khi dùng thuốc vì praziquantel gây chóng mặt, choáng váng.

Thận trọng lúc dùng:

-Phụ nữ đang nuôi con bú có thể dùng thuốc nhưng phải nghỉ cho bú trong ngày uống thuốc và sau đó 72 giờ nữa.

-Dung nạp thuốc thường tốt, có thể gây ra vài tác dụng phụ nhẹ và chóng hết như: chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng.

Tương tác thuốc:

-Triamcinolone dùng cùng với Praziquantel có thể làm giảm nồng độ của praziquantel trong huyết tương.

-Praziquantel đã được báo làm tăng nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hóa có hoạt tính của albendazole.

-Carbamazepin, phenytoin và corticoid làm giảm đáng kể nồng độ praziquantel trong huyết tương trong khi cimetidin có tác dụng ngược lại.

Tác dụng phụ:

-Thường gặp là khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi. Các phản ứng chủ yếu do độc tố của sán tiết ra khi chết là buồn nôn, nôn, kích thích màng não, nhức đầu, động kinh.

-Để giảm các tác dụng không mong muốn, đặc biệt với thần kinh nên phối hợp với dexamethason hoặc prednisolon.

Liều lượng:

-Nhiễm sán máng: liều thường dùng cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi là 60 mg/ kg, chia làm 3 lần, cách nhau 4 - 6 giờ trong ngày.

-Nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán lá ruột: uống 75 mg/ kg, chia làm 3 lần, trong 1 - 2 ngày.

-Nhiễm sán dây lợn, sán dây bò, sán dây chó... dùng liều duy nhất 10 mg/ kg cho cả người lớn và trẻ em.

-Đối với bệnh ấu trùng sán lợn ở não: uống 50 mg/ kg/ ngày, chia làm 3 lần , trong 14 đến 15 ngày (có thể đến 21 ngày đối với một số người bệnh).

-Praziquantel thường uống ngay sau bữa ăn, nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai (thuốc có vị khó chịu, có thể gây buồn nôn)

-Có thể dùng phối hợp praziquantel với Dexamethason (6 - 24 mg/ ngày) hoặc Prednisolon (30 - 60 mg/ ngày) để giảm tác dụng phụ trên thần kinh trung ương ở những người bệnh mắc ấu trùng sán lợn ở não.

4. Niclosamid

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Biệt dược: Cestocid, Yomesan, Tredemine, Niclocide

-Là dẫn xuất salicylanilid có clor, bột màu vàng nhạt, không mùi, không vị, không tan trong nước.

Tác dụng

-Thuốc có hiệu lực cao đối với sán bò, sán lợn, sán cá (Diphyllobothrium latum), sán dây ruột (Hymenolepis nana) không có tác dụng trên ấu trùng sán lợn.

-Thuốc có tác dụng tại chỗ, khi tiếp xúc với thuốc, đầu và thân sán bị "giết" ngay vì niclosamid ức chế sự oxy hóa.
 

-Thuốc còn ảnh hưởng đến chuyển hóa năng lượng của sán do ức chế sự sản sinh ra adenosin triphosphat (ATP) ở ty lạp thể. Niclosamid cũng ức chế sự thu nhập glucose của sán. Sán không bám được vào ruột, bị tống ra ngoài theo phân thành các đoạn nhỏ.

Dược động học

-Thuốc hầu như không hấp thu qua ống tiêu hóa. Thấm vào thân sán qua tổn thương mà niclosamid tạo ở vỏ sán, sán bị diệt ngay tại ruột của vật chủ.

Tác dụng không mong muốn

-Thuốc dung nạp tốt, ít gây tác dụng không mong muốn. Có thể gặp các rối loạn nhẹ ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

-Các triệu chứng: đau đầu, hoa mắt, ban đỏ và ngứa hiếm gặp hơn và có thể do giải phóng các kháng nguyên từ ký sinh trùng bị phân huỷ.

Chỉ định

-Niclosamid được dùng khi bị nhiễm sán bò, sán cá và sán lợn (nên dùng praziquantel khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn)

-Dùng điều trị sán dây ruột khi không có praziquantel

Chống chỉ định

Trường hợp nhiễm sán bò, sán cá, sán lợn: uống liều duy nhất vào sau bữa ăn sáng, nên nhai kỹ viên thuốc.

- Người lớn: 2,0 g

- Trẻ em 11- 34 kg: 1,0 g

- Trẻ em > 34 kg: 1,5 g

- Trẻ em < 11 kg: 0,5 g

Trường hợp nhiễm sán dây ruột (Hymenolepis nana): dùng trong 7 ngày liên tiếp

- Người lớn: mỗi ngày 2g uống 1 lần.

- Trẻ em 11- 34 kg: ngày đầu uống 1 g, 6 ngày sau mỗi ngày 0,5 g uống 1 lần

- Trẻ em > 34 kg: ngày đầu uống 1,5g, 6 ngày sau mỗi ngày 1g, uống 1 lần

Khi bị táo bón, cần làm sạch ruột trước khi điều trị. Sau khi dùng thuốc, nếu muốn tống sán ra nhanh hơn và nguyên con, nên dùng thuốc tẩy muố i có tác dụng mạnh như magnesisulfat (uống 2 - 4 giờ sau khi dùng niclosamid)
 

Tương tác thuốc

-Rượu làm tăng khả năng hấp thu của niclosamid qua ống tiêu hóa, gây độc. Vì vậy, không
được dùng rượu trong khi điều trị.

5. Triclabendazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Biệt dược: Egaten

-Là dẫn xuất benzimidazol, tên hóa học là 6 - chloro- 5- (2, 3- dichlorophenoxy) - 2- methylthiobenzimidazol.

Tác dụng

-Triclabendazol có hiệu lực cao với sán lá gan lớn (Fasciola spp) và sán lá phổi (Paragonimus spp.).

-Cơ chế tác dụng: thuốc gắn có chọn lọc với các tiểu quản của sán lá, ngăn cản sự trùng hợp tiểu quản thành các vi tiểu quản, làm giảm hấp thu glucose và cạn dự trữ glycogen của sán.

Dược động học

-Thuốc được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sự hấp thu sẽ tăng lên khi uống triclabendazol sau bữa ăn. Thải trừ chủ yếu qua phân (90%), một phần qua nước tiểu (10%). Thời gian bán thải khoảng 11 giờ.

Tác dụng không mong muốn

-Thuốc có thể gây một số tác dụng không mong muốn nhẹ và thoáng qua: đau bụng vùnghạ sườn phải, vã mồ hôi, chóng mặt, nhức đầu, sốt nhẹ, ho, buồn nôn, nôn, nổi mẩn, ngứa.

Chỉ định

-Triclabendazol được chỉ định trong nhiễm sán lá gan lớn cấp và mạn tính.
  

Chống chỉ định

-Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân quá mẫn với thuốc; người đang vận hành máy móc, tàu xe.

Liều lượng

Người lớn dùng liều duy nhất 10 mg/ kg, uống sau khi ăn no.

Metronidazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Tên Biệt dược: Choongwae trizele; Flagyl 250mg

Dạng bào chế: Viên nén bao phim; Viên nén; Gel bôi da; Dung dịch dùng ngoài; Dung dịch tiêm truyền; Gel bôi nha khoa

Dược lực:

Metronidazole là thuốc kháng khuẩn thuộc họ nitro-5 imidazole.

Dược động học:

-Hấp thu: Sau khi uống, metronidazole được hấp thu nhanh, ít nhất 80% sau 1 giờ. Với liều tương đương, nồng độ huyết thanh đạt được sau khi uống và tiêm truyền như nhau. Ðộ khả dụng sinh học khi uống là 100% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

-Phân bố:Khoảng 1 giờ sau khi uống 500 mg, nồng độ huyết thanh tối đa đạt trung bình 10mcg/ml.Thời gian bán hủy huyết thanh: 8-10 giờ. Ít liên kết với protein huyết tương: < 20%. Thể tích phân bố cao, khoảng 40 lít (hoặc 0,65 lít/kg). Khuếch tán nhanh, mạnh, vớinồng độ ở phổi, thận, gan, mật, dịch não tủy, nước bọt, tinh dịch, dịch tiết âm đạo gần bằng nồng độ huyết thanh.
 

Metronidazole qua được hàng rào nhau thai và qua sữa mẹ.

-Chuyển hóa sinh học: Metronidazole được chuyển hóa chủ yếu ở gan, bị oxyde hóa cho ra 2 chất chuyển hóa chính:

+ Chất chuyển hóa alcohol, là chất chuyển hóa chính, có tác dụng diệt vi khuẩn kỵ khí (khoảng 30% so với metronidazole), thời gian bán hủy: 11 giờ.

+ Chất chuyển hóa acid, có tác dụng diệt khuẩn khoảng 5% so với metronidazole.

-Bài tiết: Nồng độ cao ở gan và mật, thấp ở kết tràng. Ít bài tiết qua phân. Bài tiết chủ yếu qua nước tiểu do metronidazole và các chất chuyển hóa oxyde hóa hiện diện trong nước tiểu từ 35 đến 65% liều dùng.

Tác dụng:

-Metronidazol có tác dụng tốt với cả amip ở trong và ngoài ruột, cả thể cấp và thể mạn. Với lỵ amip mạn ở ruột, thuốc có tác dụng yếu hơn do ít xâm nhập vào đại tràng.

-Thuốc còn có tác dụng tốt với Trichomanas vaginalis, Giardia, các vi khuẩn kỵ khí gram âm kể cả Bacteroid, Clostridium, Helicobacter nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn ưa khí.

Cơ chế tác dụng của metronidazol:

-Nhóm nitro của metronidazol bị khử bởi protein vận chuyển electron hoặc bởi ferredoxin.

-Metronidazol dạng khử làm mất cấu trúc xoắn của ADN, tiêu diệt vi khuẩn và sinh vật đơnbào.

Chỉ định:

-Bệnh do amip.

-Bệnh đường niệu-sinh dục do trichomonas.

-Viêm âm đạo không đặc hiệu.

-Bệnh do Giardia intestinalis.

-Ðiều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí trong phẫu thuật.

-Ðiều trị dự phòng nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí trong các trường hợp phẫu thuật có nguy cơ cao.

-Dùng liên tục với đường tiêm truyền để điều trị hoặc phòng ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí.

Chống chỉ định:

-Quá mẫn cảm với imidazole.

-Bệnh nhân động kinh.

-Rối loạn đông máu.

-Người mang thai 3 tháng đầu, thời kỳ cho con bú.

Thận trọng lúc dùng:

-Theo dõi công thức bạch cầu khi có tiền sử rối loạn thể tạng máu hay khi điều trị liều cao và/hoặc kéo dài.

-Trường hợp bị giảm bạch cầu, việc tiếp tục điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của nhiễm trùng.

Khi mang thai và đang cho con bú

-Những nghiên cứu ở động vật cho thấy metronidazole không gây quái thai và không độcđối với phôi thai.

-Nghiên cứu trên hàng trăm phụ nữ có thai sử dụng metronidazole trong 3 tháng đầu thai kỳ, không có trường hợp gây dị dạng nào; và nghiên cứu sử dụng sau 3 tháng này không thấy độc đối với phôi. Do đó, metronidazole không chống chỉ định ở phụ nữ có thai trong trường hợp cần thiết.

-Tránh dùng metronidazole khi nuôi con bú bằng sữa mẹ do thuốc được bài tiết qua sữa mẹ.

Tương tác thuốc:

Không nên phối hợp:

-Disulfiram: vì có thể gây cơn hoang tưởng và rối loạn tâm thần.

-Rượu: hiệu ứng antabuse (nóng, đỏ, nôn mửa, tim đập nhanh).

Thận trọng khi phối hợp:

-Các thuốc chống đông máu dùng uống (như warfarin: tăng tác dụng thuốc chống đông máu và tăng nguy cơ xuất huyết (do giảm chuyển hóa ở gan);

-Kiểm tra thường xuyên tỷ lệ prothrombine và theo dõi INR;

-Ðiều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông trong thời gian điều trị với metronidazole đến 8 ngày sau khi ngưng điều trị.

Các phối hợp cũng nên lưu ý:

-Fluoro-uracil: làm tăng độc tính của 5 Fluoro-uracil do giảm sự thanh thải.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

Metronidazole có thể làm bất động xoắn khuẩn, do đó làm sai kết quả xét nghiệm Nelson.

Tác dụng phụ:

-Hiếm, tuy nhiên đôi khi cũng được ghi nhận:

-Rối loạn nhẹ đường tiêu hóa: buồn nôn, biếng ăn, miệng có vị kim loại, đau thượng vị, ói mửa, tiêu chảy.

Ngoại lệ:

-Những phản ứng ở da-niêm mạc: nổi mề đay, cơn bừng vận mạch, ngứa, viêm lưỡi với cảm giác khô miệng;

-Những dấu hiệu thần kinh-tâm thần: nhức đầu. chóng mặt, lẫn, co giật;

-Viêm tụy, hồi phục khi ngưng điều trị.

-Giảm bạch cầu.

-Bệnh thần kinh cảm giác ngoại biên, các triệu chứng này luôn luôn giảm rồi hết hẳn khi ngưng điều trị.

Ngoài ra, nước tiểu có thể nhuộm màu nâu đỏ do các sắc tố hình thành do chuyển hóa của thuốc.

Liều lượng:

Bệnh amip:

-Người lớn: 1,5g/ngày, chia làm 3 lần.

-Trẻ em: 30-40mg/kg/ngày, chia làm 3 lần.

-Trong bệnh amip ở gan, ở giai đoạn mưng mủ, cần dẫn lưu mủ song song với điều trị bằng metronidazole. Ðiều trị liên tục trong 7 ngày.

Bệnh do trichomonas:

-Ở phụ nữ (viêm âm đạo và niệu đạo do trichomonas): liều duy nhất 2g hoặc điều trị phối hợp trong 10 ngày: 500mg/ngày, chia làm 2 lần, và đặt thêm 1 viên trứng vào buổi tối. Cần điều trị đồng thời cho cả người có quan hệ tình dục, ngay cả khi không có triệu chứng bệnh.

-Ở nam giới (viêm niệu đạo do trichomonas): liều duy nhất 2g hoặc 500mg/ngày chia làm 2 lần, uống trong 10 ngày.

-Rất hiếm khi cần phải tăng liều đến 750 mg hoặc 1g/ngày.

Bệnh do Giardia intestinalis: điều trị liên tục trong 5 ngày.

- Người lớn: 750mg - 1g/ngày.

- Trẻ em:

+ từ 10 đến 15 tuổi: 500mg/ngày;

+ từ 5 đến 10 tuổi: 375mg/ngày;

+ từ 2 đến 5 tuổi: 250mg/ngày.

Viêm âm đạo không đặc hiệu:

-500mg, 2lần/ngày, uống trong 7 ngày. Ðiều trị đồng thời cho cả người có quan hệ tình dục.

-Trong một số trường hợp viêm âm đạo, có thể kết hợp uống và đặt tại chỗ 1 viên trứng/ngày.

Nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí: (điều trị đầu tay hoặc chuyển tiếp)

-Người lớn: 1-1,5g/ngày.

-Trẻ em: 20 - 30mg/kg/ngày.

Dự phòng nhiễm vi khuẩn kỵ khí trong phẫu thuật:

-Metronidazole được dùng phối hợp với một thuốc có tác động trên vi khuẩn đường ruột.

-Người lớn: 500mg mỗi 8 giờ, bắt đầu dùng thuốc 48 giờ trước khi phẫu thuật, liều cuối cùng 12 giờ sau phẫu thuật.

-Trẻ em: 20 đến 30mg/kg/ngày, cùng phác đồ như người lớn.

6. Tinidazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Tên Biệt dược: Depantil Kit

Dạng bào chế: Viên nén bao phim; Viên nén; Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch

Thành phần: Tinidazole

Dược lực:

Tinidazole là một dẫn xuất thay thế của hợp chất imidazole có tác động kháng nguyên sinh động vật và kháng vi khuẩn kỵ khí.
  

Dược động học:

-Hấp thu: Tinidazole được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn sau khi uống. Trong nghiêncứu ở người tình nguyện khỏe mạnh được cho uống 2g tinidazole, nồng độ đỉnh trong huyết thanh trong khoảng 40-51mcg/ml đạt được trong vòng 2 giờ và giảm dần cho đến 11-19mcg/ml sau 24 giờ.

-Khi tiêm tĩnh mạch cho người tình nguyện khỏe mạnh dùng 800mg và 1,6g tinidazole trong vòng 10-15 phút, nồng độ đỉnh trong huyết tương từ 14-21mcg/ml với liều 800 mg và trung bình 32mcg/ml với liều 1,6g. 24 giờ sau khi tiêm truyền, nồng độ tinidazole trong huyết tương giảm lần lượt là 4-5mcg/ml và 8,6mcg/ml cho thấy thuốc có thể sử dụng một lần duy nhất trong ngày.

-Nồng độ trong huyết tương giảm chậm và tinidazole có thể được tìm thấy trong huyết tương vào giờ thứ 72 sau khi tiêm truyền và uống với nồng độ lần lượt là 0,05mcg/ml và đến 1mcg/ml. Thời gian bán thải trong huyết tương của tindazole khoảng 12-14 giờ.
 

-Phân bố: Tinidazole được phân phối rộng rãi trong tất cả các mô cơ thể, đi qua được hàng rào máu não và đạt tới nồng độ hữu hiệu trên lâm sàng ở tất cả các mô. Thể tích phân bố đo được vào khoảng 50 lít. Khoảng 12% tinidazole trong huyết tương gắn kết với proteine huyết tương.

-Thải trừ: Tinidazole được đào thải qua gan và thận.

-Các nghiên cứu trên bệnh nhân khỏe mạnh cho thấy rằng trong vòng 5 ngày, 60-65% liều sử dụng được đào thải qua thận với 25% dưới dạng không đổi.

-Khoảng 12% liều dùng được đào thải qua phân.

-Các nghiên cứu trên bệnh nhân suy thận (thanh thải creatinine < 22ml/phút) cho thấy rằng không có sự thay đổi đáng kể có ý nghĩa thống kê trên những thông số dược động học của tinidazole. Do đó, không cần điều chỉnh liều lượng cho các bệnh nhân suy thận.

Tác dụng:

-Tinidazole chống lại vi khuẩn kỵ khí và động vật đơn bào là do thuốc xâm nhập vào tế bào vi sinh vật và gây tổn hại trên các chuỗi ADN hay ức chế sự tổng hợp của chúng.

-Tinidazole có hoạt tính trên cả nguyên sinh động vật và vi khuẩn kỵ khí bắt buộc. Tác động kháng động vật nguyên sinh bao gồm Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica và Giardia lamblia.

-Tinidazole có hoạt tính chống lại Gardnerella vaginalis và hầu hết các vi khuẩn kỵ khí bao gồm: Bacteroides fragilis, Bacteroides melaninogenicus, Bacteroides spp., Clostridium spp., Eubacterium spp., Fusobacterium spp., Peptococcus spp., Peptostreptococcus spp., và Veillonella spp.

Chỉ định:

Dự phòng: Ngăn ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là những nhiễm khuẩn sau phẫu thuật đại tràng, tiêu hóa và phụ khoa.

Ðiều trị những nhiễm khuẩn sau:

Nhiễm khuẩn kỵ khí như:

-Nhiễm khuẩn trong phúc mạc: viêm phúc mạc, áp-xe.

-Nhiễm khuẩn phụ khoa: viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung, áp-xe tử cung-buồng trứng.

-Nhiễm khuẩn huyết.

-Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.

-Nhiễm khuẩn da và mô mềm.

-Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới: viêm phổi, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi.

Và một số viêm nhiễm do các tác nhân khác:

-Viêm âm đạo không đặc hiệu.

-Viêm loét lợi cấp tính.

-Bệnh Trichomonas đường niệu dục ở cả nam lẫn nữ.

-Bệnh Giardia.

-Bệnh amip ruột.

-Bệnh amip gan.

Chống chỉ định:

-Tinidazole chống chỉ định trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, bà mẹ đang cho con bú , những bệnh nhân có rối loạn thần kinh thực thể và những bệnh nhân có quá mẫn đã biết với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

-Giống như các thuốc có cấu trúc tương tự khác, Tinidazole cũng chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử hay có rối loạn tạo máu, mặc dù không ghi nhận được bất thường về huyết học kéo dài nào trên lâm sàng cũng như trong nghiên cứu trên thú vật với tinidazole.

Thận trọng lúc dùng:

-Giống như những thuốc cùng nhóm, nên tránh dùng rượu trong khi điều trị với Tinidazole do có khả năng phản ứng dạng disulfiram (bừng mặt, co thắt bụng, nôn ói, nhịp tim nhanh).

-Các thuốc có cùng cấu trúc hóa học với Tinidazole thường đi kèm với các rối loạn thần kinh khác nhau như chóng mặt, choáng váng, mất điều hòa, bệnh thần kinh ngoại biên và hiếm khi gây co giật. Nên ngưng thuốc nếu có bất kỳ dấu hiệu thần kinh bất thường nào trong quá trình trị liệu với Tinidazole.

-Tác động lên khả năng lái xe và vận hành máy móc:

-Chưa có nghiên cứu tác động của tinidazole lên khả năng lái xe hay vận hành máy móc phức tạp tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy thuốc có thể ảnh hưởng lên các khả năng này.

Lưu ý khi mang thai và đang cho con bú

1. Lúc có thai:

-Các nghiên cứu trên khả năng sinh sản ở chuột được cho dùng tinidazole 100 hay 300mg/kg không có ảnh hưởng nào trên khả năng sinh sản, trọng lượng chuột mẹ và chuột con, quá trình sinh nở, sức sống cũng như việc cho con bú. Có một sự gia tăng nhẹ nhưng không đáng kể trong tỷ lệ sẩy thai với liều 300mg/kg.

-Tinidazole đi qua hàng rào nhau thai. Do không biết được tác động của các hoạt chất thuộc nhóm này, chống chỉ định sử dụng tinidazole trong ba tháng đầu thai kỳ. Không có bằng chứng gây hại của Tinidazole trong các giai đoạn sau của thai kỳ, tuy nhiên cần cân nhắc lợi ích trị liệu và nguy hại có thể xảy ra cho bà mẹ và thai nhi khi sử dụng thuốc trong ba tháng giữa và cuối của thai kỳ.

2. Lúc nuôi con bú:

-Tinidazole tiết qua sữa mẹ, hoạt chất có thể tiếp tục tiết ra trong sữa hơn 72 giờ sau khi dùng thuốc. Các bà mẹ không nên cho trẻ bú sữa tối thiểu ba ngày sau khi ngưng Tinidazole.

Tương tác thuốc:

Rượu có thể gây phản ứng dạng disulfiram và nên tránh dùng cho đến 72 giờ sau khi ngưng Tinidazole.

Tác dụng phụ:

-Các tác dụng ngoại ý được báo cáo nói chung là không xảy ra thường xuyên, nhẹ và tự khỏi. Các tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa bao gồm buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, lưỡi có vị kim loại và đau bụng.

-Các phản ứng quá mẫn, đôi khi trầm trọng có thể xuất hiện trong những trường hợp hiếm dưới dạng nổi ban da, ngứa ngáy, mề đay và phù mạch thần kinh.

-Các rối loạn thần kinh đi kèm với sự sử dụng Tinidazole bao gồm chóng mặt, choáng váng, mất điều hòa, bệnh thần kinh ngoại vi (dị cảm, rối loạn giác quan, giảm cảm giác) và hiếm khi có co giật.

-Giống như các thuốc tương tự, Tinidazole có thể gây giảm bạch cầu thoáng qua. Các tác dụng phụ hiếm được báo cáo khác là nhức đầu, mệt mỏi, rêu lưỡi và nước tiểu có màu sẩm.

Liều lượng:

Ngăn ngừa nhiễm khuẩn hậu phẫu:

-Người lớn: Ðường uống: Uống một liều duy nhất 2g khoảng 12 giờ trước khi phẫu thuật.

-Trẻ em dưới 12 tuổi: Không có dữ liệu cho phép dùng liều dự phòng nhiễm khuẩn kỵ khí ở trẻ dưới 12 tuổi.

Nhiễm khuẩn vi khuẩn kỵ khí:

-Người lớn: Ðường uống: liều khởi đầu 2g trong ngày đầu tiên sau đó 1g mỗi ngày, dùng một lần duy nhất hay 500mg hai lần mỗi ngày. Ðiều trị trong 5 hay 6 ngày nói chung là đủ, nhưng cần phải xác định thời gian điều trị qua thăm khám lâm sàng, đặc biệt ở một vài nơi khó loại bỏ nhiễm khuẩn.

-Nên thăm khám lâm sàng cũng như cận lâm sàng thường xuyên nếu thấy cần thiết phải tiếp tục điều trị hơn 7 ngày. ;

-Trẻ em dưới 12 tuổi: Không có dữ liệu cho phép dùng liều điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí ở trẻ dưới 12 tuổi.

Viêm âm đạo không đặc hiệu:

-Người lớn: Viêm âm đạo không đặc hiệu đã được điều trị thành công với một liều uống duy nhất 2g. Tỷ lệ lành bệnh cao hơn cũng đã đạt được với liều 2g uống một lần mỗi ngày trong hai ngày liên tiếp (tổng liều là 4 g).

Viêm loét lợi cấp:

-Người lớn: Uống liều duy nhất 2g.

Bệnh trichomonas đường tiết niệu:

Khi đã xác định nhiễm khuẩn Trichomonas vaginalis, nên điều trị cùng lúc với người phối ngẫu.

-Phác đồ được lựa chọn dành cho người lớn: Uống một liều duy nhất 2g.

-Trẻ em: Dùng liều duy nhất 50 đến 75mg/kg thể trọng. Ðôi khi có thể cần phải lặp lại liều này một lần nữa.

Bệnh Giardia:

-Người lớn: Uống một liều duy nhất 2g.

-Trẻ em: Uống liều duy nhất 50 đến 75mg/kg thể trọng. Ðôi khi có thể cần phải lập lại liều này một lần nữa.

Amip ruột:

-Người lớn: Dùng liều duy nhất 2g trong 2 hay 3 ngày hay 600mg hai lần mỗi ngày trong 5 ngày. Trong một vài trường hợp, khi liều dùng duy nhất mỗi ngày trong 3 ngày không hữu hiệu, có thể tiếp tục điều trị đến sáu ngày.

-Khi điều trị hai lần mỗi ngày trong 5 ngày không hữu hiệu, có thể tiếp tục điều trị cho đến 10 ngày;

-Trẻ em: uống một liều đơn 50 đến 60mg/kg thể trọng mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp.

Amip gan:

-Trong việc điều trị amip gan, cùng với điều trị bằng Tinidazole có thể cần phải hút mủ.

-Người lớn: Ðường uống: Tổng liều thay đổi từ 4,5 đến 12g, tùy theo mức độ tác hại của Entamoeba histolytica.

-Ðiều trị khởi đầu theo đường uống với liều đơn 1,5 đến 2g mỗi ngày trong 3 ngày.

-Trong một vài trường hợp, khi điều trị ba ngày không có hiệu lực, có thể tiếp tục điều trị cho đến 6 ngày.

-Có thể dùng theo cách khác là uống 600mg hai lần mỗi ngày trong 5 ngày.

-Ðôi khi, nếu điều trị ba ngày không có hiệu lực, có thể tiếp tục điều trị cho đến 10 ngày.

-Trẻ em: Uống liều duy nhất 50 đến 60mg/kg thể trọng mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp.

Cách dùng:

-Nên uống Tinidazole trong hay sau bữa ăn.

Quá liều:

-Trong các nghiên cứu ngắn hạn trên chuột nhắt và chuột cống, LD50 lần lượt > 3.600mg/kg và > 2.300mg/kg theo đường uống.

-Dấu hiệu và triệu chứng quá liều:

-Không có báo cáo về quá liều trên người được ghi nhận với Fasygine.

-Ðiều trị quá liều: không có chất đối kháng đặc hiệu để điều trị quá liều với tinidazole mà chỉ có điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Có thể cần phải rửa dạ dày. Tinidazole có thể được thẩm phân dễ dàng.

7. Secnidazole

Nhóm Dược lý: Thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn

Tên Biệt dược: Secnaz 1000; Secnida forte; Seczolin

Dạng bào chế: Viên bao film; Thuốc cốm

Thành phần: Secnidazole
 

Dược lực:

-Chất dẫn xuất tổng hợp nhóm nitro-imidazol.

Dược động học:

-Nồng độ huyết thanh tối đa đạt 3 giờ sau khi uống một liều duy nhất 2g secnidazol (dưới dạng viên 500mg). Thời gian bán hủy huyết thanh khoảng 25 giờ.

-Thải trừ chậm, chủ yếu qua nước tiểu (50% liều dùng được thải trừ trong 120 giờ).

-Thuốc có thể đi xuyên qua nhau thai và đi vào sữa mẹ.

Tác dụng:

-Có hoạt tính diệt ký sinh trùng: Entamoeba histolytica, Giardia intestinalis, Trichomonas vaginalis.

-Hoạt tính diệt vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides, Fusobacterium, Clostridium, Peptostreptococcus, Veillonella...

Chỉ định:

-Bệnh amib ở ruột và ở gan.

-Bệnh giardia.

-Viêm âm đạo và niệu đạo do Trichomonas vaginalis.

-Viêm âm đạo không đặc hiệu (nhiễm khuẩn âm đạo).

Chống chỉ định:

-Quá nhạy cảm đối với dẫn xuất imidazol.

-Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú.

Thận trọng lúc dùng:

-Tránh uống rượu trong thời gian điều trị với secnidazole.

-Không dùng ở người có tiền sử rối loạn thể tạng máu.

-Người lái xe và vận hành máy móc:

-Hiếm trường hợp chóng mặt khi điều trị với secnidazole.

Lưu ý khi mang thai và đang cho con bú

Lúc có thai:

-Những nghiên cứu ở động vật cho thấy secnidazole không gây quái thai. Tuy nhiên tính gây dị dạng ở người chưa khẳng định.

-Về mặt lâm sàng, chưa có những bằng chứng xác đáng đánh giá tính gây dị dạng hoặc độc với phôi thai khi sử dụng secnidazole trong thời kỳ mang thai.

-Ðể thận trọng, không nên sử dụng secnidazole ở phụ nữ có thai.

Lúc nuôi con bú:

-Không thấy secnidazole đi qua sữa mẹ.

-Tuy nhiên những dẫn chất imidazole khác qua sữa mẹ, người ta đã mô tả những trường hợp nấm candida miệng và tiêu chảy gặp ở những trẻ bú sữa mà người mẹ đang điều trị với dẫn xuất imidazole.

-Do đó, nên ngưng cho con bú trong thời gian điều trị.

Tương tác thuốc:

Không nên phối hợp:

-Disulfiram: vì gây cơn hoang tưởng, lú lẫn.

-Rượu: hiệu ứng antabuse (nóng, đỏ, nôn mửa, tim đập nhanh).

Thận trọng khi phối hợp:

-Thuốc chống đông máu đường uống (như warfarin: gia tăng tác dụng thuốc chống đông máu và tăng nguy cơ xuất huyết, vì giảm sự dị hóa ở gan.

-Kiểm tra thường xuyên hàm lượng hoặc tỷ prothrombine và theo dõi INR.

-Ðiều chỉnh liều dùng thuốc chống đông trong khi điều trị với secnidazol đến 8 ngày sau khi ngưng điều trị.

Tác dụng phụ:

Các tác dụng phụ không mong muốn thường gặp khi điều trị bằng dẫn xuất imidazol gồm:

-Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, đau dạ dày, miệng có vị kim loại, viêm lưỡi, viêm miệng.

-Nổi mề đay.

-Giảm bạch cầu nhẹ, hồi phục khi ngưng thuốc.

-Hiếm khi: chóng mặt, hiện tượng mất phối hợp và mất điều hòa, dị cảm, viêm đa dây thần kinh cảm giác-vận động.

-Ðối với Flagentyl, cho đến nay chỉ thấy có các rối loạn tiêu hóa (nôn, mửa, đau dạ dày).

Liều lượng:

Bệnh amibe cấp tính, có triệu chứng (dạng E. histolytica) và bệnh giardia:

-Người lớn: 2g, một liều duy nhất vào đầu bữa ăn.

-Trẻ em: 30mg/kg một liều duy nhất.

Bệnh amibe không triệu chứng (dạng minuta và dạng bào nang):

-Uống cùng liều như trên trong 3 ngày.

Amibe gan:

-Người lớn: 1,5g/ngày, uống 1 lần hoặc nhiều lần vào đầu các bữa ăn, trong 5 ngày.

-Trẻ em: 30mg/kg/ngày, uống 1 lần hoặc nhiều lần vào đầu các bữa ăn trong 5 ngày.

-Trong giai đoạn mưng mủ, cần dẫn lưu mủ song song với điều trị bằng Flagentyl.

-Viêm âm đạo và niệu đạo do Trichomonas vaginalis và nhiễm khuẩn âm đạo: 2g, một liều duy nhất.

-Ðiều trị đồng thời người có quan hệ giới tính: 2g, một liều duy nhất.


Ngày 06/11/2010
Ds. Huỳnh Bình Phước và Ths. Huỳnh Hồng Quang
(tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích