Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 7 3 8 5
Số người đang truy cập
3 9 3
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Giun lươn
Cảnh báo bệnh nặng do nhiễm giun lươn chẩn đoán muộn

Khoa Hồi sức-Bệnh viện Hoàn Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo một bệnh nhân tên V.V.L. 54 tuổi, làm nghề trồng trọt bị nhiễm giun lươn nhưng vào điều trị tại bệnh viện quá muộn với các triệu chứng nặng, bị tổn thương đa phủ tạng đã được cứu sống. Cộng đồng và các cơ sở y tế cần cảnh báo về bệnh giun lươn, một bệnh ký sinh trùng ít gặp, có thể bị lãng quên nên khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán, điều trị muộn; làm ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng.

 

Đặc điểm của bệnh giun lươn

Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides stercoralis, đã được Normand phát hiện lần đầu tiên vào năm 1876 ở một bệnh nhân là lính viễn chinh Pháp đóng quân ở miền Nam Việt Nam. Bệnh nhân này bị nhiễm giun lươn kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy ... Một số tài liệu còn gọi bệnh giun lươn này là bệnh tiêu chảy Nam Bộ. Giun lươn phân bố rộng khắp thế giới nhưng tỷ lệ nhiễm không cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun lươn ở miền Bắc khoảng từ 0,2 đến 2,5%; ở miền Nam khoảng 1,19%.

Tuy giun lươn có sự phân bố rộng khắp nơi trên thế giới nhưng cũng như giun móc, nó có một giai đoạn phát triển ở ngoại cảnh nên cần một số yếu tố khí hậu và địa lý khác nhau; vì vậy mức độ nhiễm khác nhau tùy từng vùng. Những vùng bị nhiễm giun móc nặng thường nhiễm giun lươn nhiều. Tuy nhiên giun lươn không yêu cầu nhiệt độ cao như giun móc nên ở một số vùng khí hậu lạnh vẫn có bệnh lưu hành như Nga, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Pháp ... Ở Việt Nam, theo điều tra của Galliard vào năm 1940, ở miền Bắc có tỷ lệ nhiễm giun lươn thay đổi từ 0,2% đến 2,5%. Những năm gần đây, Bộ môn Ký sinh trùng-Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã điều tra cơ bản thấy tỷ lệ nhiễm giun lươn thường xuyên dưới 1%. Thực tế ghi nhận giun lươn có sự phân bố bất thường và gần như không thành quy luật.

Theo quan niệm trước đây, nguồn bệnh duy nhất của giun lươn là người. Hiện nay đã phát hiện thấy cả chó, mèo cũng mắc bệnh giun lươn nên nó có thể là nguồn lây bệnh. Mầm bệnh giun lươn là ấu trùng ở giai đoạn có thực quản hình sợi (filariform), có thể từ nguồn bệnh hoặc môi trường tự do. Bệnh giun lươn được lây truyền qua da, những người thường xuyên tiếp xúc với phân, đất, hầm, hố ... rất dễ có nguy cơ nhiễm giun.

Vòng đời và sự lây nhiễm bệnh

Vòng đời của giun lươn có sự luân phiên, trải qua hai giai đoạn sống ký sinh và sống tự do. Trong đời sống ký sinh, giun lươn cái trưởng thành sống trong thành ruột ở đoạn tá tràng. Giun cái đẻ khoảng 50-70 trứng mỗi ngày. Trứng giun lươn gần giống trứng giun móc, có phôi ngay khi mới đẻ; thường thấy ở ống dẫn trứng của giun cái hoặc có thể thấy trong dịch tá tràng. Trứng nở ngay ra ấu trùng trong thành ruột, ấu trùng chui ra lòng ruột và theo phân tống xuất ra ngoại cảnh. Ở ngoại cảnh, ấu trùng lột xác, phát triển từ ấu trùng có thực quản hình củ (rhabditiform) không có khả năng lây nhiễm thành ấu trùng có thực quản hình sợi (filariform) có khà năng lây nhiễm. Ấu trùng có thực quản hình củ có miệng mở, xoang miệng ngắn. Ấu trùng có thực quản hình sợi giống ấu trùng giun móc nhưng đuôi cắt ngang hay chẻ đôi, trong khi đó đuôi của ấu trùng giun móc lại nhọn. Từ ngoại cảnh, ấu trùng có thực quản hình sợi chui qua da vật chủ, theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, phát triển ở phổi; phân giới đực, cái, thụ tinh ở phổi rồi lên khí quản, hầu. Giun đực bị tống xuất ra ngoài khi bệnh nhân ho hoặc cũng có thể bị nuốt xuống thực quản, rồi xuống ruột nhưng sẽ bị chết vì không sống ký sinh được. Trong khi đó, giun cái rơi vào thực quản, xuống ruột, ký sinh trong thành ruột, sinh sản tiếp tục theo chu kỳ sinh học. Thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập vào cơ thể cho đến khi phát triển thành giun trưởng thành và có khả năng sinh sản mất khoảng 20-30 ngày qua hai lần lột vỏ. Giun cái ký sinh có thể sống từ 10 năm đến 13 năm ở người.

Trong đời sống tự do, ấu trùng giun lươn theo phân tống xuất ra ngoại cảnh, lột vỏ một lần, phát triển thành giun đực, giun cái trưởng thành, sống tự do và ăn các vi khuẩn, chất hữu cơ ở trong đất. Giun đực và giun cái sống tự do, giao phối rồi đẻ trứng, sau vài giờ trứng đẻ ra ấu trùng. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, ấu trùng cần nhiệt độ từ 28-34oC, độ pH trung tính, đủ độ ẩm, có nguồn thức ăn phong phú; ấu trùng phát triển qua ba lần lột vỏ, sau vài ngày thành giun trưởng thành và lại sinh sản tiếp tục vòng đời tự do. Nếu gặp điều kiện không thuận lợi, ấu trùng phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi ở môi trường tự do lại chui qua da, niêm mạc của vật chủ và chuyển sang đời sống ký sinh ở vật chủ.
 

Giun lươn có một hiện tượng tự nhiên hay gặp và thường xảy ra trong các trường hợp khi bệnh nhân bị táo bón, ấu trùng có thực quản hình củ tồn tại lâu ở phần cuối đại tràng, phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi. Ấu trùng chui qua ruột vào hệ thuần hoàn, di cư như khi chui qua da của vật chủ, phát triển thành giun trưởng thành. Có thể một số ấu trùng có thực quản hình trụ theo phân tới hậu môn chui ngay qua da, niêm mạc vùng hậu môn, đáy chậu vào hệ tuần hoàn, tiếp tục chu du trong cơ thể và phát triển thành giun trưởng thành. Ngoài ra, ở những bệnh nhân có sức đề kháng quá kém, ấu trùng có thực quản hình củ phát triển thành ấu trùng có thực quản hình sợi ngay khi đang còn ở trong thành ruột. Sau đó ấu trùng xâm nhập vào chỗ sâu hơn, vào tĩnh mạch mạc treo ruột, vào tuần hoàn, tiếp tục chu du trong cơ thể vật chủ rồi lại trở về ruột, chui vào thành ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh ở đó.

Khi vật chủ bị nhiễm giun lươn, giun có thể kéo dài nhiều năm. Trên thực tế có nhiều trường hợp bệnh giun lươn kéo dài tới 30-40 năm mặc dù bệnh nhân không tiếp xúc với ổ bệnh, không bị tái nhiễm và tuổi thọ của giun trưởng thành không kéo dài đến mức như vậy. Hiện tượng tự nhiễm của giun lươn là lý do để giải thích vấn đề này. Tuy nhiên, trong báo cáo kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 1982 đã đưa ra giả thuyết giun lươn có thể tồn tại mãi trong cơ thể vật chủ do sinh sản ra được những thế hệ ấu trùng mới từ những giun cái sinh sản đơn giới nằm dính vào niêm mạc ở phần trên ruột non.

Triệu chứng bệnh lý thường gặp

Khi ấu trùng giun lươn xâm nhập qua da, lần đầu tiên gây ngứa, da sẩn đỏ, bạch cầu ái toan trong máu tăng nhưng dấu hiệu bệnh lý chỉ thoáng qua, bệnh nhân không để ý, những lần sau triệu chứng xảy ra nặng hơn. Nếu ấu trùng giun lươn của loài động vật khác lạc chủ sang người như giun lươn của chim bồ câu thì triệu chứng ngứa dữ dội, nổi ban đỏ từng đám, có thể kéo dài gần một tháng.

Ở phổi, ấu trùng giun lươn có thể gây hiện tượng xung huyết giống như ấu trùng giun đũa, giun móc; gây chảy máu do ấu trùng di chuyển làm vỡ mao mạch phổi. Ấu trùng có thể chui vào phế nang gây tăng tiết chất nhầy, làm viêm phổi. Bệnh nhân ho khan dai dẳng, kéo dài khoảng một tuần. Trong một số trường hợp, giun lươn gây kích thích, làm tái phát những tổn thương lao đã ổn định.

Ở ruột, ấu trùng giun lươn thường gây nên những cơn đau như viêm hành tá tràng, kích thích ruột gây đau bụng, tiêu chảy từng đợt; phân có chất nhầy máu kèm theo đau bụng, sốt, bạch cầu ái toan tăng cao. Xen kẽ với triệu chứng tiêu chảy, có những đợt táo bón gây nên bệnh cảnh lâm sàng tương đối đặc hiệu và được các nhà khoa học mô tả là bệnh tiêu chảy Nam Bộ. Nếu bệnh nặng có thể có triệu chứng chảy máu ruột, thiếu máu nhược sắc ...

Ngoài ra, nhiễm giun lươn có thể gây mất ngủ hoặc các rối loạn thần kinh khác do độc tố của giun tiết ra.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán bệnh giun lươn bằng cách xét nghiệm ký sinh trùng học để tìm ấu trùng giun lươn ở trong phân khó phát hiện được vì ấu trùng giun lươn được thải ra ngoài không liên tục, vì vậy nên xét nghiệm ngay sau khi người bệnh đi đại tiện để phân biệt với ấu trùng giun móc. Có thể xét nghiệm phân trực tiếp nếu có nhiều ấu trùng, khi ít ấu trùng thì phải sử dụng phương pháp Bearmann. Xét nghiệm dịch tá tràng có thể cho kết quả sớm, chính xác, áp dụng đối với những bệnh nhân bị táo bón. Ở giai đoạn ấu trùng di cư đến phổi, đôi khi có thể thấy giun lươn ở trong đờm.

 

 Chu kỳ phát triển của giun lươn

Hiện nay, thuốc thiabendazole được xem là thuốc tốt nhất để điều trị bệnh giun lươn. Dùng liều 50 mg/kg cân nặng trong 1 ngày, uống 3 ngày liền, thuốc có hiệu quả từ 60-90%. Hiệu ứng phụ của thuốc có thể xảy ra như buồn nôn, chóng mặt, nhiều mồ hôi, nước tiểu có mùi hơi khó chịu. Ngoài ra thuốc tẩy giun thông thường như albendazole hoặc mebendazole cũng có tác dụng điều trị đối với giun lươn. Dùng albendazole 400mg liều duy nhất, người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên sử dụng liều giống nhau. Có thể dùng mebendazole 100mg, chỉ uống 1 viên duy nhất, người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên dùng liều giống nhau; sau 2 tuần uống thêm 1 lần nữa. Chú ý không dùng albendazole hoặc mebendazole cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi. Nên điều trị thuốc đặc hiệu kết hợp với những biện pháp chống táo bón. Cấm dùng thuốc nhóm corticoide và các thuốc ức chế miễn dịch trong bệnh giun lươn vì sẽ làm tăng số lượng giun lươn, làm giun lươn có thể thay đổi vị trí đi lên phổi, não, dẫn đến nguy vơ tử vong. Trước khi phẫu thuật cấy ghép mô, nếu phát hiện thấy giun lươn, cần điều trị giun lươn trước, sau đó mới tiến hành phẫu thuật.

Phòng bệnh giun lươn cũng giống như phòng bệnh giun móc. Cần phát hiện, điều trị bệnh nhân để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Xử lý tốt nguồn phân thải bằng cách sử dụng các loại hố xí hợp vệ sinh. Truyền thông giáo dục sức khỏe về ý thức vệ sinh, kiến thức phòng chống bệnh. Nhiều nơi mặc dù có đủ hố xí hợp vệ sinh nhưng trẻ em vẫn còn tình trạng phóng uế bừa bãi. Nên làm sạch ngoại cảnh để diệt trứng, ấu trùng giun lươn bằng cách rắc vôi bột, muối ở những chỗ đất bị ô nhiễm nặng như chung quanh hố xí, nguồn phân ... Biện pháp phòng tránh nhiễm giun lươn có hiệu quả là hạn chế tiếp xúc với đất, phân, không ngồi và nằm trên đất. Khi lao động có tiếp xúc với phân, đất; nên đi ủng cao su hoặc sử dụng các trang thiết bị bảo vệ da.

Cảnh báo mắc bệnh giun lươn

Mặc dù nhiễm giun lươn trong cộng đồng chiếm tỷ lệ thấp, có thể bị lãng quên nhưng trường hợp bệnh nhân được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh với bệnh cảnh lâm sàng nặng do mắc bệnh giun lươn vào bệnh viện muộn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng là sự cảnh báo cho người dân và các cơ sở y tế cần chú ý, quan tâm đến loại bệnh ký sinh trùng này. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm thì khả năng điều trị bệnh khá đơn giản. Nếu chẩn đoán muộn khi đã xảy ra các biến chứng trầm trọng sẽ có nhiều nguy cơ bị tử vong.

 

Ngày 07/04/2010
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích