Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 19/04/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 2 4 5 3 6 2 7
Số người đang truy cập
2 7 4
 Chuyên đề Ký sinh trùng
Bệnh sán máng (Schistosomiasis): Những thông tin về gánh nặng, sự lan truyền, các triệu chứng, chẩn đoán và biện pháp phòng chống bệnh của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020.

Những nội dung chính về bệnh sán máng trên toàn cầu

·Sán máng là một bệnh cấp tính và mãn tính do giun sán gây ra.

·Mọi người bị nhiễm bệnh thường liên quan đến các hoạt động nông nghiệp, công việc nội trợ, nghề nghiệp và các hoạt động giải trí, họ tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn.

·Thiếu vệ sinh và các thói quen chơi đùa của trẻ em trong độ tuổi đến trường như bơi lội hoặc câu cá trong nguồn nước bị nhiễm khuẩn khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh.

·Kiểm soát bệnh sán máng tập trung vào việc giảm tỉ lệ mắc bệnh thông qua điều trị diện rộng theo định kỳ bằng thuốc praziquantel; biện pháp toàn diện hơn bao gồm nước sạch, vệ sinh đầy đủ và kiểm soát ốc cũng sẽ làm giảm lan truyền bệnh.

·Trong năm 2018, ước tính có ít nhất 290,8 triệu người cần điều trị dự phòng bệnh sán máng, trong đó theo ghi nhận có hơn 97,2 triệu người đã được điều trị .


Phân bố bệnh sán máng trên toàn cầu (Nguồn: CDC Mỹ)

Bệnh sán máng là một bệnh ký sinh trùng cấp tính và mãn tính gây ra bởi sán máng trong máu thuộc giống Schistosoma. Ước tính có ít nhất 229 triệu người cần điều trị dự phòng trong năm 2018. Điều trị dự phòng cần được lặp lại trong một vài năm điều này sẽ làm giảm và ngăn ngừa tỷ lệ mắc bệnh. Lan truyền bệnh sán máng đã được báo cáo tại 78 quốc gia. Tuy nhiên, hóa trị liệu dự phòng bệnh sán máng cho người dân và các cộng đồng được nhắm đến để điều trị trên diện rộng thì chỉ cần thực hiện ở 52 quốc gia lưu hành có mức độ lan truyền từ trung bình đến cao.

Nhiễm bệnh và sự lan truyền

Người bị nhiễm bệnh khi thể ấu trùng của ký sinh trùng do ốc nước ngọt thải vào nguồn nước xâm nhập vào da khi tiếp xúc với nguồn nước đó.


Nguồn: CDC Mỹ

Lan truyền bệnh xảy ra khi người nhiễm bệnh làm nhiễm nguồn nước ngọt thông qua các chất bài tiết của họ có chứa trứng ký sinh trùng và các trứng này sẽ nở trong nước.

Trong cơ thể, ấu trùng phát triển thành sán máng trưởng thành và sống trong mạch máu, ở đó con cái đẻ trứng. Một số trứng được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua phân hoặc nước tiểu để tiếp tục chu kỳ của ký sinh trùng. Các trứng khác dính vào trong các mô của cơ thể, đây là nguyên nhân gây ra phản ứng miễn dịch và tổn thương tiến triển đến các cơ quan trong cơ thể người nhiễm.

Đặc điểm dịch tễ học bệnh sán máng

Bệnh sán máng phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở các cộng đồng dân cư nghèo, không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn và không đủ điều kiện vệ sinh. Theo ước tính có ít nhất 90% những người cần được điều trị bệnh sán máng sống ở châu Phi.

Có 2 thể bệnh sán máng chính gồm thể tiêu hóa và thể tiết niệu sinh dục - gây ra bởi 5 loài sán máng chính.

Các loài ký sinh trùng và phân bố địa lý của bệnh sán máng

Thể bệnh

Loài

Phân bố địa lý

Bệnh sán máng ở đường tiêu hóa

(Intestinal schistosomiasis)

Schistosoma mansoni

Châu Phi, Trung Đông, vùng Caribe, Brazil, Venezuela & Suriname

Schistosoma japonicum

Trung Quốc,  Indonesia, Philippine

Schistosoma mekongi

Một số huyện ở Campuchia và Lào

Schistosoma guineensis và S. intercalatum

Vùng rừng mưa nhiệt đới của Trung Phi

Bệnh sán máng tiết niệu sinh dục (Urogenital schistosomiasis)

Schistosoma haematobium

Châu Phi, Trung Đông, Corsica (Pháp)

Bệnh sán máng chủ yếu ảnh hưởng đến các cộng đồng sống ở nông thôn nghèo, đặc biệt là những người làm nông nghiệp và ngư nghiệp. Phụ nữ làm việc nhà có tiếp xúc với nước nhiễm mầm bệnh, chẳng hạn như giặt quần áo cũng có nguy cơ và có thể phát triển bệnh sán máng ở bộ phận sinh dục nữ. Thiếu vệ sinh và tiếp xúc với nước bị nhiễm mầm bệnh khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

Tình trạng di dân và di cư đến các khu vực đô thị đang đưa căn bệnh này sang các khu vực mới. Việc gia tăng quy mô dân số và nhu cầu tương ứng đối với điện và nước thường dẫn đến các kế hoạch phát triển và thay đổi môi trường tạo điều kiện cho việc lan truyền bệnh.

Sự gia tăng du lịch sinh thái và du lịch đến những nơi ít phổ biến khiến ngày càng nhiều du khách mắc bệnh sán máng. Đôi khi, khách du lịch bị nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng và các biến chứng bất thường kể cả liệt.

Bệnh sán máng thể sinh dục tiết niệu cũng được coi là yếu tố nguy cơ đối với nhiễm HIV, đặc biệt là ở phụ nữ.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng của bệnh sán máng là do phản ứng của cơ thể với trứng sán.

Bệnh sán máng đường tiêu hóa (Intestinal schistosomiasis) có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và có máu trong phân. Gan lớn là phổ biến trong các ca bệnh tiến triển và thường liên quan đến sự tích tụ dịch trong ổ khúc mạc và tăng áp các mạch máu bụng. Ở những ca bệnh như vậy cũng có thể có lách lớn.

Dấu hiệu kinh điển của bệnh sán máng tiết niệu sinh dục (urogenital schistosomiasis) là bệnh đái ra máu (có máu trong nước tiểu). Xơ hóa bàng quang và niệu đạo và tổn thương thận đôi khi được chẩn đoán trong các ca bệnh tiến triển. Ung thư bàng quang là một biến chứng có thể có trong giai đoạn sau. Ở phụ nữ, bệnh sán máng tiết niệu sinh dục có thể xuất hiện với các tổn thương ở bộ phận sinh dục, chảy máu âm đạo, đau khi giao hợp và các nốt trong âm hộ. Ở nam giới, bệnh sán máng tiết niệu sinh dục có thể gây ra bệnh lý của túi tinh, tuyến tiền liệt và các cơ quan khác. Bệnh này cũng có thể có những hậu quả lâu dài không phục hồi, kể cả vô sinh.

Bệnh sán máng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, kinh tế và bệnh có thể gây ra các di chứng hơn cả tử vong. Ở trẻ em, bệnh sán máng có thể gây thiếu máu, suy dinh dưỡng và giảm khả năng học tập, mặc dù các ảnh hưởng này thường hồi phục sau khi điều trị. Bệnh sán máng mãn tính có thể ảnh hưởng đến khả năng lao động và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Số ca tử vong do sán máng thì khó ước tính bởi vì các bệnh lý ẩn như suy gan, suy thận, ung thư bàng quang và mang thai ngoài tử cung do bệnh sán máng ở bộ phận sinh dục nữ.

Ước tính số ca chết do bệnh sán máng là cần đánh giá lại vì còn số này dao động từ 24.072 và 200.000 ca mỗi năm trên toàn cầu. Trong năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới ước tính tỷ lệ chết hàng năm trên toàn cầu là 200.000 ca. Con số này giảm đáng kể do tác động của chiến lược hóa trị liệu dự phòng trên quy mô lớn trong thập kỷ qua.

Chẩn đoán

Bệnh sán máng được chẩn đoán thông qua phát hiện trứng ký sinh trùng trong phân hoặc nước tiểu. Kháng nguyên/kháng thể được phát hiện trong máu hoặc nước tiểu cũng là dấu hiệu nhiễm bệnh.

Đối với sán máng tiệt niệu sinh dục (urogenital schistosomiasis) kỹ thuật lọc lắng sử dụng các phiến lọc nylon, giấy hoặc polycarbonate là kỹ thuật chẩn đoán chuẩn. Trẻ em nhiễm với S. haematobium hầu như luôn có máu trong nước tiểu điều này có thể được phát hiện thông qua các que thử nước tiểu

Trứng sán máng đường tiêu hóa có thể phát hiện trong các mẫu phân thông qua kỹ thuật sử dụng cellophane nhuộm methylene blue nhúng trong glycerine hay trên các lam thủy tinh như kỹ thuật Kato-Katz. Đối với những người sống trong các khu vực lan truyền S. mansoni, testCCA (Circulating Cathodic Antigen) cũng có thể được sử dụng để xét nghiệm bệnh.

Đối với những người sống ở những vùng lan truyền thấp hoặc không có lưu hành bệnh thì các xét nghiệm miễn dịch và huyết thanh có thể hữu ích để chỉ ra sự phơi nhiễm và cần kiểm tra, thăm khám tổng thể, điều trị và theo dõi.

Kiểm soát và phòng chống bệnh

Kiểm soát bệnh sán máng dựa vào điều trị quy mô lớn các nhóm dân số nguy cơ, tiếp cận nguồn nước an toàn, cải thiện điều kiện vệ sinh, giáo dục vệ sinh và kiểm soát ốc.

Chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới là kiểm soát tập trung vào giảm bệnh thông qua điều trị định kỳ nhóm dân số mục tiêu với thuốc praziquantel thông qua điều trị quy mô lớn (hóa dự phòng) các nhóm dân bị ảnh hưởng. Nó liên quan đến việc điều trị thường xuyên cho tất cả các nhóm dân nguy cơ. Ở một vài quốc gia có sự lan truyền thấp nên cố gắng cắt đứt sự lan truyền bệnh.

Các nhóm dân số mục tiêu để điều trị gồm:

+ Trẻ em trong độ tuổi đến trường ở những vùng lưu hành bệnh.

+ Người trưởng thành được xem là có nguy cơ ở những vùng lưu hành bệnh, và những người có nghề nghiệp liên quan đến việc tiếp xúc với nước nhiễm khuẩn như ngư dân, nông dân, các công nhân nhập cư và phụ nữ làm việc nhà tiếp xúc với nước nhiễm khuẩn.

+ Toàn bộ cộng đồng sống ở những khu vực bệnh lưu hành nặng.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đề nghị điều trị cho trẻ em trước độ tuổi mẫu giáo. Điều đáng tiếc là hiện nay không có công thức nào phù hợp của thuốc praziquantel để đưa chúng vào các chương trình điều trị trên quy mô lớn.

Tần suất điều trị được xác định bởi tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ở các khu vực lan truyền cao, việc điều trị có thể phải được lặp lại hàng năm trong khoảng một vài năm. Giám sát là điều cần thiết để xác định tác động của các biện pháp can thiệp kiểm soát.

Mục đích là để giảm tỷ lệ mắc và lan truyền bệnh: điều trị định kỳ cho những người có nguy cơ sẽ chữa được các triệu chứng nhẹ và ngăn ngừa người nhiễm bệnh phát triển bệnh nặng, mãn tính giai đoạn cuối. Tuy nhiên, một hạn chế lớn đối với việc kiểm soát bệnh sán máng đó là tính sẵn có hạn chế của thuốc praziquantel. Dữ liệu năm 2018 cho thấy có 42,4% trong số những người cần điều trị trên toàn cầu được cấp thuốc, với 62,6% trẻ em trong độ tuổi đến trường cần hóa trị liệu dự phòng cho bệnh sán máng được điều trị.

Thuốc Praziquantel là biện pháp điều trị khuyến nghị cho tất cả các thể của bệnh sán máng. Đây là thuốc hiệu quả, an toàn và chi phí thấp. Mặc dù có khả năng tái nhiễm sau khi điều trị, nhưng sẽ loại trừ được nguy cơ bệnh phát triển nặng và thậm chí còn đảo ngược tình thế khi tiến hành điều trị và lặp lại điều trị ở giai đoạn đầu.

Kiểm soát bệnh sán máng đã được thực hiện thành công trong hơn 40 năm qua ở một số quốc gia gồm Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Mauritius, Iran, Oman, Jordan, Ả Rập Saudi, Morocco, Tunisia, v.v… Tại Burundi, Burkina Faso, Ghana, Nigeria, Rwanda, Sierra Leone, Tanzania và Yemen, có thể mở rộng quy mô điều trị bệnh sán máng ở cấp quốc gia và có tác động đến bệnh trong một vài năm. Một đánh giá về tình trạng lan truyền được yêu cầu ở một số quốc gia.

Trong hơn 10 năm qua, đã mở rộng các chiến dịch điều trị ở một số quốc gia cận Sahara, nơi hầu hết những người có nguy cơ đang sống.

Đáp ứng của Tổ chức y tế thế giới

Công tác của Tổ chức Y tế thế giới về bệnh sán máng là một phần của biện pháp tiếp cận tổng hợp để phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Mặc dù đa dạng về mặt y khoa nhưng các bệnh nhiệt đới bị lãng quên có chung các đặc điểm cho phép chúng tồn tại trong điều kiện nghèo đói, nơi chúng có nhiều bệnh lãng quên cùng có mặt.

Tổ chức Y tế thế giới phối hợp chiến lược hóa trị liệu dự phòng với sự tham khảo ý kiến của các trung tâm và đối tác hợp tác từ các tổ chức nghiên cứu và trường đại học, khu vực y tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan phát triển quốc tế và các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc. Tổ chức Y tế thế giới phát triển các hướng dẫn kỹ thuật và công cụ để sử dụng cho các chương trình phòng chống quốc gia.

Làm việc với các đối tác và khu vực tư nhân, Tổ chức Y tế thế giới chủ trương tăng khả năng tiếp cận với thuốc praziquantel và các nguồn lực thực hiện. Khu vực tư nhân và các đối tác phát triển đã cam kết hỗ trợ một lượng đáng kể thuốc Praziquantel để điều trị cho hơn 100 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mỗi năm.

 

Ngày 26/05/2020
ThS. Trần Phương Duyên
(Lượt dịch)
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/schistosomiasis )
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích